Báo Đồng Nai điện tử
En

Lợi ích từ thỏa ước lao động tập thể nhóm

04:11, 23/11/2019

Thương lượng, ký kết thỏa ước lao động tập thể theo nhóm ngành là một trong những xu hướng tất yếu nhằm nâng cao chế độ phúc lợi cho người lao động (NLĐ) và xây dựng mối quan hệ lao động hài hòa.

Thương lượng, ký kết thỏa ước lao động tập thể (TƯLĐTT) theo nhóm ngành là một trong những xu hướng tất yếu nhằm nâng cao chế độ phúc lợi cho người lao động (NLĐ) và xây dựng mối quan hệ lao động hài hòa.

Một buổi tập huấn kỹ năng thương lượng, đối thoại cho  cán bộ Công đoàn cơ sở nhóm ngành gỗ tham gia thí điểm thỏa ước lao động tập thể nhóm. Ảnh: H.thảo
Một buổi tập huấn kỹ năng thương lượng, đối thoại cho cán bộ Công đoàn cơ sở nhóm ngành gỗ tham gia thí điểm thỏa ước lao động tập thể nhóm. Ảnh: H.thảo

Mới đây, sau quá trình nỗ lực kiên trì triển khai thí điểm của Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) tỉnh và các sở, ngành liên quan, bản TƯLĐTT nhóm đầu tiên trên địa bàn tỉnh với sự tham gia của 6 doanh nghiệp (DN) ngành gỗ tại Khu công nghiệp (KCN) Tam Phước (TP.Biên Hòa) đã được ký kết.

* Ý nghĩa từ bản TƯLĐTT nhóm

Chị Nguyễn Thị Hồng Lan, công nhân Công ty TNHH sản xuất đồ mộc Chien, một trong 6 DN tham gia ký kết TƯLĐTT nhóm phấn khởi chia sẻ: “Tôi cũng như nhiều đồng nghiệp thật sự rất vui khi biết được công ty mình có tham gia ký kết TƯLĐTT nhóm mà trong đó có nhiều nội dung mang lại lợi ích cho NLĐ chúng tôi. Trước đây, tôi đã rất an tâm khi làm việc tại công ty thì giờ lại có thêm động lực để tiếp tục làm việc tốt hơn và cống hiến lâu dài cho DN”.

Bản TƯLĐTT nhóm DN ngành gỗ được các bên thống nhất có nhiều điều khoản chi tiết và có lợi hơn cho NLĐ. Theo đó, hằng năm DN xét nâng lương cho NLĐ đủ điều kiện và tiêu chuẩn nâng lương theo thang bảng lương và quy chế nâng lương; mức lương ít nhất bằng 5% mức lương theo công việc, chức danh. Hằng năm, DN tham khảo ý kiến của Ban Chấp hành Công đoàn cơ sở xét thưởng cho NLĐ căn cứ vào thời gian làm việc thực tế, điều kiện và tiêu chuẩn xét thưởng. Mức thưởng ít nhất bằng 1 tháng lương theo công việc, chức danh và thông báo cho NLĐ biết chậm nhất 15 ngày trước ngày nghỉ Tết Nguyên đán. Tiền cho một suất ăn giữa ca ít nhất bằng 16 ngàn đồng, không tính thuế giá trị gia tăng.

Cũng theo bản thỏa ước nhóm DN ngành gỗ, các quy định hoặc nội dung của TƯLĐTT DN nếu chưa phù hợp với bản thỏa ước nhóm thì phải được thực hiện theo nội dung tương ứng của bản thỏa ước nhóm. Các nội dung mà các DN đang áp dụng cao hơn thì phải giữ nguyên... Thỏa ước có hiệu lực trong vòng 1 năm, bắt đầu từ ngày 19-11-2019.

6 DN tham gia ký kết TƯLĐTT nhóm ngành gỗ lần này gồm có: Công ty TNHH sản xuất đồ mộc Chien Việt Nam, Công ty cổ phần Johnson Wood, Công ty TNHH Voyage Việt Nam, Công ty TNHH Timber Industries, Công ty TNHH Cariyan Wooden Việt Nam và Công ty TNHH gỗ Lee Fu Việt Nam.

Ông Chang Chung Ping, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Johnson Wood, một trong những DN tham gia ký kết TƯLĐTT nhóm bày tỏ: “Điều khiến tôi cảm thấy tâm đắc nhất khi tham gia ký kết bản TƯLĐTT nhóm là TƯLĐTT nhóm sẽ giúp cho NLĐ thêm tin tưởng vào DN, an tâm gắn bó lâu dài với DN, tạo nên sự thông hiểu giữa DN và NLĐ, hạn chế tranh chấp lao động tập thể, qua đó xây dựng được mối quan hệ lao động luôn ổn định hài hòa tại DN. Bản thỏa ước cũng sẽ tạo ra môi trường làm việc công bằng, bình đẳng, tiến bộ, tăng sức cạnh tranh cho DN”.

