Báo Đồng Nai điện tử
En

Một chuyến đi xa

08:03, 24/03/2023

Nếu bất ngờ bị "lạc" trong sân bay lớn xa lạ ở nước ngoài, lại không có tí ngoại ngữ nào để giao tiếp với người xung quanh, cảm giác của bạn sẽ ra sao? Bạn phải làm gì để "thoát" ra tình huống ấy?

Nếu bất ngờ bị “lạc” trong sân bay lớn xa lạ ở nước ngoài, lại không có tí ngoại ngữ nào để giao tiếp với người xung quanh, cảm giác của bạn sẽ ra sao? Bạn phải làm gì để “thoát” ra tình huống ấy?

Chuyến bay Auckland - Wellington của Air New Zealand chuẩn bị cất cánh, kết thúc hành trình Việt Nam - New Zealand
Chuyến bay Auckland - Wellington của Air New Zealand chuẩn bị cất cánh, kết thúc hành trình Việt Nam - New Zealand

Với một số người Việt, chuyện đi nước ngoài đã trở nên bình thường, nhất là giới trẻ. Tuy nhiên, với người “không còn trẻ” mà còn dốt tiếng Anh như tôi thì việc đi nước ngoài một mình gần như là chuyến phiêu lưu mạo hiểm nhớ đời. Trước Tết Âm lịch, tôi có chuyến “xuất khẩu lao động” (đi chăm cháu) ở Wellington, thủ đô của New Zealand (NZ). Vì Việt Nam - NZ không có đường bay trực tiếp nên phải transit (quá cảnh) ở một nước hoặc vùng lãnh thổ khác. Tôi chọn chuyến bay của Hãng Eva Air, transit ở Đài Loan, đồng thời đặt dịch vụ xe lăn đón và đẩy đến cổng lên của chuyến bay kế tiếp để đảm bảo không bị lạc...

* Từ “ám ảnh”: delay

Ngay từ sân bay Tân Sơn Nhất, tôi đã bắt đầu “đánh lô tô” khi nghe báo chuyến bay đi Đài Loan bị delay, trễ 1 giờ, trong khi thời gian transit của tôi chỉ có 1 giờ 30, nghĩa là chỉ còn 30 phút để vắt giò lên cổ chạy đến cổng lên chuyến bay đi NZ. Kim Duyên, tiếp viên hàng không của Eva Air trấn an nói chuyến bay đi NZ sẽ đợi, và trên máy bay có chừng hơn chục người cũng đi NZ như tôi vậy. Cô Kim Duyên còn hứa khi máy bay sắp hạ cánh sẽ đưa tôi ra gần cửa để xuống nhanh hơn.

Đến sân bay Đào Viên, quả thật tôi được xuống nhanh, cũng có người đón, nhưng không đưa đến cổng D4 là cổng lên của chuyến bay đi NZ mà đến quầy của Eva Air và bảo “wait a moment” (chờ một chút). Nhưng tôi chờ mấy cái “moment” rồi cũng không thấy gì, cùng số phận như tôi cũng có hơn chục người đứng ngồi lố nhố mà không ai hiểu ra sao.

Thật là chuyến đi nhớ đời, đủ thứ trục trặc, lo lắng, nhưng may mắn là vẫn có nhiều tấm lòng tốt, nếu không, chết chắc...

Khoảng 30 phút sau, có nhân viên đến giải thích gì đó bằng tiếng Anh một tràng dài, tôi nghe chẳng hiểu gì, chỉ thấy những người kia ồ lên, xì xào liên tục. Tôi giở hết vốn liếng ra, nói “I’m sorry, I don’t speak English”, lát sau có một cô nhân viên khác đến, cô tên Liu, nói tiếng Việt giọng Hà Nội rất sõi, cho tôi hay rằng do chuyến bay Taipei đi NZ không chịu đợi, đã bay rồi và hãng đang tìm những chuyến bay khác thích hợp để đưa chúng tôi đến NZ sớm nhất. Lúc ấy tôi mới biết, dù tôi mua vé nguyên chuyến đi của Eva Air, nhưng trong thực tế chỉ có chuyến bay đến Đài Loan là do hãng thực hiện, còn lại là bay với Air New Zealand, chính vì khác hãng nên Air New Zealand đã không đợi khi Eva Air trễ chuyến.

