Báo Đồng Nai điện tử
En

Siêng làm, ham học, việc gì cũng thành công!

08:09, 02/09/2020

Mùa thu là mùa tựu trường. Mùa tựu trường năm 1945 thật đặc biệt. Đó là mùa tựu trường đầu tiên của một nước Việt Nam mới, vừa giành được độc lập, tự do. Năm ấy, Bác Hồ viết thư gửi các học sinh. Trong thư, Người có viết: "Tôi đã tưởng tượng thấy trước mắt cái cảnh nhộn nhịp tưng bừng của ngày tựu trường ở khắp các nơi".

Mùa thu là mùa tựu trường. Mùa tựu trường năm 1945 thật đặc biệt. Đó là mùa tựu trường đầu tiên của một nước Việt Nam mới, vừa giành được độc lập, tự do. Năm ấy, Bác Hồ viết thư gửi các học sinh. Trong thư, Người có viết: “Tôi đã tưởng tượng thấy trước mắt cái cảnh nhộn nhịp tưng bừng của ngày tựu trường ở khắp các nơi”. Đấy không chỉ là niềm vui ở một vị Chủ tịch nước mà còn là cảm xúc và tâm trạng của một người thầy giáo, thấm thía và đau đáu chuyện học của cả dân tộc.

Bác Hồ đến thăm lớp học bổ túc văn hóa của phụ nữ lao động khu phố Lương Yên, Hà Nội (ngày 27-3-1956). Ảnh: Tư liệu/ TTXVN
Bác Hồ đến thăm lớp học bổ túc văn hóa của phụ nữ lao động khu phố Lương Yên, Hà Nội (ngày 27-3-1956). Ảnh: Tư liệu/ TTXVN

* “10 trường học, 1.500 đại lý rượu”

Nước mất, nhà tan. “Cảnh cơ hàn trời đất tối tăm” (Tố Hữu). Khi đã bình định xong xứ sở này, việc lớn nhất và bao trùm nhất của thực dân Pháp là làm sao khai thác thật nhiều thuộc địa này. Trong tất cả các báo cáo cũng như sách, báo lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc đã viết (bằng tiếng Pháp) trước năm 1945 để vạch trần tội ác của quân xâm lược, không có văn bản nào không đề cập đến chính sách ngu dân triệt để. Năm 1919, trên báo L’Humanité (Nhân đạo), Người dẫn lời của một quan chức Pháp ở Đông Dương: “Đối với cái giống nòi annamít ấy, chỉ có một cách tốt để cai trị nó, - đó là ách thống trị bằng sức mạnh... Truyền học vấn cho bọn annamít hoặc cho phép chúng tự chúng có học vấn, tức là một mặt cung cấp cho chúng những súng bắn nhanh để chống chúng ta, và mặt khác đào tạo những con chó thông thái gây rắc rối hơn là có ích...”. Đó là lý do vì sao thực dân Pháp cũng như bất kỳ thế lực ngoại xâm nào cai trị một đất nước thực hiện chính sách ngu dân.

Năm 1921, trên báo La Vie Ouvrière, số 100, ra ngày 1-4-1921, Nguyễn Ái Quốc đã công bố lá thư của Albert Sarraut, Toàn quyền Đông Dương gửi cho một viên công sứ dưới quyền, yêu cầu hết sức giúp đỡ Nha thương chính đặt thêm đại lý thuốc phiện và rượu. Tác giả còn cho biết thêm ở An Nam [Việt Nam]: Lúc đó có một nghìn năm trăm ty [đại lý] rượu và thuốc phiện cho một nghìn làng trong khi chỉ có mười trường học cũng cho bấy nhiêu làng. Ngay cả trước bức thư nổi danh đó, người ta đã cho 12 triệu người bản xứ - kể cả đàn bà và trẻ con - nốc 23 đến 24 triệu lít rượu mỗi năm.

