Báo Đồng Nai điện tử
En

Không thoái vốn vội vã

10:01, 08/01/2017

Theo lộ trình, năm 2017 Đồng Nai sẽ tiến hành cổ phần hóa 1 doanh nghiệp và thoái vốn tại 14 DN có vốn nhà nước. Thời gian qua, ở Đồng Nai vẫn còn một số DN nhà nước thoái vốn chậm do thiếu nhà đầu tư.

Theo lộ trình, năm 2017 Đồng Nai sẽ tiến hành cổ phần hóa 1 doanh nghiệp (DN) và thoái vốn tại 14 DN có vốn nhà nước. Thời gian qua, cổ phần hóa và thoái vốn tại các DN nhà nước ở Đồng Nai cơ bản đạt tiến độ, song vẫn còn một số DN thoái vốn chậm do thiếu nhà đầu tư.

Sản xuất may mặc xuất khẩu tại Công ty cổ phần tổng hợp gỗ Tân Mai - doanh nghiệp sẽ thoái vốn trong năm 2017.
Sản xuất may mặc xuất khẩu tại Công ty cổ phần tổng hợp gỗ Tân Mai - doanh nghiệp sẽ thoái vốn trong năm 2017.

Mới đây, trong hội nghị trực tuyến với các tỉnh thành trong cả nước để triển khai nhiệm vụ kinh tế - xã hội năm 2017, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã nhấn mạnh, cổ phần, thoái vốn ở DN nhà nước sẽ không làm vội vã, ồ ạt và thoái vốn phải có lời mới làm; đặc biệt là cổ phần, thoái vốn ở những DN có quyền sử dụng các thửa đất “vàng” thì cần phải thẩm định kỹ giá đất để tăng thu cho ngân sách.

Nhanh, chậm tùy doanh nghiệp

Theo Quyết định 58/2016/QĐ-TTg ban hành ngày 28-12-2016, Đồng Nai có một số DN thuộc 2 lĩnh vực sẽ giữ lại 100% vốn nhà nước là kinh doanh xổ số, in ấn xuất bản

Tại Đồng Nai, các DN tiến hành thoái vốn hầu hết thuộc 2 tổng công ty là Tổng công ty công nghiệp thực phẩm Đồng Nai (Dofico) và Tổng công ty cổ phần phát triển khu công nghiệp (Sonadezi), trong đó có những DN có kế hoạch thoái vốn từ năm 2016 nhưng chưa làm xong phải chuyển qua năm 2017 là do vướng về thủ tục, hoặc cổ phần bán ra không tìm được người mua.

Thực tế, với các DN có thương hiệu, sản xuất - kinh doanh cho lợi nhuận cao dù không nắm quyền sử dụng các khu đất giá trị thì việc thoái vốn vẫn rất nhanh. Ví như, Công ty cổ phần Việt Pháp sản xuất thức ăn gia súc (Proconco) và Công ty cổ phần Bia Sài Gòn - Đồng Nai ngay trong quý I-2016 đã thoái vốn rất nhanh và thu về gần 289 tỷ đồng.

Ông Nguyễn Hữu Hiểu, Tổng giám đốc Dofico, cho biết: “Các công ty trực thuộc Dofico đã tiến hành cổ phần, thoái vốn phần lớn đúng theo lộ trình. Tuy nhiên, có một vài DN vướng thủ tục hoặc định giá quá cao nên chưa tìm được người mua, do đó việc thoái vốn có phần chậm lại”.

Thoái vốn chậm ở một số DN tại Đồng Nai chủ yếu là do vướng vào thủ tục hành chính, còn lại là do cổ phần bán ra không tìm được nhà đầu tư mua lại. Đơn cử như Công ty cổ phần dầu khí đầu tư khai thác Cảng Phước An, trước đây dự kiến bán đấu giá cổ phần vào giữa năm 2016 nhưng do một số thủ tục liên quan đến Sonadezi nên Sở Giao dịch chứng khoán TP.Hồ Chí Minh quyết định tạm ngưng, chờ xin ý kiến Ủy ban Chứng khoán Nhà nước; hay như Công ty cổ phần công trình giao thông Đồng Nai có giá thị trường của cổ phiếu thấp hơn giá trị sổ sách nên chưa thực hiện thoái vốn, bởi như thế sẽ không hiệu quả. Còn Công ty cổ phần vận tải Sonadezi đã thực hiện bán đấu giá cổ phần nhưng không có nhà đầu tư tham gia nên không thành công.

Thoái vốn ngoài ngành cũng đang gặp những vướng mắc về thủ tục. Hiện Sonadezi và Công ty cổ phần phát triển đô thị công nghiệp số 2 (D2D) còn 45 tỷ đồng và Công ty TNHH một thành viên xổ số kiến thiết và dịch vụ tổng hợp Đồng Nai có 180 tỷ đồng đầu tư vào Ngân hàng thương mại cổ phần phát triển TP.Hồ Chí Minh (HDBank), vẫn chưa tìm được đối tác mua lại phần vốn đầu tư. Ông Phan Đình Thám, Tổng giám đốc Sonadezi, cho biết: “Thoái vốn ở ngân hàng chậm là do khó tìm được người mua vì cổ phiếu ngân hàng mang tính đặc thù. Theo quy định của Chính phủ, đối tác mua lại cổ phần phải được Ngân hàng Nhà nước chấp thuận”.