Trong khi chờ giải quyết, Eva Air phát cho những hành khách trễ chuyến “phiếu ăn” tối vì lúc này đã 19 giờ. Cầm phiếu trên tay, tôi không biết đi ăn ở đâu, rồi lại sợ lạc đường vì sân bay Đào Viên rộng mênh mông, các tầng lầu giống nhau như đúc. Thông qua Google dịch, “bảo bối” của những người mù ngoại ngữ như tôi, anh đẩy xe lăn lúc nãy bảo tôi yên tâm, cứ đến quầy thức ăn nhanh McDonald’s chọn món bằng phiếu ăn. Phần ăn của tôi dù miễn phí nhưng khá phong phú, gồm 1 bánh burger bò teriyaki, 1 túi gà rán cay da giòn, 1 túi khoai tây chiên và ly nước ngọt, có điều tôi chẳng có bụng dạ nào để thưởng thức. Ăn qua loa lót bụng, tôi về lại quầy của Eva Air tiếp tục chờ giải quyết.

Hành khách bị lỡ chuyến Đài Loan - New Zealand chờ giải quyết tại quầy của Eva Air
Hành khách bị lỡ chuyến Đài Loan - New Zealand chờ giải quyết tại quầy của Eva Air

Đến 22 giờ, một nhóm hành khách người nước ngoài được nhận vé tiếp cho chuyến hành trình. Riêng tôi và một nhóm khác vẫn chờ. Cô Liu giải thích, do nhóm người nước ngoài kia có quốc tịch NZ nên được phép quá cảnh ở Australia, vì thế được lên chuyến bay transit Australia rồi về NZ, còn tôi do hộ chiếu Việt Nam không được transit ở Australia nếu chưa xin visa quá cảnh, nên hãng bố trí bay sang Hong Kong vào sáng mai rồi từ đó bay đi Auckland (một thành phố của NZ), xong lại bay đi Wellington là nơi tôi muốn đến. Rắc rối cuộc đời chưa!

24 giờ, sân bay Taipei cũng không hề ngủ. Những chuyến bay liên tục hạ và cất cánh, dòng người từ khắp nơi trên thế giới cứ đổ về tấp nập, vội vã đến rồi vội vã đi, ồn ào rồi vắng lặng. Chỉ có tôi vẫn ngồi một góc, lạc lõng và cô đơn, trơ trọi giữa dòng người. Đài Loan về khuya trời rét lạnh. Gần 1 giờ đêm, nhân viên của Eva Air đến đưa cho tôi giấy khai nhập cảnh Đài Loan. Cô Liu có lẽ đã tan ca, không thấy đâu, anh nhân viên này lại chỉ nói tiếng Anh khiến tôi rất bối rối. Chưa bao giờ tôi thấy dốt tiếng Anh có hại như lúc này...

* Ấm áp tình người

Trong lúc tôi đang đánh vật một cách khổ sở với phần khai hải quan, một nhóm 3 thanh niên sau khi khai xong đã nhiệt tình đến giúp đỡ khiến tôi mừng hết lớn. Hóa ra các em là du học sinh người Việt ở NZ, đang trên đường trở lại trường sau kỳ nghỉ Tết. Quả tình ngay từ đầu tôi không hề nghĩ các em là người Việt bởi nhìn bên ngoài các em rất “Tây”, nói chuyện với nhau cũng toàn bằng tiếng Anh.

Qua nhóm bạn trẻ, tôi biết đêm nay chúng tôi được Eva Air đưa về nghỉ ở khách sạn City Suites Gateway. Chỉ vào Đài Loan có mấy giờ để ngủ, nhưng chúng tôi vẫn phải trải qua hành trình khai báo hải quan, soi hành lý đầy rắc rối không hề sót khâu nào. Nhưng chúng tôi vẫn còn may mắn, có một em du học sinh người Trung Quốc đi cùng chuyến bay nhưng không được nhập cảnh Đài Loan, phải ở lại sân bay. Rắc rối còn chưa dừng ở đây khi một nhân viên cầm visa của tôi và nói một tràng tiếng Anh, may nhờ nhóm bạn trẻ phiên dịch, mới biết là anh này bảo visa của tôi không đúng vì trên visa có in hình lá phong, là biểu tượng chỉ có Sở Di trú tại NZ cấp, các đại sứ quán hoặc lãnh sự quán cấp sẽ không có. Tôi nhờ các bạn giải thích, visa của tôi là do con tôi tại NZ xin cấp, có lẽ vì thế mà có biểu tượng lá phong. Lằng nhằng mất 30 phút, vụ visa lá phong của tôi mới được thông qua.

