Báo Đồng Nai điện tử
En

Đột phá cho công nghiệp, thương mại

08:05, 12/05/2016

Sau 30 năm đổi mới, nhờ có những đột phá mà Đồng Nai trở thành tỉnh công nghiệp đứng trong tốp đầu cả nước.

Sau 30 năm đổi mới, nhờ có những đột phá mà Đồng Nai trở thành tỉnh công nghiệp đứng trong tốp đầu cả nước. Theo Phó giám đốc phụ trách Sở Công thương Dương Minh Dũng (ảnh), Đồng Nai phấn đấu năm 2020 giá trị sản xuất công nghiệp đạt 1.018 ngàn tỷ đồng, tăng bình quân 11,5%/năm, hỗ trợ doanh nghiệp trong nước phát triển giữ vững thị trường nội địa, xuất khẩu.

* Thưa ông, trong 30 năm đổi mới ngành công thương đã có những đóng góp gì cho phát triển công nghiệp, thương mại của Đồng Nai?

- Theo tôi khó có thể phân định rạch ròi những thành quả về kinh tế tỉnh đã đạt được bao nhiều phần trăm là của ngành nào. Vì nhìn lại kết quả 30 năm xây dựng và phát triển công nghiệp, thương mại của Đồng Nai, để có được kết quả ngày hôm nay là sự đổi mới đúng hướng của Đảng và Nhà nước, sự nỗ lực chung của các ngành, các cấp đã cố gắng tạo mọi điều kiện cho các thành phần kinh tế phát triển. Tỉnh ủy và UBND tỉnh đã vận dụng thành công các nghị quyết, chủ trương, chính sách của Đảng trong phát triển kinh tế - xã hội qua từng thời kỳ. Để ngày càng có nhiều chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư và phát triển theo đúng định hướng của tỉnh, ngành công thương qua các thời kỳ đã phối hợp với các sở, ngành liên quan định kỳ tiếp xúc với doanh nghiệp để nắm bắt, tháo gỡ các khó khăn, tạo điều kiện tốt nhất cho các nhà đầu tư phát triển, mở rộng sản xuất - kinh doanh. Đồng thời, ngành công thương tham mưu, kiến nghị UBND tỉnh có những chính sách phát triển công nghiệp, thương mại phù hợp với tình hình phát triển của địa phương. Hàng năm tổ chức nhiều chương trình xúc tiến thương mại giúp doanh nghiệp mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm, tăng doanh thu...

* Trong quá trình hội nhập sâu, Đồng Nai được đánh giá là đã chủ động đi trước đón đầu, đặc biệt là lĩnh vực xuất khẩu, ông có thể cho biết rõ hơn những chính sách đi trước của tỉnh?

- Bộ Công thương, các tham tán công sứ thương mại nhiều nước đều có chung nhận xét Đồng Nai tham gia vào hội nhập sâu nhanh và chủ động hơn nhiều tỉnh, thành trong cả nước. Đơn cử như trước khi TPP đàm phán xong, tỉnh đã mời Tham tán công sứ Hoa Kỳ Đào Trần Nhân về Đồng Nai tiếp xúc với doanh nghiệp, các hiệp hội để trao đổi cụ thể về cơ hội thách thức khi Việt Nam chính thức ký kết TPP. Hàng năm tỉnh giao cho Sở Công thương tổ chức 3-4 đợt gặp gỡ tham tán kinh tế các thị trường Đồng Nai đang có xuất khẩu lớn, các thị trường Việt Nam có ký kết các FTA thế hệ mới tiếp xúc với doanh nghiệp. Các cuộc gặp gỡ này các tham tán kinh tế đều làm tốt cầu nối đưa doanh nghiệp nước ngoài đang muốn liên kết đầu tư, nhập khẩu hàng trực tiếp từ Đồng Nai về để tìm cơ hội hợp tác...

* Hội nhập sâu, doanh nghiệp Việt đứng trước cuộc cạnh tranh gay gắt giữ thị phần nội địa và xuất khẩu. Ngành công thương có hỗ trợ gì để doanh nghiệp trong nước vượt qua sóng gió?

- Hội nhập sâu với hàng loạt các FTA thế hệ mới được ký kết và sắp ký kết sẽ mở ra cơ hội cũng như thách thức lớn cho doanh nghiệp trong nước. Để giúp doanh nghiệp trong nước giữ được thị trường nội địa và tham gia sân chơi chung thế giới, nhiều năm nay ngành công thương phối hợp với các sở, ngành thường xuyên thực hiện các chương trình đưa hàng Việt về nông thôn, thực hiện có hiệu quả đề án phát triển thị trường trong nước gắn với cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” trên địa bàn tỉnh. Tổ chức các phiên chợ hàng Việt, phiên chợ công nhân, các hội chợ, triển lãm trong và ngoài tỉnh giúp doanh nghiệp hàng Việt quảng bá hàng hóa đến người tiêu dùng. Kết quả, người tiêu dùng trong nước đã có ý thức lựa chọn hàng Việt nhiều hơn. Ngành công thương thực hiện tốt việc quản lý, kịp thời phát hiện hàng gian, hàng giả, hàng nhập lậu để bảo vệ doanh nghiệp trong nước.

* Xin cảm ơn ông!

Nguyệt Hạ (thực hiện)

Tin xem nhiều
Liên kết hữu ích