Báo Đồng Nai điện tử
En

Xây dựng nền hành chính vì nhân dân

04:09, 02/09/2020

Những năm qua, công tác cải cách hành chính (CCHC), nhất là thủ tục hành chính (TTHC) được Đảng bộ tỉnh xác định là một trong những nhiệm vụ đột phá trong quá trình phát triển.

Những năm qua, công tác cải cách hành chính (CCHC), nhất là thủ tục hành chính (TTHC) được Đảng bộ tỉnh xác định là một trong những nhiệm vụ đột phá trong quá trình phát triển.

Giải quyết thủ tục hành chính cho người dân tại Bộ phận một cửa H.Xuân Lộc
Giải quyết thủ tục hành chính cho người dân tại Bộ phận một cửa H.Xuân Lộc. Ảnh:N. Hà

Thực hiện hiệu quả nhiệm vụ này đã góp phần xây dựng chính quyền các cấp và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh, từng bước chuyển từ quản lý sang xây dựng nền hành chính “vì dân phục vụ”.

* Nhiều cách làm sáng tạo

Ban chỉ đạo CCHC tỉnh và các địa phương đã triển khai hiệu quả nhiều mô hình hay, cách làm mới, góp phần rút ngắn thời gian, đa dạng không gian trong thực hiện các TTHC cho tổ chức, cá nhân. Trong đó, mô hình phi địa giới hành chính ở các lĩnh vực tư pháp, đất đai, giao thông vận tải, y tế là một kết quả nổi bật. Khi thực hiện mô hình này, người dân có nhiều phương thức lựa chọn địa điểm nộp hồ sơ tại nhà, tại bộ phận một cửa cấp xã, huyện hoặc Trung tâm Hành chính công của tỉnh.

Theo Phó chủ tịch UBND tỉnh Trần Văn Vĩnh, mô hình phi địa giới hành chính  được triển khai từ năm 2017 trở thành bước đột phá lớn trong giải quyết TTHC cho người dân. Đến nay, UBND tỉnh đã đưa hơn 200 dịch vụ công từ mức độ 1 đến mức độ 4 lên mạng phục vụ tổ chức, cá nhân trên Cổng dịch vụ công của tỉnh. Nhờ đó, nhiều sở, ngành của tỉnh đã đạt tỷ lệ hồ sơ giải quyết qua mạng mức độ 4 từ 70-90%.

Đồng Nai tiếp tục triển khai nhiều giải pháp CCHC hiệu quả, phấn đấu đạt mục tiêu nâng cao sự hài lòng của người dân trên 85% giai đoạn 2018-2020 và trên 90% giai đoạn 2021-2025. Phấn đấu giảm dần tỷ lệ đánh giá không hài lòng do nhũng nhiễu xuống dưới 1% giai đoạn 2021-2025.

“Trước đây, khi thực hiện các TTHC về đo vẽ, chuyển nhượng quyền sử dụng đất tại bộ phận một cửa cấp huyện, người dân chỉ có một điểm nộp hồ sơ và nhận kết quả nên đã tạo áp lực lớn về cơ sở vật chất, nhân lực. Việc áp dụng mô hình phi địa giới hành chính trong lĩnh vực đất đai đã nhận được sự ủng hộ lớn từ cá nhân, tổ chức. Họ có thể lựa chọn nơi cung cấp dịch vụ tốt nhất, tạo sự hài lòng cao nhất về cơ sở vật chất, trách nhiệm hướng dẫn, tiếp nhận hồ sơ; đồng thời không phải đi lại nhiều nơi, tiết kiệm thời gian cho người dân, doanh nghiệp” - Phó chủ tịch UBND tỉnh Trần Văn Vĩnh khẳng định.

Mô hình ứng dụng Tổng đài dịch vụ công 1022 là điểm sáng tạo của tỉnh trong việc tiếp nhận, xử lý các phản ảnh, kiến nghị của người dân và hướng dẫn TTHC. Trước khi có Tổng đài 1022, toàn tỉnh có trên 200 đầu số điện thoại, đường dây nóng, người dân phải liên hệ nhiều đầu mối, tốn nhiều thời gian để đến được đúng cơ quan hỗ trợ. Hiện nay, chỉ cần liên hệ tới đầu số 1022, mọi yêu cầu về dịch vụ công đều được giải đáp.

