Báo Đồng Nai điện tử
En

Ứng xử với đặc sản

09:09, 03/09/2013

Ở xã Xuân Bảo, huyện Cẩm Mỹ hiện đang hình thành một vùng trồng bơ với hơn 80 hécta. Người dân ở đây cho biết trái bơ Cẩm Mỹ được mua với giá cao hơn cả bơ sáp từ Đắk Lắk, Đà Lạt nhờ hương vị thơm ngon và trái đẹp.

Ở xã Xuân Bảo, huyện Cẩm Mỹ hiện đang hình thành một vùng trồng bơ với hơn 80 hécta. Người dân ở đây cho biết trái bơ Cẩm Mỹ được mua với giá cao hơn cả bơ sáp từ Đắk Lắk, Đà Lạt nhờ hương vị thơm ngon và trái đẹp. Việc phát hiện ra trái cây đặc sản này đến một cách rất tình cờ: người dân trồng xen bơ vào trong các vườn cà phê, mãng cầu xiêm... rồi phát hiện bơ cho rất nhiều trái và mùi vị hơn hẳn bơ trồng ở nhiều vùng khác. Thương lái đặt mua tấp nập, diện tích nhanh chóng tăng lên và nhiều vườn bơ chuyên canh đã hình thành.

Nhưng tất cả mới chỉ dừng ở đó. Chưa có sự chủ động nào để phát triển và giữ một vùng đặc sản mới hình thành ở đây. Những nông dân chưa tập hợp lại, chưa đăng ký độc quyền nhãn hiệu, nhà nước cũng chưa có động thái nào hỗ trợ về thông tin, khả năng tiêu thụ hay thị trường. Chính sự thờ ơ này đã và đang góp phần làm tàn lụi dần nhiều vùng đặc sản nổi tiếng của Đồng Nai mà trái mãng cầu ta (na) ở Tân Phú, mãng cầu xiêm ở Cẩm Mỹ hay quýt đường Long Thành là những ví dụ sống động nhất. Hiện tại, nhiều sạp trái cây trong tỉnh vẫn mượn danh mãng cầu Tân Phú hay quýt Long Thành để hàng dễ bán hơn, vì chúng là đặc sản.

Nhưng cũng có những đặc sản đã được gìn giữ và phát triển khá tốt, như: ổi Bình Lộc, bưởi Tân Triều, xoài Suối Lớn... Tuy vậy, hầu hết sự quan tâm này đều xuất phát từ tâm huyết muốn gìn giữ đặc sản địa phương của một vài người nào đó - đa số là những nông dân địa phương có tình cảm với đặc sản quê nhà, đã vận động thành lập câu lạc bộ, khuyến khích người tham gia sản xuất theo quy trình sạch và bôn ba tìm kênh tiêu thụ ổn định cho đặc sản. Và một khi được nhiều người biết đến và tiêu thụ với giá tốt hơn, người dân sẽ tự tin hơn trong việc giữ gìn, thay vì sẵn sàng nay trồng mai chặt theo sự sùi sụt mong manh của thị trường.

Đặc sản là tên gọi chỉ chung về những sản vật, sản phẩm, hàng hóa (thường là nông sản) mang tính đặc thù hoặc có nhiều điểm đặc biệt, riêng biệt xuất xứ từ những vùng, miền, địa phương và tạo nên những nét đặc trưng của một vùng, miền hay một địa phương nào đó, như: chè Thái Nguyên, bánh tráng Trảng Bàng (Tây Ninh), nước mắm Phú Quốc, rượu cần Tây Nguyên... Tên tuổi của những loại đặc sản địa phương, nếu được gìn giữ tốt, theo thời gian có thể bay rất xa và được bán với giá rất cao. Vậy nên, chính những người dân và chính quyền ở địa phương đó, nên là những người đầu tiên phát hiện và có kế hoạch phát triển những thứ đặc sản ấy. Bằng nhiều công cụ: đăng ký nhãn hiệu, đánh giá chất lượng, công bố vùng đặc sản mới, vận động nông dân tham gia sản xuất đặc sản theo quy trình, tìm nguồn tiêu thụ... Và với sự phối hợp giữa nhà nước - nông dân - doanh nghiệp, có thể tin tưởng rằng, những loại nông sản thơm ngon của Đồng Nai sẽ không tàn lụi dần rồi biến mất theo kiểu “tự sinh tự diệt” một cách uổng phí, trong khi xây dựng nên tiếng tăm của nông sản là điều không hề dễ dàng.

Kim Ngân

 

Tin xem nhiều
Liên kết hữu ích