Báo Đồng Nai điện tử
En

Nghệ nhân ưu tú Đặng Công Lộc: ''Thổi hồn'' vào gỗ

11:02, 28/02/2020

Gần 30 năm gắn bó với nghề mộc mỹ nghệ, nghệ nhân ưu tú Đặng Công Lộc ở ấp 1, xã Xuân Tâm (H.Xuân Lộc) đã góp nhiều công sức trong việc duy trì và phát triển nghề mộc mỹ nghệ tại Đồng Nai.

Gần 30 năm gắn bó với nghề mộc mỹ nghệ, nghệ nhân ưu tú Đặng Công Lộc ở ấp 1, xã Xuân Tâm (H.Xuân Lộc) đã góp nhiều công sức trong việc duy trì và phát triển nghề mộc mỹ nghệ tại Đồng Nai.

Nghệ nhân ưu tú Đặng Công Lộc đang tạo hình tác phẩm nghệ thuật từ gốc rễ cây. Ảnh: H.Giang
Nghệ nhân ưu tú Đặng Công Lộc đang tạo hình tác phẩm nghệ thuật từ gốc rễ cây. Ảnh: H.Giang

Sinh ra và lớn lên tại Huế, năm 1980, ông cùng gia đình di cư vào Nam sinh sống. Ông đem theo nghề làm mộc mỹ nghệ cùng những đam mê sẽ trở thành một người thợ giỏi nghề. Để học hỏi thêm kinh nghiệm, ông đã vào phụ việc trong nhiều xưởng mộc nổi tiếng tại Đồng Nai, Bình Dương, TP.HCM. Năm 2000, khi có vốn kiến thức “kha khá” ông đã về Xuân Lộc để lập nghiệp.

Người đưa mộc mỹ nghệ lan xa

* Điều gì khiến ông chọn nghề mộc mỹ nghệ và gắn bó gần 30 năm?

- Ông ngoại tôi từng là một nghệ nhân chuyên đúc tượng tại cung đình Huế và khá nổi tiếng. Những bức tượng qua tay ông của tôi đều có thần thái và được rất nhiều người yêu thích. Từ nhỏ tôi đã theo chân ông để chiêm ngưỡng cả quá trình làm tượng và đam mê của ông dần dần đã chuyển qua tôi.

Lớn lên một chút, tôi cũng tập tành làm tượng, nhưng vật liệu tôi chọn là gỗ khối và các gốc cây. Khi vào Nam cùng gia đình, tôi mang theo ước mơ sẽ trở thành một thợ giỏi chuyên làm ra các loại tượng, phù điêu từ gỗ. Để có tay nghề vững vàng, tôi đã đến làm công tại nhiều cơ sở mộc ở các tỉnh, thành. Tôi may mắn gặp được nhiều thầy giỏi đã tận tâm chỉ dạy và khi có vốn kiến thức, kinh nghiệm và tay nghề tạm ổn, tôi đã về xã Xuân Tâm (H.Xuân Lộc) mở cơ sở mộc mỹ nghệ chuyên điêu khắc các loại tượng, tranh phù điêu từ gốc rễ cây.

Tôi gắn bó với nghề mộc mỹ nghệ gần 30 năm là vì lòng đam mê, bên cạnh đó, những sản phẩm làm ra được khách hàng trong nước, nước ngoài đánh giá cao cũng là niềm khích lệ rất lớn với người yêu nghề.

* Ông là người có công lớn trong việc phát triển làng nghề mộc mỹ nghệ ở Xuân Lộc và được phong Nghệ nhân ưu tú. Ông suy nghĩ như thế nào về những gì mình đã đạt được?

- Được công nhận là một nghệ nhân ưu tú của làng nghề là niềm vinh dự lớn mà tôi cũng như bất cứ người thợ nào đều mong ước. Bởi những cố gắng, đóng góp của mình để phát triển làng nghề đã được ghi nhận.

Năm 2012, tôi cùng một số thợ giỏi của làng nghề mộc mỹ nghệ Xuân Lộc được tỉnh phong tặng nghệ nhân và đến đầu năm 2019, được Trung ương tặng danh hiệu Nghệ nhân ưu tú. Bên cạnh đó, tôi cũng rất tự hào là mình đã đào tạo ra được một lớp thợ trẻ có tay nghề cao (khoảng hơn 50 người) đã cùng tôi đưa ra thị trường những sản phẩm đặc sắc được đánh giá cao về chất lượng, mẫu mã. Trong đó, có nhiều sản phẩm đã được khách hàng nước ngoài đặt mua. Việc này đã góp phần cho làng nghề ngày càng phát triển và mở rộng được thị trường tiêu thụ.

* Gần ba thập niên thăng trầm cùng làng nghề gỗ mỹ nghệ Xuân Lộc, ông có nhận xét gì về xu hướng của thị trường với sản phẩm gỗ mỹ nghệ hiện nay?

