Báo Đồng Nai điện tử
En

Tư duy tận diệt

10:04, 24/04/2017

Ngày 21-4 vừa qua, Công an Đồng Nai đã phải nổ súng trong khi truy bắt các đối tượng khai thác cát lậu trên sông Đồng Nai, đoạn qua huyện Vĩnh Cửu. Nhóm hút trộm cát khi nghe tiếng súng đã bỏ ghe tẩu thoát, bỏ lại hàng trăm khối cát đang được tập kết để tiêu thụ.

Ngày 21-4 vừa qua, Công an Đồng Nai đã phải nổ súng trong khi truy bắt các đối tượng khai thác cát lậu trên sông Đồng Nai, đoạn qua huyện Vĩnh Cửu.

Nhóm hút trộm cát khi nghe tiếng súng đã bỏ ghe tẩu thoát, bỏ lại hàng trăm khối cát đang được tập kết để tiêu thụ. Tinh vi hơn, chủ khai thác đã cho đặt nhiều camera xung quanh khu vực bến để có thể ngồi ở phòng điều hành theo dõi mọi hoạt động khai thác diễn ra trên bến.

Lực lượng công an kiểm tra tại bãi cát của bến thủy nội địa Chí Dũng. (Ảnh: CTV)
Lực lượng công an kiểm tra tại bãi cát của bến thủy nội địa Chí Dũng. (Ảnh: CTV)

Trung tuần tháng 4 vừa qua, cơ quan chức năng Đồng Nai cũng vừa có cuộc rượt đuổi trong đêm với các đối tượng khai thác thủy sản trên hồ Trị An theo cách tận diệt: dùng xung điện và các dụng cụ sát thương lớn để tận diệt nhiều loại thủy sản trên hồ.

Đây là những điển hình trong rất nhiều vụ việc xung đột giữa cơ quan chức năng và các đối tượng khai thác cát, gỗ, thủy sản... trái phép diễn ra thời gian gần đây, không chỉ tại Đồng Nai mà trên quy mô cả nước.

Cuộc chiến giữa lợi ích cá nhân (những người khai thác tài nguyên lậu) và lợi ích cộng đồng (những người bảo vệ - ở đây là các lực lượng chức năng đại diện cho cộng đồng) ngày một trở nên cam go và nguy hiểm.

Nhìn sâu hơn, khai thác theo kiểu tận diệt tài nguyên không chỉ tồn tại ở bề mặt của nền kinh tế theo kiểu dăm ba vụ việc va chạm giữa những người khai thác và cơ quan chức năng, mà tư duy này tồn tại ở tầng sâu kín hơn, kể cả những chính sách vĩ mô trong khai thác tài nguyên thiên nhiên chú trọng quá nhiều vào phát triển kinh tế mà “quên” mất khía cạnh tái tạo, bảo vệ, gìn giữ tài nguyên.

Từ lâu, người Việt Nam được dạy về sự phong phú của tài nguyên thiên nhiên “rừng vàng, biển bạc” và sự phong phú đa dạng đó ai cũng thấy. Việt Nam có nhiều loại tài nguyên quý, trải dài từ biển đến rừng với những ưu đãi mà ít có quốc gia nào có được.

Có lẽ do tư duy “nhà giàu” này mà nhiều năm qua, suy nghĩ khai thác tận diệt trở nên phổ biến ở nhiều mức độ khác nhau. Nhỏ thì phá núi lấy đá, san đồi lấy đất; lớn thì phá rừng làm dự án, làm thủy điện hoặc khai thác tận cùng thủy hải sản, khoáng sản…

Có trường hợp trái phép, có trường hợp được cấp phép đàng hoàng, song suy cho cùng thì dù trái phép hay được cấp phép thì việc khai thác đến tận cùng những gì thiên nhiên ưu đãi mà không có (hoặc không kịp) những hoạt động bảo tồn, giữ gìn, tái tạo thì lâu dần, có lẽ không tài nguyên nào chịu nổi.

Lợi ích kinh tế thì đã rõ, tài nguyên có sẵn, chỉ mất chi phí khai thác, do đó nhiều cá nhân, tổ chức từ lâu đã “nhắm” đến nguồn lợi này và tìm cách khai thác bằng nhiều cách. Gần đây nhiều hồi chuông báo động đã gióng lên, báo hiệu nhiều nguồn tài nguyên đang dần cạn kiệt: rừng, cát, đá, đất, thủy hải sản, các loại khoáng sản... do hoạt động khai thác kéo dài, rầm rộ, quy mô.

Chính phủ bắt đầu có những chính sách và biện pháp siết lại, quan tâm hơn đến các hoạt động bảo tồn và tái tạo tài nguyên. Song đó đây vẫn còn nhiều nơi tỏ ra bất lực trước suy nghĩ khai thác kiểu tận diệt này.

Phải mất rất nhiều năm để con người nhận thức ra, hóa ra thiên nhiên không phải là vô tận và con người phải “có đi có lại” với thiên nhiên, khai thác có chừng mực và đề cao hoạt động tái tạo, bảo tồn. Trước khi cái giá phải trả trở nên quá lớn, mong rằng “tư duy tận diệt” cần được nhìn nhận một cách thật sự nghiêm túc trong cách ứng xử với tự nhiên để bảo đảm cuộc sống lâu bền cho cuộc sống con người.

Vi Lâm

Tin xem nhiều