Đại tướng Võ Nguyên Giáp được cả thế giới biết đến và ca ngợi là một trong 10 thiên tài quân sự của thế kỷ XX và một trong những thiên tài quân sự lớn nhất mọi thời đại. Trong ký ức người dân Việt Nam, hình ảnh của đại tướng không những là một vị tướng kiệt xuất làm thay đổi vận mệnh của dân tộc mà còn là một nhà giáo dục, một thầy giáo dạy lịch sử nổi tiếng.
Đại tướng Võ Nguyên Giáp được cả thế giới biết đến và ca ngợi là một trong 10 thiên tài quân sự của thế kỷ XX và một trong những thiên tài quân sự lớn nhất mọi thời đại. Trong ký ức người dân Việt Nam, hình ảnh của đại tướng không những là một vị tướng kiệt xuất làm thay đổi vận mệnh của dân tộc mà còn là một nhà giáo dục, một thầy giáo dạy lịch sử nổi tiếng.
Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Ảnh: TL |
1. Đại tướng Võ Nguyên Giáp sinh ngày 25-8-1911 tại làng An Xá, xã Lộc Thủy, H.Lệ Thủy, tỉnh Quảng Bình. Sinh ra trong một gia đình có truyền thống hiếu học với thân phụ là cụ Võ Quang Nghiêm - một nhà nho, làm nghề dạy học và bốc thuốc cùng với thân mẫu là cụ Nguyễn Thị Kiên. Lớn lên bên dòng Kiến Giang hiền hòa cùng những câu chuyện về tướng quân Tôn Thất Thuyết phò vua Hàm Nghi hạ chiếu Cần Vương, về phong trào chống Pháp qua bài vè Thất thủ kinh đô đầy cảm động đã nhen nhóm vào máu huyết của cậu bé Giáp từ thuở ấu thơ một tình yêu lớn đối với Tổ quốc.
Sau thời gian học tại Trường Quốc học Huế và tham gia các phong trào yêu nước, tháng 5-1939, Võ Nguyên Giáp (theo Hồi ký của đại tướng) vào dạy lịch sử ở Trường tư thục Thăng Long, đánh dấu một trong những bước chuyển lớn trong cuộc đời của đại tướng. Một trong những điểm nổi bật nhất ở thầy Võ Nguyên Giáp in đậm trong ký ức của những thế hệ học trò chính là tinh thần yêu quê hương đất nước sâu sắc. Thầy truyền dạy cho học sinh về truyền thống dân tộc và tinh thần cách mạng thông qua những bài học về phong trào Cần Vương, những tấm gương khí phách của Nguyễn Tri Phương, Hoàng Diệu với những trận đánh bằng sơ đồ, bản đồ minh họa đầy sinh động, cụ thể. Qua đó, gieo vào tâm hồn của học sinh lý tưởng phải sống sao cho trọn đạo với quê hương.
Ngay khi còn là một thầy giáo, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã thấp thoáng bộc lộ hình bóng của một nhà quân sự. Thầy rất am hiểu về lịch sử, đặc biệt là lịch sử quân sự, là “chiến binh cuồng tín, không mấy khi mỉm cười và không để ai thuyết phục được ông trong bất cứ lĩnh vực nào”.
Trong các buổi học, thầy kể rất nhiều về các cuộc chiến tranh, về các trận đánh trong lịch sử dân tộc, về quân sự, về chiến thuật, chiến dịch, cách mạng Pháp, về công xã Paris và về Napoléon. Ngoài dạy học, thầy Võ Nguyên Giáp còn tham gia hoạt động cách mạng, viết báo và nắm bắt chính sự…
Tất cả những điều trên khẳng định thầy Võ Nguyên Giáp là một con người đầy hoài bão và có trách nhiệm đối với Tổ quốc và thời cuộc như lời nhận xét của trung tướng Phạm Hồng Cư: “Làm nhiều việc cùng một lúc: vừa học thi, vừa đi dạy, vừa viết báo, vừa hoạt động cách mạng, là chiến sĩ cách mạng, là thầy giáo dạy sử, là nhà báo, là sinh viên. Nếu chỉ là một chàng thanh niên thông minh, học giỏi nhưng thờ ơ với “chuyện chính trị”, Võ Nguyên Giáp hẳn không bao giờ làm việc hết mình, sống hết mình để có một tuổi trẻ như thế, và nhiều khả năng là chúng ta sẽ chỉ có một “thầy ký, thầy thông” vô danh thay vì một vị tướng tài ba, một nhà chính trị chiến lược như Đại tướng Võ Nguyên Giáp”.
