Báo Đồng Nai điện tử
En

Đồng bộ hệ thống cảng biển

11:10, 01/10/2021

Đóng vai trò quan trọng trong kết cấu hạ tầng hàng hải, hạ tầng kinh tế - xã hội (KT-XH) và là yếu tố trụ cột để phát triển ngành logistics, hệ thống cảng biển trên địa bàn tỉnh thời gian tới sẽ được "cải tổ" theo hướng đồng bộ, hiện đại như mục tiêu quy hoạch ngành vừa được Chính phủ thông qua.

Đóng vai trò quan trọng trong kết cấu hạ tầng hàng hải, hạ tầng kinh tế - xã hội (KT-XH) và là yếu tố trụ cột để phát triển ngành logistics, hệ thống cảng biển trên địa bàn tỉnh thời gian tới sẽ được “cải tổ” theo hướng đồng bộ, hiện đại như mục tiêu quy hoạch ngành vừa được Chính phủ thông qua.

Bốc xếp hàng hóa tại cảng Đồng Nai. Ảnh: P.Tùng
Bốc xếp hàng hóa tại cảng Đồng Nai. Ảnh: P.Tùng

Ngày 22-9 vừa qua, Phó thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành ký quyết định phê duyệt quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống cảng biển Việt Nam thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.

* Cảng biển Đồng Nai là cảng biển loại I

Theo quy hoạch được phê duyệt, về quy mô và chức năng, cảng biển Đồng Nai là một trong 15 cảng biển loại I trên cả nước. Cũng theo quy hoạch này, cảng biển Đồng Nai thuộc nhóm cảng biển số 4.

Về quy mô kết cấu hạ tầng các cảng biển, khu bến cảng và kết cấu hạ tầng hàng hải công cộng, hệ thống cảng biển trên địa bàn tỉnh được quy hoạch có 3 khu bến cảng biển gồm: khu bến Phước An, Gò Dầu, Phước Thái (trên sông Thị Vải) có phạm vi quy hoạch gồm vùng đất, vùng nước trên sông Thị Vải thuộc H.Nhơn Trạch; khu bến Nhơn Trạch có phạm vi quy hoạch bao gồm vùng đất, vùng nước bên phải tuyến luồng Sài Gòn - Vũng Tàu, luồng Đồng Nai, luồng Đồng Tranh thuộc địa phận H.Nhơn Trạch và khu bến Long Bình Tân (trên sông Đồng Nai) gồm vùng đất, vùng nước bên phải tuyến luồng Đồng Nai (phía hạ lưu cầu Đồng Nai).

Trong 3 khu bến cảng biển trên địa bàn tỉnh, có 2 khu bến cảng biển có chức năng phục vụ phát triển KT-XH ở quy mô cấp vùng và địa phương gồm: khu bến Phước An, Gò Dầu, Phước Thái phục vụ phát triển kinh tế - xã hội các tỉnh Đông Nam bộ và khu vực Tây nguyên có khả năng tiếp nhận tàu có trọng tải đến 60 ngàn tấn và khu bến Nhơn Trạch phục vụ phát triển KT-XH các tỉnh Đông Nam bộ có thể đón tàu trọng tải đến 45 ngàn tấn hoặc lớn hơn.

Riêng khu bến Long Bình Tân có chức năng là khu bến cảng vệ tinh, đầu mối gom hàng cho các cảng biển trong khu vực, phục vụ phát triển KT-XH địa phương và đón cỡ tàu trọng tải đến 5 ngàn tấn.

* Tăng năng lực hệ thống cảng biển

Theo Sở GT-VT, với quy hoạch cũ (được phê duyệt năm 2017), hệ thống cảng biển trên địa bàn tỉnh thuộc nhóm cảng biển Đông Nam bộ (nhóm 5). Về số lượng, trên địa bàn tỉnh sẽ có 46 cảng biển được đầu tư xây dựng gồm 20 bến cảng tổng hợp và 26 bến cảng chuyên dùng.