Tránh thoái vốn ồ ạt

Sắp tới, phía Dofico sẽ thoái vốn ở 8 DN là: Công ty cổ phần Lothamilk, Công ty cổ phần chăn nuôi Phú Sơn, Công ty cổ phần nông súc sản, Công ty cổ phần vật tư nông nghiệp, Công ty cổ phần xuất nhập khẩu Đồng Nai, Công ty cổ phần tổng hợp gỗ Tân Mai, Công ty cổ phần Bệnh viện Quốc tế Đồng Nai và Công ty cổ phần Đồng Việt Thành.

Sonadezi sẽ tiến hành thoái vốn tại 6 đơn vị là: Công ty cổ phần kinh doanh nhà, Công ty cổ phần bến xe và dịch vụ vận tải, Công ty cổ phần vận tải Sonadezi, Công ty cổ phần khai thác Cảng Phước An, Công ty cổ  phần công trình giao thông và Công ty cổ phần Sonadezi Long Bình. Riêng Công ty cổ phần Tổng công ty Tín Nghĩa sẽ thoái vốn tại Trạm dừng chân Tân Phú và Xuân Lộc.

Theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, trong năm 2017 Đồng Nai sẽ không vội vã thực hiện ồ ạt việc cổ phần hóa và thoái vốn DN nhà nước. Đặc biệt là những DN có quyền sử dụng những khu đất có giá trị kinh tế cao, nếu định giá theo giá Nhà nước khi góp cổ phần như trước đây sẽ không phù hợp và gây tổn thất lớn cho ngân sách Nhà nước.

Bên cạnh đó, thoái vốn ồ ạt vào thời điểm DN đang gặp khó khăn trong sản xuất cũng khiến vốn thu về giảm, không có lời. Ông Hà Văn Sơn, Giám đốc Công ty cổ phần chăn nuôi Phú Sơn, nói: “Theo lộ trình, công ty sẽ thoái vốn trong năm 2017. Nhưng từ cuối năm 2016 đến nay, giá heo trên thị trường liên tục lao dốc khiến ngành chăn nuôi thua lỗ lớn. Thị trường vẫn chưa có dấu hiệu tốt lên, nếu trong thời điểm này thoái vốn sẽ rất khó, giá bán cổ phiếu không cao. Do đó, việc thoái vốn nên chậm lại đợi thời điểm sản xuất, kinh doanh tốt sẽ thuận lợi và thu lời cao”.

Ngoài ra, một số chuyên gia kinh tế cũng cảnh báo việc thoái vốn liên quan đến đất “vàng” nếu làm vội vã sẽ gây thiệt thòi. Chẳng hạn, như thoái vốn ở Công ty cổ phần Bệnh viện Quốc tế Đồng Nai, xác định đất theo giá Nhà nước lúc góp vốn là 1,5 triệu đồng/m2, hiện lên đến 4 triệu đồng/m2, song giá đất thị trường tự do thời điểm này là trên 10 triệu đồng/m2. Do đó, giá cổ phiếu của Nhà nước là 10 ngàn đồng/cổ phiếu, nhưng ngoài thị trường giao dịch trên 100 ngàn đồng/cổ phiếu. Nếu thoái vốn nhanh, không chú ý khoảng chênh lệch giá đất và có điều chỉnh phù hợp sẽ dẫn đến thất thu cho ngân sách một khoản tiền lớn. Vì thế, ở nhiều địa phương trong cả nước có những DN làm ăn thua lỗ nhiều năm, song khi thoái vốn lại rất nhiều chủ đầu tư tranh mua do có sở hữu nhiều diện tích đất “vàng”. Việc này đã được Ban Đổi mới và phát triển DN kịp thời phát hiện nên giãn tiến độ thoái vốn để điều chỉnh giá đất cho phù hợp. Tại Đồng Nai, trong lộ trình cổ phần, thoái vốn từ nay đến năm 2020, có nhiều DN đang sở hữu đất “vàng” nên tỉnh sẽ cân nhắc, thẩm định và tính toán kỹ trước khi thoái vốn để vốn thu về lời nhiều.

Ông Nguyễn Thanh Tùng, Chi cục trưởng Chi cục Tài chính DN Đồng Nai (Sở Tài chính), khẳng định: “Ban Đổi mới và phát triển DN tỉnh đã thống nhất, năm 2017 và những năm tiếp theo cổ phần, thoái vốn tại các DN nhà nước sẽ không làm vội vã. Những DN thoái vốn có đất vàng sẽ được định giá theo giá thị trường để tăng thu cho ngân sách”.

Hương Giang

Tin xem nhiều