Bà Trần Lan Phương (ngụ xã Phúc Túc, H.Định Quán) cho hay, khi liên lạc đầu số 1022 của tỉnh, bà được giải đáp mọi yêu cầu, thắc mắc, được hướng dẫn tận tình cần phải thực hiện TTHC ở cơ quan nào. “Tôi không còn phải liên lạc nhiều nơi hay gọi nhiều đầu số. Đây là thuận lợi rất lớn với người dân chúng tôi, nhất là trong bối cảnh dịch Covid-19 đang diễn biến phức tạp” - bà Phương nói.

Hằng năm, Tổng đài 1022 của tỉnh tiếp nhận hàng ngàn cuộc gọi yêu cầu hỗ trợ, giải đáp thắc mắc của người dân, doanh nghiệp. Trên 87% cuộc gọi được nhân viên tổng đài trả lời trực tiếp, còn lại chuyển tới các cơ quan chính quyền phản hồi cho người dân. Từ khi bắt đầu hoạt động đến nay, các tổng đài viên đã tổng hợp cơ sở dữ liệu các câu hỏi của công dân và các câu trả lời đúng. Đây cũng là cơ sở dữ liệu giúp tổng đài đạt tỷ lệ đáp ứng các yêu cầu cuộc gọi cao. Các sở, ngành, địa phương có thể sử dụng dữ liệu này nắm bắt nhu cầu và vướng mắc của người dân.

* Tiếp tục xác định là nhiệm vụ đột phá

Theo Phó chủ tịch UBND tỉnh Trần Văn Vĩnh, CCHC vẫn được xác định là nhiệm vụ đột phá trong quá trình phát triển của tỉnh. Do đó, tỉnh tiếp tục triển khai quyết liệt việc rà soát, sắp xếp tổ chức bộ máy các cơ quan hành chính, các đơn vị sự nghiệp theo Nghị quyết 18, 19-NQ/TƯ của Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa XII. Đồng thời, triển khai hiệu quả Nghị định 61/2018/NĐ-CP của Chính phủ về cơ chế một cửa, một cửa liên thông, trong đó kiện toàn hoạt động của Trung tâm Hành chính công của tỉnh, bộ phận một cửa cấp huyện, xã. Tiếp tục thực hiện các mô hình mới, cách làm sáng tạo, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong CCHC, nâng cao mức độ hài lòng của người dân về trách nhiệm hỗ trợ của cơ quan nhà nước trong giải quyết TTHC.

Bên cạnh đó, tỉnh tập trung triển khai đề án của Ban TVTU về tăng cường cải cách TTHC nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh và sự hài lòng của người dân, doanh nghiệp. UBND tỉnh chỉ đạo khảo sát ý kiến người dân, doanh nghiệp, nhất là ứng dụng công nghệ thông tin trong quá trình khảo sát như khảo sát thông qua phần mềm một cửa tại Trung tâm Hành chính công của tỉnh và bộ phận một cửa các huyện: Thống Nhất, Nhơn Trạch; khảo sát qua ứng dụng Cổng hành chính công tỉnh Đồng Nai trên Zalo tự động gửi đến người dân, tổ chức lấy ý kiến sau khi người dân, tổ chức hoàn thành việc giải quyết TTHC hoặc qua dịch vụ công 1022

Phó giám đốc Sở Nội vụ Tạ Quang Trường cho hay, thực hiện đề án của Ban TVTU, từ năm 2018, tỉnh bắt đầu triển khai khảo sát thông qua hệ thống máy tính bảng và phân tích thời gian thực hiện. Qua đó, góp phần nâng cao thái độ, trách nhiệm của đội ngũ công chức, viên chức trong tiếp nhận, giải quyết TTHC.

“Kết quả khảo sát năm 2019 cho thấy, mức độ hài lòng của người dân khi giải quyết TTHC tại 3 cấp là 92% (tăng so năm 2016 là 83%); giảm tỷ lệ không hài lòng do nhũng nhiễu xuống 1%, giảm so với năm 2016 là 1,7%. Như vậy, kết quả khảo sát ý kiến người dân đến năm 2019 cơ bản đạt mục tiêu theo đề án của Ban TVTU” - ông Tạ Quang Trường cho biết.

Phó chủ tịch UBND tỉnh Trần Văn Vĩnh cho hay, để công tác CCHC thực sự trở thành bước đột phá trong quá trình phát triển, ngoài việc đồng bộ các giải pháp thì trách nhiệm của người đứng đầu các cơ quan, đơn vị, địa phương phải tiếp tục được phát huy. Nhiệm kỳ 2015-2020 cho thấy, ở đâu người đứng đầu quyết tâm, quyết liệt trong thực hiện nhiệm vụ CCHC, thì ở đó chuyển biến tích cực, tạo sự hài lòng cho người dân, doanh nghiệp.

Nguyệt Hà

Tin xem nhiều