Mặc dù đã đặt ách cai trị lên toàn cõi Đông Dương, nhưng chi phí về quân sự năm 1921 hơn 35.600.000 phrăng, trong khi đó ngân sách giáo dục có không đầy 350 nghìn đồng bạc và ngân sách về y tế không đầy 65 nghìn đồng bạc thì sẽ thấy ngay tất cả sự tốt đẹp của chế độ thực dân của cái nước Cộng hoà Pháp rất nhân từ và đã tài giảm quân bị này(1). Tính ra, mức chi cho giáo dục chưa bằng 1% ngân sách cho quân sự!

Không biết chữ, hẳn người dân không thể biết gì ngoài cuộc sống hiện tại của họ, mà cuộc sống ấy là sự đói khổ, áp bức, lầm than. Đã thế, Rượu cồn và thuốc phiện cùng báo chí phản động của bọn cầm quyền bổ sung cho cái công cuộc ngu dân của chính phủ. Máy chém và nhà tù làm nốt phần còn lại (La Revue Communiste, số 14, tháng 4-1921). Trong Tuyên ngôn Độc lập khai sinh nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa (VNDCCH), Chủ tịch Hồ Chí Minh nhắc lại một lần nữa: Chúng lập ra nhà tù nhiều hơn trường học. Chúng thẳng tay chém giết những người yêu nước thương nòi của ta. Chúng tắm các cuộc khởi nghĩa của ta trong những bể máu. Chúng ràng buộc dư luận, thi hành chính sách ngu dân. Chúng dùng thuốc phiện, rượu cồn để làm cho nòi giống ta suy nhược.

Việt Nam là dân tộc hiếu học. Điều đó ai cũng biết. Trong các tầng lớp xã hội, người sĩ phu chiếm địa vị hàng đầu. Có con học giỏi là một vinh hạnh cho cha mẹ. Cho nên, dù có nghèo đói đến đâu, cha mẹ cũng cố tìm cách cho con cái được học hành. Nửa bụng chữ bằng một hũ vàng là một câu tục ngữ biểu hiện nhiệt tình ham muốn có học thức của dân tộc An Nam. Ở làng xã nào cũng có trường công và trường tư. Chữ nho rất khó học thế mà hầu hết người An Nam đều biết ký tên bằng chữ Hán. Nạn mù chữ hầu như không còn. Vậy mà, người Pháp đến đã làm đổi thay tất cả. Đời sống càng ngày càng khó khăn. Thuế má nặng nề, phu dịch thường xuyên. Các gia đình khá giả nay bị sa sút không còn có thể nuôi thầy đồ dạy học cho con cái mình và con cái những người láng giềng như xưa nữa. Những kẻ nghèo đói thì bị bần cùng, nên họ phải chống đói đã rồi mới có thể nghĩ đến chuyện học hành(2). Ngay cả khi người dân muốn con cái mình được đi học, cũng không phải chuyện dễ: Mỗi năm, cứ đến ngày khai trường, các bậc cha mẹ dù có đi gõ cửa khắp nơi, cầu xin mọi sự giúp đỡ, thậm chí xin nộp gấp đôi tiền ăn học mà họ vẫn không gửi được con cái đến trường. Và những đứa trẻ này, có đến hàng nghìn, bị đày vào cảnh ngu dốt chỉ vì không có đủ trường sở cho chúng đi học(3).

Đọc lại những tác phẩm của Bác Hồ viết trước khi nước ta độc lập mới hiểu vì sao Người “đã tưởng tượng thấy trước mắt cái cảnh nhộn nhịp, tưng bừng của ngày tựu trường ở khắp các nơi” trên đất nước Việt Nam trong ngày khai trường đầu tiên của một nền giáo dục mới.

