Báo Đồng Nai điện tử
En

Những nghệ nhân giữ nghề truyền thống

08:05, 09/05/2020

Đồng Nai là nơi có nhiều nghề truyền thống như chạm trổ đá, gốm, mộc mỹ nghệ, đúc gang... trong đó có những nghề đã tồn tại từ vài chục đến hàng trăm năm. Các nghề truyền thống được lưu giữ và phát triển đến hôm nay, có công rất lớn của những nghệ nhân, thợ giỏi. Họ đã dùng tài hoa, niềm đam mê để truyền và giữ nghề.

Đồng Nai là nơi có nhiều nghề truyền thống như chạm trổ đá, gốm, mộc mỹ nghệ, đúc gang... trong đó có những nghề đã tồn tại từ vài chục đến hàng trăm năm. Các nghề truyền thống được lưu giữ và phát triển đến hôm nay, có công rất lớn của những nghệ nhân, thợ giỏi. Họ đã dùng tài hoa, niềm đam mê để truyền và giữ nghề.

Nghệ nhân Nguyễn Văn Minh bên tượng Phật ngọc mới hoàn thành
Nghệ nhân Nguyễn Văn Minh bên tượng Phật ngọc mới hoàn thành

Lưu giữ và phát triển nghề truyền thống không chỉ để giải quyết việc làm cho nhiều lao động tại địa phương mà còn có giá trị rất lớn trong việc bảo tồn những giá trị văn hóa, nghệ thuật của Đồng Nai. có những nghề truyền thống gắn với quá trÌnh lịch sử phát triển của vùng đất Biên Hòa - Đồng Nai.

* Nhiều kỷ lục từ những “đôi tay vàng”

Nghề chạm trổ đá ở Bửu Long (TP.Biên Hòa) đã có từ hơn 300 năm trước. Đây cũng là nghề truyền thống lâu đời nhất của tỉnh và gắn liền với lịch sử văn hóa, nghệ thuật của Đồng Nai. Trải qua hơn 3 thế kỷ, nghề chế tác đá từng nhiều lần thăng trầm, nhưng các nghệ nhân từ đời này qua đời khác vẫn thay nhau tiếp nối và giữ nghề. Đồng thời, tạo ra được những tác phẩm ghi vào kỷ lục của Việt Nam và thế giới.

Ở Việt Nam hiện có 14 làng nghề sản xuất gốm nổi tiếng trong và ngoài nước là: gốm Biên Hòa; gốm Bát Tràng (Hà Nội); Đông Triều (Quảng Ninh); Bàu Trúc (Bình Thuận); Chu Đậu (Hải Dương); Phù Lãng (Bắc Ninh); Thổ Hà (Bắc Giang); Phước Tích (Thừa Thiên - Huế); Thanh Hà (Quảng Nam); Vĩnh Long (Vĩnh Long); Cây Mai (TP.HCM); Chánh Nghĩa, Tân Phước Khánh, Lái Thiêu (Bình Dương).

Nghệ nhân Nguyễn Văn Minh ở P.Phước Tân (TP.Biên Hòa) là một trong những bậc thầy về chế tác, điêu khắc đá của Việt Nam. Ông đã tạo ra 1 kỷ lục thế giới và 5 kỷ lục quốc gia về chế tác đá; hiện ông đang có 2 tác phẩm đợi xét kỷ lục thế giới và kỷ lục quốc gia. Thế nhưng với ông, niềm vui lớn nhất không phải là đạt được các kỷ lục mà là đã lưu giữ và đưa được nghề chế tác đá của Đồng Nai đi xa, được nhiều người trong và ngoài nước biết đến.

Theo nghệ nhân Nguyễn Văn Minh (quê tỉnh Nam Định), từ nhỏ ông đã mê nghề chạm khắc đá nên thời gian rảnh thường theo những thợ cả học hỏi kinh nghiệm. Khi biết Đồng Nai là nơi có nghề chạm trổ đá lưu truyền qua vài thế kỷ và một số nghệ nhân đã có những tác phẩm “để đời”, ông đã khăn gói vào TP.Biên Hòa tìm thầy để học, bổ sung thêm những kiến thức về nghề chạm trổ, điêu khắc đá. Qua tìm hiểu, nghiên cứu nghề chạm trổ đá ở Biên Hòa, ông đã được những nghệ nhân đi trước truyền thụ lại kinh nghiệm cùng những hoài bão chưa thực hiện được. Nghệ nhân Văn Minh đã chọn ở lại TP.Biên Hòa và thành lập cơ sở điêu khắc đá Lưu Sơn.

