Báo Đồng Nai điện tử
En

Văn hóa gia đình

10:06, 27/06/2020

...Được sống, trưởng thành từ mái ấm gia đình Việt Nam, con người được hưởng thụ và tham gia góp phần vun đắp giá trị văn hóa giàu tính giáo dục của tế bào xã hội. Gia đình chính là trường học đầu đời hình thành nhân cách và tri thức ban đầu cho con người; ở đó, ông bà, cha mẹ là người thầy đầu tiên, người lớn là tấm gương cho trẻ nhỏ. Thiên chức cao cả của gia đình là sản sinh, giáo dưỡng và cung cấp cho xã hội những con người mang tính người. Bắt đầu từ trẻ em.

...Được sống, trưởng thành từ mái ấm gia đình Việt Nam, con người được hưởng thụ và tham gia góp phần vun đắp giá trị văn hóa giàu tính giáo dục của tế bào xã hội. Gia đình chính là trường học đầu đời hình thành nhân cách và tri thức ban đầu cho con người; ở đó, ông bà, cha mẹ là người thầy đầu tiên, người lớn là tấm gương cho trẻ nhỏ. Thiên chức cao cả của gia đình là sản sinh, giáo dưỡng và cung cấp cho xã hội những con người mang tính người. Bắt đầu từ trẻ em.

Một gia đình 3 thế hệ ở H.Trảng Bom duy trì bữa cơm hằng ngày
Một gia đình 3 thế hệ ở H.Trảng Bom duy trì bữa cơm hằng ngày

Tâm hồn trẻ như tờ giấy trắng, hình ảnh gia đình in đậm vào đấy các giá trị văn hóa của mình. Nói cách khác, “trẻ em như búp trên cành”, vốn rất tinh nguyên “nhân chi sơ tính bổn thiện”; cái gốc của nhân cách trẻ em chủ yếu là do giáo dục tạo nên, như Bác Hồ nhận định: “Hiền dữ phải đâu là tính sẵn/ Phần nhiều do giáo dục mà nên”, trong đó giáo dục gia đình là nền tảng, thường xuyên và trực tiếp.

Như vậy, về lý lẽ, bản chất của gia đình đã mang trong nó vai trò giáo dục trẻ em. Mọi thành bại của một cá thể đều có nguyên nhân từ giáo dục gia đình.

Gia đình truyền thống của người Việt Nam bao đời nay không ngoài các giá trị của nhân loại; đồng thời mang đặc điểm của một xã hội trọng đạo lý, tình nghĩa, bền vững quan hệ cá nhân - gia đình làng xã - Tổ quốc trong quá trình đấu tranh dựng nước và giữ nước. Từ xưa, ông bà ta đã xem trọng vai trò giáo dục của gia đình, giáo dục gắn với giáo dưỡng, nuôi dạy con cái là mục đích, đồng thời là động lực của phát triển kinh tế gia đình; trách nhiệm của cha mẹ được khẳng định rõ “con dại cái mang”’, sự đánh giá công lao cha mẹ cũng rất công bằng: “Công cha, nghĩa mẹ, ơn thầy”’, ngược lại, trách nhiệm của con cái được và phải hưởng thụ nền giáo dục gia đình: “Cá không ăn muối cá ươn, con cãi cha mẹ trăm đường con hư”...

Rõ ràng, hệ thống giá trị chuẩn mực từ nền giáo dục gia đình truyền thống Việt Nam đã ăn sâu trong tâm thức con người. Dẫu có một số nội dung hiện đã lỗi thời nhưng cốt lõi nhân tính của nó vẫn còn tác dụng giáo huấn trong đời sống hiện đại. Chính nhờ ở giáo dục gia đình mà xã hội Việt Nam bền vững, phát triển, góp phần quan trọng trong sự nghiệp thắng giặc ngoại xâm, khắc phục thiên tai, hội nhập (nhưng không hòa tan) với nước ngoài.

