Báo Đồng Nai điện tử
En

Ngành Du lịch cần nhìn lại mình sau đại dịch

09:06, 27/06/2020

Dịch Covid-19 đã làm cho ngành Du lịch chịu hậu quả nặng nề nhất trong thời gian qua. Để vực dậy ngành Du lịch không khói, nhiều chương trình xúc tiến du lịch, liên kết phát triển với các sản phẩm du lịch phong phú, phù hợp với nhu cầu, thị hiếu du lịch hiện nay đang được ngành Du lịch hướng tới.

PGS-TS Phạm Trung Lương
PGS-TS Phạm Trung Lương

Dịch Covid-19 đã làm cho ngành Du lịch chịu hậu quả nặng nề nhất trong thời gian qua. Để vực dậy ngành Du lịch không khói, nhiều chương trình xúc tiến du lịch, liên kết phát triển với các sản phẩm du lịch phong phú, phù hợp với nhu cầu, thị hiếu du lịch hiện nay đang được ngành Du lịch hướng tới.

Đánh giá về bức tranh du lịch năm 2020 và đặc biệt là những tác động của dịch Covid-19 đến ngành Du lịch, ông Phạm Trung Lương, Phó chủ tịch Hiệp hội Đào tạo, Hiệp hội Du lịch Việt Nam cho rằng, du lịch là ngành kinh tế rất nhạy cảm với các tác động xã hội, dễ bị biến đổi bởi tác động của những yếu tố rủi ro. Điển hình như tác động từ dịch bệnh Covid-19 đang làm cho ngành Du lịch bị ảnh hưởng nặng nề nhất.

Theo ông Phạm Trung Lương, thực tế doanh thu từ du lịch trong 6 tháng đầu năm 2020 cho thấy, lượng khách quốc tế giảm tới 70-80%, thậm chí là hơn, bởi lượng khách này chỉ có vào thời điểm tháng 1 và 2, từ tháng 3 đến nay thì hầu như không có. Khách du lịch nội địa cũng giảm mạnh do diễn biến phức tạp của dịch bệnh và chúng ta thực hiện giãn cách xã hội. Những yếu tố trên cho thấy, doanh nghiệp du lịch hiện nay đang rất khó khăn, không ít nhân viên ngành Du lịch mất việc làm, thu nhập không có… Đó chính là bức tranh chung của ngành Du lịch trong bối cảnh nền kinh tế chung cả thế giới cũng như du lịch Việt Nam.

* Thưa ông, trong bối cảnh dịch bệnh vẫn đang diễn biến phức tạp tại nhiều quốc gia, chúng ta có thể làm gì để gỡ khó cho ngành Du lịch Việt Nam? Liệu có cơ hội nào để ngành Du lịch phục hồi giữa tình thế này không?

- Vừa qua, Chính phủ đã có những gói hỗ trợ sau dịch để kích thích nền kinh tế vượt qua khó khăn. Những gói hỗ trợ này dành cho nhiều đối tượng khó khăn do dịch Covid-19, nhằm kích thích tiêu dùng trong nhân dân, trong đó có một phần kích cầu cho ngành Du lịch Việt Nam. Đây là gói hỗ trợ rất đáng quý và cần thiết.

Tuy nhiên, đối với ngành Du lịch chịu tác động quá nặng nề thì câu chuyện hỗ trợ cho ngành Du lịch cần có những chính sách cụ thể hơn. Để kích thích cho du lịch, tôi cho rằng sự hỗ trợ cần trực tiếp hơn, ví dụ như có thể hỗ trợ dưới dạng voucher (phiếu quà tặng) du lịch cho người dân, người dân sẽ dùng những voucher này để trả phí cho những dịch vụ khi đi du lịch, sự hỗ trợ này sẽ kích thích trực tiếp tiêu dùng cho du lịch.

Một cách gỡ khó khác, theo tôi, rất quan trọng đó chính là sự nỗ lực của từng doanh nghiệp du lịch. Các doanh nghiệp cần tìm cho mình hướng thoát ra khỏi khó khăn, có những ý tưởng, sáng kiến mới trong hoạt động du lịch.

* Theo ông, đại dịch Covid-19 có “định nghĩa” lại ngành Du lịch thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng theo một cách nào khác không? Hay khi đại dịch bị đẩy lùi, mọi thứ sẽ trở về như cũ?

- Theo tôi, đây là lúc thích hợp để ngành Du lịch nhìn lại chính mình, tập trung rà soát, tìm hướng đi đúng đắn nhất nhằm phục hồi du lịch sau những tổn thất thời gian qua. Hãy biến những thách thức hiện nay thành cơ hội để phát triển du lịch. Chắc chắn sau đại dịch này, ngành Du lịch sẽ có nhiều biến đổi, nhu cầu đi du lịch của người dân sẽ khác trước, khách du lịch sẽ quan tâm nhiều hơn đến sự an toàn, do đó, những sản phẩm du lịch an toàn đến sức khỏe, tính mạng… sẽ được đề cao và nhiều người lựa chọn hơn. Do đó, các doanh nghiệp du lịch cũng cần có những điều chỉnh kịp thời để tạo ra những sản phẩm du lịch phù hợp.

Du khách khám phá Vườn quốc gia Cát Tiên, một trong những điểm du lịch sinh thái rừng nổi tiếng tại Đồng Nai
Du khách khám phá Vườn quốc gia Cát Tiên, một trong những điểm du lịch sinh thái rừng nổi tiếng tại Đồng Nai

Tôi cho rằng các doanh nghiệp phải nhận thức và có sự thay đổi theo thị trường và trong tương lai, nhu cầu của người dân sẽ ngày càng cao hơn từ chất lượng tại các điểm tham quan đến các dịch vụ ăn uống, môi trường tại các điểm đến cũng phải được bảo đảm. Nếu trước đây chúng ta còn dựa vào những cái có sẵn, thì bây giờ phải thật sự hành động để giữ gìn môi trường du lịch, tạo sự cạnh tranh lành mạnh, thu hút khách tham quan du lịch nội địa ngày càng nhiều hơn.

