Báo Đồng Nai điện tử
En

Vị tướng già và hành trình gần 30 năm đi tìm đồng đội

01:07, 25/07/2020

Cuộc trò chuyện của chúng tôi với thiếu tướng Nguyễn Ngọc Doanh, 82 tuổi, nguyên Phó tư lệnh chính trị Quân đoàn 4, nguyên Phó tư lệnh Mặt trận 479, khi ông vừa có chuyến về nguồn tại Sư đoàn 7 - Đồng Dù (tỉnh Bình Phước). Câu nói đầu tiên khi kể về hành trình 27 năm đi tìm đồng đội, ông nói: "Tôi mắc nợ đồng đội, còn sống ngày nào, còn phải tiếp tục đi tìm kiếm anh em".

Cuộc trò chuyện của chúng tôi với thiếu tướng Nguyễn Ngọc Doanh, 82 tuổi, nguyên Phó tư lệnh chính trị Quân đoàn 4, nguyên Phó tư lệnh Mặt trận 479, khi ông vừa có chuyến về nguồn tại Sư đoàn 7 - Đồng Dù (tỉnh Bình Phước). Câu nói đầu tiên khi kể về hành trình 27 năm đi tìm đồng đội, ông nói: “Tôi mắc nợ đồng đội, còn sống ngày nào, còn phải tiếp tục đi tìm kiếm anh em”.

Thiếu tướng Nguyễn Ngọc Doanh (phải) giới thiệu bức ảnh chụp kỷ niệm của thiếu tướng và đại tá Bế Ích Quân năm 2017 . Ảnh: Nguyệt Hà
Thiếu tướng Nguyễn Ngọc Doanh (phải) giới thiệu bức ảnh chụp kỷ niệm của thiếu tướng và đại tá Bế Ích Quân năm 2017 . Ảnh: Nguyệt Hà
Sau khi về hưu từ năm 1993 đến nay, dù mang trong mình tỷ lệ thương tật 78% nhưng thiếu tướng Nguyễn Ngọc Doanh đã đi nhiều vùng miền của Tổ quốc, thậm chí sang cả nước bạn Campuchia chỉ để tìm hài cốt của những đồng đội đã một thời cùng ông vào sinh ra tử…

Mắc nợ đồng chí, đồng đội

* Được biết hơn 50 năm trước đây, trong một trận chiến, ông đã bị thương rất nặng, đối mặt với lằn ranh sinh tử. Câu chuyện này cụ thể như thế nào, thưa thiếu tướng?

- Đúng vậy, đến nay, tôi vẫn còn nhớ như in trận chiến đấu ác liệt đánh đại đội biệt kích địch ngày 10-8-1966 ở đường 10, khu vực Vĩnh Thiện gần Bù Đăng (tỉnh Bình Phước), tôi chạm trán với toán biệt kích ngụy và bị thương rất nặng. Sau này, nghe anh em kể lại, tôi bị đạn bắn xuyên qua hàm, gãy hết răng, đứt cơ đùi. Đồng đội sơ cứu vết thương và khiêng tôi đi lánh nạn suốt đêm. Do không thấy tôi có biểu hiện của sự sống nên mọi người quyết định đưa tôi về nghĩa trang của đơn vị.

Đêm đó, đồng chí Vũ Văn Phẫu (quê tỉnh Hải Dương) được giao nhiệm vụ trông nom “xác” tôi. Khuya đến, đơn vị cử thêm 2 đồng chí Bế Ích Quân và Đinh Văn Lĩnh tiến hành việc chôn cất. Anh em đào huyệt, đặt tôi xuống đó, nhưng mệt quá nên lấy võng đắp lên, cử nhau canh gác chờ sáng hôm sau mới xúc đất đổ xuống.

