Báo Đồng Nai điện tử
En

Bà Ngọc nhân ái

11:09, 08/09/2017

"Nhiều gia đình đã có cuộc sống ổn định, nhưng vẫn còn một số chị em có hoàn cảnh khó khăn. Do vậy, những hộ khá cần dìu bước người kém may mắn đi lên".

“Nhiều gia đình đã có cuộc sống ổn định, nhưng vẫn còn một số chị em có hoàn cảnh khó khăn. Do vậy, những hộ khá cần dìu bước người kém may mắn đi lên”.

Bà Huỳnh Thị Hương Ngọc, Chủ tịch Hội Liên hiệp phụ nữ xã Xuân Thọ, huyện Xuân Lộc (bìa phải) đến nhà bà Huỳnh Thị Mai để vận động tham gia sinh hoạt.
Bà Huỳnh Thị Hương Ngọc, Chủ tịch Hội Liên hiệp phụ nữ xã Xuân Thọ, huyện Xuân Lộc (bìa phải) đến nhà bà Huỳnh Thị Mai để vận động tham gia sinh hoạt.

Những lời nói thấu tình đạt lý của bà Huỳnh Thị Hương Ngọc, Chủ tịch Hội Liên hiệp phụ nữ xã Xuân Thọ (huyện Xuân Lộc), đã thôi thúc 31 phụ nữ có cuộc sống khá giả ở địa phương tham gia vào mô hình phụ nữ giúp nhau làm kinh tế.

* Làm gương trước

Huỳnh Thị Hương Ngọc chia sẻ: “Vì là xã nông nghiệp nên từ sáng đến chiều người dân địa phương đều đi ruộng rẫy để làm đến tối mới về nhà. Vậy nên muốn gặp hội viên thì chỉ có đi vào ban đêm. Nhiều khi trời tối, mưa gió nên khi đến nơi sinh hoạt thì quần áo tôi cũng ướt nhẹp. Nhưng cũng từ đó bà con trong xóm, ấp thấy được sự nhiệt tình của tôi và họ càng thương mến, tìm về với Hội. Được người dân tin tưởng, thương mến là phần thưởng lớn nhất đối với tôi”.

Để lời nói của mình không chỉ là lý thuyết suông, bà Ngọc đã đi trước, sử dụng 20 triệu đồng của gia đình để giúp một phụ nữ khó khăn chăn nuôi dê và bò.

Với kinh nghiệm hơn 28 năm làm công tác phụ nữ, bà Hương Ngọc chia sẻ: làm cán bộ Hội, đoàn thể là “làm dâu trăm họ”. Song tựu chung lại thì sau mỗi buổi tuyên truyền, quần chúng đều nhìn vào người đang vận động sẽ làm gì, làm ra sao để lấy đó làm gương, làm câu chuyện truyền miệng trong cộng đồng. Do vậy, việc gì mình tham gia vận động thì trước hết bản thân và gia đình phải làm gương trước tiên.

Cụ thể như khi vận động thành lập các mô hình tổ tiết kiệm, mặc dù bản thân không có nhu cầu vay vốn song bà Ngọc đều đóng quỹ cao gấp đôi những hội viên khác.  Số tiền quỹ đều do các thành viên trong từng tổ tự giữ, tự quản lý để tránh phát sinh những vấn đề không đáng có trong thu chi. Vậy nên, nếu như năm 2001 khi mô hình vừa triển khai mới chỉ có 6 tổ tiết kiệm ra đời với số tiền 6,5 triệu đồng, thì nay đã có đến 62 tổ tiết kiệm với gần 1,3 ngàn hội viên tham gia, số tiền gần 110 triệu đồng. Bản thân mỗi hội viên tham gia chỉ đóng góp 50 ngàn đồng/người/năm. Đến nay, bình quân mỗi người có số dư là 500 ngàn đồng, riêng bà Ngọc có số dư là 1 triệu đồng và chưa lần nào vay vốn từ tổ.

Mô hình tổ tiết kiệm cùng với mô hình phụ nữ giúp nhau làm kinh tế do bà Ngọc thực hiện đã phát huy hiệu quả rất lớn trong việc giải quyết khó khăn cho chị em. Như trường hợp của bà Đỗ Thị Bông, trước đây thuộc hộ nghèo của xã và có chồng bị bệnh thận. Mỗi khi đi khám bệnh cho chồng hay đóng tiền học cho con, số tiền 2 triệu đồng vay từ mô hình tổ tiết kiệm đã giúp cho người phụ nữ này vượt qua những lúc túng quẫn. Cũng trong thời gian này, bà Bông được bà Ngọc và bà Lương Thị Hà cho vay không lãi 30 triệu đồng để nuôi dê, bò. Sau nhiều năm làm kinh tế, đến nay bà Bông đã thoát nghèo và trả được vốn vay cho những người giúp vốn trước kia.

* Tấm lòng nhân ái

Bên cạnh những mô hình tạo “tiền tươi, thóc thật” để người khó làm kinh tế, bà Ngọc còn cùng các tổ phụ nữ ở xã đứng ra bảo lãnh cho nhiều hộ gia đình hội viên mua sắm các thiết bị gia dụng cần thiết, như: tivi,  bếp ga, bàn ghế… Cũng nhờ thể hiện được vai trò của Hội trong việc hỗ trợ người dân những vấn đề sát với nhu cầu của cuộc sống mà việc thu hút hội viên phụ nữ tham gia sinh hoạt ở xã Xuân Thọ có nhiều thuận lợi.

Không chỉ làm tốt vai trò kết nối, tập hợp và hỗ trợ hội viên xây dựng cuộc sống, tham gia sinh hoạt vào tổ chức Hội, bà Ngọc còn là người có tấm lòng nhân ái với những mảnh đời kém may mắn trong xóm ấp. Trong đó qua sự vận động của mình, bà Ngọc đã đều đặn tìm nguồn kinh phí mỗi năm xây tặng 1 căn nhà tình thương cho hộ nghèo, gia đình khó khăn ở địa phương.

Bà Huỳnh Thị Mai (ngụ ấp Thọ An) cho biết: “Thông qua sự vận động của bà Ngọc mà gia đình mới có căn nhà kiên cố để ở, chứ trước kia cả nhà phải sống lay lắt trong căn nhà vách và mái đều bằng những tấm tôn rách rất cực. Không chỉ vậy, mỗi dịp lễ, tết bà Ngọc còn đến thăm hỏi gia đình rất tình cảm”.

Còn bà Ngọc thì chia sẻ thêm: “Việc vận động số tiền lớn đến vài chục triệu đồng từ một cá nhân, tập thể là không phải đơn giản. Nhưng mọi việc tôi làm đều minh bạch, làm vì người cần nên khi mình đến ngỏ lời nhờ giúp, nhà hảo tâm luôn sẵn sàng hỗ trợ. Mỗi lần trao một căn nhà tình thương mới, gia đình họ vui một thì tôi vui mười vì bà con mình được sống trong căn nhà kiên cố”.

Không chỉ vận động xây nhà, trao quà cho người khó khăn ở địa phương, bà Ngọc còn có hành động ý nghĩa hơn khi dùng chính số tiền công mình nhận được thông qua bán thẻ bảo hiểm y tế để mua tặng thẻ bảo hiểm y tế cho những gia đình có hoàn cảnh khó khăn. Hiện toàn xã có 15 trường hợp được bà Ngọc hỗ trợ mua thẻ bảo hiểm y tế.

Từ những việc làm đầy tính nhân văn của mình mà bà Hương Ngọc được người dân quý mến, tin yêu.

Văn Truyên

Tin xem nhiều