Báo Đồng Nai điện tử
En

Vị giám đốc người Việt đầu tiên của Nhà thương điên Biên Hòa

07:03, 24/03/2023

Tốt nghiệp Trường cao đẳng Y khoa Hà Nội rồi lại sang Pháp du học, năm 1929, Nguyễn Văn Hoài trở về nước với tấm bằng bác sĩ chuyên khoa tâm lý và triết lý của Đại học Sorbone - ngôi trường đào tạo y khoa danh giá hàng đầu trên thế giới.

Tốt nghiệp Trường cao đẳng Y khoa Hà Nội rồi lại sang Pháp du học, năm 1929, Nguyễn Văn Hoài trở về nước với tấm bằng bác sĩ chuyên khoa tâm lý và triết lý của Đại học Sorbone - ngôi trường đào tạo y khoa danh giá hàng đầu trên thế giới.

Bác sĩ Nguyễn Văn Hoài (phải) cùng thư ký
Bác sĩ Nguyễn Văn Hoài (phải) cùng thư ký

Các bệnh viện, nhà thương lớn, trong đó có Chẩn y viện Sài Gòn, nơi nhiều người trong ngành Y đều mơ ước được vào công tác đã dành sẵn cho vị tân bác sĩ được đào tạo từ bên Tây về một vị trí xứng đáng. Thế nhưng, ông đã làm cho mọi người kinh ngạc khi tình nguyện đến Nhà thương điên Biên Hòa công tác...

* Tìm phương thức điều trị mới cho bệnh nhân

Ngày 16-1-1930, bác sĩ Nguyễn Văn Hoài chính thức nhận việc tại Asile d’Aliénés de Biên Hòa (Trú xá của người điên Biên Hòa).

Như tên gọi, trú xá này do chính quyền Pháp lập ra vào năm 1915 với mục đích ban đầu là thu gom và quản lý người điên ở xứ Đông Dương không để họ quấy phá, gây rối ngoài xã hội. Mỗi khi người bệnh lên cơn, họ bị nhốt vào buồng giam chật kín hoặc bị dùng camisole de force (áo bó) để cột chặt thân thể không cho vùng vẫy, cựa quậy.

Dần dần, việc quản trị người điên có tiến bộ hơn chút đỉnh là tạt nước vào người đang lên cơn hoặc tiêm thuốc ngủ liều cao cho những bệnh nhân đang bị kích động mạnh.

Lý do được bác sĩ Nguyễn văn HOÀI chia sẻ khi tình nguyện đến Nhà thương điên Biên Hòa công tác hết sức đơn giản: “Không ai chịu đến nơi ấy thì mình đến vậy!”.

Bác sĩ André Augagneur, Giám đốc Asile d’Aliénés de Biên Hòa tiếp nhận và giao bác sĩ Nguyễn Văn Hoài chức vụ “y sĩ thường trú”.

Sau khi được xác định chức năng chữa trị, Trú xá của người điên Biên Hòa (mà người dân hay gọi là Nhà thương điên Biên Hòa) đổi tên thành Hôpital psychiatrique de Conchinchine (Dưỡng trí viện Nam kỳ).

Trước tình hình nhiệm vụ mới, y sĩ thường trú Nguyễn Văn Hoài hợp tác cùng bác sĩ Dorolle tìm tòi nghiên cứu phương pháp điều trị có hiệu quả hơn về một căn bệnh đang ngày càng trở nên phổ biến. Năm 1941, cặp đôi thầy thuốc này đã thành công trong việc chế tạo ra máy điện kinh (electrochoc) để chữa trị cho bệnh tâm thần có hiệu quả hơn so với dùng thuốc.

Thời điểm đó, Hôpital psychiatrique de Conchinchine trở thành nơi thứ tư trên thế giới sử dụng phương pháp electrochoc, sau Nhật, Italy và Algiéria.

* Khước từ lệnh di tản

Ngày 9-3-1945, quân Nhật đảo chính quân Pháp. Tại Biên Hòa, tất cả bác sĩ, nhân viên y tế người Pháp trong Hôpital psychiatrique de Conchinchine đều vội vã bỏ trốn. Quân đội Thiên Hoàng ở Biên Hòa cử một sĩ quan quân y đến giữ vai trò giám đốc và đổi tên bệnh viện tâm thần này thành Dưỡng trí đường Biên Hòa. Nhưng chỉ một thời gian ngắn, viên giám đốc người Nhật lặng lẽ rút đi. Lúc này, số bệnh nhân trong Dưỡng trí đường đã lên đến 600. Người có chuyên môn, uy tín cao nhất trong dưỡng đường là y sĩ thường trú Nguyễn Văn Hoài. Toàn bộ gánh nặng của nhà thương khổng lồ được bao cấp toàn bộ này đè hết lên vai vị bác sĩ người Việt.