Trong khi chờ lấp đất, cấp dưới của tôi là đồng chí tiểu đội phó Bế Ích Quân sực nhớ khi ôm tôi vào lòng, chân tôi không có dép nên đồng chí Quân tháo dép của mình rồi nhảy xuống huyệt nhường cho tôi để “xuống âm phủ có dép mà đi”. Ở phía đầu, các đồng chí Phẫu và Lĩnh vẫn uể oải xúc từng xẻng đất lấp xuống. Khi nắm bàn chân tôi, đồng chí Quân hét lên: “Ngừng tay, chân anh ấy còn ấm” và nhờ đó mà tôi còn sống đến ngày nay.

* Như vậy, nhờ tình đồng chí, đồng đội, thiếu tướng đã may mắn thoát chết trong gang tấc. Đây phải chăng là động lực để thiếu tướng cùng một số cựu chiến binh tiếp tục cuộc hành trình đi tìm đồng đội suốt hàng chục năm qua?

- Việc làm này của tôi và các cựu chiến binh hiện nay một phần trả ơn đời, một phần tri ân đồng chí, đồng đội đã trả lại sự sống cho tôi. Tôi trưởng thành, có được như hôm nay tất cả nhờ ơn đồng chí, đồng đội. Vậy nên, tôi luôn cảm thấy mình mắc nợ đồng chí, đồng đội, những người đã cùng tôi vào sinh ra tử, nhất là những đồng đội đã hy sinh tại chiến trường.

Năm 1992, sau khi về hưu, tôi đau ốm liên miên phải về quê ở tỉnh Vĩnh Phúc để trị bệnh nhưng trong lòng vẫn bồn chồn không yên khi nghĩ đến những người bạn chiến đấu còn nằm lạnh lẽo nơi những cánh rừng, ngọn đồi, ven các con suối ở các chiến trường từ Bắc vào Nam. Điều này đã thôi thúc tôi phải quyết tâm đi tìm đồng chí, đồng đội đã hy sinh. Từ năm 1993, tôi bắt đầu cuộc trường chinh tìm kiếm liệt sĩ cho đến ngày hôm nay.

Thưa thiếu tướng, với hành trình đi tìm hài cốt liệt sĩ dài gần 30 năm qua, thiếu tướng và các cựu chiến binh đã đạt kết quả tìm kiếm như thế nào?

- Gần 30 năm qua, tôi và đồng đội đã đi khắp các chiến trường từ Bắc vào Nam, sang cả nước bạn Campuchia; không quản ngại khó khăn gian khổ để mong kiếm tìm đồng đội đã hy sinh. Khi Hội Hỗ trợ gia đình liệt sĩ Việt Nam ra đời, tôi gia nhập Hội và được cử làm Giám đốc Trung tâm Thông tin tìm kiếm liệt sĩ phía Nam của Hội.

Đến nay, chúng tôi đã tìm kiếm được trên 250 bộ hài cốt liệt sĩ, trong đó có hơn 50 bộ hài cốt liệt sĩ được xác định danh tính và đưa về an nghỉ ở quê hương; phối hợp với các địa phương tìm kiếm hài cốt 150 đồng chí, đồng đội...

Thiếu tướng Nguyễn Ngọc Doanh xem lại những bức ảnh kỷ vật trong các chuyến tìm kiếm hài cốt liệt sĩ
Thiếu tướng Nguyễn Ngọc Doanh xem lại những bức ảnh kỷ vật trong các chuyến tìm kiếm hài cốt liệt sĩ

Còn sức còn tiếp tục đi

* Ở tuổi 82, lại mang trong mình nhiều thương tật nhưng ông vẫn cùng đồng đội vào Nam, ra Bắc để tìm kiếm mộ liệt sĩ. Điều gì giúp thiếu tướng tiếp tục “chân cứng đá mềm”? Đã có lúc nào, ông thấy mệt mỏi, cần nghỉ ngơi?

