Báo Đồng Nai điện tử
En

Đảng ta tròn 85 tuổi và trọng trách mới

04:02, 17/02/2015

Vào cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX dưới ách thống trị của thực dân Pháp, các phong trào yêu nước chống thực dân liên tục nổ ra, tiêu biểu là phong trào Cần Vương do vua Hàm Nghi và Tôn Thất Thuyết khởi xướng; phong trào Đông Du của Phan Bội Châu; phong trào cải cách của Phan Chu Trinh; Khởi nghĩa Yên Thế do Hoàng Hoa Thám lãnh đạo…

* Muốn cứu nước, giải phóng dân tộc thì trước hết phải có “Đảng cách mệnh”

Chủ tịch Hồ Chí Minh - Người sáng lập và lãnh đạo Đảng ta
Chủ tịch Hồ Chí Minh - Người sáng lập và lãnh đạo Đảng ta.

Vào cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX dưới ách thống trị của thực dân Pháp, các phong trào yêu nước chống thực dân liên tục nổ ra, tiêu biểu là phong trào Cần Vương do vua Hàm Nghi và Tôn Thất Thuyết khởi xướng; phong trào Đông Du của Phan Bội Châu; phong trào cải cách của Phan Chu Trinh; Khởi nghĩa Yên Thế do Hoàng Hoa Thám lãnh đạo… Nhưng do thiếu đường lối đúng đắn, thiếu tổ chức lực lượng và phương pháp cách mạng cần thiết nên các phong trào đó đã lần lượt thất bại. Cách mạng Việt Nam chìm trong cuộc khủng hoảng sâu sắc về đường lối cứu nước.

Để tiến tới thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo cách mạng, Nguyễn Ái Quốc đã trải qua quá trình chuẩn bị tiền đề về chính trị, tư tưởng và tổ chức. Năm 1921, Người đã sáng lập “Hội liên hiệp các dân tộc thuộc địa” để đoàn kết các dân tộc bị áp bức, chống đế quốc. Năm 1922, Hội ra tờ báo “Người cùng khổ”. Người đã viết nhiều bài báo, nhiều tham luận tại các đại hội, hội nghị quốc tế, viết Tác phẩm “Bản án chế độ thực dân Pháp” và tổ chức ra các tờ báo Thanh niên, Công nông, Lính cách mệnh, Tiền phong… nhằm truyền bá chủ nghĩa Mác-Lênin vào Việt Nam.

Giữa năm 1923, Người rời nước Pháp sang Liên Xô để tiếp thu lý luận chủ nghĩa Mác-Lênin, tìm hiểu kinh nghiệm của Cách mạng tháng Mười, nhờ đó nhận biết của Người về lý luận, thực tiễn nói chung, kinh nghiệm của Cách mạng tháng Mười nói riêng được sâu sắc hơn, giúp giải đáp đúng đắn vấn đề mà Người rất quan tâm, đó là con đường cứu nước của cách mạng Việt Nam: độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội.

Năm 1927, Bộ Tuyên truyền của Hội Liên hiệp các dân tộc bị áp bức xuất bản tác phẩm “Đường cách mệnh” (tập hợp các bài giảng của Nguyễn Ái Quốc ở lớp huấn luyện chính trị của Hội Việt Nam cách mạng thanh niên). Đó là sự chuẩn bị về đường lối chính trị tiến tới thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam. Người khẳng định: Cách mạng muốn giành thắng lợi thì phải có một đảng lãnh đạo, đảng có vững cách mạng mới thành công, cũng như người cầm lái có vững thì thuyền mới chạy.

Để chuẩn bị công tác tổ chức và cán bộ, năm 1925, Người lập ra Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên, tổ chức nhiều lớp đào tạo cán bộ tại Quảng Châu (Trung Quốc) và gửi đi học tại Trường đại học Phương Đông (Liên Xô cũ) và Trường lục quân Hoàng Phố (Trung Quốc) nhằm xúc tiến việc đào tạo đội ngũ cán bộ lãnh đạo cách mạng Việt Nam.

