Báo Đồng Nai điện tử
En

Nâng chất hoạt động HĐND cấp huyện, xã

11:08, 27/08/2017

Thường trực HĐND tỉnh vừa giám sát về kết quả tổ chức hoạt động của HĐND cấp huyện, cấp xã ở một số địa phương trong tỉnh. Qua giám sát cho thấy hoạt động của HĐND các cấp, nhất là cấp huyện, cấp xã vẫn còn một số vướng mắc cần tháo gỡ.

Thường trực HĐND tỉnh vừa giám sát về kết quả tổ chức hoạt động của HĐND cấp huyện, cấp xã ở một số địa phương trong tỉnh. Qua giám sát cho thấy hoạt động của HĐND các cấp, nhất là cấp huyện, cấp xã vẫn còn một số vướng mắc cần tháo gỡ.

Đoàn giám sát của Thường trực HĐND tỉnh kiểm tra việc ban hành các văn bản quy phạm pháp luật của HĐND huyện Thống Nhất. Ảnh: Đặng Ngọc
Đoàn giám sát của Thường trực HĐND tỉnh kiểm tra việc ban hành các văn bản quy phạm pháp luật của HĐND huyện Thống Nhất. Ảnh: Đặng Ngọc

Theo kết quả giám sát, cơ bản HĐND các địa phương đều hoàn thành nhiệm vụ,  phát huy khá tốt vai trò là cơ quan đại diện cho ý chí và nguyện vọng của nhân dân. Tuy nhiên, do hầu hết các đại biểu HĐND cấp huyện, cấp xã đều kiêm nhiệm nên thời gian dành cho hoạt động HĐND còn hạn chế; hoạt động giám sát chưa nhiều, chưa thực hiện việc giám sát chuyên đề; tình hình chất vấn và trả lời chất vấn tại kỳ họp còn hạn chế…

* Còn khó khăn

Tránh trùng lắp, chồng chéo trong giám sát

Trưởng ban Pháp chế HĐND tỉnh Trần Văn Quang cho biết hiện nay các địa phương than giám sát quá nhiều: giám sát của thường trực HĐND, các ban HĐND, MTTQ và các đoàn thể. Lãnh đạo UBND cấp xã phản ánh việc phải tiếp nhiều đoàn giám sát khiến cơ quan hành chính phía dưới, nhất là cấp xã, phường không đủ thời gian làm báo cáo cho các đoàn giám sát. Do đó cần phải có quy chế phối hợp trong công tác giám sát, nếu không có quy chế phối hợp là giẫm chân lên nhau.

Bà Vũ Thị Yến, Phó chủ tịch thường trực HĐND huyện Thống Nhất, cho biết hạn chế trong hoạt động HĐND huyện là tổ chức hoạt động giám sát chưa nhiều. Đại diện các đoàn chưa mạnh dạn khi đưa ra ý kiến, kiến nghị đối với các đơn vị được giám sát, còn e ngại, tránh né.

Thành phần đoàn giám sát tham dự đôi lúc không đầy đủ, không đúng thành phần do một số thành viên kiêm nhiệm nhiều làm ảnh hưởng chất lượng cuộc giám sát.

Hiện nay, công tác giám sát của HĐND cấp huyện mới thực hiện giám sát tại kỳ họp qua 2 hình thức: qua báo cáo và qua chất vấn, trả lời chất vấn, chưa thực hiện giám sát chuyên đề.

Tương tự, hoạt động chất vấn và trả lời chất vấn của HĐND các địa phương tuy có đi vào những vấn đề bức xúc của cử tri trên các lĩnh vực kinh tế - xã hội, an ninh - trật tự nhưng bình quân mỗi kỳ họp chỉ có vài ý kiến.

Các ý kiến này đều được trả lời ngay tại kỳ họp nhưng vẫn còn có ý kiến trả lời chung chung, chưa đi vào trọng tâm. Bên cạnh đó, công tác soạn thảo, ban hành nghị quyết HĐND cấp huyện, cấp xã cũng còn hạn chế mà phần lớn do cơ quan soạn thảo chưa thực hiện lấy ý kiến đối với những đối tượng có tác động theo quy định.

Riêng về HĐND cấp xã, theo quy định của Luật Tổ chức chính quyền địa phương 2015, HĐND cấp xã, phường thành lập 2 ban là ban kinh tế - xã hội và ban pháp chế. Các trưởng ban, phó ban và thành viên ban đều hoạt động kiêm nhiệm, trong quá trình giám sát, công tác kiểm tra chưa dành nhiều thời gian để nghiên cứu sâu vào lĩnh vực giám sát, thẩm tra. Do đó chất lượng của các báo cáo kết luận giám sát, các báo cáo thẩm tra có phần hạn chế.

* Tránh hình thức

Tại các buổi giám sát của Thường trực HĐND tỉnh, nhiều ý kiến cho rằng để hoạt động HĐND cấp huyện, cấp xã đi vào thực chất thì cần có nghiên cứu, đổi mới hình thức hoạt động theo hướng sát với thực tế, gắn liền với tâm tư, nguyện vọng, kiến nghị của cử tri; nâng chất lượng đại biểu HĐND; tăng cường giám sát, chất vấn các vấn đề nóng xảy ra trên địa bàn…

Phó chủ tịch HĐND tỉnh Phạm Ngọc Tuấn cho rằng trong hoạt động của HĐND cấp huyện, cấp xã không cần phải đề ra các nội dung hoạt động quá lớn mà cần tập trung giải quyết được những vấn đề cụ thể liên quan trực tiếp đến quyền lợi của người dân được gửi gắm qua các đợt tiếp xúc cử tri trước, trong và sau kỳ họp HĐND. Có như vậy mới tăng niềm tin của cử tri và các đại biểu dân cử. Nếu đề ra nội dung hoạt động quá lớn, bao quát, khi không làm được sẽ dẫn tới hoạt động sơ sài, hình thức. 

Về giải pháp nâng cao chất lượng hoạt động chất vấn và trả lời chất vấn tại các kỳ họp HĐND, Trưởng ban Văn hóa - xã hội HĐND tỉnh Nguyễn Thị Thu Hiền chia sẻ kinh nghiệm từ HĐND cấp tỉnh trong chuẩn bị cho phiên chất vấn và trả lời chất vấn là phân công trách nhiệm, nội dung chất vấn cho các ban, các tổ đại biểu HĐND.

Dựa trên kết quả giám sát, khảo sát, tiếp xúc cử tri nổi cộm lên vấn đề gì cử tri bức xúc để có nội dung chất vấn đi vào trọng tâm, trọng điểm, đảm bảo chất lượng của phiên họp chất vấn và trả lời chất vấn.

Bên cạnh đó, các địa phương, nhất là HĐND cấp xã kiến nghị cần tiếp tục tăng cường công tác bồi dưỡng, tập huấn định kỳ cho đại biểu HĐND về kiến thức pháp luật, kỹ năng xây dựng văn bản quy phạm pháp luật nhằm nâng cao năng lực của đại biểu HĐND giúp cho từng đại biểu thực hiện tốt chức năng giám sát.

Đồng thời HĐND cấp xã cũng kiến nghị cấp có thẩm quyền xem xét có chế độ phụ cấp kiêm nhiệm đối với các chức danh trưởng ban, phó ban và thành viên ban HĐND cấp xã để động viên anh em hoạt động ngày càng hiệu quả hơn. Theo quy định hiện nay chưa có chế độ phụ cấp kiêm nhiệm cho trưởng, phó và thành viên của các ban HĐND cấp xã.

Đặng Ngọc

Tin xem nhiều