Báo Đồng Nai điện tử
En

Nhà lãnh đạo kiệt xuất của cách mạng Việt Nam

09:02, 08/02/2017

Đồng chí Trường Chinh, tên thật là Đặng Xuân Khu, sinh ra trong một gia đình có truyền thống Nho học nổi tiếng ở làng Hành Thiện, thuộc tổng Xuân Trường, tỉnh Nam Định - nay thuộc xã Xuân Hồng, huyện Xuân Trường, tỉnh Nam Định.

Đồng chí Trường Chinh, tên thật là Đặng Xuân Khu, sinh ra trong một gia đình có truyền thống Nho học nổi tiếng ở làng Hành Thiện, thuộc tổng Xuân Trường, tỉnh Nam Định - nay thuộc xã Xuân Hồng, huyện Xuân Trường, tỉnh Nam Định.

Tổng Bí thư Trường Chinh (hàng đầu, trái) và Đại tướng Võ Nguyên Giáp gặp gỡ các đại biểu về dự Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ VI.
Tổng Bí thư Trường Chinh (hàng đầu, trái) và Đại tướng Võ Nguyên Giáp gặp gỡ các đại biểu về dự Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ VI.

Trong suốt cuộc đời hoạt động cách mạng của mình, đồng chí Trường Chinh đã có nhiều công lao đối với cách mạng, có nhiều quyết sách đúng đắn, sáng tạo, nhất là trong những bước ngoặt của đất nước. Đồng chí Trường Chinh được bạn bè, đồng chí và nhân dân đánh giá là một trong những nhà lãnh đạo kiệt xuất, là người học trò xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Có công lớn với cách mạng

Không chỉ là một nhà lãnh đạo kiệt xuất, đồng chí Trường Chinh còn là nhà lý luận, nhà văn hóa lớn, nhà báo, nhà văn, nhà thơ với nhiều tác phẩm nổi bật có đóng góp quan trọng trong kho tàng lý luận, văn hóa của dân tộc và của Đảng.

Cũng như nhiều thanh niên yêu nước và giác ngộ khi ấy, Trường Chinh tham gia cách mạng từ rất sớm trong cuộc vận động đòi ân xá cho nhà cách mạng Phan Bội Châu và bãi khóa truy điệu chí sĩ Phan Chu Trinh. Năm 1927, đồng chí tham gia Hội Việt Nam cách mạng thanh niên, và năm 1929 tham gia cuộc vận động thành lập Đảng Cộng sản Đông Dương ở Bắc Kỳ. Trải qua nhiều cương vị công tác khác nhau, năm 1941 ở tuổi 34, đồng chí đã được bầu là Tổng Bí thư của Đảng trong giai đoạn cách mạng đầy sục sôi chuẩn bị cho tổng khởi nghĩa tháng Tám.

Trên cương vị là Tổng Bí thư của Đảng, đồng chí đã cùng tập thể lãnh đạo đề ra nhiều quyết sách đúng đắn, sáng tạo và tổ chức thực hiện các phong trào cách mạng. Ngày 9-3-1945, sau khi Nhật đảo chính Pháp ở Đông Dương, đồng chí đã chủ trì hội nghị Trung ương mở rộng và ra chỉ thị nổi tiếng “Nhật - Pháp bắn nhau và hành động của chúng ta” với chủ trương tổng khởi nghĩa giành chính quyền. Trong cuộc khởi nghĩa giành chính quyền tháng Tám năm 1945, đồng chí được hội nghị toàn quốc của Đảng cử phụ trách Ủy ban Khởi nghĩa toàn quốc. Đồng chí là người trực tiếp chỉ đạo tổ chức thực hiện, đưa Cách mạng tháng Tám đến thành công.

Trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược, dưới sự lãnh đạo của Chủ tịch Hồ Chí Minh, đồng chí Trường Chinh trở thành nhà hoạch định chiến lược với tác phẩm Kháng chiến nhất định thắng lợi. Tác phẩm này trình bày một cách sáng tỏ các chặng đường của cuộc kháng chiến, củng cố niềm tin và nâng cao ý chí của mọi người. Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, với cương vị là Chủ tịch Ủy ban Thường vụ Quốc hội, rồi sau đó là Chủ tịch Hội đồng Nhà nước, đồng chí đã cùng tập thể lãnh đạo của Đảng đề ra những quyết sách chiến lược, đưa cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước tới thắng lợi hoàn toàn.

Đặt nền móng cho công cuộc đổi mới

Thế nhưng, nhắc tới Trường Chinh là nhắc tới một cống hiến đặc biệt quan trọng: người đặt nền móng cho công cuộc đổi mới đất nước. Trong lịch sử Việt Nam, giai đoạn trước năm 1986 là thời điểm đầy khó khăn thử thách. Khi ấy, nền kinh tế đất nước lâm vào khủng hoảng trầm trọng, khu vực kinh tế quốc doanh làm ăn kém hiệu quả; kinh tế tập thể èo uột,  cộng với những sai lầm trong lưu thông hàng hóa “ngăn sông, cấm chợ” đã dẫn tới lạm phát tăng phi mã, đời sống nhân dân gặp vô vàn khó khăn, đất nước rơi vào khủng hoảng trầm trọng về kinh tế - xã hội.

Trước đòi hỏi bức thiết của cuộc sống và nguyện vọng tha thiết của người dân, với cương vị là người đứng đầu Đảng khi ấy, đồng chí Trường Chinh đã đề ra chủ trương đổi mới và xem đây là xu thế của thời đại, là yêu cầu bức thiết, là vấn đề có tính sống còn của Đảng, của đất nước. Trong bài nói tại hội nghị cán bộ nghiên cứu dự thảo báo cáo chính trị sẽ trình Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VI của Đảng (năm 1986), đồng chí Trường Chinh đã thẳng thắn: “Trong những năm qua, do chúng ta mắc sai lầm, chủ quan nóng vội, không tôn trọng, thậm chí làm trái quy luật khách quan, đồng thời lại bảo thủ, trì trệ, nên đã duy trì quá lâu cơ chế quản lý tập trung quan liêu bao cấp (...). Những khuyết điểm, sai lầm chủ quan của chúng ta khiến cho tình hình vốn đã rất khó khăn lại càng khó khăn, phức tạp thêm”.

Bằng một lập trường vững chắc, suốt từ Hội nghị Trung ương 6 (khóa V) đến trước Đại hội VI của Đảng, đồng chí Trường Chinh trước sau như một kiên quyết bài bỏ mô hình kinh tế hiện vật và cơ chế quản lý tập trung quan liêu, bao cấp. Đại hội VI của Đảng với quan điểm nhìn thẳng vào sự thật, đánh giá đúng sự thật, nói rõ sự thật đã trở thành đại hội đổi mới, đánh dấu bước ngoặt trong lịch sử cách mạng Việt Nam và trong tư duy của Đảng ta.

Sự nghiệp đổi mới đất nước dưới sự lãnh đạo của Đảng do đồng chí Trường Chinh đặt nền móng đã đi qua hơn 30 năm với những thành tựu không thể phủ nhận. Trong bối cảnh hiện nay, toàn Đảng đang triển khai sâu rộng Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII) về xây dựng, chỉnh đốn Đảng cũng rất sát với những suy nghĩ của đồng chí Trường Chinh về vấn đề này.  Dịp kỷ niệm 110 năm Ngày sinh đồng chí Trường Chinh củng cố thêm niềm tin vững chắc cho chúng ta rằng khó khăn nào cũng có thể vượt qua nếu tất cả việc làm đều vì dân, vì nước, dám làm, dám đương đầu với khó khăn thách thức và dám chịu trách nhiệm trước nhân dân, trước lịch sử.

Hồng Phúc

Tin xem nhiều