Báo Đồng Nai điện tử
En

Cuộc sống luôn cần ''lòng tử tế''

07:05, 09/05/2020

Những ngày qua, giữa lúc cả nước đang huy động mọi nguồn lực tập trung cho công tác phòng, chống dịch Covid-19 thì thông tin về những sai phạm của Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP.Hà Nội (CDC Hà Nội) cùng các thuộc cấp và đồng phạm đã cuộn lên làn sóng bức xúc trong dư luận xã hội.

Những ngày qua, giữa lúc cả nước đang huy động mọi nguồn lực tập trung cho công tác phòng, chống dịch Covid-19 thì thông tin về những sai phạm của Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP.Hà Nội (CDC Hà Nội) cùng các thuộc cấp và đồng phạm đã cuộn lên làn sóng bức xúc trong dư luận xã hội.

Trong thời điểm xảy ra dịch bệnh Covid-19, có một số vụ án lớn đã được đưa ra xét xử như: vụ án liên quan đến những sai phạm của cựu Chủ tịch OceanBank Hà Văn Thắm và đồng phạm gây hậu quả nghiêm trọng đối với OceanBank; vụ án MobiFone mua 95% cổ phần AVG liên quan đến những sai phạm đặc biệt nghiêm trọng của bị cáo Nguyễn Bắc Son, cựu Bộ trưởng Thông tin - truyền thông và sai phạm của các đồng phạm đã gây thiệt hại thuộc sở hữu nhà nước hơn 6 ngàn tỷ đồng, làm chậm tiến độ cổ phần hóa MobiFone, ảnh hưởng đến niềm tin của nhân dân; hay việc cơ quan chức năng ra quyết định khởi tố bị can đối với Nguyễn Xuân Đường (tức Đường “Nhuệ”) để điều tra hành vi có dấu hiệu phạm tội... Những sự vụ “động trời” ấy nếu diễn ra trong thời điểm không xảy ra dịch bệnh chắc chắn sẽ thu hút sự chú ý theo dõi đặc biệt từ dư luận xã hội. Thế nhưng, do đang tập trung phòng, chống dịch nên sự “quan tâm” về mặt dư luận của người dân đối với các vụ án lớn trên cũng giảm đi phần nào.

Tuy nhiên, riêng với vụ án hình sự “vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng” xảy ra tại CDC Hà Nội, Công ty CP Định giá và bán đấu giá tài sản Nhân Thành, Công ty TNHH Vật tư khoa học và thương mại Việt Nam và các đơn vị liên quan lại thu hút sự quan tâm đặc biệt từ cộng đồng xã hội. Sau khi khởi tố vụ án, kết quả điều tra ban đầu của cơ quan chức năng đã làm rõ hành vi sai phạm của bị can Nguyễn Nhật Cảm (Giám đốc CDC Hà Nội; học hàm, học vị: PGS-TS) và đồng phạm trong việc chỉ định thầu và mua máy xét nghiệm Covid-19 với hành vi móc ngoặc, thổi giá thiết bị vật tư y tế lên “trên trời”. Cơ quan điều tra xác định, hệ thống máy xét nghiệm Realtime PCR phòng, chống Covid-19 khi nhập về Việt Nam giá khoảng 2,3 tỷ đồng. Tuy nhiên, các doanh nghiệp nhập khẩu, phân phối mua bán “lòng vòng” với nhau và cuối cùng CDC Hà Nội đã mua với giá 7 tỷ đồng, gấp 3 lần giá khi nhập về Việt Nam.

Không chỉ ở CDC Hà Nội, cơ quan điều tra cũng đã vào cuộc làm rõ dấu hiệu “thổi” giá máy xét nghiệm Realtime PCR phòng, chống Covid-19 lên rất cao ở Quảng Ninh.

