Báo Đồng Nai điện tử
En

Hai nữ sinh đoạt giải học sinh giỏi quốc gia

08:02, 19/02/2021

Khi nhận được tin đoạt giải ba trong kỳ thi học sinh giỏi môn Lịch sử và Ngữ văn cấp quốc gia năm 2020, cả Huỳnh Kim Ngân và Bùi Thị Kim Liên (học sinh Trường THPT chuyên Lương Thế Vinh) đều không dám tin đó là sự thật. Cả 2 em đều là học sinh lớp 11, tham gia kỳ thi với mục tiêu trước hết là trải nghiệm để có kinh nghiệm cho năm học lớp 12.

Khi nhận được tin đoạt giải ba trong kỳ thi học sinh giỏi môn Lịch sử và Ngữ văn cấp quốc gia năm 2020, cả Huỳnh Kim Ngân và Bùi Thị Kim Liên (học sinh Trường THPT chuyên Lương Thế Vinh) đều không dám tin đó là sự thật. Cả 2 em đều là học sinh lớp 11, tham gia kỳ thi với mục tiêu trước hết là trải nghiệm để có kinh nghiệm cho năm học lớp 12.

Học sinh Huỳnh Kim Ngân. Ảnh: H.Yến
Học sinh Huỳnh Kim Ngân. Ảnh: H.Yến

Sau khi đoạt giải cấp quốc gia, các em tiếp tục tham gia thi học sinh giỏi cấp tỉnh và đều đoạt giải ba.

* Học Lịch sử - từ bị động đến chủ động

Khi học THCS, Huỳnh Kim Ngân yêu thích nhất là môn Ngữ văn. Khi thi tuyển sinh lớp 10, em đã chọn thi vào lớp chuyên Văn nhưng do không đủ điểm nên được tuyển sinh vào lớp chuyên Lịch sử.

“Hồi học THCS, em thấy môn Lịch sử hơi chán. Mỗi tuần có từ 1-2 tiết, em chỉ học qua loa cho xong. Vì thích Văn nên em đăng ký thi chuyên Văn nhưng sau đó “rớt” xuống lớp Sử. Khi mới bắt đầu học chuyên Sử, em thấy khá lo lắng vì trước đây mình đã không dành nhiều thời gian cho môn học này” - Kim Ngân thành thật chia sẻ.

Trong kỳ thi chọn học sinh giỏi quốc gia năm học 2020-2021, Đồng Nai có 36 thí sinh đoạt giải (6 giải nhì, 13 giải ba và 17 giải khuyến khích), trong đó có 12 thí sinh đang học lớp 11.

Bước vào năm lớp 10 trường chuyên với nhiều lo lắng, bỡ ngỡ ấy nhưng Kim Ngân đã nhanh chóng nhận ra sức hấp dẫn của môn Lịch sử. Ở trường chuyên, em cùng các bạn được dành nhiều thời lượng hơn cho môn học này. Trong nhận thức của Ngân, môn Lịch sử có rất nhiều điều mới lạ có thể khám phá. Đó không chỉ là những kiến thức đơn thuần về các sự kiện, con số… trong quá khứ mà còn là những phân tích, bình luận, liên hệ thực tế để thấy được những ảnh hưởng của các sự kiện diễn ra trong lịch sử đối với sự phát triển của đất nước, nhân loại…

Kim Ngân cho biết: “Ở trường chuyên, em được học môn Lịch sử với nhiều giáo viên. Mỗi thầy cô có một cách dạy khác nhau nhưng đều truyền được cảm hứng cho học sinh. Các thầy cô thường liên hệ sự kiện lịch sử với các lĩnh vực khác như: chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội. Với riêng em, cách học mà em hứng thú nhất chính là giáo viên giao nhiệm vụ để học sinh tự tìm hiểu vấn đề sau đó thuyết trình trước lớp rồi cùng nhau thảo luận”.

Để chuẩn bị cho các buổi thuyết trình môn Lịch sử, Ngân cùng với các bạn đọc sách, tìm nhiều tài liệu trên báo, internet. Bằng cách này, Ngân tiếp nhận Lịch sử một cách chủ động hơn. Chính cách học chủ động này đã giúp Ngân tiến bộ vượt bậc trong môn Lịch sử. Nhờ đó, em đã được chọn tham gia kỳ thi học sinh giỏi cấp quốc gia môn học này.

Bước vào đội tuyển với tâm thế của đàn em, cần bổ sung nhiều kiến thức và phải chạy đua với các anh chị lớp 12, Kim Ngân đã nỗ lực hết sức. Mỗi ngày, em thức dậy từ 6 giờ sáng để đi học. Buổi tối, em học đến tận 12 giờ khuya mới nghỉ. Ngoài thời gian ôn luyện trong đội tuyển, Ngân cũng chủ động liên hệ các anh chị lớp 12 để mượn thêm tài liệu, hỏi về phương pháp học tập, trau dồi cách viết…

Quá trình ôn thi, Kim Ngân cùng các thành viên đội tuyển được giáo viên giảng bài sâu hơn. Các câu hỏi được đặt ra cũng mang tính phân tích, bình luận, vận dụng cao hơn. Điều này đòi hỏi người học phải có tư duy logic vấn đề, phải viết liên kết các sự kiện lịch sử và biết liên hệ để rút ra bài học.