* “Một dân tộc quyết rời bỏ chỗ tối”

Thấy được thảm họa từ chính sách ngu dân của giặc ngoại xâm, Chánh cương vắn tắt của Đảng Cộng sản Việt Nam, do lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc soạn thảo năm 1930, đã nêu rõ sau khi giành được độc lập sẽ tiến hành phổ thông giáo dục theo công nông hóa. Còn Chương trình Việt Minh, cũng được Bác Hồ đích thân soạn thảo ngay trước Cách mạng Tháng Tám 1945, ghi rõ 4 chính sách về văn hóa giáo dục khi giành được chính quyền về tay nhân dân:

1. Hủy bỏ nền giáo dục nô lệ. Gây dựng nền quốc dân giáo dục. Cưỡng bức giáo dục từ bực [bậc] sơ học. Mỗi dân tộc có quyền dùng tiếng mẹ đẻ trong nền giáo dục dân tộc mình. 2. Lập các trường chuyên môn huấn luyện chính trị, quân sự, kỹ thuật để đào tạo các lớp nhân tài. 3. Khuyến khích và giúp đỡ các hạng trí thức được phát triển tài năng của họ. 4. Khuyến khích và giúp đỡ nền giáo dục quốc dân làm cho nòi giống ngày thêm mạnh.

Đọc và ngẫm nghĩ thật kỹ, chúng ta sẽ thấy đây chính là minh triết giáo dục Việt Nam trong thời đại mới, điều mà lâu nay không ít người cứ mãi loay hoay kiếm tìm và không phải mong muốn nào của Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng đã được thực hiện thật đầy đủ, trọn vẹn.

Đấy là tư tưởng và việc làm của Bác Hồ đối với giáo dục trước khi nước ta giành độc lập. Còn ngay sau khi chính quyền về tay nhân dân, sau Quốc khánh đúng 1 ngày, tại phiên họp đầu tiên của Hội đồng Chính phủ nước VNDCCH, một phiên họp rất khẩn cấp, tiến hành rất đơn giản, hoàn toàn không có nghi thức, Bác đã trình bày Những nhiệm vụ cấp bách của Nhà nước VNDCCH.Trong 6 vấn đề cấp bách, có đến 2 vấn đề liên quan đến giáo dục:

Vấn đề thứ hai, nạn dốt - Là một trong những phương pháp độc ác mà bọn thực dân dùng để cai trị chúng ta. Hơn chín mươi phần trăm đồng bào chúng ta mù chữ.

Nhưng chỉ cần 3 tháng là đủ để học đọc, học viết tiếng nước ta theo vần quốc ngữ. Một dân tộc dốt là một dân tộc yếu. Vì vậy tôi đề nghị mở một chiến dịch để chống nạn mù chữ.

Vấn đề thứ tư - Chế độ thực dân đã đầu độc dân ta với rượu và thuốc phiện. Nó đã dùng mọi thủ đoạn hòng hủ hóa dân tộc ta bằng những thói xấu, lười biếng, gian giảo, tham ô và những thói xấu khác. Chúng ta có nhiệm vụ cấp bách là phải giáo dục lại nhân dân chúng ta. Chúng ta phải làm cho dân tộc chúng ta trở nên một dân tộc dũng cảm, yêu nước, yêu lao động, một dân tộc xứng đáng với nước Việt Nam độc lập.

Tôi đề nghị mở một chiến dịch giáo dục lại tinh thần nhân dân bằng cách thực hiện: cần, kiệm, liêm, chính.

Chúng ta nhớ, thực dân trở lại xâm lược Việt Nam ngay tức thì khi dân ta vừa giành được độc lập. Trong ngày Quốc khánh, ngay tại Sài Gòn, tiếng súng đã nổ và mới hơn 20 ngày (ngày 23-9-1945), Nam bộ đã bước vào cuộc kháng chiến. Vậy mà, Chủ tịch Hồ Chí Minh lại chủ trương: Phong trào Việt Minh tới đâu, tổ chức việc học văn hóa tới đó, người biết dạy người không biết, người biết nhiều dạy người biết ít. Người chỉ rõ việc diệt giặc dốt cũng cấp thiết như diệt giặc đói, giặc ngoại xâm. Trong lời kêu gọi chống nạn thất học, nhân danh Chủ tịch Chính phủ Nhân dân lâm thời (ngày 4-10-1945), Người còn nói: Một trong những công việc phải thực hiện cấp tốc trong lúc này, là nâng cao dân trí… Chính phủ đã hạn trong 1 năm, tất cả mọi người Việt Nam đều phải biết chữ quốc ngữ (...) Muốn giữ vững nền độc lập, muốn làm cho dân mạnh nước giàu. Mọi người Việt Nam đều phải biết quyền lợi của mình, bổn phận của mình, phải có kiến thức mới có thể tham gia vào công cuộc xây dựng nước nhà, và trước hết phải biết đọc, biết viết chữ quốc ngữ…

