Báo Đồng Nai điện tử
En

Để sự sống mãi hồi sinh

11:02, 28/02/2020

Trong cuộc sống đời thường, chúng tôi biết đến những câu chuyện đầy xúc động về những người trước khi ra đi mãi mãi, họ đã lên kế hoạch để "hồi sinh" cho nhiều cuộc đời khác hoặc phục vụ cho nghiên cứu khoa học bằng cách hiến bộ phận cơ thể hoặc hiến xác mình.

Trong cuộc sống đời thường, chúng tôi biết đến những câu chuyện đầy xúc động về những người trước khi ra đi mãi mãi, họ đã lên kế hoạch để “hồi sinh” cho nhiều cuộc đời khác hoặc phục vụ cho nghiên cứu khoa học bằng cách hiến bộ phận cơ thể hoặc hiến xác mình.

Anh Phạm Minh Toàn (28 tuổi, ngụ P.Trảng Dài, TP.Biên Hòa) đã đăng ký hiến tất cả nội tạng tại Bệnh viện Chợ Rẫy
Anh Phạm Minh Toàn (28 tuổi, ngụ P.Trảng Dài, TP.Biên Hòa) đã đăng ký hiến tất cả nội tạng tại Bệnh viện Chợ Rẫy

Họ ở nhiều lứa tuổi khác nhau nhưng đều có chung ý tưởng, sống có ích cho xã hội đến cả lúc không còn thở nữa.

* Người trẻ đăng ký hiến tạng cứu người

“Tôi mới chuyển mục đích hiến xác thành hiến tạng với mong muốn, sau này sẽ có nhiều người được “sống lại” nhờ vào các bộ phận của mình” - anh Hồ Chí Chung, 32 tuổi (quê Nghệ An, hiện sống tại P.Trảng Dài, TP.Biên Hòa), là bác sĩ tại Khoa Cấp cứu Bệnh viện Đa khoa Đồng Nai cho biết.

Hành động nhân văn

TS-BS.Phan Huy Anh Vũ, Giám đốc Sở Y tế đánh giá, những người hiến xác, hiến tạng mang lại ý nghĩa rất nhân văn. Trong đó, việc hiến xác góp phần vào công tác đào tạo hàng ngàn thầy thuốc, hàng trăm công trình nghiên cứu khoa học, sự tiến bộ không ngừng của y học. Họ gián tiếp cứu chữa được vô vàn người bệnh. Còn những người hiến tạng là trực tiếp cứu người, tạo ra “cuộc đời mới” cho những người nhận.

Anh Chung kể, khi học năm nhất Trường đại học Y dược TP.HCM, anh Chung đã có ý định hiến xác phục vụ cho y học. Khi bác sĩ Chung tiếp xúc với bệnh nhân mỗi ngày và thấy rằng, có nhiều người cần được nhận tạng từ người khác để tiếp tục sự sống. Và trong một buổi đi học về chuyên môn tại TP.HCM, anh Chung đã “tranh thủ” đến Bệnh viện Chợ Rẫy đăng ký hiến tạng.

Tuy nhiên, khi nghe anh Chung nói đến việc hiến xác, hiến tạng, gia đình đã rất phản đối. “Mỗi lần về nhà, tôi lại dẫn chứng những người được “sống lại” nhờ tạng của người hiến. “Mưa dầm thấm lâu”, mọi người trong gia đình đã hiểu và ủng hộ quyết định này của tôi” - anh Chung chia sẻ.

Trong cuộc sống thường nhật, anh Chung chọn sống lành mạnh, tập thể thao, không sử dụng chất kích thích, suy nghĩ tích cực để các mô tạng đều khỏe mạnh, mang lại “mầm tốt” cho người nhận sau này. Anh Chung cho rằng: “Bạn hãy tưởng tượng, một người đang mù bỗng nhìn thấy mọi vật trở lại hoặc một người đang phải chạy thận lâu năm với 3 lần/tuần, giờ thận khỏe như khi chưa bị bệnh… nhờ vào nội tạng của người khác sẽ vui thế nào? Cứ nghĩ đến đó, tôi lại thấy rất hạnh phúc bởi thực tế, để cứu được một người, thay đổi một thể trạng bệnh để trở về bình thường là điều vô cùng khó khăn”.

Dù còn trẻ, mới đây, anh Phạm Mạnh Toàn (28 tuổi, quê ở Hà Nam, hiện là dược sĩ và sinh sống tại P.Tân Phong, TP.Biên Hòa) đã đăng ký hiến tạng. Theo anh Toàn, mình có sức khỏe tốt, cơ thể lành lặn chính là sự “ưu ái” của ông trời ban cho. Không phụ lại sự ưu ái đó, anh Toàn cũng hướng đến lối sống tích cực để “bảo vệ nội tạng” sao cho tốt nhất dành cho người nhận sau này. “Tôi là dược sĩ, thường xuyên tiếp xúc với những người bệnh bị ung thư nên hiểu rất rõ ý nghĩa của việc sống trong cơ thể khỏe mạnh quý giá đến mức nào. Tôi muốn mang lại một giá trị nào đó cho những người kém may mắn khi mình không còn nữa” - anh Toàn tâm sự.

