Báo Đồng Nai điện tử
En

Con công hay múa, chú khỉ dòm nhà, người chắp tay chào

09:05, 15/05/2020

Thời dịch Covid-19, kiểu chào chắp hai tay "Namaste" của người Ấn Độ "lên ngôi" khi ai cũng né tối đa việc bắt tay thông thường để tránh lây virus - theo tường thuật của chị Nguyễn Huỳnh Khánh Linh từ New Delhi cho Đồng Nai cuối tuần.

Thời dịch Covid-19, kiểu chào chắp hai tay “Namaste” của người Ấn Độ “lên ngôi” khi ai cũng né tối đa việc bắt tay thông thường để tránh lây virus - theo tường thuật của chị Nguyễn Huỳnh Khánh Linh từ New Delhi cho Đồng Nai cuối tuần.

“Namaste!” - gửi lời chào bạn quê hương khi New Delhi trời đang mưa rả rích, cảm giác như đang ở Sài Gòn. Chuyện đáng kể ở Ấn thời dịch Covid-19 là kiểu chào chắp 2 tay trước ngực truyền thống chưa bao giờ được phổ biến nhiều đến vậy. Nguyên thủ khắp thế giới cũng áp dụng kiểu chào này thay vì bắt tay do sợ nhiễm Covid-19. Từ hồi sang Ấn, tôi đã thích kiểu chào này và học theo luôn, bởi sợ nhất là phải bắt những bàn tay ẩm ướt trơn tuột hay lạnh lẽo. Ra đường thấy phụ nữ Ấn chắp hai tay, khẽ mỉm cười, hơi cúi đầu và nghiêng người trông thật lịch sự và duyên dáng làm sao.

* Nhiều đợt phong tỏa

Ở Ấn, ca nhiễm bệnh Covid-19 đầu tiên phát hiện vào tuần đầu tiên của tháng 2 ở bang Kerela (phía Nam Ấn), bệnh nhân là người từ nước ngoài về. Ngày 19-3, Chính phủ Ấn lần đầu tiên kêu gọi “Janata Curfew” (lệnh giới nghiêm toàn dân) rồi bất ngờ tuyên bố luôn đợt phong tỏa 21 ngày kể từ ngày 22-3. Đến nay đã là đợt phong tỏa thứ 3 và sẽ nối dài tiếp đợt phong tỏa thứ 4 từ ngày 18-5 tới.

Tại thủ đô New Delhi, nhà nào có người nghi ngờ nhiễm bệnh hay người trở về từ nước ngoài tự cách ly tại nhà thì trước cửa có dán sticker đỏ ghi rõ “Vui lòng không thăm viếng, nhà đang cô lập” (Please do not visit. Home under quarantine). Người ở nước ngoài về hồi tháng 3 còn được đóng dấu xanh bằng mực không phai trên tay ngay tại sân bay, trên dấu ghi rõ phải cách ly đến ngày nào.

Cảnh sát Ấn Độ giữ trật tự đám đông xếp hàng mua nhu yếu phẩm thời Covid-19. Ảnh: REUTERS
Cảnh sát Ấn Độ giữ trật tự đám đông xếp hàng mua nhu yếu phẩm thời Covid-19. Ảnh: REUTERS

Cảnh sát ở Ấn dùng drone (phương tiện bay ghi hình từ trên cao) để kiểm soát các khu vực phong tỏa và cô lập. Họ cũng dùng drone và robot để phun khử trùng hoặc đưa thực phẩm, thuốc men vào các khu vực chữa bệnh. Các học viện và tổ chức, doanh nghiệp Ấn đang thi nhau nỗ lực hết sức để tự sản xuất kit xét nghiệm, vaccine, trang thiết bị y tế, máy thở…

* Nguy cơ từ “bỏ phố về quê”

Do đặc thù đông dân, diện tích rộng lớn, đa tôn giáo, đa sắc tộc, đa đảng và nhiều cộng đồng cư dân sống san sát chật chội trong điều kiện kém vệ sinh, cho đến thời điểm hiện tại, việc kiểm soát của Chính phủ Ấn được coi là thành công khi giữ được số ca dương tính tới giữa tháng 5 khoảng 80 ngàn ca và gần 3 ngàn người chết (so với dự đoán là cả triệu người nhiễm).

Báo chí Ấn Độ viết về “cây ATM gạo” phát miễn phí cho người khó khăn ở Việt Nam thời Covid-19.
Báo chí Ấn Độ viết về “cây ATM gạo” phát miễn phí cho người khó khăn ở Việt Nam thời Covid-19.