Giữa tháng 2-1947, khi biết ở Thanh Hóa, đồng bào Hạ du còn hơn 50% mù chữ, đồng bào Thượng du 90% mù chữ, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã thay mặt Chính phủ giao cho hai vị trí thức đức cao vọng trọng là Lê Thước và Đặng Thai Mai lập nên một Ban Văn hóa, mời thêm những trí thức danh vọng, tổ chức xóa mù chữ, đặng đến tháng 6 năm đó, số người mù chữ phải bớt 50%. Bác Hồ còn yêu cầu Chính phủ phụ cấp một khoản tiền 100 ngàn đồng làm kinh phí do cụ Lê Thước giữ. Nên nhớ, đó là khoản tiền không hề nhỏ trong hoàn cảnh kháng chiến đầy khó khăn, thiếu thốn. Đặc biệt, những dặn dò sau đây của Người càng đáng lưu ý: phải tìm những cách không cần tốn tiền mà học được, như gia đình học hiệu, tiểu giáo viên, cả làng chung gạo nuôi một thầy giáo... Không có giấy thì viết vào cát, không có bút thì dùng lẽ tre, [Lẽ tre: từ địa phương Nghệ Tĩnh: một đoạn cành tre nhỏ]..., không thiếu gì cách học mà không tốn tiền.

Nhờ tư tưởng và tâm huyết của Chủ tịch Hồ Chí Minh, chỉ trong một thời gian ngắn, hàng triệu thợ cày, thợ máy bao đời không biết đến con chữ đã đọc được chủ trương của Việt Minh, mở tầm mắt ra thế giới. Hưởng ứng chủ trương đó, ngay tại tỉnh Biên Hòa xa xôi so với Trung ương, phong trào bình dân học vụ, diệt giặc dốt đã diễn ra sôi nổi và cho đến đầu năm 1946 đã hình thành được ty giáo dục đầu tiên ở Nam bộ.

Khi kháng chiến chống thực dân Pháp thắng lợi, đại đa số người dân vùng kháng chiến biết chữ, đồng bào các nơi thi đua đi học, Bác Hồ cho rằng Việc đó chứng tỏ tinh thần ham học của nhân dân ta(4); Có thành tích ấy là vì nhân dân ta hiểu thấu rằng: bất kỳ làm nghề gì, nếu không biết chữ thì khó tiến bộ, cho nên nhiều người cố gắng đi học. Đây là một phong trào sôi nổi, một cảnh tượng tưng bừng của một dân tộc quyết rời bỏ chỗ tối, bước lên chỗ sáng… Một dân tộc siêng làm, ham học như thế, thì làm việc gì cũng thành công!(5)

Nếu không khai dân trí, không chấn dân khí, vùng tối tăm sẽ còn mãi và họa xâm lăng sẽ chập chờn, nói gì đến tự do và độc lập!

Bùi Quang Huy


(1)Nguyễn Ái Quốc, L’Humanité, ngày 28-9-1923; (2)Nguyễn Ái Quốc, L’Humanité, ngày 5.2.1923; (3)Nguyễn Ái Quốc, Đông Dương (1923-1924); (4)C.B., Nhân dân, ngày 16-2-1955;
(5)C.B., Nhân dân, ngày 17-6-1956.

Tin xem nhiều