Cùng với những y tá lâu năm hợp lực nhau vừa giải quyết nhiệm vụ chuyên môn vừa lo chuyện... “gạo tiền”, bác sĩ Hoài đã lèo lái, chống chọi duy trì được hoạt động của Dưỡng trí đường Biên Hòa trong tình thế hết sức khó khăn cho đến tận ngày Cách mạng Tháng Tám thành công.

Hòa trong niềm vui chung, Dưỡng trí đường Biên Hòa được đổi tên thành Dưỡng trí đường Trần Phú.

Vừa giành được độc lập chỉ trong 2 tháng, nhân dân Biên Hòa phải bước tiếp vào cuộc kháng chiến. Tỉnh ủy, UBND tỉnh Biên Hòa ra lệnh “tiêu thổ kháng chiến”, cử cán bộ vào Dưỡng trí viện Trần Phú tập hợp tất cả đội ngũ bác sĩ, y tá phổ biến việc dời cơ sở vào chiến khu.

Bác sĩ Nguyễn Văn Hoài trình bày quan điểm, thuyết phục được lãnh đạo kháng chiến tỉnh. Lệnh tiêu thổ được miễn trừ với Dưỡng trí viện Trần Phú.

Sau đó, nhà văn Nguyễn Ngu Í (bệnh nhân đã tỉnh của Nhà thương điên Biên Hòa) có viết trên Tạp chí Bách Khoa: “Đêm cuối tháng 10-1945 ấy, thật là đêm mà số phận của Dưỡng trí viện như “chỉ mành treo chuông” như sau: “Người đại diện của UBND tỉnh bộ Biên Hòa đưa ra lệnh vườn không nhà trống. Nhà, trại ở đây, quân đội Pháp viễn chinh đến đồn trú tiện lợi vô cùng, cần phải triệt phá và dời Dưỡng trí viện vô... rừng...”.

Cũng chuyện này, bác sĩ Nguyễn Tuấn Anh, Giám đốc Dưỡng trí viện Biên Hòa giai đoạn 1962-1972 cho biết: “Nói đến Dưỡng trí viện mà không nhắc đến bác sĩ Nguyễn Văn Hoài là một điều chưa đầy đủ. Nếu ông không cương quyết và kiên nhẫn dùng cả lý và tình để thuyết phục người đại diện của UBND tỉnh bộ Biên Hòa thì Dưỡng trí viện này đã chịu chung số phận với Dưỡng trí viện Vôi (xây năm 1934 và bị san bằng năm 1945 do bom đạn chiến tranh) ở Bắc, chỉ là những đống gạch ngói ngổn ngang”.

* Tạo “thiên đường” cho người dưỡng trí

Sau khi quân Pháp tái chiếm Biên Hòa, Dưỡng trí viện này lại gần như bị nhà cầm quyền bỏ rơi. Bác sĩ Nguyễn Văn Hoài phải một lần nữa đứng ra cáng đáng mọi việc. Ông quyết tâm: “Biến cái địa ngục nhốt người điên thành “thiên đường” cho người dưỡng trí” và truyền dạy cho đội ngũ giám thị, y sĩ và toàn bộ nhân viên thấm nhuần tinh thần nhân ái với người bệnh; hình thành mối tương thân tương ái giữa những người có trách nhiệm với sự sống còn của Dưỡng trí viện với nhau và với mọi đồng nghiệp.

Bác sĩ Nguyễn Văn Hoài chụp thời học bên Pháp
Bác sĩ Nguyễn Văn Hoài chụp thời học bên Pháp

Phương pháp kết hợp ứng dụng khoa học, tâm lý học và cả thần học trong điều trị bệnh tâm thần do bác sĩ Hoài đề ra được đội ngũ y tế của Dưỡng trí viện nhiệt tình hưởng ứng và triển khai thực hiện. Bác sĩ Hoài cho rằng: “Người bệnh bước vô đây không còn là “kẻ phải nhẫn nhục”, một “ca”, một “đơn vị”, mà là một tiểu vũ trụ cần phải tìm hiểu lần hồi!”. Do vậy, ông thiết lập một quy trình khám chữa bệnh khá cụ thể. Trước hết, hỏi thăm người nhà của bệnh nhân về những thời điểm mê tỉnh trong ngày nhằm xác định tình trạng, mức độ, nguyên nhân gây bệnh; sau đó khám hỏi người bệnh, phân loại để có liệu pháp điều trị thích hợp.

