Báo Đồng Nai điện tử
En

Làm bạn cùng con

10:02, 28/02/2020

Dịch bệnh Covid-19 rõ ràng tác động không nhỏ đến tình hình kinh tế - xã hội của các quốc gia và đời sống của mỗi gia đình. Nhưng ở một góc độ nào đó, kỳ nghỉ dài chưa có tiền lệ này cũng là dịp để cha mẹ có thêm nhiều cơ hội làm bạn cùng con.

Dịch bệnh Covid-19 rõ ràng tác động không nhỏ đến tình hình kinh tế - xã hội của các quốc gia và đời sống của mỗi gia đình. Nhưng ở một góc độ nào đó, kỳ nghỉ dài chưa có tiền lệ này cũng là dịp để cha mẹ có thêm nhiều cơ hội làm bạn cùng con.

Một người mẹ đưa con đi thả diều trong những ngày nghỉ học phòng chống dịch Covid-19. Ảnh: L.Viên
Một người mẹ đưa con đi thả diều trong những ngày nghỉ học phòng chống dịch Covid-19. Ảnh: L.Viên

Có thể nói học sinh cả nước chưa có kỳ nghỉ nào dài như hiện nay. Suốt gần 2 tháng nghỉ Tết và tiếp đó là nghỉ phòng chống dịch bệnh Covid-19, học sinh được nghỉ học, không còn cảnh “chạy sô” từ lớp học chính quy đến các lớp học thêm, học năng khiếu… Hầu hết toàn thời gian con trẻ ở nhà, mỗi gia đình có sự sắp xếp khác nhau để phù hợp với điều kiện phòng chống dịch bệnh.

* Dành thêm thời gian bên con

Việc trẻ nghỉ học dài ngày ban đầu chắc chắn gây ra sự xáo trộn trong sinh hoạt của các gia đình, đặc biệt là các gia đình trẻ. Bởi lẽ, cha mẹ ngoài phải đảm bảo công việc ở cơ quan, doanh nghiệp, còn phải chăm sóc, quản lý con khi con không thể “nội trú”, “bán trú”.

Đối với những gia đình có con ở độ tuổi mẫu giáo, trẻ chưa thể tự phục vụ nên cần sự chăm sóc chu đáo, phải để mắt thường xuyên hơn. Do đó, một số gia đình gửi trẻ cho ông bà, người thân có điều kiện về thời gian trông coi. Một số gia đình phải nhờ ông bà, người thân ở quê, hoặc thuê người để trông trẻ…

TS.Lê Công Minh, Phó trưởng khoa Tâm lý học, Trường đại học Khoa học xã hội và nhân văn, Đại học Quốc gia TP.HCM:

Chăm sóc, giáo dục con là trách nhiệm của cha mẹ

Phụ huynh phải bình tâm xác định rằng việc chăm sóc, giáo dục con chính là trách nhiệm của mình. Khi nhà chức trách đưa ra thông cáo về việc học sinh phải ở nhà để phòng chống dịch bệnh, thì cha mẹ nên dành thời gian, bố trí thời gian chăm sóc trẻ hợp lý. Để từ đó con trẻ ngoài có thêm cơ hội gần gũi cha mẹ thì còn đảm bảo an toàn cho sức khỏe.

Trong hoàn cảnh “chẳng đặng đừng”, không có người thân ở gần, gia đình chị Phạm Mai Thảo (thị trấn Vĩnh An, H.Vĩnh Cửu) để con lớn trông chừng em nhỏ.

“Ban đầu vợ chồng tôi cũng bất an, lo lắng đủ điều khi con lớn học lớp 5 trông em mới 3 tuổi. Nhưng trong cái khó ló cái khôn, con gái tôi thay đổi rất nhiều khi không chỉ tự phục vụ nhiều hơn trước mà còn biết chăm sóc em một số việc cơ bản, biết khéo léo cho em ăn, không giành đồ chơi của em… Những lúc đi làm, thông qua camera, thấy các con chơi ngoan, vợ chồng tôi yên tâm phần nào” - chị Thảo chia sẻ.

Mỗi sáng, thay vì tất bật ra ngoài ăn như trước, nay chị Thảo dậy sớm chuẩn bị đồ ăn cho bữa sáng và bữa trưa. Vợ chồng còn thay phiên thu xếp công việc để có nhiều thời gian bên các con hơn. Mặc dù vậy, chị Thảo cũng cho hay, để đề phòng bất trắc, chị thường xuyên hướng dẫn con một số kỹ năng, cách xử trí khi có cháy, khi có trộm đột nhập…

Những gia đình có con ở độ tuổi lớn hơn sẽ đỡ vất vả hơn so với cha mẹ có con ở độ tuổi mẫu giáo. Theo chia sẻ của chị Hồ Thị Hương (P.Quang Vinh, TP.Biên Hòa), con chị đang ở độ tuổi học THPT, vợ chồng chị không còn lo lắng nhiều về chăm sóc, tự phục vụ cá nhân của con. Thay vào đó, chị lại lo lắng con có nhiều thời gian rảnh sẽ “ôm” tivi, điện thoại thông minh để chơi game, tham gia mạng xã hội quá đà…

Do vậy, suốt mấy tuần qua, ngoài đôn đốc con ôn tập trực tuyến, cho con đi đá banh 2-3 lần để rèn luyện sức khỏe, chị Hương còn dành thời gian rèn luyện cho con trai một số kỹ năng mềm như: nấu ăn, làm các công việc nhà. “Trước thấy con học căng thẳng, tôi thường quán xuyến mọi việc nội trợ. Nay có thời gian, tôi chỉ cho con nấu một số món đơn giản, sau này con có đi học xa nhà, tôi cũng đỡ lo hơn” - chị Hương chia sẻ.

