Báo Đồng Nai điện tử
En

PGS. TS Nguyễn Duy Thịnh: Xử lý không dứt dạt dễ gây nhiễu loạn cho thị trường thực phẩm

09:01, 06/01/2017

Gần 50 năm gắn bó với công tác nghiên cứu, PGS. TS Nguyễn Duy Thịnh Viện Công nghệ sinh học và công nghệ thực phẩm, Trường đại học bách khoa Hà Nội, được nhiều người biết đến là một trong những chuyên gia hàng đầu Việt Nam về công nghệ thực phẩm.

Gần 50 năm gắn bó với công tác nghiên cứu, PGS. TS Nguyễn Duy Thịnh Viện Công nghệ sinh học và công nghệ thực phẩm, Trường đại học bách khoa Hà Nội, được nhiều người biết đến là một trong những chuyên gia hàng đầu Việt Nam về công nghệ thực phẩm. Trong suốt sự nghiệp của mình, ông đã đi nhiều nước học tập và nghiên cứu để đưa những kiến thức mình nghiên cứu được về truyền thụ lại và công khai rộng rãi ở Việt Nam.

Theo PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh, an toàn vệ sinh thực phẩm là vấn đề “nóng” nhiều năm nay được người tiêu dùng rất quan tâm. Xã hội càng phát triển thì nhu cầu đòi hỏi thực phẩm an toàn ngày càng cao, nhưng tại Việt Nam việc tuyên truyền, xử lý đều chưa được làm bài bản, chi tiết nên thường gây ngộ nhận, hoang mang cho người dân.

* Thực phẩm bẩn không nhiều

 Từ nhiều năm nay, thực phẩm bẩn luôn là vấn đề khiến cho người tiêu dùng lo lắng, bất an. Theo ông nên làm gì để loại bỏ tận gốc được thực phẩm bẩn?

- Tôi đã có nhiều năm làm công tác nghiên cứu, giám sát, khảo sát về an toàn vệ sinh thực phẩm nên có thể khẳng định rằng, thực phẩm bẩn tại Việt Nam có, nhưng không nhiều. Chỉ do cách tuyên truyền chưa đến đầu đến cuối sự việc đã gây ra hiểu lầm là thực phẩm bẩn đang tràn lan ngoài thị trường, khiến người tiêu dùng lo lắng. Tôi đơn cử, có thông tin một gia đình trồng rau xanh ăn lá, nhưng dành riêng một vài luống không phun thuốc trừ sâu để ăn, còn những luống rau bán thì phun rất nhiều thuốc. Thông tin này bị đồn thổi lên, khiến nhiều người tiêu dùng nhầm tưởng là hiện tượng này rất phổ biến dẫn đến tâm lý hoang mang. Thực tế, đó chỉ là hiện tượng cá biệt. Phần lớn nông dân Việt Nam là chất phác, sản xuất là để sử dụng và dư mới bán. Ví dụ, Đồng Nai là vùng nuôi heo lớn nhất cả nước với gần 1,8 triệu con, số đông người chăn nuôi, cơ sở giết mổ áp dụng quy trình an toàn, chỉ có vài đối tượng gian lận, bất chấp việc mua bán heo chết, giết mổ lậu tuồn ra thị trường. Nếu chúng ta thông tin không đầy đủ sẽ gây ảnh hưởng rất xấu đến đa số người chăn nuôi, giết mổ đàng hoàng. Vì vậy theo tôi để loại bỏ thực phẩm bẩn, Chính phủ, các địa phương nên có hướng dẫn chi tiết việc sử dụng các hóa chất cho từng loại cây trồng, vật nuôi, quá trình chế biến. Khi phát hiện cơ sở nào vi phạm thì nêu rõ danh tính, địa chỉ và biện pháp xử lý, đồng thời tuyên truyền nhiều, cụ thể về những cơ sở sản xuất an toàn để người dân biết.

 Là chuyên gia nghiên cứu nhưng ông rất gần gũi với nông dân. Vậy theo ông, cách tuyên truyền nào tốt nhất để người dân sản xuất theo quy trình an toàn?

