Báo Đồng Nai điện tử
En

Khi con công nhân học trường… tiền tỷ

07:08, 01/08/2020

Đồng Nai là một trong những địa phương thu hút đầu tư nước ngoài cao trong cả nước nhiều năm qua. Quá trình sản xuất kinh doanh hiệu quả, nhiều doanh nghiệp (DN) đã chi từ vài chục đến hàng trăm tỷ đồng xây dựng trường học "xịn" cho cộng đồng.

Đồng Nai là một trong những địa phương thu hút đầu tư nước ngoài cao trong cả nước nhiều năm qua. Quá trình sản xuất kinh doanh hiệu quả, nhiều doanh nghiệp (DN) đã chi từ vài chục đến hàng trăm tỷ đồng xây dựng trường học “xịn” cho cộng đồng.

Công ty TNHH Cargill Việt Nam (Khu công nghiệp Biên Hòa 2, TP.Biên Hòa) bàn giao trường học tại tỉnh Đắk Lắk. Ảnh: Ban Mai
Công ty TNHH Cargill Việt Nam (Khu công nghiệp Biên Hòa 2, TP.Biên Hòa) bàn giao trường học tại tỉnh Đắk Lắk. Ảnh: Ban Mai

Đây vừa là cách thực hiện trách nhiệm xã hội của DN vừa góp phần làm giảm áp lực trường lớp ở khu vực có đông dân cư, vùng sâu, vùng xa.

* Dự án 100 ngôi trường

Tiên phong trong số DN đầu tư xây trường học cho cộng đồng tại Đồng Nai là Công ty TNHH Cargill Việt Nam (Khu công nghiệp Biên Hòa 2, TP.Biên Hòa). Từ năm 1997 đến nay, Quỹ Cargill Cares do cán bộ công nhân viên, DN đối tác toàn cầu đóng góp đã xây dựng được tổng cộng 96 trường học tại 50 tỉnh, thành phố khắp cả nước với số tiền hơn 5,3 triệu USD (khoảng 120 tỷ đồng). Trong đó, có gần 10 công trình tại Đồng Nai.

Ông Nguyễn Bá Luân, Trưởng đại diện Tập đoàn Cargill tại Việt Nam chia sẻ, với mong muốn chung tay xây dựng nền tảng giáo dục tốt hơn cho thế hệ tương lai, Cargill đã bắt tay thực hiện chương trình xây dựng trường học cho cộng đồng từ năm 1997, sau 2 năm hoạt động tại Việt Nam. Mục đích của chương trình là mang lại cơ sở vật chất và điều kiện học tập tốt hơn cho các em học sinh vùng sâu, vùng xa, vùng có điều kiện kinh tế khó khăn, khu vực đang thiếu trường lớp. Bên cạnh việc gây quỹ, đội ngũ công nhân viên của Cargill dành thời gian hỗ trợ thực hiện các công việc: làm việc với kiến trúc sư thiết kế, xin giấy phép xây dựng và quản lý công trình xây dựng. Các công trình trường học do Cargill xây dựng có phòng học, thư viện, nhà vệ sinh, phòng họp cho giáo viên.

Con công nhân lao động theo học tại Trường mầm non Dona Standard (H.Xuân Lộc) trong giờ vui chơi. Ảnh: N.Hòa
Con công nhân lao động theo học tại Trường mầm non Dona Standard (H.Xuân Lộc) trong giờ vui chơi. Ảnh: N.Hòa

“Chúng tôi tin rằng giáo dục giúp nâng cao chất lượng cuộc sống của thế hệ trẻ, và không có món quà nào quý giá bằng việc trao cho các em điều kiện học tập tốt. Cargill đang tiếp tục thi công 4 dự án trường học khác nhằm hoàn thành cam kết xây dựng và bàn giao đủ 100 trường học cho Việt Nam vào cuối năm 2020” - ông Luân cho hay.

* Xây trường “xịn” cho con công nhân

Hiểu được mong muốn của số đông công nhân là có trường học gần nhà, chi phí thấp, có thể gửi con giờ tăng ca, nhiều DN lớn trên địa bàn tỉnh đã đầu tư hàng chục tỷ đồng, dành quỹ đất, đi thuê xây trường mầm non, nhà trẻ “xịn” gần nơi làm việc cho cha mẹ tiện đưa đón con.

Đó là Trường mầm non Dona Standard do Công ty Dona Standard (thuộc Tập đoàn Phong Thái) đóng trên địa bàn Khu công nghiệp Xuân Lộc (H.Xuân Lộc). Theo chia sẻ của DN, đây là công trình dành riêng cho con công nhân viên đang làm việc tại công ty trong độ tuổi từ 1-5. Công trình quy mô  khuôn viên rộng 2,4ha gồm 32 phòng học, khu vui chơi, khu thực hành nông nghiệp và nhà ăn. Công trình được khánh thành và đưa vào sử dụng từ tháng 8-2016, với tổng kinh phí là 3 triệu USD. Hiện tại, trường trông giữ hơn 1 ngàn trẻ từ 6 giờ 30 đến 20 giờ. Trường hoạt động không vì mục đích lợi nhuận nên không thu học phí, phụ huynh chỉ đóng tiền ăn 430 ngàn đồng/trẻ/tháng... Các chi phí thường xuyên như: lương giáo viên, điện nước, bảo hiểm, dụng cụ dạy và học do công ty hỗ trợ.

