Báo Đồng Nai điện tử
En

Du hành Vui cùng sách

10:02, 28/02/2020

"Đứa cháu nội giở cuốn truyện tranh thiếu nhi ra. Tôi và cháu cùng chỉ vào sách: "Con khủng long này có răng nhọn, mặt hung tợn là do ăn thịt nè. Còn con này ăn cỏ nên hiền nè…" - ông Lê Hoàng (Phó chủ tịch Hội Xuất bản Việt Nam) kể lại câu chuyện cháu nội của ông biết phân biệt "hiền, dữ" qua những trang sách nhỏ.

 

“Đứa cháu nội giở cuốn truyện tranh thiếu nhi ra. Tôi và cháu cùng chỉ vào sách: “Con khủng long này có răng nhọn, mặt hung tợn là do ăn thịt nè. Còn con này ăn cỏ nên hiền nè…” - ông Lê Hoàng (Phó chủ tịch Hội Xuất bản Việt Nam) kể lại câu chuyện cháu nội của ông biết phân biệt “hiền, dữ” qua những trang sách nhỏ.

Học sinh tiểu học tham dự chương trình Du hành vui cùng sách tại Đường sách TP.HCM. Ảnh: Lê Đức Trung
Học sinh tiểu học tham dự chương trình Du hành vui cùng sách tại Đường sách TP.HCM. Ảnh: Lê Đức Trung

* Giúp trẻ vui cùng sách

Là người hầu như dành cả đời phục vụ trong ngành xuất bản với bao tâm huyết về sách, ông Lê Hoàng thừa nhận “người Việt Nam không có thói quen đọc sách bởi vì nhiều trẻ em Việt Nam chưa được tạo điều kiện để có thói quen đọc sách từ tấm bé”. Muốn tạo dựng được thói quen đọc sách cho trẻ từ thuở còn thơ thì cần có sự chung tay của môi trường giáo dục, gia đình và các hoạt động vui chơi giải trí.

“Chương trình Du hành vui cùng sách là một điểm sáng trong hoạt động gần đây của Đường sách Nguyễn Văn Bình - TP.HCM. Thay vì tham quan thông thường, học sinh đã được chia sẻ những lợi ích của việc đọc sách tác động đến hình thành nhân cách cho học sinh. Về lâu dài, học sinh được tiếp cận với sách một cách thân thiện, vui vẻ, dần hình thành thói quen yêu thích đọc sách từ nhỏ. Chương trình này hoàn toàn có thể nhân rộng ra nhiều tỉnh, thành khác như: Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu, Buôn Ma Thuột…” - ông Lê Hoàng (Phó chủ tịch Hội Xuất bản Việt Nam) cho biết.

“Có rất nhiều phụ huynh dẫn con em họ ra Đường sách Nguyễn Văn Bình ở TP.HCM dạo chơi, chọn và mua sách vào mỗi cuối tuần. Chúng tôi nghĩ đến việc làm sao góp phần đưa sách gần gũi với đối tượng học sinh (đặc biệt là học sinh tiểu học, trung học), đồng thời giúp các bạn trẻ hiểu được việc đọc sách mang lại những lợi ích thiết thực gì” - ông Lê Hoàng nói về ý tưởng tổ chức chương trình Du hành vui cùng sách (Happy Reading Tour).

Tính đến cuối tháng 2-2020, đã có trên 25 chương trình Du hành vui cùng sách được Công ty Đường sách TP.HCM thực hiện với sự cộng tác đắc lực từ các NXB, đơn vị làm sách có gian hàng ở đường sách. Trong đó có 9 chương trình do chính nhà trường đưa học sinh đến tham quan và tổ chức hoạt động ngoại khóa, tổ chức cho học sinh làm bài tập nhóm về sách theo dự án.