Theo Phó chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Hòa Hiệp, hiện nay các DN trên địa bàn tỉnh đang đối mặt với sự chuyển dịch lực lượng lao động sang các tỉnh thuộc khu vực miền Bắc, miền Trung và miền Tây do sự hình thành các KCN mới tại đây. Điều này gây ra sự mất cân bằng về nhu cầu sử dụng lao động trong các DN trên địa bàn tỉnh.

“Do đó, việc ký kết TƯLĐTT nhóm ngành gỗ là một tín hiệu vô cùng tích cực góp phần tạo mặt sàn ưu đãi chung, hạn chế dịch chuyển lao động, khuyến khích NLĐ nâng cao chất lượng hiệu quả công việc; giúp giảm tranh chấp lao động tập thể. Mặt khác, giúp các DN tham gia thỏa ước nhóm xây dựng hình ảnh DN vì NLĐ, từ đó thu hút lao động mới, khẳng định vị thế, thương hiệu của DN” - Phó chủ tịch UBND tỉnh nhấn mạnh.

Phó chủ tịch LĐLĐ tỉnh Hồ Thanh Hồng cũng cho rằng, việc ký kết TƯLĐTT nhóm là cơ sở pháp lý quan trọng bảo đảm mối quan hệ lao động hài hòa, ổn định, cùng nhau hợp tác vì sự phát triển bền vững của DN, đồng thời cũng là công cụ quan trọng của Công đoàn trong việc đại diện bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng của NLĐ. Xây dựng được một bản TƯLĐTT có chung nội dung, cùng chế độ cho một nhóm DN sẽ khắc phục được nhược điểm của TƯLĐTT DN, đem lại lợi ích nhiều hơn cho NLĐ. NLĐ trong các DN có tham gia thỏa ước chung sẽ ít có động cơ tự ý rời bỏ công việc hơn. Các DN tham gia TƯLĐTT nhóm cũng nhờ đó hạn chế được tình trạng biến động lao động, bất ổn sản xuất, cạnh tranh lao động trong ngành.

* Phát triển chiều rộng, chiều sâu của TƯLĐTT nhóm

Phó chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam Ngọ Duy Hiểu cho rằng, Đồng Nai là một trong những địa phương đi đầu trong ngành chế biến xuất khẩu gỗ của cả nước. Vì vậy, việc lựa chọn nhóm ngành gỗ làm thí điểm TƯLĐTT nhóm là hết sức đúng đắn. Thông qua bản thỏa ước này, các DN sẽ có sự liên kết chặt chẽ hơn trong việc chăm lo quyền và lợi ích NLĐ, đồng thời tạo thêm niềm tin của NLĐ với DN và tổ chức Công đoàn. Ông Ngọ Duy Hiểu đề nghị, trong thời gian tới, các bên tiếp tục nghiên cứu mở rộng phạm vi các DN ký kết cũng như các điều khoản ký kết để TƯLĐTT nhóm được phát triển về cả chiều rộng lẫn chiều sâu.

Từ những ý nghĩa thiết thực mà TƯLĐTT nhóm mang lại, phát biểu tại lễ ký kết TƯLĐTT nhóm ngành gỗ mới đây, Phó chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Hòa Hiệp cũng nhấn mạnh, trong thời gian tới, Sở Lao động - thương binh và xã hội, Ban Quản lý các khu công nghiệp Đồng Nai cần phối hợp chặt chẽ với LĐLĐ tỉnh và các hiệp hội DN tiếp tục quan tâm hỗ trợ cho các DN cùng nhóm ngành nghề ký được những bản thỏa ước có lợi hơn cho NLĐ. Cùng với đó, quan tâm hướng dẫn, hỗ trợ cho các DN tiếp tục đối thoại, thương lượng nhằm ký mới hoặc ký bổ sung các bản thỏa ước góp phần ổn định tình hình quan hệ lao động, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn và thúc đẩy môi trường hoạt động sản xuất kinh doanh của các DN.

Là đơn vị đã tích cực đồng hành, hỗ trợ trong suốt quá trình triển khai dự án ký kết thỏa ước nhóm DN ngành gỗ tại Khu công nghiệp Tam Phước vừa qua, ông Mã Lương Hoa, Giám sát trưởng của Chi hội Thương mại Đài Loan tại Đồng Nai cho rằng, vẫn còn khó khăn nhất định trong việc thuyết phục các DN tham gia dự án. “Để tiếp tục lan tỏa mô hình này trong thời gian tới, cần phải tăng cường tuyên truyền để chủ DN, chủ tịch Công đoàn cơ sở nhận thức được đây là một mô hình mang lại lợi ích cho tất cả các bên, trong đó có DN”- ông Mã Lương Hoa đề xuất.

Hồ Thảo

Tin xem nhiều