Con công nhân theo học tại Trường mầm non Những Bông Hoa Nhỏ do Công ty TNHH Pouchen Việt Nam xây dựng
Con công nhân theo học tại Trường mầm non Những Bông Hoa Nhỏ do Công ty TNHH Pouchen Việt Nam xây dựng

ới khuôn viên trường rộng gần 5 ngàn m2, Trường mầm non Những Bông Hoa Nhỏ do Công ty TNHH Pouchen Việt Nam (P.Hóa An, TP.Biên Hòa) xây dựng là nơi vui chơi, nghỉ ngơi và học tập cho 500 con em công nhân viên từ 3-5 tuổi. Đây là công trình có thiết kế ấn tượng, phát huy hiệu quả không gian học tập và vui chơi ngoài trời. Công trình từng được Viện Kiến trúc Hoàng gia Anh (RIBA) đề cử vào danh sách 30 công trình kiến trúc tiêu biểu trên thế giới của năm 2016. Hiện nay, trường có hơn 250 trẻ là con công nhân đang theo học. Theo kế hoạch, trong thời gian tới, trường sẻ mở thêm lớp và nhận giữ trẻ trên 12 tháng. Khi đó, không chỉ con công nhân viên làm việc tại công ty mà con em người lao động trên địa bàn, kể cả người lao động đang làm việc tại DN khác có cũng có thể gửi trẻ.

Ngoài những DN kể trên, nhiều nhà đầu tư lâu năm tại Đồng Nai cũng dành nguồn quỹ phúc lợi xây dựng trường học khang trang cho con công nhân viên và cộng đồng như: Công ty CP TaeKwang Vina
(TP.Biên Hòa), Công ty TNHH Đông Phương (thuộc Tập đoàn Phong Thái, H.Trảng Bom).

Nhiều DN khác, mặc dù không đầu tư xây dựng trường học riêng cho con công nhân lao động nhưng hỗ trợ kinh phí xây dựng trường học gần khu công nghiệp, hỗ trợ tiền gửi trẻ trực tiếp cho phụ huynh, trả chi phí gửi trẻ ngoài giờ cho giáo viên trường tư để người lao động yên tâm tăng ca, xây trường học tặng cộng đồng. Điển hình là Công ty TNHH Hwaseung Vina (H.Nhơn Trạch), Công ty TNHH Dệt may Eclat (H.Nhơn Trạch), Công ty TNHH Hyosung Việt Nam (H.Nhơn Trạch); Công ty TNHH Changshin Việt Nam (H.Vĩnh Cửu, H.Long Thành), Công ty TNHH Pousung Việt Nam (H.Trảng Bom), Công ty Tín Nghĩa… Dù chưa đáp ứng được hết nhu cầu gửi con của người lao động quanh các khu công nghiệp, nhưng sự nỗ lực của các DN là đáng trân trọng và cần được nhân rộng để đảm bảo nhu cầu học tập của con em công nhân trên địa bàn tỉnh.

* Nhân rộng mô hình xã hội hóa trường học

Hiện nay, mỗi xã, phường chỉ có một trường mầm non hoặc mẫu giáo công lập, trong khi các địa phương có nhiều khu, cụm công nghiệp hoặc những khu vực có nhiều người dân làm công nhân, buôn bán sinh sống có số lượng trẻ trong độ tuổi mầm non lớn. Quá trình đầu tư một trường học mới mất nhiều thời gian, kinh phí và gần như không theo kịp với tốc độ gia tăng dân số. Do đó, giải pháp mà ngành giáo dục tỉnh đưa ra là nhân rộng mô hình xã hội hóa trường học.

Bằng cách kêu gọi các DN có đông công nhân lao động, DN làm ăn lâu năm trên địa bàn tỉnh đầu tư cơ sở giáo dục phụ vụ cho con em công nhân của DN mình, xây dựng trường học tặng cho cộng đồng; phát triển các cơ sở giáo dục ngoài công lập đủ chuẩn để giảm bớt gánh nặng đầu tư cơ sở vật chất, trường học cho ngành giáo dục.

Hiện Đồng Nai có khoảng 1,2 triệu người (trong đó lao động nhập cư chiếm khoảng 60%), nhu cầu về nhà ở, trường học quanh các khu công nghiệp là rất lớn. Nhiều năm qua, Liên đoàn Lao động tỉnh các cấp trên địa bàn tỉnh cũng chủ động vận động các DN có đông công nhân hỗ trợ xây dựng nhà ở cho người lao động, trường học cho con công nhân; hỗ trợ chi phí gửi trẻ hàng tháng, nhiều DN phối hợp với Công đoàn thực hiện khá tốt.

Theo kế hoạch, tới đây, Liên đoàn Lao động tỉnh sẽ phối hợp với các cơ quan của tỉnh đầu tư xây dựng khu thiết chế Công đoàn với các công trình: nhà ở, trường học, siêu thị, trạm y tế… tổng giá trị 500 tỷ đồng tại Khu công nghiệp Giang Điền, H.Trảng Bom. Sau khi thiết chế Công đoàn ở H.Trảng Bom được xây dựng, Liên đoàn Lao động tỉnh xúc tiến xây dựng thêm một thiết chế Công đoàn nữa tại H.Nhơn Trạch để phục vụ người lao động.

Tin rằng, trong tương lai, trên địa bàn tỉnh sẽ có thêm nhiều công trình trường học do DN, tổ chức đoàn thể, cá nhân xây dựng hoặc tài trợ để con em công nhân, người dân có điều kiện học tập tốt hơn.     

    Ban Mai

Tin xem nhiều