Ngày nay, đa phần gia đình ở thành thị tự nguyện giảm sinh, thực hiện gia đình hai thế hệ, đời sống được cải thiện, phương tiện sinh hoạt khá đầy đủ nên con cái có cơ hội học hành, phát triển. Tuy nhiên, cha mẹ bị thu hút vào công việc ít có thời gian giáo dục con cái. Ngoài trường học, trẻ em thường tiêu khiển bằng nhiều trò chơi không có định hướng giáo dục nhân tính (trò chơi điện tử, đua xe, cá độ, băng nhóm...). Sự thiếu vắng vai trò giáo dục của gia đình khiến tỷ lệ trẻ em hư, trẻ em xâm hại lẫn nhau, người lớn xâm hại trẻ em, trẻ em không được hưởng đủ quyền của mình... tăng nhanh.

Để động viên, tiếp sức cho sức mạnh của văn hóa gia đình, ở Đông Nam bộ, nhiều biện pháp đã được thực hiện. Phong trào xây dựng gia đình văn hóa, xây dựng đời sống văn hóa lấy gia đình làm cơ sở. Kết quả thực tế cho thấy, ở những gia đình văn hóa, làng, ấp văn hóa; trẻ em thường được giáo dục, chăm sóc tốt; phát triển đều, nhiều em năng khiếu được phát huy. Ngoài ra, những cuộc liên hoan: gia đình văn hóa trẻ, tiêu biểu; gia đình ông bà mẫu mực con cái hiếu thảo chăm ngoan; gia đình văn hóa phụ nữ tiến bộ... đã có tác động lớn đến việc khuyến khích phát huy vai trò của văn hóa gia đình trong việc chăm sóc, giáo dục trẻ em trên địa bàn tỉnh.

Tuy nhiên, trong môi trường kinh tế thị trường, tốc độ đô thị hóa, công nghiệp hóa nhanh, lối sống, kiểu sinh hoạt châu Âu đang phổ biến; nhiều vấn đề về văn hóa gia đình và giáo dục con cái đang đặt ra khiến phải suy nghĩ và cần có giải pháp để định hướng đúng.

Vai trò và trách nhiệm của gia đình đã được pháp luật quy định, trong đó kết tinh giá trị văn hóa truyền thống và hiện đại. Kiểu gia đình một vợ một chồng, bình đẳng, hạnh phúc, tiến bộ là mẫu hình gia đình lý tưởng mà Nhà nước bảo trợ xã hội đang hướng đến. Nếu những nội dung quy định tại chương II Hiến pháp năm 2013 được thực hiện tốt trong đời sống thì sẽ ít phải nói đến những hiện trạng đau lòng. Vấn đề quan trọng là giải pháp giáo dục, vận động thực hiện đúng trách nhiệm của gia đình trong giáo dục trẻ em. Trong đó, phát huy bản sắc văn hóa truyền thống là cốt lõi.

Nghị quyết Đại hội Đảng lần VIII lưu ý: “Xây dựng đời sống văn hóa cơ sở, trong đó chú trọng vấn đề xây dựng gia đình văn hóa, làng, bản văn hóa, nếp sống văn minh đô thị”. Nghị quyết Đảng và pháp luật không thể tự đến với công chúng mà phải thông qua con đường vận động, giáo dục, thuyết phục; đồng thời bằng các tổ chức hoạt động phù hợp thực tế, bám rễ vào đời sống hiện thực. Việc tổ chức, xét, công nhận gia đình văn hóa, làng, ấp văn hóa cần chú tâm đến nội dung: Trẻ em được chăm sóc, giáo dục như thế nào. Việc tuyên dương, khen thưởng cũng vậy. Trẻ em học giỏi chăm ngoan, hiếu thảo, phát huy tốt giá trị văn hóa dân tộc cần được biểu dương xứng đáng. Biểu dương cả những bậc cha mẹ, ông bà có công giáo dục. Môi trường văn hóa lành mạnh, đậm bản sắc dân tộc ở gia đình, xã hội, nhà trường cần được chú ý xây dựng, bảo vệ như (hoặc quan trọng hơn) môi trường tự nhiên. Trẻ em được sống trong môi trường văn hóa dân tộc mới có thể trở thành chủ nhân xứng đáng của nền văn hóa tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc.

PGS-TS Huỳnh Văn Tới

Tin xem nhiều