Báo Đồng Nai điện tử
En

Mai một di sản kiến trúc Đà Lạt

08:07, 31/07/2021

Tháng 7 mưa bay lất phất, nắng vàng óng dưới những hàng cây thông ba lá. Do dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp tại nhiều tỉnh, thành phía Nam nên phố phường Đà Lạt vắng vẻ dù đang là mùa cao điểm du lịch trong năm. Chỉ có người phố núi đi lại thong dong.

Bút ký của Quang Phú

Tháng 7 mưa bay lất phất, nắng vàng óng dưới những hàng cây thông ba lá. Do dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp tại nhiều tỉnh, thành phía Nam nên phố phường Đà Lạt vắng vẻ dù đang là mùa cao điểm du lịch trong năm. Chỉ có người phố núi đi lại thong dong.

Một dãy nhà phố thương mại có kiến trúc cổ đặc trưng còn sót lại ở khu trung tâm Hòa Bình, TP.Đà Lạt
Một dãy nhà phố thương mại có kiến trúc cổ đặc trưng còn sót lại ở khu trung tâm Hòa Bình, TP.Đà Lạt

Chính trong cái không gian thoáng đãng vốn có ấy, người ta có dịp nhận ra rằng, việc bảo tồn và phát huy giá trị cảnh quan kiến trúc đặc sắc vốn có của Đà Lạt đang trở thành vấn đề cấp thiết.

* Trục đường di sản

Đà Lạt được bác sĩ Yersin khám phá ra vào năm 1893 để sau đó giới cầm quyền Pháp quyết định xây dựng nơi đây trở thành đô thị nghỉ dưỡng đầu tiên ở Việt Nam. Trải qua nhiều đợt xây dựng và chỉnh trang với nhiều đồ án kiến trúc của giới kiến trúc Pháp thì đến cuối thập niên 1930, Đà Lạt được mệnh danh là “thủ đô mùa hè” của Liên bang Đông Dương với rất nhiều cơ sở du lịch, biệt thự (BT) nghỉ dưỡng được xây dựng phục vụ cho nhu cầu nghỉ mát của giới chức cầm quyền và dân nhà giàu.

Về mặt kiến trúc công trình, Đà Lạt được quy hoạch và quản lý quy hoạch một cách nghiêm ngặt, tuân theo các nguyên tắc bố trí, phối cảnh hài hòa để giữ được vẻ đẹp thiên nhiên rừng trong phố, vườn trong phố.

Thời đó, người ta quy định nhà xây không được cao hơn ngọn cây thông, phổ biến không quá 3 tầng, nhất là trên các trục đường chính, các điểm cao, vị trí kiến trúc đắc địa, mặt tiền các trục đường chính. Giới quy hoạch kiến trúc đã rất khéo léo sắp đặt Đà Lạt thành 2 nửa Đông Tây, lấy dòng suối Cam Ly - hồ Xuân Hương làm chuẩn.

Trong đó, phía Tây nhà cửa xen cài giữa nhà kiến trúc Pháp và kiến trúc Việt, Trung Hoa và mật độ dân cư đông hơn (tuyến đường chính là Phan Đình Phùng).

Còn phía Đông với trục đường Hùng Vương - Trần Hưng Đạo - Lê Hồng Phong - Hoàng Văn Thụ thì phần lớn là nhà biệt thự riêng lẻ loại 1, công trình cung điện, nhà làm việc có khuôn viên đất rộng rãi từ 3 ngàn m2 trở lên. Các biệt điện của cựu hoàng Bảo Đại (Dinh 1, Dinh 3) hay của Toàn quyền Đông Dương (Dinh 2), biệt thự của Thống sứ Nam kỳ, hay nhà thờ lớn Đà Lạt, khách sạn Dalat Palace... đều nằm trên trục này.

Có thể vẫn còn rất nhiều BT kiến trúc Pháp nằm rải rác ở các trục đường phía Tây (trên đường Hai Bà Trưng, Trần Bình Trọng, Lê Lai, Ngô Quyền, Hoàng Diệu) nhưng xét về độ sắc sảo kiến trúc và sự bề thế thì bên trục phía Đông vẫn áp đảo.