Ông Minh chia sẻ: “Ở Việt Nam, 3 nơi có nghề điêu khắc đá nổi tiếng nhất là Bửu Long (Đồng Nai), Phụng Châu (Hà Nội) và Ngũ Hành Sơn (Đà Nẵng). Trong đó, nghề điêu khắc đá của Bửu Long nổi danh cả ở trong nước lẫn ngoài nước hàng thế kỷ và được những người mê tác phẩm điêu khắc đá đánh giá rất cao về giá trị nghệ thuật. Vì thế, tôi muốn tiếp nối sự nghiệp của những nghệ nhân đi trước phát triển nghề chạm trổ, điêu khắc đá của Đồng Nai vươn xa hơn nữa”.

Tác phẩm ông Minh đạt kỷ lục thế giới là tượng Phật ngọc khối nặng 6,8 tấn được Hiệp hội Kỷ lục thế giới công nhận và trái tim bằng ngọc bích lớn nhất thế giới đang đợi xét công nhận.

* Những người “truyền lửa”

Nghề mộc mỹ nghệ của Đồng Nai chia thành 2 dòng khác nhau, mỗi loại hình đều mang một sắc thái riêng rất xuất sắc. Cụ thể, mộc mỹ nghệ làm từ gốc rễ cây và mộc mỹ nghệ làm từ gỗ khối, những mảnh vụn gỗ.

Nghệ nhân Đào Minh Tiên ở xã Xuân Tâm (H.Xuân Lộc) là một trong những người đầu tiên đưa nghề mộc mỹ nghệ từ gốc rễ cây về H.Xuân Lộc. Đây cũng được coi là nơi đầu tiên trong cả nước sản xuất ra những tác phẩm nghệ thuật từ gốc rễ cây và phát triển nhất cả nước.

Nghệ nhân Đào Minh Tiên bên tác phẩm nghệ thuật từ gốc rễ cây
Nghệ nhân Đào Minh Tiên bên tác phẩm nghệ thuật từ gốc rễ cây

Nghệ nhân Tiên nhớ lại, vào năm 1985, Ông cùng nhóm bạn chơi thân cùng mê nghề mộc đã cùng nhau nghiên cứu và làm ra những tác phẩm đầu tay từ các gốc rễ cây. Các sản phẩm trên khi được đưa về TP.HCM trưng bày đã thu hút nhiều người mê tác phẩm từ gỗ trong nước và nước ngoài, họ đến tận cơ sở của ông Tiên để đặt hàng. Thấy nghề này đem lại thu nhập khá cao nên ông Tiên đã đào tạo nghề cho những ai muốn học.

Nghệ nhân Tiên kể: “Nghề mộc mỹ nghệ từ gốc rễ cây đòi hỏi người theo nghề phải có năng khiếu về hội họa, sự kiên nhẫn, tỉ mỉ mới tạo ra được những tác phẩm có hồn. Do đó, người đến học nghề có tố chất trên tôi đều truyền thụ lại những kinh nghiệm mÌnh có được. Sau 3-4 năm học nghề, có nhiều người đã trở thành những thợ giỏi có thể tự mở cơ sở sản xuất”. Các học trò của ông Tiên có người mở cơ sở tại Đồng Nai cũng có người ra tỉnh khác làm, đem nghề mộc mỹ nghệ làm từ gốc rễ cây phát triển, mở rộng.

