Báo Đồng Nai điện tử
En

Thời công nghệ, gần mà xa...

09:06, 27/06/2020

Internet ra đời với nhiều hình thức kết nối thông tin đã làm thay đổi thế giới quá nhiều, len lỏi vào mọi ngóc ngách của cuộc sống con người. Điều này không thể phủ nhận và ngày càng thấy rõ sức mạnh chi phối của nó. Lớn nhỏ, ai cũng mong mỏi, thích và muốn sắm cho mình sản phẩm công nghệ thông tin hiện đại, tùy theo túi tiền, sở thích của mỗi người.

Internet ra đời với nhiều hình thức kết nối thông tin đã làm thay đổi thế giới quá nhiều, len lỏi vào mọi ngóc ngách của cuộc sống con người. Điều này không thể phủ nhận và ngày càng thấy rõ sức mạnh chi phối của nó. Lớn nhỏ, ai cũng mong mỏi, thích và muốn sắm cho mình sản phẩm công nghệ thông tin hiện đại, tùy theo túi tiền, sở thích của mỗi người.

* “Kéo” cả thế giới lại gần

Nhiều tin tức trên thế giới hiện nay dường như “chảy tuồn tuột” trên xa lộ thông tin với các dạng hình tùy người quan tâm, ưa thích, lựa chọn. Tùy thuộc vào lĩnh vực cá nhân quan tâm, mỗi người có thể xem từ tin thời sự nóng hổi từ các vùng miền trên thế giới mỗi ngày đến những bài hát, phong cách, scandal của nghệ sĩ toàn cầu… Chọn xem những câu chuyện đầy cảm động, mẫu quảng cáo hay đến cả “thánh” chửi, độc, lạ, khủng khiếp… nhan nhản với đủ thức “câu” like. Cảm động từ hành động với ý nghĩa cao đẹp đến bực tức, nổi khùng với nhiều cảnh chướng tai gai mắt. Một hoàn cảnh cần giúp đỡ qua cộng đồng mạng nhanh chóng “kéo” mọi người ở xa gần lại để chung tay với nhau làm việc thiện nguyện.

“Công nghệ 4.0 rồi mà”, một câu cửa miệng hằng ngày của bao người khi thấy ai đó không có điện thoại thông minh, không rành về mạng thông tin, không chơi mạng xã hội… Lắm lúc, nhìn người không có sản phẩm công nghệ thông tin như thể “vật thể lạ”, “ngạc nhiên chưa”, đánh đồng với ẩn ý “lạc hậu thế” giữa bao người hòa nhập nhanh chóng trong thế giới hiện đại. Nhiều người đi ra đường, không đem theo điện thoại thông minh là thấy thiếu thiếu thứ gì đó không chịu được. Những sản phẩm công nghệ thông tin thông minh hiện đại giờ trở thành vật bất ly thân của nhiều người, kể cả khi ngồi vào bàn ăn, khi đi ngủ… có thể nói “mọi lúc mọi nơi”. Một số điều tra xã hội cho thấy, thời gian trong ngày của mỗi người dành cho mạng xã hội, trên internet chiếm khá nhiều và ngày mỗi tăng.

Thế giới thông tin quá mở nên nhiều sự kiện, hiện tượng chưa kiểm chứng, có thật cũng như tin giả, lẫn lộn xuất hiện từng giờ, từng phút, từng giây đã lan đi nhanh chóng. Tâm lý của đám đông trước một sự kiện, hiện tượng, tin tức nào đó có tiếng vang, thu hút mọi người được like, từ bình tĩnh bình luận đến “tay nhanh hơn não bình loạn” cứ thế bung lên ào ào, rồi có khi giật mình thu hồi, xóa không kịp khi bị giật dây bởi “kịch bản, đạo diễn” tinh vi, chi tiết lừa mà như không lừa, giả mà y như thật… Thế giới thông tin ngồn ngộn đang cuốn con người vào vòng xoay bởi sự chi phối trong nhịp sống hiện đại và con người “nghiện” chúng một cách thích thú.

Thời công nghệ, dù người ở xa nhưng không xa mặt. Nhớ cái thời, để được nghe âm thanh hay nói chuyện của người xa quê thì phải thân thiện, bồi dưỡng anh bưu tá, chị nhân viên bưu điện khi có cuộc hẹn điện thoại báo trước… Khi đó, hai người nói chuyện qua điện thoại vừa vui, vừa tranh thủ nói nhanh, nói gấp đến trào nước mắt vì thích thú nhưng cũng lo cước phí.

Thời mạng xã hội không dây, qua mạng này mạng nọ, từ vô tư đến xả láng mà “tám” chuyện cá nhân, chuyện trên trời, dưới đất đến “thoải mái con gà mái”. Có “mất chi của bọ”, đó là chưa kể “chat” qua video mà nhìn, bình, nhận xét, tham vấn đủ thứ loại trang phục, đồ trang sức, mỹ phẩm… Sướng đến thế là cùng!

