Nâng cao bản lĩnh cho đội ngũ cán bộ Công đoàn, đặc biệt là cán bộ Công đoàn ở cơ sở được Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam xác định là một trong 3 khâu đột phá cần phải thực hiện trong thời gian tới.
Nâng cao bản lĩnh cho đội ngũ cán bộ Công đoàn, đặc biệt là cán bộ Công đoàn ở cơ sở được Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam xác định là một trong 3 khâu đột phá cần phải thực hiện trong thời gian tới.
Chủ tịch Công đoàn cơ sở Công ty TNHH Mabuchi Motor Việt Nam Phạm Thị Phương kiến nghị các cơ quan chức năng các vấn đề liên quan đến chế độ bảo hiểm đối với người lao động, cách tính lương hưu đối với lao động nữ tại hội nghị do Liên đoàn Lao động tỉnh phối hợp với Bảo hiểm xã hội tỉnh tổ chức. |
Đây là nhiệm vụ không dễ bởi đến nay toàn tỉnh mới có 131 cán bộ Công đoàn chuyên trách, trong đó chỉ có duy nhất 1 người là cán bộ Công đoàn cơ sở, còn lại thuộc Liên đoàn Lao động cấp tỉnh và Công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở.
* Phải “ăn được, nói được”
Trong chuyến thăm và đối thoại với công nhân Đồng Nai cuối năm 2017, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc rất quan tâm đến cán bộ Công đoàn trong các doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp vốn đầu tư nước ngoài. Bởi trên thực tế hầu hết cán bộ Công đoàn làm công tác kiêm nhiệm, đều hưởng lương từ chủ doanh nghiệp nên ngại va chạm, ít nhiều sợ bị trù dập, mất việc làm nên chưa mạnh dạn đấu tranh, chưa phát huy tối đa vai trò của Công đoàn trong bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng cho người lao động.
Tính đến cuối năm 2017, toàn tỉnh có hơn 27 ngàn cán bộ Công đoàn cơ sở (từ tổ phó Công đoàn trở lên)/hơn 2,8 ngàn Công đoàn cơ sở với trên 663 ngàn đoàn viên. Nhiệm kỳ 2018-2023, Liên đoàn Lao động tỉnh đặt ra mục tiêu Công đoàn hướng mạnh về cơ sở, bám sát tình hình, tâm tư, nguyện vọng của đoàn viên, người lao động để kịp thời đưa ra những đề xuất tháo gỡ, trong đó công tác cán bộ Công đoàn được đặc biệt chú trọng. Vì chỉ khi cán bộ Công đoàn ở cơ sở đủ mạnh mới nâng cao được chất lượng hoạt động Công đoàn. Tổ chức cán bộ Công đoàn ở cơ sở là cơ sở, gốc rễ để xây dựng toàn hệ thống Công đoàn vững mạnh toàn diện. |
Tuy nhiên, theo Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Đồng Nai đã xuất hiện những điển hình Công đoàn cơ sở làm tốt chức năng, nhiệm vụ của tổ chức Công đoàn mà ở nhiều nơi trong cả nước chưa làm được. Có được điều này, ngoài sự thông cảm, chia sẻ, đồng tình của chủ doanh nghiệp, phải kể đến bản lĩnh, trình độ, kỹ năng của cán bộ Công đoàn. Chính nhờ đi sâu, đi sát, tìm hiểu đời sống đoàn viên, người lao động mà cán bộ Công đoàn có nhiều đề xuất chính đáng và nhận được sự đồng thuận của chủ doanh nghiệp. “Do vậy, muốn làm tốt công tác Công đoàn, bản thân mỗi cán bộ Công đoàn phải thực sự tâm huyết, yêu công việc, mến đoàn viên, phải “ăn được, nói được” trong cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp” - Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh.
Chính vì vậy, trong đại hội Công đoàn của các Công đoàn cấp trên cơ sở được tổ chức thời gian qua, công tác nhân sự được đặc biệt chú trọng. Tại Đại hội Công đoàn khu công nghiệp Biên Hòa khóa V, nhiệm kỳ 2018-2023, nguyên Chủ tịch Công đoàn khu công nghiệp Biên Hòa Nguyễn Văn Thắng lưu ý 214 đại biểu sáng suốt lựa chọn những đại biểu ưu tú vào Ban Chấp hành Công đoàn khóa V. Đó phải là những người có trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, bản lĩnh chính trị vững vàng. Và quan trọng, phải thực sự vì người lao động, nói được tiếng nói của người lao động.
Đó cũng là điều mà tất cả công nhân lao động mong muốn. Chị Trần Thị Lĩnh (công nhân Công ty TNHH giày Việt Vinh, Khu công nghiệp Sông Mây, huyện Trảng Bom) bộc bạch: “Chúng tôi mong cán bộ Công đoàn quan tâm hơn đến công nhân, hiểu được tâm tư, nguyện vọng của người lao động để có những kiến nghị với chủ doanh nghiệp, giảm bớt bất bình, áp lực cho người lao động”.
