Báo Đồng Nai điện tử
En

Tạo động lực cho kinh tế tư nhân phát triển

08:12, 13/12/2020

Tại Hội nghị lần thứ năm Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa XII đã ban hành Nghị quyết số 10-NQ/TW ngày 3-6-2017 về Phát triển kinh tế tư nhân trở thành một động lực quan trọng của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa.

Tại Hội nghị lần thứ năm Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa XII đã ban hành Nghị quyết số 10-NQ/TW ngày 3-6-2017 về Phát triển kinh tế tư nhân trở thành một động lực quan trọng của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa.

Chủ tịch UBND tỉnh Cao Tiến Dũng (bìa phải) và Trưởng ban Dân vận Tỉnh uỷ Đào Văn Phước (bìa trái) trao cờ cho doanh nghiệp xuất sắc trên địa bàn tỉnh. Ảnh: Nga Sơn
Chủ tịch UBND tỉnh Cao Tiến Dũng (bìa phải) và Trưởng ban Dân vận Tỉnh uỷ Đào Văn Phước (bìa trái) trao cờ cho doanh nghiệp xuất sắc trên địa bàn tỉnh. Ảnh: Nga Sơn

Nghị quyết số 10-NQ/TW đã mở đường cho việc đưa ra những cơ chế, chính sách mới, phù hợp và đột phá hơn để phát triển kinh tế tư nhân trở thành một khu vực kinh tế năng động, sáng tạo với năng lực cạnh tranh và tác động lan tỏa đến các khu vực kinh tế khác.

* Lấy doanh nghiệp làm đối tượng phục vụ

Thực hiện Nghị quyết số 10-NQ/TW, Ban chấp hành Đảng bộ tỉnh đã ban hành Kế hoạch số 150-KH/TU ngày 6-12-2017 về phát triển kinh tế tư nhân trở thành một động lực quan trọng của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Trên cơ sở đó, UBND tỉnh đã xây dựng Chương trình hành động số 3778/Ctr-UBND ngày 18-4-2018 để thực hiện Nghị quyết số 10-NQ/TW.

Theo báo cáo của Sở KH-ĐT, sau 3 năm thực hiện Nghị quyết số 10-NQ/TW, khu vực kinh tế tư nhân trên địa bàn tỉnh đã có bước phát triển mới cả về số lượng, chất lượng và có những đóng góp ngày càng tăng đối với sự phát triển của nền kinh tế - xã hội. Hiện nay có hơn 49 ngàn đơn vị dân doanh đăng ký kinh doanh trong toàn tỉnh trên hệ thống thông tin đăng ký doanh nghiệp quốc gia.

Để tạo điều kiện cho các doanh nghiệp phát triển, UBND tỉnh đã chỉ đạo các sở, ngành và UBND các huyện, thành phố căn cứ chức năng, thẩm quyền của đơn vị, địa phương triển khai các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp. Theo đó, nhiều năm qua UBND tỉnh và các sở, ngành đã luôn nhất quán thực hiện phương châm chính quyền đồng hành cùng doanh nghiệp, thường xuyên gặp gỡ, lắng nghe, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp để doanh nghiệp yên tâm phát triển sản xuất.

UBND tỉnh đã ban hành quyết định chính sách hỗ trợ, khuyến khích đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn. Đến nay, có 9 doanh nghiệp và 18 HTX nông nghiệp được chấp thuận chủ trương xây dựng dự án cánh đồng lớn, trong đó 19 dự án đã được UBND tỉnh phê duyệt với tổng diện tích trên 7.131ha. Đồng thời ban hành quyết định về việc phê duyệt đề án Chương trình quốc gia mỗi xã một sản phẩm (OCOP) trên địa bàn tỉnh, giai đoạn 2019-2025, định hướng đến năm 2035; kế hoạch về triển khai thực hiện Chỉ thị 46-CT/TU của Tỉnh ủy về tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo việc triển khai Chương trình OCOP trên địa bàn tỉnh. Trọng tâm của chương trình này là phát triển các sản phẩm nông nghiệp, phi nông nghiệp, dịch vụ du lịch có lợi thế trên địa bàn tỉnh theo hướng gia tăng giá trị do các tổ chức kinh tế tại địa phương thực hiện, tập trung phát triển khối kinh tế tập thể, kinh tế tư nhân là động lực quan trọng trong việc triển khai OCOP.