Khi tham dự kỳ thi cấp quốc gia, Kim Ngân chỉ hy vọng có thể đạt được giải khuyến khích. Vì vậy, khi biết tin mình đoạt giải ba, Ngân đã rất bất ngờ. Em kể: “Năm nay, Bộ GD-ĐT không công bố danh sách đoạt giải theo tên mà theo số báo danh. Vì vậy, khi thấy số báo danh của mình đoạt giải ba, em không tin nổi. Em cứ sợ mình nhớ nhầm số báo danh nên phải dò đi dò lại mấy lần, còn lấy cả thẻ dự thi ra để đối chiếu nữa”.

Ngay sau khi thi cấp quốc gia, Kim Ngân cùng các bạn tiếp tục ôn luyện để thi cấp tỉnh và cũng đoạt giải ba. Kim Ngân khá hài lòng với kết quả này. Ngân cho biết, năm sau em sẽ tiếp tục cố gắng để được vào đội tuyển dự thi cấp quốc gia. Ngay từ bây giờ, em sẽ chuẩn bị tài liệu, tự học và luyện thi để khi vào đội tuyển đỡ vất vả hơn.

* Yêu thích môn Văn nhờ nghe bà kể chuyện cổ tích

Nói về niềm yêu thích với bộ môn Ngữ Văn, Bùi Thị Kim Liên (lớp 11 Văn, Trường THPT chuyên Lương Thế Vinh) cho biết, em tiếp xúc với văn học từ sớm. Khi còn nhỏ, em thường được nghe bà kể chuyện cổ tích. Khi học lớp 1, lớp 2 thì bắt đầu được đọc những đoạn văn, đoạn thơ hay. Kể từ đó, Kim Liên thích đọc sách và hình thành thói quen này.

Học sinh Bùi Thị Kim Liên
Học sinh Bùi Thị Kim Liên

Khi học THCS, em tìm đọc tất cả tác phẩm của các tác giả được dạy trong chương trình sách giáo khoa môn Ngữ văn. “Thói quen này đã cho em có được nền tảng tốt, có “vốn” văn học để liên hệ, so sánh khi cần. Sau này, khi học trong đội tuyển chuyên văn, em chỉ đọc lại các tác phẩm để thêm một lần nữa tìm ra những cảm nhận mới, làm phong phú thêm cho các dẫn chứng, minh họa…” - Kim Liên cho hay.

Bắt đầu say mê đọc với các tác phẩm văn học Việt Nam, sau đó, Kim Liên dần mở rộng việc đọc với các tác phẩm văn học nước ngoài. Trong đó, em đặc biệt yêu thích tác phẩm của 2 đại thi hào Tagore và Puskin. Khi đọc sách, Kim Liên luôn dành thời gian để đưa ra những cảm nhận của riêng mình về mỗi tác phẩm. Với em, đây chính là cách để em tự nuôi dưỡng tâm hồn và nhân cách của mình. Đồng thời, việc nuôi dưỡng cảm xúc cho mỗi tác phẩm văn học cũng chính là nuôi dưỡng mạch nguồn để làm được những bài văn hay.

Đoạt giải ba học sinh giỏi quốc gia, đồng nghĩa với việc Kim Ngân và Kim Liên đã có một “tấm vé” tuyển thẳng vào đại học. Tuy nhiên, cả 2 em đều cho biết sẽ nỗ lực học tập tốt hơn ở năm lớp 12 để thi và xét tuyển đại học theo đúng ngành nghề mà mình yêu thích. Kim Ngân xác định sẽ theo ngành Ngoại giao còn Kim Liên theo đuổi ngành Quản trị kinh doanh.

Khác với cách học của Kim Ngân, Kim Liên không dành quá nhiều thời gian hay thức khuya để học bài mà cân bằng thời gian để được vui chơi, giải trí. Liên giải thích: “Em muốn học tập thật thoải mái để cho kiến thức, cảm xúc ngấm dần vào mình một cách tự nhiên. Ngoài giờ học trên trường, ở nhà em dành thời gian để đọc sách và luyện viết các bài văn nghị luận để hình thành cách hành văn, giọng văn riêng, nâng cao kỹ năng phân tích. Bản thân em trước đây viết văn rất tùy hứng và khá lan man, dài dòng nên cần cải thiện nhiều”.

Cũng như Kim Ngân, Kim Liên khá bất ngờ khi biết tin mình đoạt giải ba học sinh giỏi quốc gia môn Ngữ văn. “Hôm đó, Bộ GD-ĐT công bố danh sách học sinh đoạt giải vào buổi trưa. Em đi học về thì tắt nguồn điện thoại, ăn cơm rồi nghỉ trưa để đi học buổi chiều. Vì vậy, khi cô giáo nhắn tin trên nhóm chúc mừng em thì em không biết. Mãi đến chiều, khi đi học, các bạn ùa đến chúc mừng thì em mới biết. Lúc đó, cảm xúc trong em vỡ òa nhưng vẫn không dám mừng vội, vì sợ các bạn nhầm. Em phải lên mạng kiểm tra lại danh sách rồi mới tin đó là sự thật. Ngay sau đó em gọi điện thoại về để báo tin cho cha mẹ biết” - em Kim Liên chia sẻ.

Trong tương lai, Kim Liên sẽ theo đuổi ngành Quản trị kinh doanh. Theo Liên, học giỏi Văn sẽ hỗ trợ tốt cho ngành học này bởi vì môn Văn giúp em có tư duy cảm xúc tốt, có khả năng sáng tạo. Để thực hiện được mục tiêu của bản thân, ngoài việc học, Liên còn chú trọng tham gia các hoạt động ngoại khóa, hoạt động xã hội để cải thiện kỹ năng mềm.

Hải Yến

Tin xem nhiều