Báo Đồng Nai điện tử
En

Ngành dệt may đối mặt với những khó khăn

04:11, 28/11/2019

Năm 2019, ngành dệt may Việt Nam đặt mục tiêu xuất khẩu 40 tỷ USD hàng hóa. Mục tiêu này không phải quá khó nếu ngành dệt may vẫn giữ được tốc độ tăng trưởng cao như giai đoạn trước. Tuy nhiên, trong thời gian sắp tới, theo đánh giá của các nhà chuyên môn, ngành dệt may sẽ đối mặt với nhiều thách thức.

Năm 2019, ngành dệt may Việt Nam đặt mục tiêu xuất khẩu 40 tỷ USD hàng hóa. Mục tiêu này không phải quá khó nếu ngành dệt may vẫn giữ được tốc độ tăng trưởng cao như giai đoạn trước. Tuy nhiên, trong thời gian sắp tới, theo đánh giá của các nhà chuyên môn, ngành dệt may sẽ đối mặt với nhiều thách thức.

Sản xuất hàng xuất khẩu tại Công ty cổ phần Tổng công ty may Đồng Nai (Khu công nghiệp Biên Hòa 1). Ảnh:V.Thế
Sản xuất hàng xuất khẩu tại Công ty cổ phần Tổng công ty may Đồng Nai (Khu công nghiệp Biên Hòa 1). Ảnh:V.Thế

Do ảnh hưởng của thương chiến Mỹ - Trung, ngành dệt may sẽ gặp khó khăn về đơn hàng, nguyên liệu phụ thuộc nhập khẩu, sự cạnh tranh gay gắt về lao động từ khối doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI)...

* Tăng trưởng chậm, phát triển chưa cân đối

Theo số liệu thống kê sơ bộ của Hiệp hội Dệt may Việt Nam, kim ngạch xuất khẩu (KNXK) hàng dệt may của Việt Nam trong tháng 10-2019 ước đạt 3,2 tỷ USD, giảm 4,31% so với tháng trước và 0,92% so với tháng 10-2018. Tổng KNXK hàng dệt may của Việt Nam 10 tháng của năm 2019 ước đạt 32,3 tỷ USD, tăng 7,73% so với cùng kỳ năm ngoái, hoàn thành 81,8% kế hoạch năm 2019.

Tại Đồng Nai, thống kê của Cục Thống kê Đồng Nai cho thấy, trong 10 tháng của năm 2019, KNXK hàng dệt may toàn tỉnh đạt gần 1,68 tỷ USD, chỉ tăng trưởng 3,72% so với cùng kỳ 2018. Đây là mức tăng trưởng thấp so với mức tăng trưởng chung và thấp hơn nhiều so với kỳ vọng của các nhà sản xuất.

Một khó khăn khác là quy mô của các doanh nghiệp trong ngành vẫn chủ yếu là vừa và nhỏ, phương thức sản xuất chủ yếu là gia công, khả năng sản xuất theo thiết kế và thương hiệu còn hạn chế. Đặc biệt, hiện nay ngành này phát triển vẫn chưa cân đối. Phát triển nhanh nhất là lĩnh vực may mặc, nhưng các lĩnh vực khác như: kéo sợi, dệt vải, nhuộm hoàn tất, thiết kế vẫn còn bị bỏ ngỏ nên kéo giảm sức cạnh tranh của các sản phẩm dệt may.

Trong bối cảnh yêu cầu truy xuất nguồn gốc hàng hóa trở thành quy định bắt buộc của nhiều thị trường nhập khẩu quan trọng thì bất cập lớn nhất của ngành dệt may Việt Nam trong chuỗi cung ứng là khâu cung cấp nguyên, phụ liệu đầu vào. Nguyên liệu cho ngành dệt may vẫn chủ yếu là nhập khẩu, chiếm tỷ lệ khoảng 80%.

Lợi thế khi tham gia các hiệp định thương mại tự do (FTA) là ưu đãi về thuế, nhưng nếu muốn hưởng thuế suất bằng 0% khi xuất khẩu thì các doanh nghiệp phải đáp ứng được các yêu cầu rất cao, liên quan đến chứng nhận xuất xứ nguồn nguyên liệu. Hiệp hội Dệt may Việt Nam đề nghị cần có cơ chế chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào các khâu “thượng nguồn”, nhất là lĩnh vực dệt nhuộm, đề nghị các địa phương tạo điều kiện cấp phép cho các dự án đầu tư vào dệt nhuộm có công nghệ hiện đại trong xử lý nước thải, bảo vệ môi trường.

* Cạnh tranh khốc liệt hơn về đơn hàng

Cũng theo Hiệp hội Dệt may Việt Nam, trong ngắn và trung hạn, Việt Nam vẫn có khả năng tăng cường thị phần tại các nước nhờ các FTA, ví dụ sang EU (nhờ Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) và khối các nước tham gia Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), đặc biệt là Canada và Úc nhờ hiệp định này. Làn sóng đầu tư FDI đồng thời cũng mở ra các cơ hội cho dệt may hợp tác, các cơ hội mua bán, sáp nhập công ty, các cơ hội chuyển giao công nghệ để trở nên lớn mạnh hơn trên thị trường nội địa và quốc tế.

Tuy nhiên, hiệp hội đánh giá thị trường dệt may thế giới nhiều biến động với nhiều kịch bản khó lường về chiến tranh thương mại, chủ nghĩa bảo hộ, về các rào cản kỹ thuật mới. Nhu cầu tiêu thụ của các thị trường lớn suy giảm do tình hình địa chính trị, tình hình kinh tế toàn cầu giảm phát, kéo theo nhu cầu nhập khẩu giảm sẽ gây khó khăn về đơn hàng và áp lực đơn giá cho doanh nghiệp.

Các doanh nghiệp dệt may trong nước dễ trở thành đơn vị cấp 2, đơn vị gia công nếu làn sóng FDI đầu tư ồ ạt vào Việt Nam để tránh tình trạng bị áp thuế khi xuất đi từ Trung Quốc. Tình hình cạnh tranh sẽ ngày càng khốc liệt hơn và áp lực về giá, về đơn hàng, áp lực năng suất sẽ trở thành các vấn đề “nóng” nhất.

“Có một thực tế là hiện nay đang có xu hướng dịch chuyển may mặc từ Trung Quốc về Việt Nam, trong đó có một số nhà đầu tư Trung Quốc tìm mua lại cổ phần của các doanh nghiệp gặp khó khăn. Điều này nhằm tạo nguồn gốc xuất xứ từ Việt Nam để xuất khẩu. Doanh nghiệp Việt sẽ đối mặt với cạnh tranh đơn hàng ngày càng gay gắt hơn” - Tổng giám đốc Công ty cổ phần Tổng công ty may Đồng Nai Bùi Thế Kích nhận định.

Theo ông Trương Văn Cẩm, Phó chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Dệt may Việt Nam, trong bối cảnh cạnh tranh hết sức quyết liệt, việc đạt được mức tăng trưởng khoảng 9% là một nỗ lực rất lớn của toàn ngành dệt may. Tuy nhiên, với tình hình nhiều biến động, năm 2019 các doanh nghiệp cần thận trọng trong các hoạt động đầu tư, mở rộng sản xuất và nỗ lực vượt qua thời kỳ nhiều thách thức này.

Văn Gia

Tin xem nhiều