Thay vì mỗi ngày mấy bận ngược xuôi đưa đón con đến các lớp học, vợ chồng chị Hương xem đây là cơ hội để cha mẹ và con có thời gian chia sẻ, nói chuyện với nhau nhiều hơn, bởi theo chị “mình gần gũi với con thì con cũng sẽ cởi mở, hay nói chuyện và chia sẻ với mình”.

* Yêu thương song hành cùng trách nhiệm

Thực tế, chuyện học sinh nghỉ học để đảm bảo an toàn trong phòng chống dịch là việc làm buộc tuân thủ, dù cho có bất tiện ở một số gia đình. Song dường như đây không phải là lần đầu một số bậc phụ huynh ca thán việc trông giữ con. Trước đó, thực trạng này cũng thường xảy ra mỗi khi học sinh nghỉ hè, nghỉ Tết.

Được nghỉ học, trẻ phụ giúp gia đình với các việc vừa sức
Được nghỉ học, trẻ phụ giúp gia đình với các việc vừa sức

Có ý kiến cho rằng, mỗi người đều có quyền lựa chọn cuộc sống riêng của mình. Người trưởng thành đều có thể chọn cho mình cuộc sống tự do, không sinh con, nhưng một khi đã có con thì phải chuẩn bị tâm lý, sức khỏe, tài chính để chấp nhận sẽ vất vả hơn, dành thời gian để nuôi dạy trẻ. Đó chính là trách nhiệm cơ bản của các bậc làm cha làm mẹ. Nếu nghĩ thông suốt trách nhiệm của mình, cha mẹ có lẽ sẽ không stress hoặc khủng hoảng trầm trọng trong việc chăm sóc con. Theo đó, tùy vào hoàn cảnh của mỗi gia đình, mỗi cặp vợ chồng khi sinh con ra thì phải phân công, sắp xếp công việc trông con, hoặc thuê người trông trẻ, gửi trẻ nơi đảm bảo… để từ đó có thể yên tâm đi làm mang lại thu nhập cho gia đình.

Thiết nghĩ, kỳ nghỉ kéo dài này là cơ hội để một số bậc cha mẹ gần gũi con hơn và học lại các kỹ năng làm cha mẹ mà thời gian dài ta dường như khoán trắng cho thầy cô, “chạy sô” với lớp học. Nếu nhìn vấn đề theo hướng tích cực thì đây chính là thời gian bù đắp lại cho con và gia đình.

Nếu xem con là gánh nặng, con sẽ trở thành nguyên nhân stress. Nếu xem con là yêu thương, thời gian bên nhau nhiều sẽ là cơ hội để gắn kết tình cảm gia đình.

Tùy độ tuổi của con, cha mẹ có thể làm bạn cùng con nhiều hơn. Chẳng hạn, đối với trẻ mẫu giáo, cha mẹ có thể cùng con quan sát môi trường xung quanh, dạy con tô màu, học bảng chữ cái, học đếm số, phân biệt các con vật, đồ dùng gia đình, chơi cùng con, kể chuyện cho con… Đối với trẻ tiểu học, cha mẹ có thể ôn bài cùng con, mua sách cho con đọc thay vì cho con có “quản gia” là điện thoại, iPad…

Đối với trẻ lớn hơn thì cha mẹ cần dành thời gian lắng nghe tâm sự của con về chuyện bạn bè, trường lớp để có thể chia sẻ với con nhiều hơn. Khi trẻ không đến trường, cha mẹ thông qua hệ thống camera, hoặc người nhà để quan sát, đốc thúc con ôn bài, học bài mới. Trang bị kỹ năng sử dụng các thiết bị gia đình, kỹ năng phòng tránh các rủi ro trong nhà cũng rất cần thiết để trẻ có thể tự chơi ở nhà mà vẫn an toàn. Ngoài ra cha mẹ có thể dạy, khuyến khích con làm việc nhà vừa sức với mình, chơi thể thao cùng con…

Làm bạn cùng con có lẽ là điều bất cứ bậc cha mẹ nào cũng mong muốn nhưng trên thực tế đó không phải là việc đơn giản. Sự eo hẹp về thời gian, khoảng cách giữa thế hệ, những áp lực cuộc sống… khiến giữa cha mẹ và con đôi lúc có khoảng cách. Do đó, ngoài xác định trách nhiệm chăm sóc, giáo dục con là của mình, cha mẹ hiện đại cũng cần có kỹ năng làm cha mẹ, cần phải học chứ không thể chỉ dạy con theo thói quen, theo kinh nghiệm.     

            Lâm Viên

Tin xem nhiều