Báo Đồng Nai điện tử
En

Trận cầu lịch sử đầu tiên giữa 2 miền Nam - Bắc

09:02, 16/02/2015

Sau gần 40 năm tôi vẫn nhớ như in cái không khí thật đặc biệt trước, trong và sau trận cầu lịch sử này. Nhiều năm sau, có dịp gặp và trò chuyện với những chứng nhân trực tiếp tham gia lại có thêm cái nhìn dưới những góc độ khác, không có trên sân cỏ.

Sau gần 40 năm tôi vẫn nhớ như in cái không khí thật đặc biệt trước, trong và sau trận cầu lịch sử này. Nhiều năm sau, có dịp gặp và trò chuyện với những chứng nhân trực tiếp tham gia lại có thêm cái nhìn dưới những góc độ khác, không có trên sân cỏ. Nhân kỷ niệm tròn 40 năm thống nhất đất nước, xin được dựng lại bức tranh toàn cảnh về một sự kiện lịch sử không chỉ của bóng đá mà còn cả đất nước.

Cái bắt tay lịch sử

Sau ngày giải phóng, Bộ Chính trị chỉ đạo cần sớm tổ chức một trận giao hữu bóng đá giữa 2 miền Nam - Bắc để đánh dấu ý nghĩa đất nước thống nhất. Nhưng với tình hình vô cùng nhạy cảm, thời điểm ấy nhiều tổ chức phản động nhen nhóm ở miền Nam, việc tổ chức một sự kiện đặc biệt như vậy đã phải chuẩn bị hết sức công phu về nhiều mặt. Ngay từ đầu năm 1976, một đoàn cán bộ trên nhiều lãnh vực, gồm cả an ninh, được cử vào Nam khảo sát. Một thành viên trong đoàn ngày ấy, chuyên gia Nguyễn Văn Vinh - cán bộ Đoàn TDTT Quân đội, kể: chúng tôi đã tìm hiểu, nghiên cứu không chỉ trình độ, lối chơi của các đội bóng miền Nam mà cả thói quen xem bóng đá, sự yêu thích, tâm lý của khán giả “trong này”.

Những cầu thủ năm xưa: Tam Lang (bên trái), Mai Đức Chung (bên phải)
Những cầu thủ năm xưa: Tam Lang (bên trái), Mai Đức Chung (bên phải)

Việc cử đội bóng nào vinh dự trở thành sứ giả đầu tiên của miền Bắc “Nam du” cũng không hề đơn giản. Lựa chọn ban đầu đương nhiên là Thể Công, nhà vô địch miền Bắc, nhưng có lẽ vì lý do “nhạy cảm” - đây là đội bóng của Quân đội miền Bắc XHCN, trong khi các cầu thủ miền Nam trước 30-4-1975 lại hầu hết đều là “lính kiểng” của chế độ Sài Gòn (*), nên sau khi cân nhắc, Tổng cục Đường sắt (TCĐS) đã được chọn. Đây là đại diện hoàn toàn xứng đáng bởi TCĐS thời điểm ấy rất mạnh, chỉ đứng sau Thể Công, từng nhiều lần là á quân và vừa đoạt chức vô địch Công đoàn miền Bắc. Hơn nữa, việc cử một đội bóng đại diện cho công nhân ngành đường sắt càng có ý nghĩa và hợp lý khi lúc đó tuyến đường sắt Bắc-Nam đang được gấp rút xây dựng (ngày 31-12-1976 chuyến tàu Thống Nhất đầu tiên đã chính thức khởi hành).

Hồi ấy, TCĐS đang có chuyến tập huấn và du đấu tại 8 tỉnh Trung Quốc thì nhận được lệnh cấp tốc về nước chuẩn bị “làm nhiệm vụ quan trọng”. Trung phong Mai Đức Chung nhớ lại: “Khi biết tin được vào Nam mọi người xôn xao khó tả, ai cũng đếm từng ngày. Trước khi lên đường, chúng tôi rất háo hức vì có ai biết Sài Gòn như thế nào và càng không biết bóng đá miền Nam ra sao mà chỉ nghe danh “trụ đồng” Tam Lang, “mũi tên vàng” Tư Lê...”. Trên chuyến bay quân sự mang số hiệu IL12, tâm trạng các thành viên đội bóng đầu tiên của miền Bắc vào Nam cũng ngổn ngang khó tả, vừa háo hức vừa hoang mang. Vẫn lời ông Chung: “Nỗi sợ lần đầu tiên đi máy bay không bằng những lời dặn dò của lãnh đạo trước khi lên đường: Tình hình miền Nam sau ngày giải phóng vẫn còn nhiều bất ổn, không được ai ra ngoài một mình, rất nguy hiểm”. Và Sài Gòn “Hòn ngọc Viễn Đông” - TP.Hồ Chí Minh rực rỡ tên vàng hiện ra với tất cả sự ngạc nhiên. Tại nhà ga sân bay Tân Sơn Nhất, đại diện Cảng Sài Gòn (SG) - thủ quân Phạm Huỳnh Tam Lang và Hải Quan - thủ quân Phạm Văn Lắm tiến đến tặng hoa, siết chặt tay thủ quân TCĐS Phạm Kỳ Thụy, đó là cái bắt tay lịch sử kết nối bóng đá 2 miền Nam - Bắc sau 22 năm chia cách.