Đó là lời nhận định tổng quát về một con người không chỉ cống hiến hết mình vì sự nghiệp giáo dục mà trong lòng vẫn luôn trăn trở về vận mệnh của dân tộc qua từng trang sử truyền đạt cho học trò. Hơn ai hết, càng hiểu rõ lịch sử ngàn năm thăng trầm của dân tộc, thầy Võ Nguyên Giáp càng ý thức sâu sắc về những vấn đề mà dân tộc đang phải gánh chịu, từ đó càng quyết tâm, quyết chí đi theo sự nghiệp cách mạng, hết lòng vì dân, vì nước và trở thành một vị đại tướng được nhân dân vô cùng kính yêu.
2. Ngày 22-12-1944 đánh dấu bước ngoặt quan trọng trong cuộc đời binh nghiệp của Đại tướng Võ Nguyên Giáp khi được Chủ tịch Hồ Chí Minh trao quyền chỉ huy Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân với 34 đồng chí và 34 khẩu súng các loại tại một khu rừng giữa hai tổng Hoàng Hoa Thám và Trần Hưng Đạo (thuộc châu Nguyên Bình, tỉnh Cao Bằng).
Sau 2 ngày thành lập, đội đã mưu trí, sáng tạo đánh thắng 2 trận Phai Khắt và Nà Ngần lập nên công lớn đầu tiên của lực lượng vũ trang nhân dân Việt Nam. Dưới sự chỉ huy của Đại tướng Võ Nguyên Giáp, Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân đã góp công lớn vào thắng lợi của cuộc Cách mạng Tháng Tám năm 1945.
Thực dân Pháp tái chiếm Việt Nam, thay mặt cho toàn thể dân tộc, Đại tướng Võ Nguyên Giáp tuyên bố với thực dân Pháp: “Ngày nào Nam bộ còn bị tách khỏi Việt Nam thì ngày ấy mỗi người dân Việt Nam còn không ngừng dốc hết nghị lực của mình vào cuộc đấu tranh để đưa Nam bộ trở về trong lòng Tổ quốc… lịch sử sẽ chứng minh lời của chúng tôi nói là đúng”.
Với những đóng góp to lớn cho cách mạng và nhận thấy khả năng thiên tài của ông về quân sự, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ký Sắc lệnh 110/SL ngày 20-1-1948 phong hàm đại tướng thống lĩnh toàn lực lượng quân đội Việt Nam năm ông vừa tròn 37 tuổi.
Dưới sự chỉ huy của Bộ Chính trị, Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đại tướng Võ Nguyên Giáp, cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp của quân và dân ta giành được những thắng lợi to lớn trên các chiến dịch: Việt Bắc (năm 1947), Biên Giới (năm 1950), Hoàng Hoa Thám (năm 1951), Hòa Bình (năm 1952), Hà Nam Ninh (năm 1951), Thượng Lào (năm 1952)…, từng bước đánh bại các kế hoạch, thủ đoạn chiến tranh của Pháp, buộc chúng phải nhờ vào viện trợ của Mỹ để tiếp tục chiến tranh nhằm tìm ra một giải pháp “rút lui trong danh dự” ở Đông Dương. Thực dân Pháp xây dựng Điện Biên Phủ thành một tập đoàn cứ điểm mạnh nhất Đông Dương, “pháo đài bất khả xâm phạm”, “con nhím khổng lồ giữa vùng rừng núi Tây Bắc” mà chúng tuyên bố sẵn sàng nghiền nát lực lượng quân đội Việt Minh nếu đánh lên Điện Biên Phủ.
Một kế hoạch tấn công Điện Biên Phủ được thông qua với chiến lược “đánh nhanh, thắng nhanh” trong vòng 3 ngày đêm, mọi sự chuẩn bị về lực lượng và tinh thần cho cuộc đụng đầu lịch sử, quyết định đến việc “ai thắng ai” đã sẵn sàng. Nhưng với Đại tướng Võ Nguyên Giáp, sau khi nghiên cứu kỹ trận địa, so sánh địch - ta trong thế tương quan lực lượng trên tất cả các mặt đã đi tới quyết định lịch sử - thay đổi hoàn toàn chiến lược, chuyển từ “đánh nhanh, thắng nhanh” sang “tiến chắc, đánh chắc”. Một sự thay đổi đầy khó khăn như chính thừa nhận sau này của đại tướng: “Đấy là quyết định khó khăn nhất trong cuộc đời binh nghiệp của tôi”.