Trở lại vấn đề vì sao dư luận xã hội lại đặc biệt quan tâm, bức xúc, thậm chí là phẫn nộ trước sai phạm của bị can Nguyễn Nhật Cảm và đồng phạm, bởi đây được xem là điển hình của hành vi lợi dụng chức vụ, quyền hạn để trục lợi từ dịch bệnh, biểu hiện của sự tham lam, vô cảm không thể nào chấp nhận được. Trong bối cảnh cả hệ thống chính trị, mọi tầng lớp nhân dân và cộng đồng doanh nghiệp đang căng mình dốc mọi nguồn lực với tinh thần “chống dịch như chống giặc” chỉ mong khống chế, đẩy lùi được dịch bệnh; trong khi tư lệnh các cấp, các ngành bao đêm không ngủ tìm phương án chống dịch hiệu quả nhất; trong khi biết bao cán bộ, chiến sĩ lực lượng vũ trang và ngành Y quên hết mọi hiểm nguy xông pha ra tuyến đầu chống dịch để bảo vệ sức khỏe, sự an toàn cho nhân dân; và khắp nơi, biết bao người dân sẵn sàng “nhường cơm, sẻ áo” cho những người bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 với những câu chuyện đầy xúc động về lòng nhân và tinh thần “tương thân, tương ái”... thì đâu đó vẫn có những kẻ lợi dụng dịch bệnh để trục lợi cho bản thân. Thử hỏi sự nghịch lý như thế dư luận xã hội làm sao có thể lắng dịu, dễ dàng tha thứ?

Rồi đây, tòa án sẽ đưa ra xét xử vụ này và những kẻ có hành vi sai phạm, trục lợi trong dịch bệnh sẽ nhận lấy hình phạt thích đáng như quan điểm của lãnh đạo TP.Hà Nội: “Các trường hợp vi phạm phải được điều tra xử lý nghiêm, không nương nhẹ bất cứ trường hợp nào. Trong điều kiện dịch bệnh mà vi phạm thì phải là tình tiết tăng nặng...”. Bên cạnh đó, còn có một tòa án khác sẽ là nơi phán xét và ra hình phạt cho hành vi sai phạm của các đối tượng không chỉ trong khoảng thời gian nhất định mà là suốt cuộc đời, đó là Tòa án lương tâm.

Dư luận xã hội cũng mong mỏi cơ quan chức năng cần vào cuộc thật tích cực, quyết liệt, xử lý thật nghiêm minh, đủ sức răn đe các đối tượng trong vụ việc này. Đồng thời, tiếp tục rà soát chặt chẽ, kịp thời phát hiện và xử phạt thích đáng những đối tượng, những vụ việc khác lợi dụng dịch bệnh để đầu cơ trục lợi, găm hàng, nâng giá, sản xuất và mua bán thiết bị y tế, thuốc men giả...

Từ vụ việc nêu trên bất chợt nhớ đến hình ảnh chiếc máy ATM phát miễn phí... “lòng tử tế” trong truyện ngắn Phố thời dịch của nhà văn Khôi Vũ với lời thoại thật ý nghĩa: “Bây giờ hơn lúc nào hết, con người cần có lòng tử tế anh ạ”. Vâng, cuộc sống luôn luôn cần có và phải có lòng tử tế. Giá như vị PGS-TS Nguyễn Nhật Cảm và những người liên quan hiểu chân lý giản dị ấy, sống tử tế và có lòng tự trọng thì chắc rằng đã không có câu chuyện buồn đáng lên án như trên.

Dịch bệnh Covid-19 cơ bản đã được đẩy lùi trên phạm vi cả nước. Kết quả đó có được từ sự chung sức, đồng lòng của các cấp, các ngành, toàn thể nhân dân và cộng đồng doanh nghiệp. Và, trong “cuộc chiến” không kém phần cam go đẩy lùi dịch bệnh ấy có sự đóng góp tích cực của biết bao tấm lòng tử tế, biết bao con người biết sống vì cộng đồng, biết sẻ chia vì người khác...

Thanh An

Tin xem nhiều