Nghệ nhân Phan Khắc Dũng, xã Xuân Tâm (H.Xuân Lộc) cho rằng, mộc mỹ nghệ từ gốc rễ cây cũng như nhiều nghề truyền thống khác ở Đồng Nai và cả nước phải trải qua nhiều “sóng gió”. Tuy nhiên, với sự đam mê và mong ước bảo tồn của nhiều nghệ nhân, thợ giỏi, đã đưa nghề truyền thống vươn xa và ghi được dấu ấn với nhiều khách hàng trong nước và quốc tế. “Để nghề mộc mỹ nghệ từ gốc rễ cây ngày càng phát triển, tôi cũng như các nghệ nhân nơi này đã liên tục tìm tòi, làm ra các tác phẩm có giá trị nghệ thuật cao và “độc nhất vô nhị”, thỏa mãn được sự yêu thích của nhiều khách hàng” - Ông Dũng nói.

Ngoài ra, còn có các nghệ nhân Đặng Công Lộc, Triệu Phú Quý, Cao Văn Cường... là những người có công rất lớn trong việc lưu giữ và phát triển nghề mộc mỹ nghệ từ gốc rễ cây tại H.Xuân Lộc.

Nghệ nhân Nguyễn Thành Nhân là người có hơn 30 năm gắn bó với nghề mộc mỹ nghệ tại xã Bình Minh (H.Trảng Bom). Ông là nghệ nhân đã có nhiều đóng góp trong việc đào tạo ra nhiều lớp thợ có tay nghề giỏi để cùng ông mở rộng nghề làm sản phẩm trang trí, lưu niệm từ gỗ như: tàu, xe ô tô, mô tô, máy bay, đồ vật từ gỗ. Hiện các sản phẩm của ông đã xuất khẩu trực tiếp sang hơn 10 nước trên thế giới như: Hoa Kỳ, Đức, Anh, Pháp, Italy, Hàn Quốc, Nhật Bản...

Ông Nhân kể: “Tính đến nay, tôi đã tự nghiên cứu và làm ra hơn 600 mẫu sản phẩm gỗ mỹ nghệ khác nhau để cung cấp cho các khách hàng trong nước và nước ngoài. Có rất nhiều đối tác nước ngoài trực tiếp đến cơ sở của tôi tìm hiểu để mua hàng và hầu hết là ký hợp đồng dài hạn. Bởi cơ sở có mẫu mã đa dạng, sản phẩm tinh xảo và giá cạnh tranh”.

* Đưa “đặc sản” đi xa

Năm 2017, ông Hoàng Ngọc Hiến ở P.Hóa An (TP.Biên Hòa) được phong nghệ nhân gốm. Ông là người có nhiều tâm huyết với nghề và đã có nhiều đóng góp trong việc bảo tồn và phát triển nghề gốm Biên Hòa. Tuy không phải người gốc Đồng Nai, nhưng nghệ nhân Hiến lại luôn đau đáu một nỗi niềm làm sao để gốm Biên Hòa không bị mai một và có thể vươn xa, đến được với những người mê gốm trong và ngoài nước.

Để thỏa mãn niềm đam mê gốm của những khách hàng từng say mê gốm Biên Hòa - Đồng Nai, ông Hiến đã liên tục nghiên cứu và làm ra những tác phẩm có giá trị cao về nghệ thuật. Trong mỗi tác phẩm của ông đều giữ lại được những nét đặc sắc riêng của gốm Biên Hòa để không bị hòa lẫn vào các dòng gốm khác ở Việt Nam. Đồng thời, ông cũng có thêm những sáng tạo để gốm Biên Hòa dù trải qua nhiều thập niên vẫn mang nét đẹp riêng cuốn hút người mê gốm. Các sản phẩm gốm ông làm ra khá đa dạng gồm: bình, tượng, vật trang trí, tranh... được tiêu thụ trong nước và xuất khẩu sang một số nước châu Âu, châu Á.

Nghệ nhân Hoàng Ngọc Hiến chia sẻ: “Tôi luôn nghiên cứu để mỗi sản phẩm gốm ra lò đem lại giá trị thẩm mỹ cao, được khách hàng trong nước và quốc tế yêu thích. Như vậy, tôi sẽ góp phần đưa được gốm Biên Hòa đi xa và lưu giữ nghề truyền thống có bề dày hơn thế kỷ”.

Khánh Minh

Tin xem nhiều