Lịch sử đã chứng minh quyết định này hoàn toàn đúng, sau “56 ngày đêm khoét núi ngủ hầm mưa dầm cơm vắt, máu trộn bùn non, gan không núng, chí không mòn” quân và dân ta đã làm nên thắng lợi Điện Biên Phủ “lẫy lừng năm châu, chấn động địa cầu”. Lý giải cho cho sự thay đổi này, đại tướng nhấn mạnh: “Đó là tìm ra một chiến thuật phù hợp với thế và lực của quân ta, giành thắng lợi lớn nhất nhưng hạn chế đến sự hy sinh thấp nhất”.
Trong dịp kỷ niệm 10 năm chiến thắng Điện Biên Phủ, Đại đoàn trưởng Đại đoàn 312, Đại tướng Lê Trọng Tấn đã nhận xét: “Nếu Đại tướng Tổng tư lệnh không quyết đoán thì toàn bộ lực lượng của ta đã bị “phơi áo” trong lòng chảo Điện Biên và nếu không có thay đổi trên, cuộc kháng chiến có thể phải chậm mất 10 năm”, thậm chí có thể dẫn đến một thất bại toàn cục. Chiến thắng Điện Biên Phủ là minh chứng thuyết phục cho đỉnh cao của trí tuệ, tài năng, bản lĩnh, thiên tài quân sự và tính nhân văn ở Đại tướng Võ Nguyên Giáp.
3. Sau thắng lợi của Chiến dịch Điện Biên Phủ, Hiệp định Genève được ký kết, miền Bắc được giải phóng nhưng miền Nam vẫn nằm trong vòng kìm kẹp của chủ nghĩa thực dân mới. Cả dân tộc lại bước vào cuộc trường chinh thế kỷ, với trọng trách là Phó thủ tướng kiêm Bộ trưởng Quốc phòng, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã lãnh đạo quân đội nhân dân ở 2 miền tiến hành cuộc kháng chiến chống đế quốc Mỹ và chính quyền tay sai miền Nam Việt Nam. Đệ trình xây dựng đường Trường Sơn 559 và đường 759, con đường vận tải xuyên suốt, mạch giao thông 2 miền Nam - Bắc là một sáng kiến lớn thể hiện rõ tư duy, tài thao lược của đại tướng. Chính con đường Trường Sơn huyền thoại đã làm nên “huyền thoại” của cuộc kháng chiến chống đế quốc Mỹ.
Trong 12 ngày đêm trên bầu trời Hà Nội, đại tướng đã trực tiếp chỉ huy quân và dân thủ đô đánh sập hoàn toàn âm mưu “biến Hà Nội trở về thời kỳ đồ đá” hòng xoay chuyển cục diện chiến tranh của R.Nixon, buộc đế quốc Mỹ phải ngồi vào bàn đàm phán Paris xuống thang chiến tranh, rút quân về nước.
Thời cơ được mở ra, đại tướng chỉ đạo các lực lượng vũ trang hạ quyết tâm “thần tốc, thần tốc hơn nữa; táo bạo, táo bạo hơn nữa; tranh thủ từng phút, từng giờ, xốc tới mặt trận giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước” quyết tâm giải phóng miền Nam ngay trong năm 1975 bằng Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử.
Cùng với cuộc tổng tiến công trên đất liền với tầm nhìn chiến lược của một thiên tài quân sự, đại tướng đã chỉ đạo các lực lượng hải quân tiến ra giải phóng các đảo: Song Tử Tây, Sơn Ca, Nam Yết, Sinh Tồn, Trường Sa, thu hồi đảo An Bang… hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc.
Chính tư duy lịch sử, sự am hiểu lịch sử sâu sắc cùng với “trí tuệ thiên bẩm” và quá trình tôi luyện không ngừng là cốt lõi để thầy Võ Nguyên Giáp trở thành một đại tướng lẫy lừng của nhân loại. Cuộc đời của đại tướng hy sinh cho sự tồn vong của dân tộc, sự hưng thịnh của quốc gia như một lẽ sống mà chính đại tướng từng khẳng định: “Tôi sống ngày nào, cũng vì đất nước ngày đó”. Thế hệ người Việt Nam hôm nay và mai sau nữa sẽ luôn nhớ về Đại tướng, giữ trọn niềm tin và lời thề sắt son đối với người anh hùng của dân tộc. |
TS Ngô Minh Vương