Báo Đồng Nai điện tử
En

Đưa hàng "thuần Việt" xuất ngoại

09:01, 02/01/2019

Năm 2018, hàng "thuần Việt" (hàng hóa sản xuất tại Việt Nam và thương hiệu thuộc sở hữu của doanh nghiệp (DN) trong nước) ở Đồng Nai xuất khẩu khá thuận lợi.

Năm 2018, hàng “thuần Việt” (hàng hóa sản xuất tại Việt Nam và thương hiệu thuộc sở hữu của doanh nghiệp (DN) trong nước) ở Đồng Nai xuất khẩu khá thuận lợi.

Sản xuất sản phẩm xuất khẩu tại Công ty TNHH sản xuất - thương mại nhựa kỹ thuật Vinastar (TP.Biên Hòa).
Sản xuất sản phẩm xuất khẩu tại Công ty TNHH sản xuất - thương mại nhựa kỹ thuật Vinastar (TP.Biên Hòa).

Các DN Đồng Nai đã mở rộng được thị trường sang nhiều quốc gia, vùng lãnh thổ. Dự kiến, năm 2019 sẽ lại là một năm nhiều cơ hội.

* Thị trường rộng mở

Mặc dù vẫn còn nhiều khó khăn, nhưng năm 2018 các DN có vốn đầu tư trong nước tại Đồng Nai đã có mức tăng trưởng khá cao trong việc mở rộng thị trường để xuất khẩu hàng hóa. Ở những thị trường khó tính như Nhật Bản, Hoa Kỳ, châu Âu, hàng “thuần Việt” cũng đã tìm được chỗ đứng và người tiêu dùng tiếp nhận nhiều hơn.

Theo Cục Thống kê Đồng Nai, tổng kim ngạch xuất khẩu của các DN trong nước năm 2018 là hơn 2,54 tỷ USD, tăng gần 21% so với năm trước. Đây là mức tăng trưởng cao nhất trong vòng 5 năm trở lại đây.

Ông Nguyễn Đức Tuấn Hải, Giám đốc Công ty TNHH Chiếc Lá Xanh (ở Khu công nghiệp Hố Nai, huyện Trảng Bom) cho biết: “Công ty chuyên sản xuất đèn trang trí xuất khẩu vào thị trường Hoa Kỳ và một số nước khác. Năm 2018 thị trường xuất khẩu tương đối thuận lợi, công ty đã nhận được một số đơn hàng lớn của khách hàng nước ngoài và đang tiếp tục mở rộng sản xuất để đáp ứng đủ lượng hàng cho đối tác”.

Nguồn nguyên liệu sản xuất của Công ty TNHH Chiếc Lá Xanh hầu hết ở trong nước. Đây là một công ty đã tạo được liên kết khá tốt với các làng nghề trong nước như: gốm, tre, gỗ mỹ nghệ... để cung ứng nguyên liệu cho sản xuất đèn trang trí mang một phong cách riêng, độc đáo.

Ông Lê Bạch Long, Giám đốc Công ty TNHH Nam Long (huyện Long Thành) cho hay: “Năm 2018 công ty sản xuất khoảng 27 triệu đôi găng tay cao su để tiêu thụ thị trường trong nước và xuất khẩu, tăng khoảng 30% so với năm trước đó. Trong năm, công ty mở rộng xuất khẩu sang thị trường Hàn Quốc, Nhật Bản, Hoa Kỳ. Năm nay công ty sẽ tăng thêm một dây chuyền sản xuất để nâng công suất lên 30 triệu đôi/năm đáp ứng các đơn hàng xuất khẩu”. Công ty TNHH Nam Long có lợi thế là nguồn nguyên liệu cao su thiên nhiên để sản xuất có sẵn trong nước, không phải nhập khẩu nên sản phẩm vào thị trường Hàn Quốc, Nhật Bản hưởng các ưu đãi về thuế từ các hiệp định thương mại tự do.

Các DN “thuần Việt” của Đồng Nai hiện sản xuất ngành nghề khá đa dạng từ chế biến nông sản, hàng thủ công mỹ nghệ, hàng công nghiệp... Nhưng đa số đều chọn nguồn nguyên liệu có sẵn ở Việt Nam, xuất khẩu vào các nước Việt Nam đã ký các hiệp định thương mại tự do để được hưởng các ưu đãi về thuế.

* Ứng dụng công nghệ mới

Sở dĩ năm 2018 các DN “thuần Việt” trên địa bàn tỉnh tạo bước đột phá lớn trong sản xuất và xuất khẩu là do đã kịp thời ứng dụng các công nghệ hiện đại vào trong sản xuất. Nhiều DN Việt đã sử dụng thiết bị, máy móc tự động trong các khâu sản xuất để giảm áp lực lao động, tăng công suất.

Ông Nguyễn Văn Thứ, Tổng giám đốc Công ty cổ phần thực phẩm GC (Khu công nghiệp Hố Nai, huyện Trảng Bom) cho hay: “Công ty chuyên sản xuất nha đam và thạch dừa để xuất khẩu vào gần 10 quốc gia trên thế giới, trong đó có những thị trường có yêu cầu cao về chất lượng là Nhật Bản, Hoa Kỳ, Hàn Quốc và một số nước thuộc châu Âu. Các khâu sản xuất của công ty hầu hết được ứng dụng máy móc hiện đại nên giảm lao động, công suất nâng lên có thể đáp ứng những đơn hàng lớn”. GC là DN tiên phong trong chế biến sâu các loại nông sản có sẵn trong nước để xuất khẩu, làm tăng giá trị cho nông sản gấp nhiều lần.

Lắp đặt các dây chuyền sản xuất hiện đại để giảm công lao động, tăng công suất hiệu quả là một trong những giải pháp đang được nhiều DN thuần Việt hướng đến. Mục tiêu là để trụ vững tại thị trường trong nước và hướng đến xuất khẩu. “Công ty đã thay nhiều máy móc, thiết bị tự động hiện đại cho các khâu sản xuất nên số lao động phổ thông giảm đi hơn một nửa. Sản phẩm đạt chất lượng cao nên dễ dàng được đối tác nước ngoài đặt hàng với số lượng lớn” - ông Mai Khanh, Giám đốc Công ty TNHH sản xuất - thương mại nhựa kỹ thuật Vinastar
(TP.Biên Hòa) chia sẻ.

Hầu hết các đối tác nước ngoài khi đặt hàng với các DN Việt thường đến trực tiếp các nhà máy sản xuất để đánh giá về nhà xưởng, máy móc sản xuất, môi trường, lao động... Nếu DN đáp ứng được yêu cầu mới tiến hành ký hợp đồng mua hàng. Do đó, những DN Việt muốn sản phẩm xuất ngoại được phải đáp ứng đủ những quy định của đối tác, nhất là các đối tác từ Nhật Bản, Hoa Kỳ, châu Âu, Hàn Quốc thường yêu cầu đòi hỏi gắt gao hơn nhiều so với những thị trường khác.

Hương Giang

Tin xem nhiều