Không ngờ bóng đá miền Bắc hay vậy

Không khí TP.Hồ Chí Minh trước trận đấu đầu tiên giữa 2 miền sau ngày thống nhất thật đặc biệt. Người Sài Gòn bàn tán xôn xao ở mọi hang cùng ngõ hẻm, quán cà phê vỉa hè với tất cả sự tò mò vì hầu như không có bất kỳ thông tin nào về bóng đá miền Bắc XHCN.

Ngày diễn ra trận đấu, dù buổi chiều bóng mới lăn nhưng từ giữa trưa dòng thác người đã đội nắng ùn ùn đổ về vận động trường vừa được đổi tên thành “Thống Nhất”. Sức chứa tối đa của sân Thống Nhất chỉ là 25 ngàn khán giả và dù được kiểm soát an ninh tối đa nhưng vẫn có đến gần 40 ngàn người tràn vào. Người ta tràn xuống cả đường piste, trèo lên thành tường, ngọn cây để xem. Khán đài A một ghế có đến 3-4 người cùng ngồi. Còn bên khán đài B, tôi và ông nội gần như bị đè bẹp bởi làn sóng người cứ liên tục hết ngửa lên lại rạp xuống như cánh đồng lúa chao đảo trước bão, bị lèn chặt đến mức có muốn bỏ cuộc quay ra cũng không sao nhúc nhích.

Tiếng vỗ tay như sấm rền khi cầu thủ Cảng SG và TCĐS sánh bước ra sân giữa 2 hàng... bộ đội. Lúc 2 đội khởi động bỗng có tiếng súng nổ, có lẽ do sự cảnh giác cao độ nên các cầu thủ TCĐS nhất loạt nằm rạp cả xuống sân... Sau này mới biết do khán giả bên ngoài định phá cửa tràn vào nên bộ đội phải bắn chỉ thiên để vãn hồi trật tự.

Dưới sự dẫn dắt của HLV Nguyễn Thành Sự - HLV đội tuyển miền Nam vô địch Giải quốc tế 1974, Cảng SG ra quân với những “thần tượng”, niềm tự hào của bóng đá miền Nam: thủ môn Lưu Kim Hoàng, trung vệ Tam Lang, hậu vệ Nguyễn Tấn Trung (Trung “sói”), bộ đôi tiền vệ Dương Văn Thà, Nguyễn Văn Mười, các tiền đạo: Lê Văn Tư (Tư Lê), Nguyễn Văn Ngôn, Trần Văn Xinh (Xinh “đen” sau này là HLV của đội Xuân Lộc và Công ty cao su Đồng Nai)... Còn TCĐS có thủ môn Nguyễn Trường Sinh, trung vệ Lê Khắc Chính, hậu vệ Nguyễn Minh Phương, các tiền vệ: Lê Thụy Hải, Hoàng Gia, Phạm Kỳ Thụy, tiền đạo Mai Đức Chung, Nguyễn Minh Điểm... và HLV là Trần Duy Long (tất cả sau này đều trở thành những tên tuổi của bóng đá Việt Nam).