- Trải qua nhiều năm, tôi cũng như một số nghệ nhân, thợ giỏi của làng nghề gỗ mỹ nghệ Xuân Lộc luôn nghiên cứu, tìm tòi và sáng tạo ra những sản phẩm đặc sắc từ những gốc rễ cây, đáp ứng được nhu cầu của khách hàng. Qua tìm hiểu, tôi thấy những người yêu thích các sản phẩm gỗ mỹ nghệ ngày càng đòi hỏi cao hơn về độ tinh xảo, chất lượng của sản phẩm. Sở dĩ làng nghề gỗ mỹ nghệ tồn tại và phát triển khá tốt như hiện nay là vì, mỗi sản phẩm làm ra đều mang nét đặc trưng riêng, có giá trị nghệ thuật cao. Đây cũng là điều khiến nhiều khách hàng trong và ngoài nước thường tìm đến các cơ sở gỗ mỹ nghệ ở Xuân Lộc để đặt hàng. Vì vậy, bên cạnh việc tìm nguồn nguyên liệu đảm bảo chất lượng, tôi còn phải suy nghĩ cách tạo hình cho từng tác phẩm để đảm bảo hai yếu tố đẹp và đặc sắc.

Ấp ủ ước mơ

* Sản phẩm ông làm ra chủ yếu là tượng, tranh phù điêu và đều mang giá trị nghệ thuật cao, để làm được những tác phẩm đặc sắc như vậy phải mất thời gian bao lâu?

- Tùy theo từng tác phẩm, có cái gần 1 tháng, nhưng cũng có bộ sản phẩm phải hơn 1 năm mới hoàn thành. Bắt đầu làm một tác phẩm nào đó, tôi mất thời gian khoảng 1-2 tuần nghiên cứu để chọn ra cách tạo hình phù hợp, sau đó sẽ cùng với các thợ khác đục đẽo, cắt ghép để tạo ra sản phẩm.

Nghệ nhân ưu tú Đặng Công Lộc đang hướng dẫn thợ làm tranh gỗ
Nghệ nhân ưu tú Đặng Công Lộc đang hướng dẫn thợ làm tranh gỗ

Đơn cử là thời gian qua, tôi nhận làm 14 bức phù điêu cho một nhà thờ và phải mất thời gian 14 tháng mới hoàn thành. Nghề làm tượng, tranh phù điêu từ gốc rễ cây đòi hỏi cao hơn nhiều so với làm từ gỗ khối. Bởi nghệ nhân phải dựa vào hình dáng của từng gốc rễ cây tìm được rồi mới lên ý tưởng để thực hiện. Vì thế, người theo nghề phải có năng khiếu về hội họa, đôi tay khéo léo mới làm ra được những tác phẩm có hồn.

* Trong hàng ngàn sản phẩm đã làm ra, sản phẩm nào để lại cho ông ấn tượng sâu sắc nhất?

- Tôi có một thói quen là mỗi tác phẩm làm ra đều dồn vào đó rất nhiều tâm sức để tạo ra nét riêng cho từng sản phẩm. Do đó, những tác phẩm tôi làm ra thường được các khách hàng trong và ngoài nước đánh giá cao. Tuy nhiên, tác phẩm tôi bỏ ra nhiều tâm sức và thời gian nhất là 14 bức tranh phù điêu làm cho nhà thờ. Các bức tranh phù điêu này có kích thước rất lớn có những tấm dài hơn 2m và bề ngang hơn 1m. 

Để làm ra những bức tranh phù điêu trên, tôi phải chạy đôn chạy đáo nhiều nơi để tìm nguyên liệu phù hợp. Khi có nguyên liệu rồi tôi phải lên ý tưởng lắp ghép các rễ cây, điêu khắc để tạo ra những bức tranh sống động, phù hợp với chủ đề do phía nhà thờ đặt ra. Những bức tranh phù điêu này khi hoàn thành được đánh giá là tác phẩm đồ sộ rất hiếm nhà thờ tại Việt Nam có được.

 * Xin cảm ơn ông!

Tôi có 2 ý tưởng đã ấp ủ từ lâu mà chưa hoàn thành được đó là sẽ làm ra bộ sưu tập với gần 50 bức tượng về các vị anh hùng dân tộc và bức tranh phù điêu Việt Nam quê hương tôi từ gốc rễ cây. Thời gian qua, bên cạnh việc hoàn thành các tác phẩm theo đơn đặt hàng, tôi bỏ thời gian ra sưu tầm những gốc rễ cây để từng bước hoàn thành mong ước của mình. Có nhiều nghệ nhân đã làm tượng về các anh hùng dân tộc, nhưng tượng từ gốc rễ cây rất ít.

Vì vậy, tôi muốn làm một bộ tượng về các anh hùng dân tộc như một lời tri ân và bày tỏ lòng ngưỡng mộ đến họ, những người đã cống hiến cuộc đời mình cho Tổ quốc. Bức phù điêu về Việt Nam tôi dự tính sẽ làm với kích thước khá lớn để gửi gắm vào đó tình yêu quê hương, đất nước của người dân Việt.

Hương Giang (thực hiện)

Tin xem nhiều