Báo Đồng Nai điện tử
En

"Nóng" với quy hoạch, phân lô bán nền

09:01, 09/01/2019

Thời gian qua, Đồng Nai mặc dù là một trong những địa phương đi đầu cả nước về quy hoạch sử dụng đất, tích hợp các quy hoạch, song tỉnh vẫn không tránh khỏi những hạn chế...

Thời gian qua, Đồng Nai liên tục tiếp nhiều đoàn kiểm tra, giám sát của Trung ương về tình hình quản lý, sử dụng đất đai trên địa bàn tỉnh. Tuy đi đầu cả nước trong quy hoạch sử dụng đất, tích hợp các quy hoạch, song tỉnh vẫn không tránh khỏi những hạn chế.

Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Quốc hội Vũ Hồng Thanh (thứ tư từ phải qua) và Phó chủ tịch UBND tỉnh Võ Văn Chánh (thứ ba từ phải qua) giám sát Cụm công nghiệp Phước Tân.
Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Quốc hội Vũ Hồng Thanh (thứ tư từ phải qua) và Phó chủ tịch UBND tỉnh Võ Văn Chánh (thứ ba từ phải qua) giám sát Cụm công nghiệp Phước Tân.

Mới đây, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Quốc hội Vũ Hồng Thanh đã dẫn đầu đoàn công tác giám sát về việc thực hiện chính sách, pháp luật về quy hoạch, quản lý sử dụng đất đai tại Đồng Nai từ khi Luật Đất đai có hiệu lực. Trước đó, Kiểm toán Nhà nước, Tổng cục Đất đai cũng kiểm tra về quản lý sử dụng đất đai của tỉnh.

* “Uẩn khúc” quy hoạch

Vấn đề được nhiều đại biểu Quốc hội quan tâm nhất khi đến Đồng Nai giám sát về đất đai là quá trình thực hiện quy hoạch sử dụng đất.

Trung ương quy định phê duyệt quy hoạch sử dụng đất 10 năm/lần và giữa giai đoạn sẽ phê duyệt điều chỉnh. Tuy nhiên ở Đồng Nai việc đề nghị điều chỉnh quy hoạch diễn ra nhiều và thường xuyên, đây có phải là do trong quá trình làm quy hoạch chưa tốt, dẫn đến khi thực hiện phải điều chỉnh? Trên địa bàn tỉnh có để xảy ra nhiều dự án treo hay không? Giao đất cho nhà đầu tư theo hình thức giao trực tiếp hay đấu giá? Thu tiền cho thuê đất có đầy đủ?

Ông Dương Quốc Anh, Phó chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Quốc hội đề nghị: “Tỉnh Đồng Nai nên xem xét lại việc xin điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất liên tục vì có thể do tầm nhìn trong quy hoạch chưa được đảm bảo. Quá trình điều chỉnh không rà soát tổng thể và cân nhắc kỹ, có thể làm phá vỡ quy hoạch chung của địa phương”.

Đồng Nai hiện đang quy hoạch gần 1.500 dự án, công trình, trong đó nhiều công trình của quốc gia. Theo Phó giám đốc Sở Tài nguyên - môi trường Nguyễn Tuấn Anh, Đồng Nai là nơi có nhiều công trình, dự án cấp quốc gia, khu vực, trong quá trình thực hiện có những nơi chưa phù hợp về sử dụng đất nên buộc phải xin điều chỉnh quy hoạch sử dụng để dự án được triển khai nhanh.

“Đồng Nai có tốc độ phát triển nhanh nên quy hoạch sử dụng đất trước 10 năm sẽ khó đầy đủ. Vì vậy, quá trình thực hiện phát sinh nhiều điểm phải điều chỉnh cho phù hợp với tốc độ phát triển kinh tế của tỉnh. Nếu các dự án buộc phải chờ 5 năm mới điều chỉnh, sẽ khiến dự án bị kéo dài, ảnh hưởng chung đến quá trình phát triển” - ông Tuấn Anh cho biết.

Liên quan đến vấn đề quy hoạch xây dựng, ông Nguyễn Trường Giang, Phó chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Quốc hội đặt câu hỏi: “Đồng Nai có nhiều dự án ban đầu đề nghị cấp phép làm nhà ở cao tầng, nhưng sau đó lại đề nghị điều chỉnh làm nhà ở liên kế. Đây liệu có phải là hình thức biến tướng trong phân lô, bán nền và các chủ đầu tư thực hiện nghĩa vụ tài chính với Nhà nước như thế nào?”.