Mãi đến 2 giờ sáng, chúng tôi được taxi đưa đến khách sạn. Cùng đi với tôi là Phú, học ngành xây dựng; Linh, học ngành marketing và Ngọc, học ngành chăm sóc sức khỏe, đều ở TP.HCM và học Trường đại học Auckland.

9 giờ sáng hôm sau, chúng tôi tiếp tục có mặt tại sân bay Đào Viên chờ chuyến bay đi Hong Kong. Tôi cầm trên tay chiếc vé Taipei - Hong Kong và Hong Kong - Auckland, còn chặng Auckland - Wellington thì được báo do là chặng bay nội địa nên Eva Air không in vé được, khi tôi đến sân bay Auckland sẽ có người hỗ trợ.

Hành khách bị lỡ chuyến Đài Loan - New Zealand chờ giải quyết tại quầy của Eva Air
Hành khách bị lỡ chuyến Đài Loan - New Zealand chờ giải quyết tại quầy của Eva Air

Đến cổng C9 ngồi chờ, chúng tôi được báo chuyến bay Hong Kong bị delay 1 tiếng. Sao mà ám ảnh cái từ “delay” này quá. May mà chuyến bay Hong Kong - Auckland khởi hành lúc 17 giờ nên thời gian chờ rộng rãi. Đây cũng là kinh nghiệm của những người thường bay quốc tế: thời gian chuyển tiếp giữa 2 chuyến bay nên chọn cách từ 3-4 tiếng, bởi nếu quá gần có nguy cơ lỡ chuyến sau nếu chuyến trước bị trễ như trường hợp của tôi, nếu cách quá xa thời gian đợi lâu cũng gây mệt mỏi cho người đi.

Rồi chuyến bay Hong Kong - Auckland cũng suôn sẻ khởi hành và đáp xuống phi trường Auckland sau hơn 10 tiếng bay. Tôi bất ngờ khi biết ngồi xung quanh mình toàn là người Việt: nhóm 3 bạn du học sinh Phúc, Linh, Ngọc ngồi ở hàng ghế trên; bên phải tôi là cặp vợ chồng đi cùng con gái 3 tuổi chiếm nguyên dãy ghế; bên trái là cậu bé Thành mới 15 tuổi, quê Quảng Bình, một mình bay sang Auckland học trung học; sau lưng tôi là Ân, quê Bình Dương, sang NZ du học rồi ở lại làm việc, đã có thường trú nhân (permanent resident). Các bạn trẻ hỗ trợ tôi làm tờ khai nhập cảnh NZ; lúc lấy hành lý và làm thủ tục nhập cảnh, khai báo hải quan thì Ân theo sát tôi hỗ trợ hết mình, nếu không, với trình độ tiếng Anh gần như bằng 0 của mình, tôi không thể nào biết đi luồng xanh dành cho người không mang thực phẩm vào NZ, không biết cách di chuyển bằng xe buýt từ sân bay quốc tế sang sân bay nội địa. Ân còn giúp mua chiếc SIM điện thoại để tôi liên lạc với người thân.

Có lẽ tôi bị “trừng phạt” vì cái tội lười không chịu học tiếng Anh, nên cô nhân viên Eva Air tại sân bay Wellington không sao tìm được thông tin về chuyến bay Auckland - Wellington của tôi trên hệ thống, vì thế cô bảo tôi sang Air New Zealand để được hướng dẫn. Tất nhiên, bên Air New Zealand cũng không tìm thấy thông tin. Lúc này, do tôi đã mua được SIM điện thoại nên gọi cho con và nhờ trao đổi với các nhân viên sân bay, thoát được cảnh “ông nói gà, bà nghe vịt”.

Anh nhân viên Air New Zealand gợi ý con tôi đặt mua vé khác, sau đó đòi lại tiền của Eva Air. Có điều, ở đây không có vụ ra sân bay mới mua vé như “bên mình” mà phải mua vé online. Con tôi nhanh chóng lên mạng đặt mua vé chuyến bay, sau đó tôi được một anh nhân viên sân bay tên Sakhi nhiệt tình giúp đỡ hoàn thành các thủ tục để nhanh chóng lên máy bay. Sau hơn 1 giờ bay, tôi đến được Wellington an toàn, gặp được người thân...

Hà Lam

Tin xem nhiều