* Quan sát của ông về “sức khỏe” của các doanh nghiệp trong ngành Du lịch hiện nay như thế nào? Họ cần làm gì trong lúc khó khăn này để tồn tại và phát triển?

- Ngành Du lịch đang bị ảnh hưởng nặng nề bởi dịch Covid-19, điều này đồng nghĩa với việc “sức khỏe” các doanh nghiệp du lịch chắc chắn đều bị yếu đi. Không có khách là không có thu nhập, không có doanh thu và đã không có doanh thu thì là cả vấn đề bởi doanh nghiệp còn phải đối mặt với rất nhiều chi phí để duy trì khu, điểm du lịch ngay cả thời gian đóng cửa.

Ngay lúc này, như tôi đã nói ở trên, các doanh nghiệp cần phải rà soát lại cách hoạt động, nhu cầu thị trường để từ đó cho ra những sản phẩm du lịch phù hợp, chất lượng nhất. Các doanh nghiệp cần phải có sự liên kết để cùng đưa ngành Du lịch nội địa tăng sức đề kháng, có sự phát triển mạnh mẽ.

* Ở góc độ du lịch địa phương, chẳng hạn Đồng Nai, ông có đánh giá như thế nào? Đồng Nai nên tập trung cho những định hướng nào để phát triển du lịch?

- Đồng Nai có tiềm năng du lịch lớn với những sản phẩm du lịch rất đặc sắc từ thiên nhiên. Tuy nhiên, sự phát triển du lịch ở Đồng Nai chưa đúng với kỳ vọng từ nhà quản lý đến những doanh nghiệp và khách du lịch.

Theo tôi, nguyên nhân của sự giới hạn này đầu tiên phải kể đến nguồn lực đầu tư cho du lịch còn nhiều hạn chế (tài chính, chính sách thu hút đầu tư riêng của Đồng Nai để thu hút đầu tư du lịch). Đồng Nai cần nắm bắt cơ hội khi tham gia liên kết các địa phương vùng Đông Nam bộ để phát triển du lịch. Du lịch không thể giới hạn ở mức độ ranh giới địa chính mà cần vươn ra xa hơn, thỏa mãn nhu cầu du khách.

Thời gian qua, Đồng Nai kiểm soát dịch bệnh tốt cũng phần nào giúp cho ngành Du lịch có lợi thế khi quảng bá các sản phẩm du lịch an toàn, đặc biệt là các mô hình du lịch sinh thái vườn, rừng, hồ…

* Theo ông, điểm yếu của du lịch địa phương hiện nay là gì? Địa phương cần thay đổi điều gì trước tiên để hút khách?

- Điểm yếu nhất hiện nay chính là nguồn lực để đầu tư, khai thác cho du lịch chưa tốt. Nhiều địa phương vẫn còn trông chờ, ỷ lại vào sự hỗ trợ từ Chính phủ mà chưa có những nguồn lực riêng ở cấp độ địa phương. Nguồn lực ở đây bao gồm: vật chất, chính sách thu hút đầu tư. Một địa phương có chính sách hỗ trợ tốt thì tự các doanh nghiệp sẽ mang tiền đến để đầu tư. Do đó, chúng ta cần có những chính sách đột phá, để cạnh tranh thu hút các nhà đầu tư đến với địa phương mình.

Theo tôi, việc cần làm trước mắt chính là địa phương cùng với doanh nghiệp rà soát lại tình hình du lịch thời gian qua để có hướng đi đúng đắn nhất. Chúng ta phải chuẩn bị sẵn sàng để ngay sau khi dịch qua đi, thị trường du lịch khởi sắc, chúng ta sẽ có những sản phẩm phù hợp để phục vụ du khách.

Đồng Nai có một số dự án lớn với tiềm năng du lịch cao nhưng vẫn còn “giậm chân tại chỗ” trong nhiều năm nay, do đó nếu có được chính sách hỗ trợ cho các dự án phát triển thuận lợi, tôi tin rằng du lịch Đồng Nai sẽ có bước đột phá với những sản phẩm đặc trưng của một tỉnh phát triển trên cả 3 lĩnh vực công nghiệp - nông nghiệp - du lịch.

* Xin cảm ơn ông!

“Ngoài tạo ra những sản phẩm du lịch phong phú, có sự liên kết cùng với chính sách kích cầu du lịch hợp lý thì khâu xúc tiến du lịch đóng vai trò quan trọng không kém để quảng bá du lịch cho địa phương.

Hiện nay khâu xúc tiến du lịch ở cấp quốc gia cũng như cấp địa phương vẫn còn nhiều hạn chế, ít hiệu quả. Hiện nay chúng ta vẫn đang xúc tiến du lịch theo tư duy mình có gì thì bày ra cái đó chứ chưa trưng bày được những cái mà khách cần. Các chương trình xúc tiến du lịch chưa có sự phong phú, chưa phân khúc theo thị trường. Nguồn lực cho công tác xúc tiến du lịch cũng chưa được đầu tư đúng mức, chưa đa dạng hóa được các kênh xúc tiến cũng như việc quản lý, kiểm soát chất lượng các sản phẩm du lịch để bảo đảm tương xứng với những quảng cáo, xúc tiến du lịch chưa tốt” - Phó chủ tịch Hiệp hội Đào tạo, Hiệp hội Du lịch Việt Nam Phạm Trung Lương cho biết.

 

Ngọc Liên (thực hiện)

Tin xem nhiều
Liên kết hữu ích