Báo Đồng Nai điện tử
En

Ðổi thay ở làng cách mạng

08:02, 19/02/2021

Xã Phú Lý (H.Vĩnh Cửu) là vùng đất giàu truyền thống cách mạng, nơi có làng đồng bào Chơro Lý Lịch trong kháng chiến luôn bám làng, bám rừng, bám căn cứ Chiến khu Đ, cùng bộ đội Cụ Hồ kháng chiến cho đến ngày thống nhất đất nước.

Xã Phú Lý (H.Vĩnh Cửu) là vùng đất giàu truyền thống cách mạng, nơi có làng đồng bào Chơro Lý Lịch trong kháng chiến luôn bám làng, bám rừng, bám căn cứ Chiến khu Đ, cùng bộ đội Cụ Hồ kháng chiến cho đến ngày thống nhất đất nước.

Đường nông thôn được người dân trồng hoa hai bên. Ảnh: Trị An
Đường nông thôn được người dân trồng hoa hai bên. Ảnh: Trị An

[links()]Xưa làng dân tộc này có tỷ lệ hộ nghèo cao nhất huyện. Cùng với chương trình xây dựng nông thôn mới (NTM), làng cách mạng nghèo đã dần thay áo mới.

* Xã nghèo thành làng quê trù phú

Mùa xuân này, niềm vui đón xuân của người dân xã Phú Lý càng trọn vẹn vì địa phương được công nhận là xã đạt chuẩn NTM nâng cao. Thành quả này là sự nỗ lực rất lớn của cả người dân và chính quyền địa phương.

Ông Nguyễn Đình Biên, Bí thư Chi bộ, Trưởng ấp 1, xã Phú Lý cho biết, Tết năm nay, người dân Phú Lý, đặc biệt là đồng bào người dân tộc được lãnh đạo tỉnh, huyện rất quan tâm, chăm lo đón Tết đầy đủ. Nhiều mạnh thường quân cũng đến tặng quà cho các hộ còn khó khăn. Ông Biên nhớ lại, trước kia, đồng bào dân tộc chỉ làm nông nghiệp, chủ yếu làm vườn tạp, bà con canh tác theo kiểu thô sơ, gieo hạt cho cây lớn tự nhiên nên thu nhập rất thấp. Từ khi xây dựng NTM, người dân được chính quyền địa phương hỗ trợ kỹ thuật canh tác, giống mới phù hợp nên năng suất cây trồng được nâng lên. Cùng với sự phát triển của các khu công nghiệp, người trẻ đi làm công nhân, những người khác trong gia đình thì làm nông nên thu nhập tăng lên đáng kể.

Bà Nguyễn Thị Nga, Chủ tịch UBND xã Phú Lý cho biết, sau khi đất nước thống nhất, Phú Lý là xã vùng sâu với cuộc sống người dân còn nhiều khó khăn. Với sự quan tâm đầu tư của tỉnh, huyện trong xây dựng NTM, xã Phú Lý ngày nay đã thật sự “lột xác” với cơ sở hạ tầng, hệ thống điện, đường, trường, trạm được đầu tư đồng bộ. Trình độ dân trí ngày càng tăng, tỷ lệ người dân có trình độ đại học tăng theo từng năm. Công tác đào tạo nghề, giải quyết việc làm cho lao động nông thôn cũng được hỗ trợ kịp thời. Trong sản xuất nông nghiệp, người dân được hướng dẫn chuyển đổi cây trồng phù hợp cũng như áp dụng tốt khoa học kỹ thuật trong quá trình sản xuất. “Với những nỗ lực đó, thu nhập của người dân đã từng bước tăng lên, cụ thể vào năm 2015 thu nhập bình quân mỗi người dân chỉ 35 triệu đồng/người/năm thì nay đã lên trên 60 triệu đồng/người/năm” - bà Nga so sánh.

* Xã điểm trong xây dựng NTM

Năm 2020 là năm đầu tiên Đồng Nai tổ chức hội thi Tuyến đường sáng - xanh - sạch - đẹp cấp tỉnh với mục tiêu xây dựng những làng quê đáng sống nơi không chỉ có cuộc sống ấm no, sung túc mà làng quê ấy còn đạt các yêu cầu cảnh quan đẹp, môi trường trong sạch, an toàn.

Không phải ngẫu nhiên mà xã Phú Lý đoạt giải cao nhất của hội thi trên. Ngày nay đến Phú Lý, khách phương xa lưu luyến không nỡ về bởi cảnh quan làng quê sạch đẹp, nên thơ. Với phong trào Làng ta văn minh, sạch đẹp, người dân Phú Lý đang chung tay xây dựng được nếp làng với nếp sống văn minh, bộ mặt nông thôn sạch, đẹp từ nhà ra ngõ.

Những tuyến đường sáng - xanh - sạch - đẹp trên đang không ngừng được nhân rộng trên địa bàn xã Phú Lý. Mùa xuân đi trên tuyến đường ấp 4, xã Phú Lý dài gần 2km nổi bật bởi hàng hoa giấy, hoa mười giờ được người dân cắt tỉa gọn gàng; hai bên đường còn điểm thêm màu vàng rực rỡ của hoa mai trước mỗi nhà dân, tạo nên không gian nông thôn ấm áp. Ông Bùi Văn Song, người dân sống trên tuyến đường này cho biết: “Để có được con đường này, người dân hai bên đường đã chủ động đề xuất địa phương cấp giống, phần trồng và chăm sóc do người dân đảm nhiệm. Dù không là tuyến đường điểm nhưng người dân tự giác chăm sóc cây hoa, giữ gìn vệ sinh chung với niềm tự hào chăm chút cho cảnh quan nơi làng quê mình sinh sống luôn sạch đẹp, văn minh”.

Ông Hà Thắng, Giám đốc HTX Nông nghiệp thương mại dịch vụ Bình Minh cho biết, trước kia đồng bào dân tộc Chơro ở đây mưu sinh chủ yếu bằng nghề rừng, cuộc sống du canh du cư rất bấp bênh, nghèo khó. Sau này, bà con đã biết cải tạo đất để trồng điều nhưng hiệu quả kinh tế lại không cao. Được sự hỗ trợ của Nhà nước, nhiều hộ dân đã vay vốn để chuyển đổi diện tích điều kém hiệu quả, vườn tạp sang trồng các loại cây có múi như quýt, cam, bưởi... Các xã viên của HTX đều tham gia chuỗi liên kết từ sản xuất đến tiêu thụ, đăng ký sản xuất đạt chuẩn VietGAP để góp phần xây dựng thương hiệu trái cây sạch, có đầu ra bền vững hơn.

Lê Quyên - Thủy Mộc

 

Tin xem nhiều