* “Đẩy” con người xa nhau

Thế nhưng, các nhà nghiên cứu về xã hội cho rằng, công nghệ cũng “đẩy” con người ra xa chứ không một chiều là “kéo” gần lại với nhau. Lạ thế nhưng mà là thật. Khoảng cách địa lý giữa người và người không còn là gì giữa thời buổi này bởi con người có thể nghe, nhìn thấy nhau rõ mồn một, thậm chí còn được “định vị” luôn dù mục đích tốt hay không tốt. Con người tưởng như được ràng buộc nhau nhưng lại lỏng lẻo ngay trong các mối quan hệ. Nói một cách khác, con người xa lòng nhau dù ở gần - điều này nghe như thật phi lý. Vì vậy, xưa yêu xa nhiều người sợ “xa mặt cách lòng” thì bây giờ lại “mặt gần” mà lại “lòng cách” mới lạ.

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Tôi đã từng chứng kiến nhiều cảnh - mà bây giờ thấy khá phổ biến, không chỉ bạn bè mà cả gia đình, những người yêu nhau hẹn hò gặp mặt rồi sau đó, mỗi người “cúi mặt” vào điện thoại của mình. Sự tương tác giữa con người ở xa có vẻ thích thú hơn nhìn mặt nhau khi gần, và ai đó ừ hử cho qua chuyện để theo dõi trên trang mạng của mình ai theo dõi, ai comment, ai like… Ở một số bữa cơm đâu đó, có nhiều người để điện thoại ở bên, vừa ăn, vừa bấm bấm, vuốt vuốt mà không chú ý những người cùng bàn đã là “chuyện thường ngày ở huyện”.

Nhiều người lớn tuổi cho biết, xưa nhà có việc gì, con cháu về tíu ta tíu tít, hỏi han. Giờ, con có, cháu có bước đến nhà, chào hỏi cho có lệ rồi mỗi đứa kiếm cái góc riêng “ôm” điện thoại, lớn thì lướt Facebook, nhỏ thì chơi game… Cứ thế, khi cả nhà bắt đầu ăn uống, nhiều đứa cháu chả thèm mở miệng thưa mời lấy chút lễ nghĩa mà chỉ lo chụp hình “cúng thần Facebook” rồi nói câu cực kỳ ngắn gọn, “rồi ạ, mọi người ăn đi ạ” như đồng trang phải lứa tất cả. Bạn bè đến nhà chơi, khi ngồi vào ghế, gọn lỏn với câu đầu tiên: “Pass wi-fi sao mày?” trong khi cha mẹ bạn bè đón tiếp, chưa hỏi được câu theo phép ứng xử.

Đã có những gia đình rạn nứt về tình cảm bởi thời công nghệ len đến giường ngủ. Nơi để chia sẻ những nỗi niềm, tâm sự, tình cảm giữa chồng vợ thì lại cái cảnh “chồng một bên”, “vợ một bên” với chiếc điện thoại. Đáng lẽ cần sự tương tác giữa khung cảnh ấm áp, riêng tư của tình cảm thì cả “hỉ nộ, ái ố” thế giới lại xộc vào trong suy nghĩ mỗi người. Đồng cảm với một hoàn cảnh đáng thương nào đó trên mạng thì được nhưng lại không chia sẻ, tâm sự, hỏi han với nhau nỗi lo toan công việc của vợ, chồng mỗi ngày. Đó là chưa kể, sự ân cần, dặn dò, nhớ thương “ngoài chồng, ngoài vợ” được tương tác cho người ở xa trong khi trên giường với người phối ngẫu. Và, cái xa lòng, cái hững hờ, cái chán nản… dần nảy sinh để rồi không ít người tan vỡ mái ấm.

Công nghệ là bước phát triển độc đáo của con người trong quá trình sinh tồn. Thế giới nhờ công nghệ đã có những sự nhảy vọt trong nhiều lĩnh vực, trong đó gắn kết và tăng thêm độ tương tác giữa con người bất chấp khoảng cách địa lý. Thế nhưng, công nghệ cũng đem lại nhiều hậu quả và hệ lụy đối với con người bởi cách ứng xử tùy thuộc vào mỗi cá nhân với chính nó. Biết và sử dụng công nghệ phù hợp sẽ đem lại những lợi ích tích cực, thiết thực để thêm thi vị cho cuộc sống và ngược lại. Nói thì đơn giản nhưng thực hiện thì khó bởi “độ ngấm” của công nghệ và sản phẩm của nó hiện nay đã, đang và sẽ khiến con người ngày càng lệ thuộc hơn.

Đinh Huyền Dũng

Tin xem nhiều
Liên kết hữu ích