* Kiến trúc cảnh quan làm nên phong cách

Giới nghiên cứu kiến trúc và văn hóa đã thống nhất rằng yếu tố cảnh quan kiến trúc, khí hậu cùng với yếu tố lịch sử hình thành đô thị nghỉ dưỡng chính là các yếu tố chính làm nên bản sắc của phố phường lẫn phong cách người Đà Lạt.

Biệt thự 39 Hùng Vương - biệt thự loại 1 có kiến trúc đẹp đã bị đập bỏ
Biệt thự 39 Hùng Vương - biệt thự loại 1 có kiến trúc đẹp đã bị đập bỏ

Ông Phạm Thái (70 tuổi) vốn quê Quảng Ngãi nhưng lập nghiệp ở Đà Lạt từ trước ngày giải phóng 30-4-1975. Gia đình bên vợ ông thuộc lớp những cư dân đầu tiên định cư ở Đà Lạt và ông ngoại vợ là một nhà thầu xây dựng danh tiếng có hàng chục căn nhà mặt tiền ở ngay khu Hòa Bình (trung tâm thành phố, sát nách chợ lầu Đà Lạt). Cuối thập niên 1970, gia đình hiến tặng hầu hết tài sản cho Nhà nước, chỉ còn giữ lại được một căn ở đường Minh Mạng (nay là đường Trương Công Định) để 2 vợ chồng ông ở đến nay.

Khách du lịch trong, ngoài nước đã ví đây là phố Tây của Đà Lạt với những nét riêng khác hẳn phố Tây Phạm Ngũ Lão (TP.HCM). Ở đây có nhiều nhà hàng nhỏ - tiệm ăn bán các món ăn Tây, ta; bán đồ mỹ nghệ được thiết kế, trang trí đẹp cùng các tiệm giặt là quần áo, giày dép, sửa dù che mưa như các thành phố bên châu Âu mà nếu là lần đầu đặt chân đến du khách sẽ rất thích thú.

Mỗi lần về Đà Lạt chúng tôi hay trà dư tửu hậu với nhau. Ngoài việc được ngắm nghía, tận hưởng không gian của phố Tây thì còn một lý do khác đó là sự đồng cảm nghề nghiệp. Ông Phạm Thái từng là Trưởng cơ quan đại diện Báo Doanh nghiệp của Liên minh HTX Việt Nam tại Lâm Đồng. Chúng tôi biết nhau từ giữa thập niên 1990 khi tôi bắt đầu vào nghiệp cầm bút và thân quen với nhau bởi sự mẫn cảm với thời cuộc và thẳng thắn trong trao đổi, đàm đạo. Ông cũng là một nhà văn có nhiều tác phẩm được đăng báo, tạp chí và có tác phẩm đoạt giải.

Người Đà Lạt vốn ít nói nhưng lịch lãm và hiếu khách. Ăn mặc phải cho tươm tất, không được mặc đồ ngủ, mang dép lê khi ra ngoài đường. Điều này tôi học được từ chính vợ chồng ông. Bên cạnh chuyện ăn mặc thì cái gu uống cà phê Moca trồng ở khu vực Cầu Đất (cách Đà Lạt hơn 20km) cũng là một sở thích chung.

Người Đà Lạt vốn đã quen với dòng cà phê Arabica này nên thường mua ở tiệm, có người thích uống Moca nguyên chất, người thì pha thêm một ít Robusta. So với cà phê Robusta trồng nhiều ở cao nguyên Đắk Lắk thì Moca cho vị chua hơn một chút, nhưng mùi thơm nhè nhẹ, dễ chịu và màu nâu đen - cánh gián bắt mắt.

* Về đâu di sản BT?