Bác sĩ Hoài cho rằng, cách chữa bệnh tâm thần hay hơn hết không phải là thuốc men, cũng không phải máy điện kinh, mà là chữa bệnh bằng tâm lý, là cho bệnh nhân tự do, thong thả nhiều hơn, theo lối mở cửa rộng lớn ra và cho họ làm việc ngoài trời. Người thích thơ thì có sổ gửi gắm tâm tình, người thích vẽ thì có màu, có giấy. Đặc biệt, những bệnh nhân lúc còn ở ngoài xã hội làm nghề gì thì khi vào Dưỡng trí viện được khuyến khích tiếp tục hành nghề ấy.

Bác sĩ Hoài cho lập ra khu nông trại để trồng trọt, chăn nuôi, xay xát lương thực; mở các ngành nghề thủ công tạo công ăn việc làm và môi trường giải trí cho người bệnh, đồng thời có thêm nguồn thu nhập bồi dưỡng bệnh nhân và xem đây là phương pháp giúp bệnh nhân mau hồi phục.

Cùng với đó, bác sĩ Hoài cho sửa sang, nâng cấp đường sá, kiến tạo các vườn hoa, bồn hoa, tiểu cảnh có tượng mỹ thuật trong khuôn viên để bệnh nhân dạo chơi.

Dưỡng trí viện Biên Hòa đang vươn lên khởi sắc thì có phái đoàn công tác của Chính phủ quốc gia lúc đó từ Sài Gòn xuống thông báo là để tiết kiệm ngân sách quốc gia, Chính phủ quyết định sẽ cắt giảm kinh phí của đơn vị.

Cố lấy bình tĩnh, bác sĩ Hoài tỏ ra mềm mỏng trình bày: “...Họ là những người xấu số nhất, tâm trí đã rối loạn rồi nay lại làm cho bao tử họ thiếu ăn, để cho cơ thể họ suy mòn, ảnh hưởng đến tâm trí họ thì có khác gì giết phứt họ đâu. Xin cấp trên tìm cách tiết kiệm ở những nơi khác”.

Lý lẽ của Y trưởng Dưỡng trí viện Biên Hòa đã thuyết phục được đoàn công cán Chính phủ. Thế là một lần nữa bác sĩ Nguyễn Văn Hoài “cứu” được nhà thương điên.

Năm 1947, bác sĩ Nguyễn Văn Hoài được chính thức bổ nhiệm làm Giám đốc của cơ sở y tế có tên mới là Dưỡng trí viện miền Nam Việt Nam tại Biên Hòa.

* Trong cuộc sống riêng tư

Xuất thân từ gia đình điền chủ, được sang Tây du học nhưng khi hành nghề bác sĩ Nguyễn Văn Hoài luôn gặp khó khăn về tài chính. Lúc nhận nhiệm sở ở Nhà thương điên Biên Hòa, bác sĩ Hoài phải gửi 2 con trai lớn cho bà ngoại nuôi ăn học. Ông đưa vợ và mấy con còn lại vào sống trong cư xá nhà thương điên. Tại đây, bà Nguyễn Thị Phước (vợ bác sĩ Hoài) phải chăn nuôi, trồng rau cải bán kiếm thêm tiền để nuôi con, vì bác sĩ Hoài dù có tích cực viết bài về bệnh tâm thần cho các báo của Pháp hay báo tiếng Việt ở Sài Gòn thì cả nhuận bút lẫn tiền lương đều bị ông “ném” hết vào việc đặt mua những quyển sách đắt tiền in bên Pháp hoặc các nước Tây Âu.

Sau khi bác sĩ Hoài được bổ nhiệm làm Giám đốc, bà giám đốc phu nhân lại nhận thêm việc nấu cơm tháng cho các y sĩ mới ra trường về thực tập. Tưởng là có thêm đồng vô đồng ra, nhưng bác sĩ Hoài thường hay mời thân nhân người bệnh ở xa đến nhà dùng cơm miễn phí, lại còn bắt vợ đưa tiền cho những người này về xe… làm bà lắm phen xất bất xang bang trong chuyện tiền bạc.

Bác sĩ Nguyễn Văn Hoài qua đời ngày 28-5-1955.         

Bùi Thuận

Tin xem nhiều