Báo Đồng Nai điện tử
En

Hành động để bảo vệ trẻ em

12:05, 30/05/2020

Từ năm 2015, tháng 6 hằng năm được chọn là Tháng Hành động vì trẻ em. Tháng Hành động vì trẻ em được triển khai rộng khắp tại các địa phương trong cả nước nhằm tạo sự chuyển biến mạnh mẽ trong nhận thức, hành động và trách nhiệm của toàn xã hội đối với công tác bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em. Năm nay, Tháng Hành động vì trẻ em có chủ đề "Chung tay bảo vệ trẻ em, phòng, chống xâm hại trẻ em".

Từ năm 2015, tháng 6 hằng năm được chọn là Tháng Hành động vì trẻ em. Tháng Hành động vì trẻ em được triển khai rộng khắp tại các địa phương trong cả nước nhằm tạo sự chuyển biến mạnh mẽ trong nhận thức, hành động và trách nhiệm của toàn xã hội đối với công tác bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em. Năm nay, Tháng Hành động vì trẻ em có chủ đề “Chung tay bảo vệ trẻ em, phòng, chống xâm hại trẻ em”.

Đoàn viên thanh niên xã Tà Lài, H.Tân Phú hướng dẫn trẻ em vui chơi sau những giờ học tập trên lớp
Đoàn viên thanh niên xã Tà Lài, H.Tân Phú hướng dẫn trẻ em vui chơi sau những giờ học tập trên lớp

Có thể nói, cùng với chăm sóc, giáo dục thì bảo vệ trẻ em có tính chất quan trọng trong việc tạo lập môi trường phát triển an toàn, lành mạnh cho mỗi đứa trẻ. Trong đó, phòng, chống xâm hại trẻ em đang thực sự trở thành mối quan tâm của toàn xã hội khi thời gian qua liên tiếp những vụ việc xâm hại trẻ em được phát hiện, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sự phát triển toàn diện của trẻ em - những mầm non tương lai của đất nước. Tại Kỳ họp thứ 9 đang diễn ra, Quốc hội khóa XIV đã dành hẳn 1 ngày (27-5) để thảo luận việc thực hiện chính sách pháp luật về phòng, chống xâm hại trẻ em.

Theo Báo cáo của Chính phủ, giai đoạn từ năm 2015-2019, có tới 8.442 vụ xâm hại trẻ em được phát hiện, xử lý, với 8.709 trẻ em bị xâm hại. Trong các vụ xâm hại trẻ em, phổ biến nhất, để lại hậu quả nặng nề, gây bức xúc dư luận nhất là xâm hại tình dục, chiếm 75,4% tổng số vụ xâm hại trẻ em.

Con số hàng ngàn vụ xâm hại trẻ em quả là đau lòng, nhưng có thể chưa phản ánh đầy đủ thực tế số vụ xâm hại trẻ em. Các vụ xâm hại trẻ em thời gian gần đây ngoài gây ra những hậu quả đối với sự phát triển của trẻ em, gia đình và xã hội còn đặt ra những vấn đề đáng quan tâm. Trong đó có việc đối tượng xâm hại trẻ em là người ruột thịt, người thân thích và người quen biết với trẻ có xu hướng gia tăng. Trẻ em không chỉ bị xâm hại bởi người lạ, ở ngoài cộng đồng mà còn ở trong chính trường học, chính gia đình của mình - nơi tưởng như an toàn nhất. Tình trạng xâm hại, bạo lực học đường vẫn còn diễn biến phức tạp ở một số địa phương, cơ sở giáo dục, trong đó có những vụ bạo lực học đường nghiêm trọng, làm ảnh hưởng đến thể chất, tinh thần học sinh, ảnh hưởng xấu đến môi trường giáo dục và gây bức xúc trong dư luận xã hội. Chưa kể với sự bùng nổ của công nghệ thông tin như hiện nay, các yếu tố nguy cơ dẫn đến xâm hại trẻ em trên môi trường mạng vẫn luôn thường trực. Điều đó cũng cho thấy rằng công tác bảo vệ trẻ em là vô cùng cấp thiết, phải xuất phát từ chính mỗi gia đình, trong môi trường học đường và cần sự chung tay của toàn xã hội với những hành động mạnh mẽ, thiết thực hơn nữa.

Không chỉ tạo lập môi trường phát triển lành mạnh, toàn diện, bảo vệ trẻ em trước những nguy cơ bị xâm hại, việc tuyên truyền về phòng, chống xâm hại trẻ em, nâng cao hiểu biết pháp luật về quyền, nghĩa vụ chăm sóc trẻ em đối với bậc làm cha mẹ cũng như mỗi cá nhân, tổ chức, cộng đồng xã hội là rất quan trọng. Tại các địa phương, công tác theo dõi, thống kê tình hình trẻ em bị xâm hại cần được thực hiện nghiêm túc, chặt chẽ nhằm có cái nhìn tổng quan, phản ánh đầy đủ, sát tình hình thực tế. Ngoài ra, việc thực hiện đầy đủ các biện pháp can thiệp như chăm sóc y tế, trị liệu tâm lý để giúp trẻ sớm hòa nhập cộng đồng cũng là vấn đề cần được quan tâm. Hiện nay nhận thức xã hội về phòng ngừa xâm hại trẻ em đã được nâng lên. Nhiều bậc làm cha mẹ cũng đã quan tâm trang bị cho bản thân cũng như con em mình kiến thức, kỹ năng để có thể tự bảo vệ mình.

Thực tế, bên cạnh việc đổi mới, hoàn thiện hệ thống chính sách, quy định pháp luật về bảo vệ trẻ em trong tình hình mới thì rất cần những hành động mang tính đồng bộ, bởi trẻ em không chỉ được bảo vệ bằng pháp luật mà còn bởi sự chung tay của các cơ quan tư pháp, của hệ thống hỗ trợ - bảo vệ trẻ em cũng như các yếu tố từ gia đình, nhà trường, cộng đồng. Và điều quan trọng là việc bảo vệ trẻ em, tạo môi trường để trẻ phát triển toàn diện cần được nhìn nhận đúng mức vì sự phát triển bền vững của đất nước, như Chủ tịch Hồ Chí Minh từng căn dặn: “Cái mầm có xanh thì cây mới vững, cái búp có xanh thì lá mới tươi quả mới tốt, con trẻ có được nuôi dưỡng giáo dục hẳn hoi thì dân tộc mới tự cường tự lập”…         

Nhật Hạ

Tin xem nhiều