Hội nghị thành lập Đảng...

Ngày 17-6-1929, những đảng viên trong Chi bộ Cộng sản Hàm Long tuyên bố thành lập Đông Dương Cộng sản Đảng. Ngày 25-7-1929, An Nam Cộng sản Đảng được thành lập ở Nam Kỳ. Tháng 9-1929 Đông Dương Cộng sản Liên đoàn được thành lập ở Trung Kỳ. Sự ra đời của ba tổ chức cộng sản phản ánh xu thế tất yếu của phong trào đấu tranh cách mạng ở Việt Nam. Tuy nhiên, những người cách mạng Việt Nam trong các tổ chức cộng sản đã nhận thức được sự cần thiết và cấp bách phải thành lập một Đảng Cộng sản thống nhất để bảo đảm lãnh đạo cách mạng Việt Nam giành thắng lợi.

Nguyễn Ái Quốc đã chủ động và chủ trì hội nghị hợp nhất Đảng tại Hương Cảng (Trung Quốc). Hội nghị bắt đầu họp từ ngày 6-1-1930 và từ ngày 3 đến 7-2-1930, hội nghị đã quyết định hợp nhất ba tổ chức Đảng (Đông Dương Cộng sản Đảng, An Nam Cộng sản Đảng, Đông Dương Cộng sản Liên đoàn) thành Đảng Cộng sản Việt Nam. Hội nghị thảo luận và thông qua các văn kiện: Chánh cương vắn tắt, Sách lược vắn tắt, Chương trình tóm tắt và Điều lệ vắn tắt của Đảng Cộng sản do Nguyễn Ái Quốc soạn thảo. Có thể nói, hội nghị hợp nhất Đảng thông qua là sự vận dụng sáng tạo chủ nghĩa Mác - Lênin vào điều kiện cụ thể cách mạng Việt Nam. Hội nghị thông qua lời kêu gọi của đồng chí Nguyễn Ái quốc thay mặt Quốc tế Cộng sản và Đảng Cộng sản Việt Nam gửi đến đồng bào, đồng chí trong cả nước nhân dịp thành lập Đảng.

Hội nghị hợp nhất các tổ chức Đảng cộng sản có ý nghĩa như một đại hội thành lập Đảng. Mặt khác khẳng định sự ra đời của Đảng là sản phẩm của sự kết hợp chủ nghĩa Mác-Lênin với phong trào công nhân và phong trào yêu nước Việt Nam. “Việc thành lập Đảng là một bước ngoặt vô cùng quan trọng trong lịch sử cách mạng Niệt Nam. Nó chứng tỏ rằng, giai cấp vô sản Việt Nam đã trưởng thành và đủ sức lãnh đạo cách mạng”. Từ đây, giai cấp công nhân và nhân dân lao động Việt Nam tham gia một cách tự giác vào sự nghiệp đấu tranh cách mạng của nhân dân thế giới. Đảng đã lãnh đạo đấu tranh và khởi nghĩa giành chính quyền tháng Tám năm 1945. Lần đầu tiên trong lịch sử cách mạng của các dân tộc thuộc địa và nửa thuộc địa, một Đảng mới 15 tuổi đã tổ chức lãnh đạo cách mạng thành công, đã nắm chính quyền trên toàn quốc; lần lượt lãnh đạo giành thắng lợi vĩ đại trong 2 cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp (1945-1954) và đề quốc Mỹ xâm lược (1954-1975); lãnh đạo xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa từ năm 1975 đến nay.