Ông Trần Quang Tính, Giám đốc Công ty TNHH Trang trại Việt chia sẻ, sau khi H.Xuân Lộc kêu gọi đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, ông đã mạnh dạn đầu tư với số vốn rất lớn vào sản xuất nông nghiệp hữu cơ công nghệ cao tại xã Xuân Phú. Đến nay, 100% các sản phẩm của Trang trại Việt như: cà chua, ớt chuông, dưa lưới, xà lách... được cung cấp vào các bếp ăn của những khách sạn lớn tại TP.HCM. Sắp tới, doanh nghiệp sẽ nâng quy mô sản xuất tại trang trại ở xã Xuân Phú để đảm bảo mỗi năm sẽ cung cấp cho thị trường khoảng 500 tấn rau sạch các loại. Trang trại Việt đang hướng đến xuất khẩu vào thị trường Nhật Bản.

* Những đóng góp tích cực của kinh tế tư nhân

Đồng Nai cũng luôn hỗ trợ kinh tế tư nhân đổi mới, sáng tạo, hiện đại hóa công nghệ và phát triển nguồn nhân lực, nâng cao năng suất lao động. Theo đó, đã triển khai chương trình hỗ trợ các đơn vị, doanh nghiệp nâng cao năng lực cạnh tranh, áp dụng hệ thống quản lý chất lượng tiên tiến, bảo hộ sở hữu trí tuệ giai đoạn 2016-2020; ban hành Quyết định số 1523/QĐ-UBND về phê duyệt kế hoạch Hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo trên địa bàn tỉnh, giai đoạn 2018-2023 và giao Sở KH-CN chủ trì.

Người lao động Nhà máy bê tông đúc sẵn Hùng Vương (H.Vĩnh Cửu) trong một dây chuyền sản xuất của nhà máy
Người lao động Nhà máy bê tông đúc sẵn Hùng Vương (H.Vĩnh Cửu) trong một dây chuyền sản xuất của nhà máy

Nhằm tiếp tục triển khai hiệu quả Nghị quyết số 09-NQ/TW của Bộ Chính trị về xây dựng và phát huy vai trò của đội ngũ doanh nghiệp Việt Nam trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế, UBND tỉnh đã ban hành Quyết định số 4698/QĐ-UBND về Chương trình đào tạo phát triển nguồn nhân lực trên địa bàn tỉnh, giai đoạn 2016-2020 theo 7 chương trình mục tiêu để đẩy mạnh phát triển nguồn nhân lực đáp ứng nhu cầu về số lượng và chất lượng nhân lực cho phát triển kinh tế tư nhân.

UBND tỉnh cũng đã giao nhiệm vụ cho một số sở, ngành thường xuyên tổ chức các buổi tọa đàm hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp. Tăng cường kiểm tra, theo dõi tình hình thi hành pháp luật về các nội dung liên quan đến tạo lập môi trường đầu tư kinh doanh, đảm bảo thực hiện nghiêm các chính sách hỗ trợ của Nhà nước trong thúc đẩy phát triển kinh tế tư nhân.

Đẩy mạnh công tác cải cách hành chính theo hướng xây dựng nền hành chính hiện đại; xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức có năng lực tổ chức, quản lý, trình độ chuyên môn cao, tận tụy phục vụ nhân dân.

Theo Giám đốc Sở KH-ĐT Hồ Văn Hà, trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, việc phát triển kinh tế tư nhân là một nhân tố không chỉ đảm bảo cho việc duy trì tốc độ tăng trưởng kinh tế cao, tạo nguồn thu ngân sách nhà nước mà còn tham gia vào việc giải quyết hàng loạt vấn đề xã hội như: việc làm, giảm nghèo, phát triển nguồn nhân lực. Trong bối cảnh ngân sách nhà nước gặp nhiều khó khăn, cùng với đó là xu hướng suy giảm của dòng vốn ngoại thì những đóng góp của kinh tế tư nhân ngày càng quan trọng, thậm chí mang tính quyết định.

Hiện nay, tổng số lao động đang làm việc tại khu vực kinh tế tư nhân trên địa bàn tỉnh chiếm nhiều nhất, hơn 210 ngàn người; làm việc trong các HTX hơn 26 ngàn người và lao động trong các hộ kinh doanh cá thể trên 127 ngàn người; số người làm việc trong các dự án nước ngoài chỉ khoảng 600 ngàn người.  

