Báo Đồng Nai điện tử
En

Phát triển du lịch bền vững

10:01, 06/01/2014

Khu dự trữ sinh quyển Đồng Nai có diện tích lên đến hơn 969 ngàn hécta, trải rộng trên địa bàn các tỉnh: Đồng Nai, Bình Dương, Bình Phước, Lâm Đồng và Đắk Nông.

Khu dự trữ sinh quyển Đồng Nai có diện tích lên đến hơn 969 ngàn hécta, trải rộng trên địa bàn các tỉnh: Đồng Nai, Bình Dương, Bình Phước, Lâm Đồng và Đắk Nông. Đây là khu dự trữ sinh quyển lớn thứ 2 trong số 8 khu dự trữ sinh quyển tại Việt Nam với hệ động, thực vật vô cùng phong phú. Vì thế, nếu được khai thác tốt, nơi này sẽ là “mỏ vàng” về du lịch sinh thái, đó là chưa kể đến tiềm năng về các giá trị lịch sử, văn hóa. Khai phóng được du lịch rừng, không chỉ mang về một nguồn thu cho ngân sách tỉnh, mà còn tạo điều kiện nâng cao đời sống kinh tế của người dân địa phương.

Tuy nhiên, nếu chỉ chú trọng tăng trưởng du lịch, có thể dẫn đến nguy cơ gây ô nhiễm, phá vỡ hệ sinh thái rừng, nhất là khi ý thức bảo vệ môi trường của du khách chưa cao. Trong thực tế của nước ta hiện nay, phát triển du lịch thường phải hy sinh môi trường. Nhiều điểm du lịch tràn ngập rác thải, cảnh quan môi trường bị phá vỡ, đời sống xã hội bị xáo trộn, bản sắc văn hóa bị tác động… Chính những vấn nạn này đã dần khiến cho những điểm đến ấy ngày càng mất sức thu hút, hấp dẫn trong mắt du khách. Đó là cách làm du lịch thiếu bền vững.

“Để đảm bảo một tương lai an toàn hơn, phồn vinh hơn, chúng ta chỉ có một con đường là giải quyết một cách cân đối các vấn đề môi trường và phát triển cùng một lúc”. Đó là lời nói đầu Chương trình nghị sự 21 toàn cầu về vấn đề môi trường tại Brazil năm 1992, cho thấy từ nhiều thập niên gần đây, thế giới đã chú trọng đến vấn đề phát triển bền vững bằng việc gìn giữ môi trường. Trong “ngôi nhà chung” của thế giới hiện nay, có thể xem môi trường là nền móng, kinh tế là vách nâng đỡ và đời sống xã hội là nóc che chắn cho ngôi nhà. 3 yếu tố trên là những điều kiện không thể thiếu trong việc đảm bảo cho sự phát triển bền vững, đồng thời có sự tác động qua lại lẫn nhau một cách nhất định tùy thuộc vào nhận thức của con người. Xu thế chung của thế giới hiện nay, đặc biệt là tại các nước phát triển, giữa các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội và bảo vệ môi trường có “phần giao” càng lớn thì sự phát triển càng bền vững.

Trong quá trình phát triển, Đồng Nai đã xác định mục tiêu phát triển bền vững. Ban Quản lý Khu dự trữ sinh quyển Đồng Nai cũng đưa ra định hướng phát triển theo phương châm đạt hiệu quả nền kinh tế xanh, sạch, chia sẻ lợi ích và trách nhiệm với cộng đồng trong quản lý tài nguyên thiên nhiên. Nhiều giải pháp phát triển du lịch gắn liền với bảo vệ môi trường đã được đề ra, trong đó chú trọng đến giải pháp tuyên truyền nâng cao nhận thức trong cộng đồng. Thời gian qua, đơn vị đã tổ chức các hoạt động truyền thông hướng đến giáo dục môi trường cho người dân vùng đệm của khu dự trữ sinh quyển, nhất là với đối tượng trẻ em. Tuy nhiên, để hoạt động này lan tỏa rộng và thấm sâu hơn trong cộng đồng, cần có sự chung tay tối đa của mọi người, mọi tầng lớp, và đó mới thực sự là phát triển bền vững.

Thanh Thúy

 

Tin xem nhiều