Báo Đồng Nai điện tử
En

Phát triển văn hóa từ gốc

11:12, 30/12/2013

Nghị quyết Đảng bộ tỉnh khóa IX (nhiệm kỳ 2010-2015) đã nêu rõ: phát triển văn hóa - xã hội hài hòa với phát triển kinh tế, đảm bảo sự tiến bộ và công bằng xã hội. Những năm qua, Đảng bộ và nhân dân Đồng Nai đã không ngừng nỗ lực cho nhiệm vụ phát triển văn hóa - xã hội và đã đạt được một số thành tựu nhất định.

Nghị quyết Đảng bộ tỉnh khóa IX (nhiệm kỳ 2010-2015) đã nêu rõ: phát triển văn hóa - xã hội hài hòa với phát triển kinh tế, đảm bảo sự tiến bộ và công bằng xã hội. Những năm qua, Đảng bộ và nhân dân Đồng Nai đã không ngừng nỗ lực cho nhiệm vụ phát triển văn hóa - xã hội và đã đạt được một số thành tựu nhất định.

Vì sao phát triển văn hóa phải đi đôi với phát triển kinh tế? Nói nôm na, khi kinh tế ngày càng phát triển, đời sống người dân dần vươn lên khá giả, thậm chí giàu có, nhưng nếu thiếu nền tảng văn hóa thì trong ứng xử dễ dẫn đến nhiều vấn đề bất cập.

Lâu nay, nói đến phát triển văn hóa, nhiều người thường nghĩ đến các hoạt động “cờ, đèn, kèn, trống”, hoặc xây dựng các thiết chế văn hóa, như: nhà hát, rạp xem phim, trung tâm triển lãm, nhà văn hóa, giải quyết nhu cầu giải trí, hưởng thụ tinh thần của người dân. Đó chỉ là những hoạt động mang tính “bề mặt”, là “cái vỏ” vật chất để tải các giá trị văn hóa. Phát triển văn hóa, sâu xa hơn còn là giữ gìn và phát huy các giá trị văn hóa, nhất là văn hóa truyền thống. Các giá trị văn hóa ngoài những điều “mắt thấy, tai nghe”, còn có những điều thuộc về văn hóa phi vật thể, như: phong tục tập quán, đạo đức, lối sống, truyền thống nhân ái; các mối liên kết với cộng đồng thông qua những nghi thức cúng đình; liên kết với gia đình thông qua các ngày giỗ chạp, thờ cúng tổ tiên; liên kết giữa các cá nhân thông qua những tôn ti trật tự được thiết lập như kính trên nhường dưới…

Trong quá trình giao lưu, hội nhập văn hóa mang tính chất phức tạp hiện nay, chúng ta phải tạo ra được nền văn hóa khẳng định bản sắc dân tộc trước tác động của các nền văn hóa khác. Bảo tồn và phát triển giá trị văn hóa truyền thống chính là để làm cho văn hóa đậm đà bản sắc dân tộc, còn tiếp thu tinh hoa văn hóa nhân loại là để xây dựng văn hóa Việt Nam tiên tiến, hiện đại. Trong quá trình hơn 4 ngàn năm dựng nước và giữ nước, nhân dân ta đã hình thành nên một bề dày văn hóa của dân tộc. Văn hóa đó chính là sức mạnh làm nên truyền thống chống giặc ngoại xâm, giặc nghèo, giặc dốt của dân tộc ta. Nền tảng văn hóa sẵn có đó, ngày nay cũng cần được chú trọng vun đắp dần trong cộng đồng góp phần tạo ra một xã hội ổn định, như một cái cây cần được vun đắp gốc rễ. Có phát triển từ gốc, văn hóa mới thật sự là nền tảng tinh thần, là mục tiêu, động lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

Thanh Thúy

 

 

Tin xem nhiều