Đà Lạt đang nóng hơn và cảnh quan kiến trúc đô thị không bằng ngày xưa. Đó là một thực tế không thể chối cãi do nhiều nguyên nhân như trái đất nóng lên, mật độ dân cư đông hơn trước kia, khách du lịch đông hơn gấp hàng trăm lần ngày xưa… Nhưng trong đó có một thứ đáng lo ngại hơn cả, đó là sự xuống cấp, mai một không có điểm dừng của di sản kiến trúc, nhất là kiến trúc BT Đà Lạt.

Trong mấy chục năm qua, sau nhiều lần đại tu, nâng cấp đường sá thì các BT như bị “lún” đi một cách thảm hại khi nền đường liên tục được đôn cao lên khoảng 2m. Đi trên trục đường Hùng Vương, Trần Hưng Đạo, Lê Hồng Phong…, nhiều BT giờ đây chỉ nhìn thấy thấp thoáng phần tầng mái mà không còn vẻ đường bệ - nổi bật như những đóa hoa kiến trúc.

Ở khu BT cổ đường Trần Hưng Đạo, toàn bộ phần đất phía sau của một bên khu BT đã được lấn chiếm, xây dựng nhà cửa, được chính quyền hợp thức hóa, hình thành nên con phố mới Lê Văn Tám che mất tầm nhìn vốn có phía Đông của dãy BT.

Chưa hết, một số BT đẹp, có giá trị kiến trúc cảnh quan như số 4 Trần Quốc Toản (từng làm trụ sở của nhiều cơ quan như Công ty Du lịch Lâm Đồng, Trung tâm Xúc tiến đầu tư) có vị trí đặc biệt - bên hồ Xuân Hương gần nhà hàng Thủy Tạ mới đây đã bị san phẳng không thương tiếc để lấy đất mở rộng đường giao thông.

Ông Trần Huy Bảy, một người từng làm việc ở tòa nhà này trong thời gian dài lắc đầu ngao ngán: “Tại sao người ta không giữ lại, đem bán đấu giá cho người nào có tiền để làm BT nghỉ dưỡng, ngân sách nhà nước vừa thu được tiền vừa giữ lại cho Đà Lạt một công trình kiến trúc thuộc loại mẫu mực về cảnh quan kiến trúc đô thị?”.

Trước đó, một khối BT đẹp ở ngay mặt tiền đường (số 39 Hùng Vương giao với Trần Quý Cáp) vốn là trụ sở Ban Quản lý các khu công nghiệp tỉnh Lâm Đồng) với khuôn viên rộng 3.800m2 (loại 1) có kiến trúc Pháp đặc trưng và còn rất chắc chắn cũng bị đập bỏ, bán đấu giá đất rẻ bèo chưa đến 40 tỷ đồng.

Chưa kể, một khách sạn có tiếng tăm là Dalat Palace có tuổi đời hơn 100 năm, kiến trúc mang phong cách cổ châu Âu cuối thế kỷ XIX, được xếp hạng 5 sao và từng là niềm tự hào của ngành du lịch Việt Nam nhờ hình khối kiến trúc và vị trí cảnh quan - mặt tiền hướng ra hồ Xuân Hương cũng đã bị “xẻ thịt” xây thêm một khách sạn ở bên cạnh và xẻ thêm đường xuống ngay mặt tiền, đánh mất đi vẻ đẹp vốn có làm người dân phố núi hết sức âu lo... 

Khi còn sống, cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt là người rất quan tâm đến việc bảo tồn và phát huy giá trị của kiến trúc Đà Lạt, trong đó có di sản BT và đã có một số cuộc hội thảo nêu lên vấn đề Đà Lạt cần có cơ chế kiến trúc sư trưởng để có người chịu trách nhiệm xây dựng, bảo vệ quy hoạch để phát triển tiếp nối di sản kiến trúc BT Đà Lạt. Trong khi chờ sự công nhận chính thức của Nhà nước thì cần phải dừng ngay việc đập bỏ, bán đấu giá các BT một cách tùy tiện và không để kiểu làm đường vô trách nhiệm đang hủy hoại giá trị của các BT cùng các công trình kiến trúc có giá trị khác.

Tin xem nhiều
Liên kết hữu ích