Báo Đồng Nai điện tử
En

Nghịch lý sắt thép

10:01, 29/01/2018

Chỉ thiếu một chút nữa là được xếp vào danh sách các mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu ở Đồng Nai trên 1 tỷ USD, sắt thép là mặt hàng gây bất ngờ khi trong năm 2017 đạt tỷ lệ tăng trưởng đến 23% với kim ngạch đạt 930 triệu USD.

Chỉ thiếu một chút nữa là được xếp vào danh sách các mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu ở Đồng Nai trên 1 tỷ USD, sắt thép là mặt hàng gây bất ngờ khi trong năm 2017 đạt tỷ lệ tăng trưởng đến 23% với kim ngạch đạt 930 triệu USD.

Đây là mức kim ngạch xuất khẩu cao nhất từ trước đến nay của mặt hàng này tại Đồng Nai. Trên phạm vi cả nước, sắt thép và các mặt hàng làm từ sắt thép năm qua cũng đạt kim ngạch xuất khẩu ấn tượng. Số liệu của Tổng cục Hải quan Việt Nam cho thấy trong năm 2017, lượng sắt thép của Việt Nam xuất khẩu ra thị trường nước ngoài tăng rất mạnh 35,6% về lượng và tăng 55,1% về trị giá so với năm 2016, đạt 4,71 triệu tấn, trị giá 3,15 tỷ USD (nguồn: Tổng cục Hải quan).

Hiện nay, theo Ban Quản lý các khu công nghiệp Đồng Nai, hiện đã có khoảng hơn 50 doanh nghiệp nước ngoài đầu tư vào sản xuất sắt thép và sản phẩm từ sắt thép. Các doanh nghiệp đến từ nhiều nước như: Hàn Quốc, Nhật Bản, Hà Lan, Singapore... đầu tư nhiều nhà máy có công nghệ sản xuất rất hiện đại và do đó mặt hàng sắt thép và sản phẩm từ sắt thép của doanh nghiệp Đồng Nai đã xuất khẩu sang hơn 50 quốc gia, vùng lãnh thổ. Trong đó, có những thị trường khó tính, đòi hỏi chất lượng sản phẩm cao như: Hoa Kỳ, Nhật Bản và châu Âu.

Tuy nhiên, một nghịch lý lớn đang tồn tại là mặc dù tăng trưởng rất khá về kim ngạch xuất khẩu và đạt chất lượng đủ để chinh phục những thị trường khó tính như Hoa Kỳ hay châu Âu, song đối với thị trường trong nước, sắt thép từ các doanh nghiệp lớn lại chật vật cạnh tranh với thép giá rẻ đến từ Trung Quốc và mới đây nhất, từ Ấn Độ. Mỗi năm, Việt Nam nhập khẩu nhiều triệu tấn thép từ Trung Quốc, Ấn Độ… và số lượng sắt thép này chi phối khá lớn thị phần tiêu thụ nội địa, thậm chí đánh bật các loại sắt thép có thương hiệu do giá cả cạnh tranh hơn. Nhiều doanh nghiệp sản xuất sắt thép trong nước cũng đã nỗ lực trong việc giành thị trường trong nước, song do nhiều nguyên nhân, chủ yếu là công nghệ nên giá thép sản xuất trong nước vẫn cao hơn đáng kể so với sắt thép giá rẻ nhập khẩu từ Trung Quốc, Ấn Độ, thậm chí Hàn Quốc đối với một số dòng sắt thép tầm trung. Sự cạnh tranh này sẽ còn căng thẳng hơn khi thuế nhập khẩu sắt thép từ Trung Quốc sẽ giảm về 0% theo cam kết của Hiệp định thương mại tự do ASEAN - Trung Quốc (ACFTA). Theo đó, 588 dòng thuế sẽ được cắt giảm từ mức 5% năm 2017 về 0% vào năm nay, trong đó các mặt hàng chính là sắt thép và sản phẩm sắt thép, máy móc thiết bị điện, điện tử, nguyên liệu dệt, vải may mặc, quần áo...

Theo nhiều chuyên gia, nếu không có sự cải tổ quyết liệt về công nghệ và tính toán lại bài toán chi phí, thị phần sắt thép trong nước sẽ tiếp tục là sân chơi của thép nhập giá rẻ trong thời gian tới, khi thuế giảm về 0%. Ngoài các thương hiệu sắt thép của nước ngoài xây dựng tại Việt Nam, hiện tại thị trường sắt thép cũng ghi nhận nhiều thương hiệu trong nước có sự đầu tư thích đáng về công nghệ và thương hiệu, như: Tổng công ty thép Việt Nam, Hoa Sen Group, Hòa Phát Group, Công ty thép miền Nam, Công ty thép Vicasa… Hy vọng, sự cải tổ này sẽ được thực hiện nhanh chóng, hiệu quả để nghịch lý “bỏ trống sân nhà” của ngành thép đổi thay. Bởi ngay cả khi đạt kim ngạch cao, tại nhiều thị trường như Hoa Kỳ hay châu Âu, sắt thép Việt Nam cũng đang vấp phải sự cạnh tranh quyết liệt từ các nhà sản xuất Trung Quốc, tiêu biểu là các vụ kiện chống bán phá giá chống lại thép Việt Nam đã diễn ra trong thời gian vừa qua.   

Vi Lâm

Tin xem nhiều