- Như tôi đã nói ở trên, tôi mắc nợ đồng chí, đồng đội rất nhiều, nhất là những người đã trả lại sự sống cho tôi. Điều này giúp tôi có thêm sức mạnh để vượt qua khó khăn, tiếp tục tìm kiếm, mong đưa anh em về yên nghỉ tại các nghĩa trang liệt sĩ ở quê nhà.

Tôi và một số cựu chiến binh không ngại gian khổ, khó khăn, thiếu thốn tiền bạc, chỉ mong sao có thật nhiều sức khỏe để đi đến nhiều nơi, tìm được nhiều hài cốt đồng đội đưa về. Bởi người lính chúng tôi khi ra trận là xác định chiến đấu vì độc lập,  tự do của dân tộc nên thanh thản lắm. Lòng chúng tôi chỉ thắt lại khi chứng kiến cảnh đồng đội của mình ngã xuống trên chiến trường. Nhưng cũng chính những mất mát ấy đã khiến anh em chúng tôi có thêm động lực, kiên cường, dũng cảm hơn trong chiến đấu; yêu thương giúp đỡ nhau lúc đời thường. Đó cũng là phẩm chất của “Bộ đội Cụ Hồ” trong mọi thời đại!

* Đã trải qua hành trình dài tìm kiếm hài cốt liệt sĩ, vậy kỷ niệm nào khiến thiếu tướng nhớ nhất và điều trăn trở hiện nay của thiếu tướng là gì?

- Tôi được sống lại từ lằn ranh sinh tử nên tôi luôn biết ơn những người đồng chí, đồng đội của mình. Việc gian nan, vất vả với chúng tôi hiện nay không phải là lội suối, trèo đèo, dầm mưa, dãi nắng mà là thiếu hồ sơ gốc. Do vậy, việc tìm kiếm nhiều lúc như mò kim đáy bể.

Kỷ niệm nhớ nhất trong hành trình gần 30 năm đi tìm đồng đội của tôi là việc tìm được hài cốt của liệt sĩ Cốt, là chính trị viên đại đội. Tôi và gia đình đồng chí Cốt đã kiên trì tìm kiếm suốt 12 năm ròng rã. Đồng chí Cốt được chôn cất vào hòm đạn đại liên bằng kẽm nên khi tìm thấy vẫn còn toàn bộ xương và một số kỷ vật.

Điều tôi trăn trở nhiều nhất là chính 2 đồng đội năm xưa (các đồng chí Phẫu và Lĩnh) đã cứu sống tôi. Sau đó 2 đồng chí đã hy sinh tại chiến trường nhưng đến nay tôi vẫn chưa thể tìm được hài cốt của đồng đội để đưa họ về quê hương. Chính vì vậy, cũng có nhiều người khuyên tôi lớn tuổi rồi, ở nhà để lớp trẻ đi tìm nhưng tôi là người lính đi ra từ cuộc chiến, nếm mật nằm gai trên từng mặt trận, là người nắm rõ nhất vị trí đồng đội ngã xuống nên tôi sống ngày nào thì tôi còn phải đi ngày đó để tìm hài cốt của các đồng chí, đưa về yên nghỉ tại quê hương thì tôi mới an lòng.

Xin cảm ơn thiếu tướng!

Theo thiếu tướng Nguyễn Ngọc Doanh, muốn tìm kiếm hài cốt liệt sĩ cần có 3 yếu tố mà các cơ quan, tổ chức và cả hệ thống chính trị phải tranh thủ tận dụng, quyết tâm để tìm kiếm. Đó là căn cứ vào những cựu chiến binh của các đơn vị chiến đấu còn minh mẫn; căn cứ vào đồng đội của đơn vị đã từng chiến đấu trước đây và sự hợp tác từ gia đình… kết hợp tốt những yếu tố này sẽ góp ích trong việc tìm kiếm, đưa các liệt sĩ về yên nghỉ tại quê nhà.

Nguyệt Hà (thực hiện)

Tin xem nhiều