Trận cầu đáng nhớ
Trận cầu đáng nhớ

Trong không khí cuồng nhiệt và có phần căng thẳng, nhưng đại diện miền Bắc đã chơi một trận cực hay, lấn lướt hoàn toàn Cảng SG. Trung phong Mai Đức Chung chính là người mở tỷ số vào lưới thủ môn Lưu Kim Hoàng và tiền vệ Lê Thụy Hải ấn định chiến thắng 2-0 cho TCĐS. Đến giờ vị HLV giàu thành tích nhất V.League, hiện là giám đốc kỹ thuật của B.BD vẫn cho rằng bàn thắng ấy là kỷ niệm đẹp nhất trong sự nghiệp cầu thủ của mình: “Hồi ấy chúng tôi nghe tên các anh của Cảng SG ai cũng nể lắm, thần tượng cái tên Tam Lang lắm và được thi đấu với anh là vinh dự rồi. Bàn thắng của tôi ghi được khi anh Tam Lang chần chừ không áp sát vì nghĩ tôi sẽ chuyền hoặc đi bóng, nào ngờ tôi co chân sút thẳng” - ông Lê Thụy Hải kể. Trước sự bế tắc, không có lối ra của Cảng SG, khán giả cáu đến mức khi trung vệ Lê Đình Thăng ra đường piste khởi động chuẩn bị thay người đã bị la ó, đuổi ra chỗ khác vì khuất tầm nhìn. Sau trận đấu dù không tránh khỏi buồn, thất vọng và cả “tự ái” về thất bại và sự thua kém quả rõ rệt của đội nhà, nhưng người hâm mộ và giới túc cầu Sài Gòn phải thừa nhận đó là một chiến thắng “tâm phục khẩu phục” của người anh em miền Bắc. Đặc biệt, TCĐS đã “khai sáng”, mang đến một cuộc cách tân về chiến thuật hoàn toàn mới mẻ. Năm 1976, đội tuyển cũng như các đội bóng miền Nam vẫn chơi với trường phái 4-2-4 (chỉ có 2 tiền vệ), sơ đồ đã đưa Brasil của Pele đến chức vô địch thế giới lần thứ 3 tại World Cup 1970. Nhưng đến World Cup 1974 tại Đức, Brasil đã thất bại (chỉ về thứ 4). Trong khi đó chịu ảnh hưởng của các nước XHCN, đặc biệt là CHDC Đức, TCĐS và các đội bóng miền Bắc đã tiếp thu và chuyển sang sơ đồ chiến thuật 4-3-3 hiệu quả hơn hẳn (tại World Cup 1974 cả 4 đại diện Đông Âu là: Đông Đức, Nam Tư, Bulgaria, Ba Lan đều vào vòng bảng thứ 2 và Ba Lan với danh thủ Lato, Bonieck đã giành hạng 3 sau khi đánh bại chính Brasil 1-0). Chính vì vậy, TCĐS mang đến một lối chơi đầy hiện đại, lạ lẫm và vô cùng hiệu quả, khiến các danh thủ Cảng SG - những “nghệ sĩ sân cỏ” hoàn toàn bất ngờ, lúng túng. Không có gì ngạc nhiên khi đại diện miền Bắc thắng trong chuyến Nam du: Tây Ninh 2-0, Đồng Tháp 2-0, Hậu Giang 3-1 (ngày ấy, 3 đội bóng tỉnh này rất mạnh bởi sau ngày giải phóng, những cầu thủ thi đấu cho các đội danh dự, hạng nhất ở Sài Gòn trở về quê hương, bản quán), và chỉ chịu thua trong trận cuối cùng khi trở về TP.Hồ Chí Minh gặp đội bóng có lối chơi khó chịu bậc nhất miền Nam hồi ấy là Hải Quan của anh em Cù Sinh, Cù Hè (1-2). “Không ngờ bóng đá miền Bắc XHCN hay và tiên tiến vậy”, đó là ấn tượng của tất cả giới chuyên môn, cầu thủ và người hâm mộ miền Nam sau chuyến hội ngộ, giao lưu sân cỏ đầu tiên giữa 2 miền sau ngày đất nước thống nhất.

Sau 43 năm với biết bao thăng trầm, năm 1999 đội TCĐS ngừng hoạt động, chuyển giao cho Ngân hàng Á châu và cùng với “bầu” Kiên biến mất luôn trên bản đồ bóng đá Việt Nam. Còn Cảng SG chính thức giải thể vào năm 2009 ở tuổi 34. Trước đó, vào năm 2001 Hải Quan nói lời cáo chung, chỉ tồn tại được 25 năm.

Minh Chung

(*) Trước giải phóng, giải đấu cao nhất của bóng đá miền Nam - hạng Danh dự có 12 đội, chủ yếu là các đội bóng của quân đội Sài Gòn, như: Tổng Tham mưu, Hải quân, Không quân, Cảnh sát… và các cầu thủ buộc phải đi quân dịch nhưng là “lính kiểng” (chỉ đá bóng không ra chiến trường). Sau 30-4-1975, các cầu thủ này chia nhau về đầu quân dưới các màu áo Cảng SG, Hải Quan, Sở công nghiệp, Công nghiệp Thực phẩm, hoặc trở về đội bóng các tỉnh quê hương.

Ở mùa giải thống nhất đầu tiên - Giải A1 toàn quốc 1980, Thể Công cũng không thi đấu (nhà vô địch chính là TCĐS với thành tích bất bại) mà đến giải lần thứ 2 (1981-1982) mới tham dự và đoạt ngay chức vô địch 2 mùa liên tiếp.

 

Tin xem nhiều