Báo Đồng Nai điện tử
En

Xuất khẩu gỗ thoát khó

10:05, 21/05/2017

Qua 4 tháng đầu năm, dấu hiệu tích cực đã trở lại với ngành chế biến gỗ xuất khẩu khi tăng trưởng đã lên đến trên 17% so với cùng kỳ năm 2016. Ngành này đã lấy lại được thăng bằng sau một năm vất vả.

Qua 4 tháng đầu năm, dấu hiệu tích cực đã trở lại với ngành chế biến gỗ xuất khẩu khi tăng trưởng đã lên đến trên 17% so với cùng kỳ năm 2016. Ngành này đã lấy lại được thăng bằng sau một năm vất vả.

Chế biến gỗ xuất khẩu tại Công ty cổ phần gỗ Nhất Nam (phường An Bình, TP.Biên Hòa).
Chế biến gỗ xuất khẩu tại Công ty cổ phần gỗ Nhất Nam (phường An Bình, TP.Biên Hòa).

Ngành chế biến gỗ xuất khẩu trải qua một năm 2016 khá u ám, tăng trưởng chỉ có 1,1%, thấp nhất trong vòng gần 20 năm qua. Một số thị trường lớn bất ổn khiến các nhà chế biến gỗ không dám kỳ vọng nhiều về tăng trưởng mạnh trong năm 2017.

* Khi Trung Quốc vướng rào

Trong 4 tháng đầu năm, kim ngạch xuất khẩu của ngành chế biến gỗ đứng thứ  6, sau các ngành: điện thoại các loại và linh kiện; dệt may; máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện; mặt hàng giày dép; máy móc thiết bị, dụng cụ, phụ tùng. Ngành gỗ Việt Nam đặt mục tiêu xuất khẩu đồ gỗ sẽ đạt 10 tỷ USD vào năm 2020.

Ông Bùi Quang Hội, Giám đốc Công ty TNHH Bùi Chấn Hưng (phường Tân Hòa, TP.Biên Hòa), cho biết kể từ cuối năm 2016, khách hàng ở các thị trường lớn, như: Mỹ, châu Âu đến khảo sát nhà sản xuất đông hơn. Đơn hàng ở những thị trường này cũng đang nhiều dần.

Ông Phan Văn Bình, Chủ tịch Hiệp hội Gỗ và thủ công mỹ nghệ Đồng Nai (Dowooha), nhận xét việc đồ gỗ Trung Quốc bị Mỹ áp thuế chống bán phá giá là một lợi thế rất lớn để ngành chế biến gỗ của Việt Nam.

“Sản phẩm đồ gỗ của Việt Nam phải cạnh tranh khá gay gắt với đồ gỗ Trung Quốc tại những thị trường lớn, đặc biệt là Mỹ. Vì vậy, khi hàng của Trung Quốc bị áp thuế chống bán phá giá là cơ hội cho mặt hàng đồ gỗ của Việt Nam và một số nước khác xuất khẩu vào thị trường Mỹ” - ông Bình nói.

Theo đánh giá của Hiệp hội Gỗ và lâm sản Việt Nam (VIFORES), Mỹ vẫn đang là thị trường đứng đầu về nhập khẩu sản phẩm đồ gỗ với khoảng 30 tỷ USD/năm. Trong khi đó, Trung Quốc chiếm gần 40% thị phần ở thị trường khổng lồ này đã tạo ra cuộc cạnh tranh rất gay gắt với các quốc gia xuất khẩu đồ gỗ vào đây.

Năm 2016, các doanh nghiệp chế biến gỗ của Việt Nam đã xuất sang thị trường Mỹ hơn 2,8 tỷ USD, tăng 9,6% so với năm 2015. Đây là thị trường có kim ngạch xuất khẩu lớn nhất trong gần 40 quốc gia và vùng lãnh thổ xuất khẩu gỗ và sản phẩm từ gỗ của Việt Nam.

* Tăng trưởng ổn định hơn

Theo số liệu thống kê của Tổng cục Hải quan, trong tháng 4 vừa qua các doanh nghiệp đã xuất khẩu gỗ và sản phẩm từ gỗ đạt 630 triệu USD; nâng kim ngạch xuất khẩu gỗ 4 tháng đầu năm 2017 đạt hơn 2,4 tỷ USD, tăng khoảng 17% so với cùng kỳ năm 2016.

Mục tiêu của ngành công nghiệp chế biến xuất khẩu gỗ Việt Nam trong năm nay kim ngạch đạt hơn 7,5 tỷ USD, tăng trưởng khoảng 10%. Với bức tranh tăng trưởng khá sáng sủa của 4 tháng đầu năm, đặt niềm hy vọng sẽ đạt mục tiêu tăng trưởng đề ra trong năm 2017 của ngành chế biến gỗ xuất khẩu.

Theo các nhà chế biến gỗ, dù lĩnh vực này đang lấy lại mức tăng trưởng, song những lợi thế cạnh tranh của ngành này so với Trung Quốc và nhiều nước trong khu vực thì vẫn còn khá thấp.

Ông Trần Văn Thành, Giám đốc Doanh nghiệp tư nhân Kiến Phúc (huyện Trảng Bom), cho biết về năng suất lao động của công nhân trong lĩnh vực chế biến gỗ còn kém xa so với Trung Quốc, thậm chí còn thua cả Malaysia. Về máy móc để sản xuất, các máy hiện đại chủ yếu tập trung ở khối doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, còn doanh nghiệp trong nước phần lớn vẫn sử dụng máy móc cũ nên hiệu quả không cao.

Bên cạnh đó, cũng theo Thành, những chi phí trong sản xuất và xuất khẩu của các doanh nghiệp Việt Nam khá cao làm giảm khả năng cạnh tranh của sản phẩm. Đó là những rào cản làm cho tốc độ tăng trưởng của ngành chế biến gỗ xuất khẩu Việt Nam khó bùng nổ.

Vân Nam

Tin xem nhiều