* Hoàn thiện tri thức và nhân cách

“Chúng tôi mời các gian hàng sách chia sẻ cùng các em, tự tổ chức hoạt động sân chơi mini, giới thiệu sách để thu hút học sinh quan tâm đến mảng sách dành cho mình. Còn các em được làm chủ thể tham gia chính, giao lưu tương tác với nhiều nội dung hình thành nhân cách, chăm đọc sách” - ông Lê Hoàng đề cập đến mô hình tổ chức “lấy bạn nhỏ làm trọng tâm” của Du hành vui cùng sách.

Tại một chương trình Du hành vui cùng sách, người quản trò xuất hiện khuấy động không khí và thu hút đám đông hơn 70 em học sinh tiểu học nam, nữ hướng lên sân khấu. Các em cười vui khi thưởng thức tiết mục xiếc vui nhộn rồi bắt đầu lắng nghe câu hỏi: “Theo các em thì một người bạn tốt sẽ cần những điều gì?”. Có bạn trả lời là chăm học, bạn khác trả lời là có tính tốt như cho bạn mượn đồ dùng học tập… Dần dần, người dẫn chương trình đúc kết 5 yếu tố trở thành một người tốt và tất cả đều có thể lĩnh hội một cách nhanh và hiệu quả là có thói quen đọc sách. Có rất nhiều tựa, bộ sách truyền tải nội dung về 5 phạm trù góp phần phát triển, hoàn thiện tri thức và nhân cách của trẻ em mà chương trình Du hành vui cùng sách nhấn mạnh gồm trí tuệ, tình cảm, đạo đức, đức tính và thói quen tốt.

Theo số liệu thống kê từ cuộc bình chọn “Tốp 10 tựa sách truyền cảm hứng sáng tạo cho giới trẻ 2019” và “Tốp 10 sách hay dành cho thiếu nhi các cấp lớp năm 2019” tại Đường sách TP.HCM thì độ tuổi trung bình tham gia cuộc bình chọn trực tiếp là 14 tuổi. Điều này cho thấy, học sinh - thiếu nhi có sự quan tâm từ gia đình, nhà trường dần được định hướng cho việc tạo lập thói quen đọc sách cho con em. Từ đó, các em dần hình thành được niềm say mê đọc sách từ nhỏ.      

5 phạm trù góp phần phát triển, hoàn thiện tri thức và nhân cách trẻ em

1. Trí tuệ phát triển (kiến thức mở mang): Là sự mở mang kiến thức, hiểu biết về thế giới xung quanh, cho đến tự phát triển các năng lực ngôn ngữ, giao tiếp, tư duy, tầm nhìn, khả năng giải quyết vấn đề...

2. Tình cảm ý chí tích cực (ước mơ, hoài bão, ý chí vươn lên): Là các loại cảm xúc, động cơ, ước mơ sống cao đẹp (chân, thiện, mỹ), khát vọng, ý chí vươn lên (thành người thành đạt, hữu ích...).

3. Đạo đức tốt: Là sự hiểu, phân biệt giữa những điều tốt, việc thiện nên làm và những việc ác, việc xấu, làm tổn hại đến kẻ khác, người  khác phải nên tránh (như sự tham lam, ích kỷ, lòng đố kỵ gây đau khổ, oan khiên cho người khác, cưỡng bức, hiếp đáp, bạo hành người yếu thế...).

4. Đức tính tốt (giá trị sống cao đẹp): đó là những đức tính tốt của con người như: sự trung thực, lòng yêu thương, chân thành, tự trọng, lạc quan, trách nhiệm, dũng cảm, cầu tiến, tự tin, độc lập, tự chủ. 

5. Thói quen tinh thần tốt: Có lối suy nghĩ, lối sống tích cực, nhận ra điểm mạnh, điểm tốt của người khác, lắng nghe, cân nhắc, biết nhận lỗi, kiên trì, năng vận động, linh hoạt, trật tự, vệ sinh, ngăn nắp, đúng giờ, thích đọc sách... giúp cá nhân ứng xử có văn hóa tốt với mọi người xung quanh.

T.Nghĩa

Tin xem nhiều