Khi có lệnh phong tỏa, chính quyền các bang của Ấn, nhất là các bang lớn nơi có lực lượng lao dộng di cư chiếm 30-40% dân số bang, có các hoạt động biện pháp hỗ trợ như: phát thực phẩm, dựng các lều trại tạm trú cho người lao động. Tuy nhiên, khi nghe nói tình hình phong tỏa có thể kéo dài nhiều tháng, hàng trăm triệu lao động nhập cư tại các thành phố lớn lũ lượt dắt díu, gồng gánh, vác trên vai những vật dụng ít ỏi gom góp được đi về quê bất chấp lệnh cấm. Do tất cả các phương tiện di chuyển công cộng đều dừng hoạt động nên họ quyết định đi bộ cả hàng trăm cây số để về nhà.

Tôi cảm thấy có chút may mắn vì công việc và cuộc sống của mình không ảnh hưởng quá nhiều bởi Covid-19 do trước giờ vẫn chủ yếu làm việc xúc tiến, tư vấn thương mại online ở văn phòng tại nhà. Chỉ có một số lô hàng xuất nhập từ Ấn bị chậm trễ do lệnh phong tỏa, hiện cũng giải quyết xong. Một vài gia đình người Việt ở Ấn chỉ gặp chút khó khăn về việc ra ngoài mua thực phẩm ở thời gian đầu phong tỏa. Bà giúp việc nhà tôi hôm trước cũng “lẻn” ra ngoài tiệm đầu ngõ để mua thêm sữa trữ tủ lạnh vì “rất cần thiết”.

* Những cảnh tượng thời Covid-19

Có những người nghèo ở Ấn không có tiền mua khẩu trang nhưng do lệnh bắt buộc đeo khẩu trang bèn “cái khó ló cái khôn”: tự tạo khẩu trang bằng lá cây để đeo. Trên mạng lan truyền mạnh những hình ảnh Cảnh sát Ấn dùng gậy, roi đánh những người không tuân lệnh cấm đi ra đường thời Covid-19. Thật ra đây là điều bình thường ở xứ này, cảnh sát hay áp dụng với những ai ngoan cố và phạm pháp, “nói hoài không chịu nghe”. Ở nhiều bang, cảnh sát còn có sáng kiến giả bệnh nhân nhiễm Covid-19 ngồi trong xe cứu thương để bắt người trái lệnh giới nghiêm nhốt vào xe “cùng bệnh nhân Covid” cho họ sợ.

Chim công nhảy lên mui xe khoe sắc.
Chim công nhảy lên mui xe khoe sắc.

Đặc biệt ở Ấn có nhiều công viên, cây cối nên là “thiên đường” sinh trưởng cho những con vật không ai nuôi (cũng không ai bắt làm gì). Những ngày phong tỏa vì Covid-19 không ai ra đường, nhiều cảnh tượng kỳ thú như bầy chim công tự do tung tăng đi dạo trên phố vắng, đàn khỉ tinh nghịch leo trèo qua các ban công nhà dân… Các động vật tự nhiên như đàn két, bồ câu, sóc… càng bạo dạn hơn, chiếm lĩnh không gian. Hoặc có thể do chúng đói nên năng nổ đi tìm thức ăn.

* Dịch khó kết thúc trước tháng 9

Lệnh giới nghiêm và phong tỏa ở Ấn có thể nới lỏng dần, nhưng đồng thời với việc này sẽ là sự gia tăng ca bệnh nên dịch Covid-19 ở Ấn khó có thể kết thúc trước tháng 9-2020. Chính phủ có thể tiếp tục kiểm soát tốt tình hình bằng lệnh phong tỏa chặt chẽ, nhưng cái giá phải trả là kinh tế và cuộc sống, công việc của quá nhiều gia đình bị ảnh hưởng nặng nề, nhất là tầng lớp lao động. Điều này có thể dẫn đến bạo loạn.

Các chú khỉ “quậy” ban công nhà dân ở New Dehli. Ảnh: Khánh Linh
Các chú khỉ “quậy” ban công nhà dân ở New Dehli. Ảnh: Khánh Linh

Dân số Ấn hiện hơn 1,3 tỷ người. Nếu xét nghiệm tầm 100 ngàn ca trong 1 ngày thì đến người cuối cùng được xét nghiệm sẽ mất… 37 năm. Những con số cho bạn hình dung về sự phức tạp của quốc gia quá rộng lớn này trong việc kiểm soát, ngăn ngừa dịch bệnh. Thôi thì hy vọng mọi người và tôi dành thời gian phong tỏa kéo dài này để tĩnh tâm, hưởng thụ tách cà phê buổi sáng trong căn phòng mà bấy lâu nay cứ vội vã đi ra cho kịp giờ làm. Ngưng hẳn việc shopping (mua sắm) để học cách hài lòng với một cái váy giản đơn. Có thêm thời gian bên con cái và gia đình, nấu tô bún riêu “kỳ công” giữa phương xa để đỡ nhớ quê nhà Việt Nam…

Chim công “nhởn nhơ” dạo phố Mumbai thời Covid-19. Ảnh: Internet
Chim công “nhởn nhơ” dạo phố Mumbai thời Covid-19. Ảnh: Internet

Nguyễn Huỳnh Khánh Linh  (từ New Delhi)

Tin xem nhiều