Định kỳ hằng năm, UBND tỉnh đều tổ chức hội nghị giao lưu gặp gỡ, đối thoại với doanh nghiệp trong và ngoài nước để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp, thu hút nhiều doanh nghiệp tham dự. Chính lực lượng doanh nghiệp, doanh nhân đông đảo, đa dạng này đã đóng góp quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

* Chưa thực sự lớn mạnh

Bên cạnh những kết quả đạt được, khu vực kinh tế tư nhân còn những tồn tại, hạn chế nhất định. Theo báo cáo của tỉnh, đa số các doanh nghiệp trong khu vực kinh tế tư nhân là các doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ, năng lực tài chính yếu nên năng lực cạnh tranh thường thấp hơn doanh nghiệp nhà nước và doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài. Đội ngũ doanh nhân khu vực kinh tế tư nhân chưa thực sự lớn mạnh, còn thiếu kinh nghiệm trên thương trường quốc tế; ý thức tự giác chấp hành pháp luật còn hạn chế.

Năng lực công nghiệp của khu vực kinh tế tư nhân trên thực tế là nhỏ và yếu, phần lớn là gia công, lắp ráp; các công đoạn mang lại hàm lượng có giá trị gia tăng cao thì lại thực hiện bởi đối tác nước ngoài. Các doanh nghiệp tư nhân phần lớn hoạt động ở thị trường trong nước, rất ít doanh nghiệp vươn ra được thị trường nước ngoài.

Ngoài ra, việc phát triển khu vực kinh tế tư nhân đang đối mặt với nhiều rào cản liên quan đến tư duy lý luận và nhận thức vai trò của kinh tế tư nhân, điều này cần phải được nghiên cứu để hoàn thiện, tạo sự thống nhất cao về tư tưởng để chỉ đạo thực hiện. Hệ thống thể chế và pháp luật cũng chưa hoàn thiện, đầy đủ, còn nhiều quy định chưa rõ ràng, thiếu nhất quán, chồng chéo, dẫn đến tình trạng cơ quan thừa hành và cộng đồng doanh nghiệp lúng túng trong việc chấp hành pháp luật. Môi trường kinh doanh chưa thực sự đảm bảo cạnh tranh công bằng, lành mạnh. Các doanh nghiệp tư nhân có quy mô nhỏ thường gặp khó khăn trong tiếp cận thông tin và nguồn lực (vốn, đất đai)...

Để thực hiện hiệu quả Kế hoạch 150-KH/TU của Tỉnh ủy và Chương trình hành động 3778-Ctr-UBND của UBND tỉnh về thực hiện Nghị quyết số 10-NQ/TW, tỉnh sẽ tiếp tục triển khai có hiệu quả Luật Doanh nghiệp (sửa đổi), Luật Đầu tư (sửa đổi), Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa, Luật Chuyển giao công nghệ (sửa đổi năm 2017). Tiếp tục hỗ trợ doanh nghiệp phát triển, trong đó có doanh nghiệp nhỏ và vừa, doanh nghiệp khởi nghiệp. Tạo môi trường đầu tư, kinh doanh thuận lợi cho phát triển kinh tế tư nhân. Hỗ trợ kinh tế tư nhân đổi mới sáng tạo, hiện đại hóa công nghệ và phát triển nguồn nhân lực, nâng cao năng suất lao động. Cùng với đó là nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước đối với khu vực kinh tế tư nhân. Đổi mới nội dung, phương thức và tăng cường sự lãnh đạo của Đảng, các tổ chức chính trị - xã hội, xã hội nghề nghiệp đối với kinh tế tư nhân.

Theo báo cáo của Sở KH-ĐT, trong giai đoạn 2015-2020, kinh tế - xã hội của tỉnh đã đạt những thành tựu rất quan trọng. Khu vực doanh nghiệp có vốn nhà nước đóng góp khoảng 13% GRDP toàn tỉnh; khu vực doanh nghiệp dân doanh, hộ cá thể, tư nhân đóng góp 35% GRDP toàn tỉnh. Năm vừa qua, các doanh nghiệp trong nước đã đóng góp 27% tổng thu ngân sách nhà nước trên địa bàn tỉnh; giải quyết việc làm trên 330 ngàn lượt lao động.

Phương Hằng

Tin xem nhiều