Báo Đồng Nai điện tử
En

Ác mộng thủy điện

11:09, 11/09/2013

“Bộ Tài nguyên - môi trường (TN-MT) kiến nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo Bộ Công thương xem xét, rà soát lại quy hoạch đối với hai dự án thủy điện này nói riêng và quy hoạch thủy điện trên lưu vực sông Đồng Nai”, đó là kết luận của báo cáo số 142/BC-BTNMT...

“Bộ Tài nguyên - môi trường (TN-MT) kiến nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo Bộ Công thương xem xét, rà soát lại quy hoạch đối với hai dự án thủy điện này nói riêng và quy hoạch thủy điện trên lưu vực sông Đồng Nai”, đó là kết luận của báo cáo số 142/BC-BTNMT ngày 30-8-2013 do Thứ trưởng Bộ TN-MT Bùi Cách Tuyến ký gởi Thủ tướng Chính phủ về việc thẩm định báo cáo đánh giá tác động môi trường (ĐTM) của hai dự án thủy điện Đồng Nai 6, 6A.

Theo dự kiến, sau khi đã lấy ý kiến và sự tham vấn của nhiều bộ, ngành, các tỉnh, thành miền Đông và tiến hành khảo sát thực địa, Bộ TN-MT sẽ tổ chức họp Hội đồng thẩm định của hai dự án thủy điện Đồng Nai 6, 6A trong tháng 8 năm nay. Thế nhưng, với độ “nhạy cảm” của một doanh nghiệp có nhiều kinh nghiệm làm dự án, đầu tháng 8 Công ty cổ phần Tập đoàn Đức Long Gia Lai, chủ đầu tư của thủy điện Đồng Nai 6, 6A, đã có văn bản xin rút lại hồ sơ  ĐTM nộp ngày 28-6-2013 để bổ sung một số nội dung, cho dù ĐTM này cũng đã được công ty nhiều lần chỉnh sửa. Do vậy, Bộ TN-MT buộc phải dừng cuộc họp của Hội đồng thẩm định đánh giá tác động môi trường đối với hai dự án thủy điện Đồng Nai 6, 6A.

Thử hỏi, điều gì sẽ xảy ra nếu như chủ đầu tư không xin rút lại ĐTM? Câu trả lời là nhiều khả năng hội đồng thẩm định sẽ bác bỏ hai dự án thủy điện Đồng Nai 6, 6A vì có nhiều vi phạm với quy định của pháp luật. Cũng theo nội dung báo cáo số 142 gởi Thủ tướng Chính phủ, căn cứ vào  ĐTM ngày 28-6-2013 của Công ty cổ phần Tập đoàn Đức Long Gia Lai, Bộ TN-MT đã phân tích rất cụ thể và đi đến nhận xét: việc thực hiện hai dự án thủy điện Đồng Nai 6, 6A sẽ gây ra những tác động bất lợi đến môi trường sinh thái, đặc biệt là tác động đến sự toàn vẹn của Vườn quốc gia Cát Tiên, khu ngập nước Bàu Sấu, đến đời sống của người dân  hạ lưu, đặc biệt  của đồng bào dân tộc bản địa và quá trình đề nghị Vườn quốc gia Cát Tiên trở thành khu di sản thiên nhiên thế giới.

Đã qua rồi cái thời doanh nghiệp đua nhau hăm hở đi làm thủy điện nhằm mục đích phá rừng, khai thác tài nguyên rừng nguyên sinh một cách vô tội vạ. Cuối năm 2012, Bộ Công thương đã có báo cáo Thủ tướng Chính phủ kết quả rà soát quy hoạch và đầu tư xây dựng các dự án thủy điện trên cả nước và kiến nghị Thủ tướng chỉ đạo loại bỏ 324 dự án thủy điện nhỏ (tổng công suất 443MW) do tác động tiêu cực đến môi trường, kinh tế - xã hội.  Các nhà khoa học cũng đã phân tích, với tổng công suất của 2 dự án thủy điện Đồng Nai 6, 6A là 241MW thì so với nhu cầu điện theo sơ đồ VII  tới năm 2020 (75.000MW) chỉ chiếm 0,321% và chỉ chiếm 0,061% tổng công suất quy hoạch tới năm 2030 (146.800MW). Rõ ràng, phần đóng góp điện năng của hai dự án này không đáng kể, trong khi tác hại về môi trường, xã hội và sinh thái cực kỳ lớn.

Sẽ chẳng còn điều gì để nói về đạo đức doanh nghiệp nếu chỉ thấy lợi ích đồng tiền lớn hơn tất cả giá trị của sự trường tồn, đánh đổi thiên nhiên, môi trường, bản sắc văn hóa, di sản và lợi ích dân sinh lâu dài. Vì thế, cơn “ác mộng” về thủy điện Đồng Nai 6, 6A cần phải được chấm dứt.

Xuân Phú

Tin xem nhiều