Theo Chủ tịch UBND TP.Biên Hòa Phạm Anh Dũng, các dự án đề nghị điều chỉnh từ nhà ở cao tầng sang nhà ở liên kế nằm ở địa bàn thành phố khá nhiều người dân Biên Hòa không thích ở chung cư nên có một số chung cư cao tầng xây dựng xong làm tái định cư, bán nhưng rất ít người dân mua. Cụ thể như chung cư phường Quang Vinh nằm trên đường Nguyễn Ái Quốc, ngay trung tâm thành phố đã hoàn thành xong vài năm nhưng bán không có người mua đành phải chuyển qua cho thuê. Việc điều chỉnh quy hoạch đều được tính toán kỹ và yêu cầu chủ đầu tư thực hiện đầy đủ nghĩa vụ tài chính.

Theo Cục Thuế Đồng Nai, những năm gần đây, khoản thu từ đất đai của Đồng Nai liên tục tăng. Nếu năm 2015, chỉ chiếm hơn 6% trong tổng thu ngân sách của tỉnh thì năm 2018 tăng gấp gần 2 lần (tương đương hơn 5 ngàn tỷ đồng).

* Dự án “treo”, phân lô bán nền vẫn còn

Phó chủ tịch UBND tỉnh Võ Văn Chánh đánh giá, dù tỉnh đã có nhiều giải pháp để quản lý nghiêm ngặt đất đai, thường xuyên rà soát nhưng vẫn còn để xảy ra các dự án “treo” và chậm triển khai do năng lực nhà đầu tư yếu, thời gian qua giá đất tăng cao khiến nhiều chủ đầu tư dự án không đủ khả năng thực hiện... Tỉnh đã thu hồi hàng loạt dự án chậm triển khai và công tác này sẽ tiếp tục được rà soát thực hiện.

Phân lô bán nền đất nông nghiệp ở phường Trảng Dài (TP.Biên Hòa) dẫn đến hình thành khu dân cư tự phát.
Phân lô bán nền đất nông nghiệp ở phường Trảng Dài (TP.Biên Hòa) dẫn đến hình thành khu dân cư tự phát.

Bà Nguyễn Vân Chi, Ủy viên thường trực Ủy ban Tài chính, ngân sách Quốc hội nhấn mạnh: “Dự án treo sẽ ảnh hưởng đến sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, kéo theo nợ thuế ảnh hưởng đến thu ngân sách và khiến cuộc sống của người dân bị khó khăn vì nhiều quyền lợi trên mảnh đất quy hoạch dự án bị hạn chế. Đồng Nai là địa phương có nhiều dự án được cấp phép nên tỉnh cần phải chú ý”. Thực tế, tại Đồng Nai, dự án “treo” không hiếm. Trong đó có những dự án kéo dài 5-10 năm khiến người dân có đất nằm trong dự án khốn khổ. Nơi còn để xảy ra nhiều dự án “treo” là huyện Nhơn Trạch, Long Thành, TP.Biên Hòa...

Đồng Nai là một trong những tỉnh nằm trong “tâm” sốt đất vừa qua nên việc phân lô bán nền đất nông nghiệp xảy ra khá nhiều. Dù tỉnh đã có những chính sách nghiêm như dừng tách thửa trong hơn 1 năm để ban hành quy định mới chặt chẽ hơn nhưng tình trạng trên chỉ giảm mà không thể hết.

Theo Phó chủ tịch UBND tỉnh Võ Văn Chánh, tỉnh Đồng Nai có gần 1 triệu lao động nhập cư làm việc trong các công ty, nên nhu cầu nhà ở giá rẻ rất lớn. Hiện chính sách về nhà ở cho đối tượng này rất ít, dẫn đến người lao động liều mua đất nông nghiệp giấy tay và xây dựng nhà ở. Dù tỉnh đã giao trách nhiệm cho các xã, phường nhưng quản lý vấn đề mua bán giấy tay không dễ.

Các thành viên của các đoàn giám sát đều có chung nhận định, ngoài nguyên nhân khách quan thì vẫn còn nguyên nhân là chính quyền các địa phương chưa quản lý chặt, dẫn đến tình trạng phân lô bán nền, xây dựng trái phép.

Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Quốc hội Vũ Hồng Thanh nhấn mạnh, trong thời gian tới Đồng Nai nên tiến hành rà soát lại các dự án, không để xảy ra dự án “treo” kéo dài ảnh hưởng đến người dân. Đồng thời tỉnh cần có giải pháp quản lý chặt không để xảy ra tình trạng phân lô bán nền đất nông nghiệp và xây dựng trái phép dẫn đến các hệ lụy rất khó giải quyết như Cụm công nghiệp Phước Tân và các khu dân cư tự phát.

Hương Giang

Tin xem nhiều