- Nhiều người dân khi sử dụng thuốc, hóa chất cho cây trồng, vật nuôi, hoặc sơ chế sản phẩm không rõ chất ấy gây độc hại cho sức khỏe như thế nào. Đây là lỗi của cơ quan quản lý Nhà nước vì chưa tập huấn sâu, đúng đối tượng về cách sử dụng thuốc, hóa chất đúng liều lượng, đúng cách. Bên cạnh đó, cũng có một số trường hợp biết nhưng vì lợi nhuận, bất chấp vi phạm những quy định của pháp luật. Những trường hợp cố tình khi phát hiện phải xử lý thật nghiêm. Người Việt Nam có đức tin rất lớn vào Đức Phật, nhân - quả, vì vậy trong tuyên truyền hãy nhấn mạnh những ai sản xuất thực phẩm bẩn là việc làm thất đức, gây tổn hại cho bản thân và gia đình. Phần lớn các gia đình ở nước ta đều coi trọng việc tích đức nên bị gán cho tội danh thất đức còn nặng nề hơn các án phạt khác.

 Gần đây, có luồng thông tin cho rằng thực phẩm bẩn là nguyên nhân chính khiến bệnh ung thư tại nước ta gia tăng. Là chuyên gia về công nghệ thực phẩm, ông đánh giá sao về thông tin này?

- Tôi xin khẳng định, thực phẩm bẩn không phải là nguyên nhân duy nhất gây ra ung thư. Theo nghiên cứu của một số tổ chức thế giới, có trên 35% nguyên nhân ung thư là do thức ăn, nước uống và thực phẩm bẩn bị mặc định là nguyên nhân gây ra bệnh ung thư. Trong thực phẩm nếu có dư lượng thuốc bảo vệ thực vật, hóa chất có thể góp phần làm suy yếu hoạt động của một vài bộ phận trong cơ thể khiến tế bào ung thư dễ phát triển. Tuy nhiên, ô nhiễm nguồn nước, đất, không khí nơi con người sinh sống cũng là tác nhân gây ra bệnh ung không kém gì thực phẩm bẩn. Hoặc quá trình chế biến thức ăn không đúng cách, thường xuyên ăn đồ nướng, dùng dầu chiên đi chiên lại nhiều lần...cũng có thể gây ra ung thư.

* Lo chất phụ gia, bảo quản

 Sử dụng chất phụ gia trong thực phẩm cũng là vấn đề làm nhiều người tiêu dùng lo ngại, vì dùng không kiểm soát được sẽ ảnh hưởng lớn đến sức khỏe?

- Hiện nay, trên thị trường Việt Nam có hơn 400 chất phụ gia cho các loại thực phẩm. Chất phụ gia nếu sử dụng đúng cách, đúng liều lượng sẽ không gây hại cho sức khỏe con người. Còn dùng không đúng cách, quá liều lượng sẽ gây hại rất lớn đến sức khỏe của người sử dụng. Để xảy ra tình trạng lạm dụng tràn lan chất phụ gia ở thực phẩm, lỗi chính là do việc quản lý, hướng dẫn sử dụng chưa làm tốt. Chất phụ gia được bày bán rất nhiều ngoài thị trường, nhưng lại thiếu nơi bán uy tín, hướng dẫn sử dụng đúng cách. Do đó, việc mua bán, sử dụng chất phụ gia khá tràn lan, khó kiểm soát.

 Ông nghĩ giải pháp cho điều này là gì?

- Theo tôi, muốn người dân sử dụng chất phụ gia đúng cách, Chính phủ nên chỉ đạo thành lập những điểm bán, hướng dẫn sử dụng uy tín. Bên cạnh việc tập huấn sâu cho người dân cách sử dụng các chất phụ gia cho thực phẩm, thì nên làm các cuốn cẩm nang chuyên đề cho từng loại sản phẩm. Như vậy, người dân có nhu cầu sử dụng chất phụ gia cho loại thực phẩm nào cũng dễ tìm được thông tin chính thống. Ở nước ta, hiện chưa có cơ quan nhà nước nào đứng ra làm việc này. Với thị trường có hàng trăm chất phụ gia, việc hiểu chưa rõ, sử dụng sai rất dễ xảy ra.

