Báo Đồng Nai điện tử
En

Câu chuyện bảo tồn và phát triển...

07:05, 09/05/2020

Nhiều năm qua, Đồng Nai rất chú trọng việc bảo tồn và phát triển các nghề truyền thống. Bên cạnh các giá trị nêu trên, về lâu dài, các sản phẩm của nghề truyền thống trong tỉnh có thể kết nối các khu du lịch thành những sản phẩm du lịch đặc sắc. Các công ty lữ hành, khu du lịch đánh giá rất cao sản phẩm của làng nghề.

Nhiều năm qua, Đồng Nai rất chú trọng việc bảo tồn và phát triển các nghề truyền thống.

Bên cạnh các giá trị nêu trên, về lâu dài, các sản phẩm của nghề truyền thống trong tỉnh có thể kết nối các khu du lịch thành những sản phẩm du lịch đặc sắc. Các công ty lữ hành, khu du lịch đánh giá rất cao sản phẩm của làng nghề.

Sản phẩm gốm Đồng Nai được tiêu thụ trong nước và xuất khẩu ra nhiều nước trên thế giới
Sản phẩm gốm Đồng Nai được tiêu thụ trong nước và xuất khẩu ra nhiều nước trên thế giới

* Để nghề truyền thống phát triển bền vững

Trên địa bàn Đồng Nai hiện có hàng chục nghề truyền thống và mặt hàng làm ra rất phong phú và đa dạng. Trong đó có những sản phẩm dùng để trưng bày, trang trí, sử dụng như: gốm, mộc mỹ nghệ, đá điêu khắc, gang, trầm... Cũng có những sản phẩm là những đặc sản ăn rất ngon miệng như: bánh tráng, chuối sấy, cốm, hủ tiếu, bánh đa, bánh ướt, bột sắn... Nghề truyền thống tập trung ở các địa phương như: TP.Biên Hòa, các huyện Trảng Bom, Xuân Lộc, Vĩnh Cửu.

Các địa phương có nghề truyền thống đều có những chính sách hỗ trợ để mở rộng sản xuất và tiêu thụ hàng hóa do các cơ sở làm ra.

Bà Vũ Thị Minh Châu, Chủ tịch UBND H.Trảng Bom cho biết: “Để nghề mộc mỹ nghệ trên địa bàn Trảng Bom phát triển bền vững, huyện đã tiến hành hỗ trợ các cơ sở đào tạo nghề cho lao động, xúc tiến thương mại để mở rộng thị trường tiêu thụ. Huyện dành ra khu đất khoảng 2ha tại xã Bình Minh và làm hạ tầng hoàn chỉnh để vận động các cơ sở gỗ mỹ nghệ vào xây dựng nhà xưởng sản xuất, đảm bảo về môi trường”.

  Theo ông Đoàn Văn Thiện, Phó trưởng phòng Kinh tế hạ tầng H.Xuân Lộc, huyện thường xuyên tổ chức các đợt đào tạo nghề, quản lý sản xuất kinh doanh cho các cơ sở làm nghề mộc mỹ nghệ trên địa bàn. Bên cạnh đó, huyện tiến hành chọn ra những sản phẩm nông thôn tiêu biểu cấp huyện, tỉnh, khu vực từ các nghề truyền thống trên địa bàn nhằm tôn vinh và phát triển.

* Tri ân nghệ nhân giữ nghề

Hằng năm, tỉnh đều rà soát tìm ra những người đã gắn bó lâu năm và có nhiều cố gắng trong việc bảo tồn nghề truyền thống để vinh danh thành các nghệ nhân. Qua đó, ghi nhận những đóng góp của các nghệ nhân và khuyến khích họ tiếp tục góp sức để phát triển nghề truyền thống hơn nữa.

Ông Lâm Quang Liêm, Phó giám đốc Trung tâm Khuyến công và tư vấn phát triển công nghiệp Đồng Nai (Sở Công thương) cho biết: “Tỉnh rất xem trọng việc lưu giữ và phát triển nghề truyền thống nên những năm qua đã giao cho trung tâm tìm hiểu và xét tặng danh hiệu nghệ nhân cho gần 10 người. Trong đó có nghệ nhân gỗ mỹ nghệ, nghệ nhân điêu khắc đá, nghệ nhân gốm. Đây là cách tri ân những người đam mê nghề truyền thống và có nhiều cống hiến cho nghề”.

Hiện nay, nhiều địa phương trong tỉnh ngoài việc hỗ trợ đào tạo nghề, quảng bá giới thiệu sản phẩm cho nghề truyền thống thì còn đưa vào danh mục sản phẩm nông thôn tiêu biểu. Mục đích là để có thêm cơ hội giúp cho nghề truyền thống được vững mạnh và vươn xa.

Chủ tịch UBND H.Vĩnh Cửu Phạm Minh Phước cho hay: “Vĩnh Cửu là nơi có nhiều nghề truyền thống với các sản phẩm đặc sắc nên huyện luôn cố gắng bảo tồn, phát triển. Dự tính của huyện là gắn kết sản phẩm của làng nghề với phát triển du lịch sinh thái rừng, hồ. Như vậy sẽ giúp cho đầu ra của nghề truyền thống thuận lợi hơn”.

Hầu hết các nghệ nhân trên địa bàn tỉnh đều mở các cơ sở sản xuất và hàng hóa làm ra được nhiều đại lý, doanh nghiệp trong nước đặt mua để tiêu thụ ở nội địa và đưa đi xuất khẩu. Thế nhưng, các nghệ nhân vẫn không quên dành thời gian hoàn thành những tác phẩm có giá trị về văn hóa, nghệ thuật nhằm lưu danh tên tuổi của làng nghề.

Theo nghệ nhân Đặng Công Lộc (H.Xuân Lộc): “Dù các đơn đặt hàng đến với tôi rất nhiều, nhưng tôi vẫn dành thời gian để thực hiện một bộ sưu tập khoảng 50 bức tượng về các anh hùng dân tộc từ gốc rễ cây. Bởi tôi đã được công nhận là nghệ nhân thì cũng nên có thêm những đóng góp cho việc phát triển, quảng bá nghề truyền thống của địa phương”. Khi tác phẩm của ông hoàn thành, có thể sẽ là một kỷ lục quốc gia, nhưng điều nghệ nhân này hướng đến là để nhiều người biết đến “tiếng thơm” của nghề mộc mỹ nghệ ở địa phương mình.               

Uyển Nhi

 

 

Tin xem nhiều