...Và trọng trách mới

- Trong điều kiện hội nhập quốc tế ngày càng được xúc tiến nhanh, ngoại giao đa phương ngày càng giữ một vị trí quan trọng góp phần nâng cao vị thế của đất nước trên trường quốc tế, đến nay Việt Nam là thành viên của 63 tổ chức quốc tế và có quan hệ ngoại giao với hơn 500 tổ chức phi chính phủ trên thế giới; đồng thời thể hiện vai trò ngày càng tăng tại Liên hợp quốc, như: Ủy viên Hội đồng kinh tế xã hội Liên hợp quốc, Ủy viên Hội đồng chấp hành Chương trình Phát triển Liên hợp quốc, Quỹ Dân số Liên hợp quốc… Đặc biệt, ngày 12-11-2013, Việt Nam trở thành thành viên Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc, đánh dấu bước tiến mới trong đường lối, chính sách đối ngoại của Đảng theo tinh thần Nghị quyết Đại hội lần thứ XI và Nghị quyết 22 của Bộ Chính trị về hội nhập quốc tế.

-  Công cuộc đổi mới hiện nay đang đặt ra những nhiệm vụ mới, với những khó khăn, thách thức mới: “Tình trạng suy thoái về tư tưởng, chính trị, đạo đức, lối sống, bệnh cơ hội, chủ nghĩa cá nhân và tệ quan liêu, tham nhũng, lãng phí của một bộ phận cán bộ, công chức diễn ra nghiêm trọng” . Thực trạng đó thực sự là một nguy cơ đe dọa sự tồn vong của chế độ. Nó là “giặc nội xâm” cần phải loại bỏ. Nói như vậy để thấy rằng, chúng ta đã thiếu chủ động trong việc đề ra chiến lược về giáo dục đạo đức cách mạng cho cán bộ, đảng viên khi bước vào đổi mới cơ chế, thực hiện mở cửa, hội nhập, làm ăn với tư bản nước ngoài. Vì vậy, cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” trong toàn xã hội hiện nay đang chứng tỏ tính tất yếu khách quan của vấn đề giáo dục đạo đức và việc tu dưỡng, rèn luyện nhân cách người cán bộ, nhất là phẩm chất đạo đức, lối sống của người đảng viên cộng sản. Mặt khác, Đảng phải nắm vững và vận dụng sáng tạo, góp phần phát triển chủ nghĩa Mác-Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh, không ngừng làm giàu trí tuệ nâng cao bản lĩnh chính trị, phẩm chất đạo đức và năng lực tổ chức để đủ sức giải quyết các vấn đề do thực tiễn đặt ra.

Một tiết mục văn nghệ mừng Đảng - mừng Xuân của Đoàn ca múa Đồng Nai
Một tiết mục văn nghệ mừng Đảng - mừng Xuân của Đoàn ca múa Đồng Nai. Ảnh: Lâm Cón

- Với những thắng lợi đã giành được trong 85 năm qua và từ thực tiễn phong phú của cách mạng Việt Nam, tại Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XI, Đảng đã rút ra 5 bài học kinh nghiệm lớn. Trong đó có bài học liên quan trực tiếp đến sự gắn bó máu thịt giữa Đảng với nhân dân: “Sự nghiệp cách mạng là của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân. Chính nhân dân là người làm nên những thắng lợi lịch sử. Toàn bộ hoạt động của Đảng phải xuất phát từ lợi ích và nguyện vọng chính đáng của nhân dân. Sức mạnh của Đảng là ở sự gắn bó mật thiết với nhân dân”. Niềm tin của dân trong mọi hoàn cảnh không thể áp đặt và bắt buộc; đồng thời niềm tin của dân không chỉ dựa vào lời nói mà phải dựa vào việc làm thực tế của Đảng với nhân dân. Bởi vì Đảng luôn ý thức được rằng: điều kiện để đảm bảo cho tính tất yếu lịch sử về vai trò cầm quyền và lãnh đạo xã hội của Đảng Cộng sản Việt Nam là phải luôn luôn đổi mới và chỉnh đốn Đảng, bảo đảm cho Đảng luôn vĩ đại, thực hiện có hiệu quả Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI), “Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay”.

Nguyễn Ngọc Sáng

 

 

 

 

 

Tin xem nhiều