Báo Đồng Nai điện tử
En

Bước tiến lớn của ngành tư pháp

11:08, 27/08/2017

Ngành tư pháp tỉnh Đồng Nai được thành lập ngày 3-3-1982 trên cơ sở chuyển Ban Pháp chế (thành lập năm 1977) thành Sở Tư pháp.

Ngành tư pháp tỉnh Đồng Nai được thành lập ngày 3-3-1982 trên cơ sở chuyển Ban Pháp chế (thành lập năm 1977) thành Sở Tư pháp.

Cán bộ Phòng Tư pháp TP.Biên Hòa (2 người bên phải) làm thủ tục kết hôn cho một trường hợp có liên quan đến yếu tố nước ngoài.
Cán bộ Phòng Tư pháp TP.Biên Hòa (2 người bên phải) làm thủ tục kết hôn cho một trường hợp có liên quan đến yếu tố nước ngoài.

Từ đó đến nay, Sở Tư pháp được giao nhiều nhiệm vụ quan trọng, như: quản lý nhà nước về mặt tổ chức các tòa án nhân dân ở địa phương; quản lý một số mặt của công tác thi hành án dân sự; theo dõi thi hành pháp luật; công tác xây dựng, kiểm tra, rà soát văn bản quy phạm pháp luật; quản lý về hộ tịch, quốc tịch, chứng thực; quản lý luật sư, công chứng, đấu giá, thừa phát lại, kiểm soát thủ tục hành chính…

* Trưởng thành theo thời gian

Giám đốc Sở Tư pháp Viên Hồng Tiến cho hay, 35 năm qua toàn thể công chức, viên chức ngành tư pháp tỉnh quyết tâm không ngừng trau dồi bản lĩnh chính trị, phẩm chất đạo đức nghề nghiệp của người cán bộ tư pháp như Bác Hồ đã dạy “Phụng công, thủ pháp, chí công vô tư”, “Phải gần dân, hiểu dân, giúp dân, học dân”; tiếp tục nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, năng lực thực tiễn; kế tục sự nghiệp vẻ vang của các thế hệ đi trước, hoàn thành xuất sắc công tác tư pháp của đất nước, xứng đáng với sự tin cậy của Đảng, Nhà nước và niềm tin yêu của nhân dân.

Khi mới thành lập, Sở Tư pháp chỉ có 7 cán bộ. Đến nay, đội ngũ công chức, viên chức và người lao động trong các đơn vị thuộc Sở Tư pháp là 99 người.

Trong đó, ngoài khối văn phòng và các phòng chuyên môn trực thuộc sở, còn có các đơn vị trực thuộc Phòng Công chứng, Trung tâm dịch vụ đấu giá tài sản và Trung tâm trợ giúp pháp lý Nhà nước.

100% công chức, viên chức trong ngành đều có trình độ cử nhân (có 1 tiến sĩ luật, 4 thạc sĩ luật và 4 thạc sĩ kinh tế, hành chính). Công chức tư pháp ở các huyện cũng có 4 người đạt trình độ thạc sĩ, còn lại đều có bằng cử nhân.

Giám đốc Sở Tư pháp Viên Hồng Tiến nhấn mạnh, qua 35 năm xây dựng và trưởng thành, ngành tư pháp Đồng Nai đã đạt được nhiều kết quả nổi bật, như: sự hoàn thiện về tổ chức, bộ máy; tích cực tham mưu, xây dựng các nghị quyết của HĐND tỉnh, quyết định của UBND tỉnh về quản lý, điều hành các hoạt động kinh tế - xã hội; thẩm định tính pháp lý hàng ngàn văn bản quy phạm pháp luật; kiểm tra loại bỏ hàng trăm văn bản không còn phù hợp; tham gia góp ý xây dựng hệ thống luật, pháp lệnh, đặc biệt là việc tổ chức triển khai thi hành Hiến pháp năm 1992, tuyên truyền, triển khai thi hành Hiến pháp năm 2013 và các luật quan trọng có tác động lớn tới đời sống nhân dân…

Phó giám đốc Sở Tư pháp Ngô Văn Toàn cho biết thêm, với vai trò quản lý nhà nước song song với thực hiện nhiệm vụ chuyên môn, toàn ngành tư pháp chú trọng, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong xử lý hồ sơ, xây dựng mô hình một cửa liên thông hiện đại và thực hiện việc đăng ký, quản lý hộ tịch, lý lịch tư pháp.

Trong đó, sở rất chú trọng công tác tổ chức theo dõi thi hành pháp luật trong tất cả các lĩnh vực quản lý nhà nước; từ đó kiến nghị những bất cập, hạn chế trong triển khai thực hiện để ngày càng hoàn thiện hơn..., góp phần giữ vững an ninh trật tự, an toàn xã hội, bảo vệ lợi ích hợp pháp của nhân dân; nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước trong các lĩnh vực kinh tế, xã hội…

* Vai trò “gác cổng” và quản lý

Ông Viên Hồng Tiến chia sẻ dưới sự lãnh đạo của Tỉnh ủy và UBND tỉnh, Sở Tư pháp đã triển khai thực hiện các mặt công tác trong nhiều lĩnh vực. Sở tham gia dự thảo xây dựng, thẩm định các văn bản quy phạm pháp luật làm cơ sở pháp lý để tổ chức triển khai thực hiện các nhiệm vụ quản lý nhà nước ở địa phương; đồng thời thực hiện công tác phổ biến, giáo dục pháp luật nhằm đưa các quy định pháp luật đi vào cuộc sống; trực tiếp thực hiện các hoạt động quản lý về hành chính tư pháp (hộ tịch, quốc tịch, chứng thực...); bổ trợ tư pháp (công chứng, đấu giá, thừa phát lại…); theo dõi thi hành pháp luật trên tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội và hoạt động quản lý của các cơ quan nhà nước.

Cũng theo ông Tiến, nhìn lại chặng đường đã qua tuy còn nhiều khó khăn, nhưng trong xu thế phát triển chung của đất nước, ngành tư pháp Đồng Nai đã có nhiều bước tiến lớn, ngày càng trưởng thành. Các mặt hoạt động tư pháp đã từng bước được đổi mới với phương pháp, bước đi thích hợp và được đẩy mạnh cả về bề rộng lẫn chiều sâu, đặc biệt trên các lĩnh vực công tác trọng tâm, bảo đảm thực hiện có kết quả nhiệm vụ chính trị của ngành. Trong đó, thể hiện quyết tâm cao nhất trong vai trò người gác cổng, thẩm định các chính sách, quyết sách của tỉnh.

Phó giám đốc Sở Tư pháp Võ Thị Xuân Đào chia sẻ trên cơ sở nhận thức sâu sắc yêu cầu nhiệm vụ trong giai đoạn tới, ngành tư pháp tỉnh tiếp tục phát huy những kết quả đạt được, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước trong các lĩnh vực quốc tịch, hộ tịch, lý lịch tư pháp; đẩy mạnh cải cách hành chính; thực hiện xã hội hóa việc cung cấp các dịch vụ công trong lĩnh vực bổ trợ tư pháp, trợ giúp pháp lý… Đưa các lĩnh vực công tác tư pháp thực sự đến gần với người dân, phục vụ tốt hơn nhu cầu của người dân, doanh nghiệp. Đó cũng là định hướng và mục tiêu của ngành tư pháp nói chung, ngành tư pháp tỉnh nói riêng trong những năm tiếp theo.

Đoàn Phú

 

 

 

Tin xem nhiều