Báo Đồng Nai điện tử
En

Khi "lời nguyền" nhập siêu chấm dứt

10:12, 17/12/2018

Cả một giai đoạn rất dài, trong các buổi họp bàn giải pháp phát triển kinh tế - xã hội, từ nghị trường Quốc hội đến họp trực tuyến Chính phủ hay các cuộc họp của các địa phương, vấn đề làm sao để chấm dứt nhập siêu luôn là một bài toán khó.

Cả một giai đoạn rất dài, trong các buổi họp bàn giải pháp phát triển kinh tế - xã hội, từ nghị trường Quốc hội đến họp trực tuyến Chính phủ hay các cuộc họp của các địa phương, vấn đề làm sao để chấm dứt nhập siêu luôn là một bài toán khó. Nhập siêu ở đây được hiểu đơn giản là kim ngạch nhập khẩu hằng năm luôn lớn hơn kim ngạch xuất khẩu.

Ở một giai đoạn ngắn khi nền kinh tế bắt đầu mở cửa, nhập siêu ở chừng mực vừa phải được chấp nhận, trong điều kiện hàng nhập khẩu chủ yếu là máy móc, trang thiết bị, nguyên vật liệu… phục vụ cho sản xuất. Tuy nhiên nếu kéo dài quá lâu, nhập siêu đem lại nhiều nguy hại cho nền kinh tế. Nếu nhập khẩu tràn lan vượt quá kiểm soát của Chính phủ sẽ dẫn tới hiện tượng lãng phí ngoại tệ, tác động xấu đến sản xuất trong nước. Việc nhập khẩu hàng tiêu dùng quá nhiều sẽ dẫn tới xu hướng “sùng ngoại”, khiến hàng nội địa khó tiêu thụ.

Quan trọng hơn, nhập siêu thường xuyên sẽ dẫn đến tình trạng cạn kiệt ngoại tệ, khiến Chính phủ phải gia tăng vay nợ bằng cách phát hành thêm trái phiếu.  Trong một thời gian dài, nhập siêu sẽ khiến con số nợ công của quốc gia ngày càng tăng vì suy cho cùng các nước đều phải dựa vào xuất khẩu để trả nợ và lãi. Xét ở mặt này, nhập siêu có thể gây ra khủng hoảng nợ công như tại Hy Lạp - nước nhập siêu tới 13,5% GDP (năm 2009), dẫn đầu tốp các nền kinh tế bị nhập siêu tính theo tỷ lệ với GDP. Nước này đã rơi vào cuộc khủng hoảng nợ công tồi tệ nhất châu Âu kể từ đầu năm 2010 và cho đến nay vẫn chưa cải thiện tình hình.

Cả một thời gian dài, đỉnh điểm là những năm 2008-2012, Chính phủ đã rất lo ngại khi tỷ lệ nhập siêu quá lớn, có năm lên đến gần 20%. Tại Đồng Nai, nhập siêu cũng kéo dài nhiều năm liền với một tỷ lệ không nhỏ và tỉnh cũng nhiều năm đau  đầu tìm giải pháp hạn chế, song từ năm 2014 nhập siêu tại Đồng Nai chính thức chấm dứt. Từ năm 2014 đến nay, kim ngạch xuất khẩu của tỉnh luôn lớn hơn nhập khẩu, xuất siêu liên tục tăng từ 600 triệu USD (năm 2014) lên 2,6 tỷ USD (năm 2018) và được đánh giá là khá bền vững. Đây là điều đáng khích lệ và vui mừng, đặc biệt khi xuất siêu của Đồng Nai hiện chiếm trên 30% kim ngạch xuất siêu của cả nước. Ngoài những yếu tố khách quan, không thể phủ nhận những chính sách phát triển đúng đắn về công nghiệp, sản xuất, các giải pháp hạn chế nhập khẩu và phát triển công nghiệp hỗ trợ của Đồng Nai nói riêng và Trung ương nói chung đã góp phần chấm dứt “lời nguyền” nhập siêu hàng chục năm qua. Hy vọng trong bối cảnh mới khi nền kinh tế được cho là sẽ “mở hết cỡ” dưới tác động của các hiệp định thương mại tự do, xuất siêu sẽ còn tiếp tục tăng trưởng ổn định và bền vững.

Vi Lâm

Tin xem nhiều