Trước khi đi hiến tạng, anh Toàn cũng từng đắn đo nhưng câu chuyện bé Hải An (7 tuổi), bé Vân Nhi (12 tuổi) cùng hiến giác mạc cứu 2 người mù nhìn thấy ánh sáng… đã xóa tan sự đắn đo của anh. “Hiến tạng, tôi thấy mình vẫn có ích ngay cả khi không còn trên cõi đời này. Tôi mong, nhiều mảnh đời khác sẽ tiếp tục được tái sinh khi nhận tạng của mình sau này” - anh Toàn chia sẻ.

* Cả gia đình cùng hiến xác

Cả 3 người trong gia đình ông Trần Xuân Vui, 58 tuổi, ngụ P.Bửu Long, TP.Biên Hòa đã đăng ký hiến xác cho y học từ năm 2012. Ban đầu, ý tưởng này chỉ xuất phát từ bản thân ông Vui. Nhưng sau khi đưa ý định này bàn với người vợ thì cả vợ chồng ông Vui cùng… bắt xe buýt lên Trường đại học Y dược TP.HCM đăng ký hiến xác.

 Thẻ đăng ký hiến tạng của anh Phạm Minh Toàn.  Ảnh: B.NHÀN
Thẻ đăng ký hiến tạng của anh Phạm Minh Toàn. Ảnh: B.NHÀN

Trong quá trình làm thủ tục đăng ký hiến xác, vợ chồng ông Vui được tư vấn rằng, phía nhận xác rất cần sự đồng thuận của những người trong gia đình. Vì khi họ mất đi, người thân không đồng ý sẽ gây khó khăn trong công tác nhận xác. Thấy vậy, cả vợ chồng ông Vui cùng nhau thuyết phục cậu con trai duy nhất của họ về chuyện hiến xác. “Bất ngờ hơn, con tôi không chỉ đồng ý để chúng tôi hiến xác sau khi mất mà nó cũng đăng ký hiến xác cùng chúng tôi” - ông Vui nói.

Có nhiều cái chết lại là sự khởi đầu cho một cuộc sống mới. “Tôi muốn ngay cả khi không còn sống, mình vẫn có ích. Do đó, ngay khi tôi biết thông tin về việc hiến xác, tôi đã không ngần ngại đăng ký và thuyết phục vợ con mình cùng làm việc có ý nghĩa này” - ông Vui nói.

Bác sĩ Bùi Văn Linh, Phó trưởng khoa Ngoại lồng ngực Bệnh viện Đa khoa Thống Nhất cho hay, trong quá trình học tập để trở thành bác sĩ y khoa thì Giải phẫu học là bộ môn “xương sống” của đào tạo y khoa. Bộ môn này, giảng viên và học sinh đều phải thực hành trên những thi thể được hiến tặng sau khi chết. Lâu nay, nhiều người Việt Nam đều có quan niệm khi “nhắm mắt xuôi tay” đều mong muốn linh hồn mình được siêu thoát, thân thể mình được an nghỉ nơi đất mẹ thiêng liêng. Nhưng nhiều người đã vượt qua mọi quan niệm về xã hội và tâm linh ấy để hiến xác cho y học. “Đây là tài sản vô giá đối với sinh viên y khoa nói riêng và ngành Y nói chung. Họ chính là “những người thầy không tên” giúp chúng tôi trở thành bác sĩ và cứu người” - bác sĩ Linh chia sẻ.

* Hồi sinh những cuộc đời

Giữa năm 2018, Bệnh viện Đa khoa Đồng Nai đã tiếp nhận nạn nhân nam N.V.H. (sinh năm 1975, ngụ tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu) bị tai nạn giao thông ở H.Long Thành, dẫn đến chết não khi nhập viện. Điều đáng nói, sau khi bàn với nhà chồng, người thân và con cái, vợ của nạn nhân đã quyết định hiến tạng chồng để cứu người, theo ước nguyện của nạn nhân khi còn sống.

Ngay khi nhận thông tin trên, phía Bệnh viện Đa khoa Đồng Nai đã liên lạc với Bệnh viện Chợ Rẫy (TP.HCM) để tiến hành lấy tạng ngay tại Bệnh viện Đa khoa Đồng Nai. Bác sĩ Ngô Đức Tuấn, Giám đốc Bệnh viện Đa khoa Đồng Nai kể lại: “Đây là ca lấy tạng lần đầu tiên tại bệnh viện. Tuy nhiên, cơ sở vật chất đầy đủ và với sự hỗ trợ của Bệnh viện Chợ Rẫy, chúng tôi đã thực hiện rất thuận lợi. Chúng tôi đã dồn tất cả sức lực, nguồn lực để đền đáp ân tình của gia đình người hiến tạng. Chúng tôi cũng hỗ trợ tất cả kinh phí nhập viện và đưa thi hài nạn nhân về nhà”- bác sĩ Ngô Đức Tuấn kể.

Theo đó, các bác sĩ đã tiến hành lấy quả tim, 2 quả thận, 2 giác mạc từ Đồng Nai về TP.HCM để ghép cho 5 người nhận. Điều đáng mừng là cả 5 bệnh nhân trên gồm: 1 người nhận tim, 2 người nhận thận và 2 người nhận giác mạc đều đã ổn định sau khi nhận ghép tạng của anh H.    Bích Nhàn

Tin xem nhiều