Thực tế phát triển những năm qua cho thấy, hệ thống cảng biển trên địa bàn tỉnh dù có số lượng lớn nhưng do có quá nhiều bến cảng chuyên dùng nên quy mô phát triển nhỏ lẻ, manh mún, dẫn đến năng lực của hệ thống cảng biển bị hạn chế. Cùng với đó, do hệ thống giao thông kết nối còn hạn chế nên việc phát triển, nâng cao năng lực hệ thống cảng biển cũng gặp nhiều khó khăn.

Giám đốc Sở GT-VT Lê Quang Bình cho rằng, thời gian qua, các cảng biển đã được đầu tư xây dựng trên địa bàn tỉnh là cảng chuyên dùng phục vụ cho nhu cầu riêng của từng doanh nghiệp. Do đó, quy mô cảng thường nhỏ và manh mún.

Chính vì vậy, trong định hướng phát triển hệ thống cảng biển thời gian tới dựa theo quy hoạch đã được phê duyệt, Đồng Nai sẽ tính toán để hạn chế phát triển cảng chuyên dùng và hướng tới phát triển các cảng biển tổng hợp có quy mô và năng lực lớn hơn. Trong đó, sẽ ưu tiên phát triển theo hướng liên kết để tạo ra các cụm cảng quy mô lớn để có thể đón được các tàu có trọng tải lớn.

Đồng thời, tỉnh cũng sẽ kiên quyết thực hiện thu hồi đối với các dự án cảng biển chậm đầu tư. Trong tháng 4-2021, Sở KH-ĐT đã thực hiện rà soát và báo cáo UBND tỉnh về 4 dự án cảng biển trên địa bàn H.Nhơn Trạch đã được thỏa thuận địa điểm nhưng chưa thực hiện hoàn thành các thủ tục về đầu tư, đất đai, xây dựng để đưa dự án đi vào hoạt động và đến nay không còn hiệu lực pháp lý gồm: dự án Cảng tổng hợp và dịch vụ kho bãi tại xã Phú Hữu do Công ty CP Thương mại dầu khí Thái Bình Dương làm chủ đầu tư; dự án Bến cảng xăng dầu Phú Hữu, xã Phú Hữu do Công ty TNHH Thương mại và vận tải xăng dầu Minh Tấn làm chủ đầu tư; dự án Kho và cảng chuyên dùng xăng dầu, xã Phú Đông do Công ty CP Phát triển đầu tư Thái Sơn và dự án Khu dịch vụ hàng hải khu vực cảng biển nhóm 5 Nhơn Trạch, xã Phước Khánh do Công ty TNHH Sản xuất thương mại Thiên Thạch làm chủ đầu tư.

Theo Chủ tịch UBND tỉnh Cao Tiến Dũng, trong định hướng quy hoạch sắp tới, Đồng Nai chỉ phát triển các cảng biển quy mô lớn, tối thiểu phải đảm bảo đón được các tàu trọng tải từ 50 ngàn tấn trở lên. Đối với các cảng chuyên dùng, cảng quy mô nhỏ sẽ không khuyến khích phát triển. “Phải phát triển cảng biển tổng hợp mới có nguồn thu lớn; quy mô cảng cũng phải lớn... Quy hoạch cảng biển mà băm nhỏ là thất bại” - Chủ tịch UBND tỉnh Cao Tiến Dũng nhấn mạnh.

Ngày 29-9, UBND tỉnh đã có công văn số 11854/UBND-KTN về việc triển khai Quyết định số 1597/QĐ-TTg ngày 22-9-2021 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống cảng biển Việt Nam thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050. Theo đó, UBND tỉnh giao Sở GT-VT chủ trì, phối hợp cùng với các sở, ngành, địa phương và đơn vị liên quan nghiên cứu, tham mưu đề xuất trình UBND tỉnh thực hiện quyết định trên của Thủ tướng Chính phủ theo quy định.

Phạm Tùng

Tin xem nhiều