 Năm 2018, dự kiến nhiều mặt hàng Trung Quốc sẽ tràn ngập thị trường Việt Nam khi thuế nhập khẩu về 0%. Điều khiến người dân bất an nhất là không biết trái cây, rau quả nhập khẩu từ thị trường này có sử dụng quá nhiều chất bảo quản độc hại?

- Không phải đến năm 2018, trái cây, rau quả tươi của Trung Quốc mới tràn ngập thị trường Việt Nam. Từ rất nhiều năm trước, trái cây, rau quả của Trung Quốc đã vào nước ta khá nhiều bằng đường tiểu ngạch. Có một điều chúng ta phải rạch ròi để có biện pháp quản lý, xử lý cho tốt. Đó là người Trung Quốc không mang hàng vào Việt Nam bán trực tiếp mà do thương lái Việt Nam qua Trung Quốc mua hàng về bán. Quá trình vận chuyển đường xa, sợ hao hụt lớn ảnh hưởng đến lợi nhuận nên các thương lái Việt đã yêu cầu hoặc mua các loại hóa chất bảo quản trái cây, rau quả ít hư hỏng và tươi được lâu. Khi hàng qua cửa khẩu kiểm soát không kỹ để lọt hàng không đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm vào thị trường trong nước, gây hoang mang cho người tiêu dùng. Việc “phù phép” hàng Trung Quốc thành hàng Việt để lừa bán cho người tiêu dùng trong nước cũng là “chiêu” của các thương lái Việt. Vì thế, cần quản lý, kiểm soát thật chặt hàng hóa tại các cửa khẩu. Nếu phát hiện không đảm bảo an toàn thực phẩm không cho nhập vào; đồng thời các vùng sản xuất trái cây, rau quả trong nước nên có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng sẽ khó bị giả danh.

 Đã có những đợt tìm hiểu, giám sát về an toàn vệ sinh thực phẩm tại Đồng Nai, đánh giá của riêng ông là gì?

- Tôi đã từng giám sát một số doanh nghiệp, cơ sở sản xuất thức ăn chăn nuôi, chăn nuôi, giết mổ tại Đồng Nai thì thấy đây là một trong những địa phương làm khá tốt công tác vệ sinh an toàn thực phẩm. Đồng Nai là nơi có tổng đàn heo xếp thứ nhất, đàn gà xếp thứ nhì cả nước và cũng là tỉnh có chăn nuôi tập trung chiếm 80% tổng đàn, lớn nhất trong các tỉnh, thành. Các trang trại chăn nuôi của tỉnh khá chuyên nghiệp, số đông áp dụng chăn nuôi an toàn dịch bệnh. Đồng thời, nhiều doanh nghiệp, trang trại trong tỉnh đã hình thành được chuỗi khép kín trong chăn nuôi, trồng trọt tạo ra sản phẩm sạch, an toàn cung ứng cho thị trường các tỉnh phía Nam. Tuy nhiên, vẫn còn một số cơ sở chưa làm tốt công tác an toàn vệ sinh thực phẩm, song tôi nghĩ chỉ là “con sâu làm rầu nồi canh”. Điều đó được thể hiện qua những đợt lấy mẫu kiểm tra về rau, củ, quả, trái cây trong 3-4 năm lại đây, tỷ lệ có dư lượng thuốc bảo vệ thực vật chỉ chiếm dưới 4%; tỷ lệ có dùng chất cấm trong chăn nuôi ngày càng giảm, còn dưới 2%. Để làm tốt hơn nữa về an toàn vệ sinh thực phẩm, Đồng Nai nên tiếp tục hình thành các chuỗi khép kín từ trang trại đến bàn ăn.

 Xin cảm ơn ông!

Hương Giang (thực hiện)

 

Tin xem nhiều