Chia sẻ về bí quyết để xây dựng mối quan hệ lao động hài hòa tại các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp, hạn chế tình trạng đình công, ngừng việc tập thể trên địa bàn huyện trong thời gian qua, Chủ tịch Liên đoàn Lao động huyện Vĩnh Cửu Nguyễn Công Ký cho rằng đội ngũ cán bộ Công đoàn ở cơ sở phải đoàn kết, đồng lòng, có tâm, có tầm.
* Quyết tâm thực hiện
Chủ tịch Liên đoàn Lao động tỉnh Nguyễn Thị Như Ý cho biết đại đa số cán bộ Công đoàn trong tỉnh đều trưởng thành từ phong trào công nhân và hoạt động Công đoàn; có bản lĩnh chính trị vững vàng, phẩm chất đạo đức tốt, nhiệt tình, tâm huyết gắn bó với tổ chức Công đoàn. Tuy nhiên, để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ đặt ra trong thời kỳ mới, đội ngũ cán bộ Công đoàn phải không ngừng nỗ lực rèn luyện để có trình độ, kỹ năng tốt.
Chủ tịch Công đoàn cơ sở Công ty TNHH Pousung Việt Nam Lê Nhật Trường tặng sữa cho con công nhân lao động công ty. |
Do vậy, trong nhiệm kỳ 2013-2018 vừa qua, các cấp Công đoàn trong tỉnh đã tổ chức hơn 350 lớp tập huấn, bồi dưỡng nghiệp vụ Công đoàn cho hơn 27,9 ngàn lượt cán bộ từ tổ trưởng Công đoàn trở lên; tổ chức hàng trăm lớp bồi dưỡng nghiệp vụ với các chuyên đề liên quan đến nội dung và phương pháp hoạt động của tổ chức Công đoàn, công tác tài chính, ủy ban kiểm tra, chính sách pháp luật, nữ công, Điều lệ Công đoàn; 2 lớp đại học phần Công đoàn cho 236 cán bộ; cử 101 cán bộ Công đoàn tham gia các lớp trung cấp chính trị và 77 cán bộ tham gia các lớp cao cấp chính trị.
Liên đoàn Lao động tỉnh cũng phối hợp với các ban nghiệp vụ của Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam và Trường đại học Tôn Đức Thắng tổ chức 30 lớp tập huấn, bồi dưỡng cho hơn 1,7 ngàn lượt cán bộ Công đoàn khu vực kinh tế ngoài nhà nước về kiến thức pháp luật, những vấn đề liên quan đến quyền lợi của người lao động và kỹ năng xử lý tình huống trong quan hệ lao động; các vấn đề liên quan đến tiền lương, xây dựng thang bảng lương...
Nhằm mềm hóa hoạt động tập huấn, tuyên truyền, phổ biến các quy định mới của pháp luật, giúp đoàn viên, người lao động dễ tiếp thu, áp dụng, thực hiện các quy định mới, Liên đoàn Lao động tỉnh đã tổ chức các hội thi an toàn vệ sinh viên giỏi, bảo vệ môi trường hằng năm để tuyên truyền những quy định mới của pháp luật liên quan đến đời sống, việc làm, chế độ chính sách của đoàn viên, người lao động.
Công tác quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng, luân chuyển cán bộ và kiện toàn ban chấp hành Công đoàn các cấp được thực hiện nghiêm túc, chặt chẽ, đúng quy trình, từng bước khắc phục dần tình trạng thiếu hụt cán bộ, nhất là cán bộ chủ chốt của Công đoàn từ tỉnh đến cơ sở. Tính đến nay, phần lớn cán bộ Công đoàn các cấp đều đủ chuẩn theo quy định.
Việc sắp xếp, kiện toàn tổ chức bộ máy được thực hiện theo hướng tinh gọn, tăng cường hoạt động hướng về cơ sở. Liên đoàn Lao động tỉnh đã chủ động xây dựng đề án, báo cáo và xin ý kiến Tỉnh ủy và triển khai việc giải thể Công đoàn giáo dục cấp huyện và Công đoàn ngành nông nghiệp - phát triển nông thôn theo chỉ đạo của Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam.
Cũng theo Chủ tịch Liên đoàn Lao động tỉnh Nguyễn Thị Như Ý, một trong những hình thức đào tạo cán bộ Công đoàn mang tính đột phá nhiệm kỳ qua của Công đoàn tỉnh là việc quy hoạch luân chuyển, điều động cán bộ Công đoàn đi cơ sở. Mục đích tạo điều kiện để cán bộ rèn luyện, tu dưỡng, thử thách, nhất là đối với cán bộ trẻ cần tích lũy kinh nghiệm thực tiễn và rèn luyện bản lĩnh công tác. Việc luân chuyển giúp cán bộ Công đoàn trưởng thành toàn diện, vững vàng, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong thời gian tới, góp phần đổi mới công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ lãnh đạo, quản lý, đáp ứng yêu cầu công tác cán bộ trước mắt và lâu dài.
Hạnh Dung