Báo Đồng Nai điện tử
En

Đảng Cộng sản Việt Nam - nhân tố hàng đầu quyết định thắng lợi của cách mạng Việt Nam

04:02, 17/02/2015

Cùng với việc chỉ ra sứ mệnh lịch sử của giai cấp công nhân, các nhà kinh điển của chủ nghĩa Mác-Lênin đã chỉ rõ: "Để đánh đổ giai cấp tư sản, xây dựng xã hội Cộng sản chủ nghĩa, trước hết giai cấp công nhân phải tổ chức ra chính đảng độc lập của mình để lãnh đạo quần chúng làm cách mạng".

 

Cùng với việc chỉ ra sứ mệnh lịch sử của giai cấp công nhân, các nhà kinh điển của chủ nghĩa Mác-Lênin đã chỉ rõ: “Để đánh đổ giai cấp tư sản, xây dựng xã hội Cộng sản chủ nghĩa, trước hết giai cấp công nhân phải tổ chức ra chính đảng độc lập của mình để lãnh đạo quần chúng làm cách mạng”.

Xếp hình Tổ quốc tại một buổi lễ chào cờ đặc biệt đầu tuần sáng thứ hai của hơn 800 học sinh khối 12 của Trường THPT Lê Quý Đôn (TP.Biên Hòa)
Xếp hình Tổ quốc tại một buổi lễ chào cờ đặc biệt đầu tuần sáng thứ hai của hơn 800 học sinh khối 12 của Trường THPT Lê Quý Đôn (TP.Biên Hòa). Ảnh: Lâm Cón

Đối với Hồ Chí Minh, sau khi tìm thấy con đường cứu nước đúng đắn cho dân tộc, nhận thức rõ vị trí, vai trò của Đảng Cộng sản đối với tiến trình cách mạng Việt Nam, Người khẳng định: Cách mệnh “Trước hết phải có Đảng cách mệnh để trong thì vận động và tổ chức dân chúng, ngoài thì liên lạc với dân tộc bị áp bức và vô sản giai cấp mọi nơi. Đảng có vững cách mệnh mới thành công, cũng như người cầm lái có vững thuyền mới chạy”. Chính vì thế từ năm 1921 đến năm 1930, Nguyễn Ái Quốc ra sức truyền bá chủ nghĩa Mác-Lênin vào phong trào công nhân và phong trào yêu nước Việt Nam, tích cực  chuẩn bị về chính trị, tư tưởng và tổ chức cho sự ra đời của Đảng Cộng sản Việt Nam. Nhờ hoạt động không mệt mỏi của lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc và nhiều đồng chí cách mạng tiền bối, ngày 3-2-1930 Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời.

Sự kiện Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời là một bước ngoặt vô cùng quan trọng trong lịch sử cách mạng Việt Nam, đánh dấu một mốc son chói lọi trên con đường phát triển của dân tộc ta, là sự khẳng định vai trò lãnh đạo của giai cấp công nhân Việt Nam đối với cách mạng Việt Nam. Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời với đường lối đúng đắn đã chấm dứt tình trạng khủng hoảng về đường lối cách mạng, về giai cấp lãnh đạo cách mạng, mở ra con đường và phương hướng phát triển mới cho cách mạng Việt Nam.

Ngay từ khi mới ra đời Đảng đã lãnh đạo quần chúng nhân dân đứng lên đấu tranh giải phóng dân tộc với 3 cao trào cách mạng: Cao trào cách mạng 1930-1931 mà đỉnh cao là Xô Viết Nghệ - Tĩnh, cao trào đấu tranh đòi dân sinh, dân chủ (1936-1939) và cao trào đấu tranh giải phóng dân tộc (1939-1945) dẫn tới Cách mạng tháng Tám năm 1945. Đó là quá trình đấu tranh cách mạng vô cùng khó khăn, gian khổ của Đảng và dân tộc ta.

Cách mạng tháng Tám năm 1945 thành công là: “Do sự lãnh đạo sáng suốt và kiên quyết của Đảng, do sức đoàn kết và hăng hái của toàn dân trong và ngoài mặt trận Việt Minh”, với thắng lợi của Cách mạng tháng Tám “Chẳng những giai cấp lao động và nhân dân Việt Nam ta có thể tự hào, mà giai cấp lao động và những dân tộc bị áp bức nơi khác cũng có thể tự hào rằng: lần này là lần đầu tiên trong lịch sử cách mạng của các dân tộc thuộc địa và nửa thuộc địa, một Đảng mới 15 tuổi đã lãnh đạo cách mạng thành công, đã nắm chính quyền toàn quốc”.

Sau Cách mạng tháng Tám năm 1945, Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh đã lãnh đạo toàn dân vượt qua những khó khăn, thách thức nặng nề, chống thù trong, giặc ngoài, vừa kháng chiến vừa kiến quốc: xây dựng và củng cố vững chắc chính quyền nhân dân; bầu cử Quốc hội (6-1-1946); xây dựng Hiến pháp dân chủ đầu tiên (9-11-1946); chống giặc đói, giặc dốt, giặc ngoại xâm; tổ chức kháng chiến chống thực dân Pháp ở Nam bộ; kiên quyết trấn áp các thế lực phản cách mạng, bảo vệ chính quyền và thành quả Cách mạng tháng Tám, đưa cách mạng vượt qua những thử thách hiểm nghèo. Thành công nổi bật của hơn một năm xây dựng chính quyền non trẻ là đã tăng cường được sức mạnh của cách mạng để có thể tự bảo vệ thành quả cách mạng bằng sức mạnh của chính mình.

Tháng 12-1946, trước dã tâm xâm lược nước ta một lần nữa của thực dân Pháp, Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh đã phát động toàn quốc kháng chiến với quyết tâm: Chúng ta thà hy sinh tất cả chứ nhất định không chịu mất nước, không chịu làm nô lệ. Với đường lối kháng chiến toàn dân, toàn diện, trường kỳ kháng chiến; vừa kháng chiến vừa kiến quốc, dựa vào sức mình là chính, đồng thời tranh thủ sự đồng tình và ủng hộ của bạn bè quốc tế, Đảng đã lãnh đạo nhân dân ta lần lượt đánh bại các kế hoạch chiến tranh của thực dân Pháp mà đỉnh cao là Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ. Thắng lợi của Chiến dịch lịch sử Điện Biên Phủ và việc ký kết Hiệp định Genève năm 1954 đã chấm dứt sự thống trị của thực dân Pháp ở nước ta, mở đầu sự sụp đổ của chủ nghĩa thực dân cũ trên thế giới, giải phóng hoàn toàn miền Bắc, đưa miền Bắc tiến lên chủ nghĩa xã hội, làm hậu phương vững chắc cho cuộc đấu tranh giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.

Sau năm 1954, đế quốc Mỹ đã phá hoại Hiệp định Genève, hất chân thực dân Pháp ở miền Nam, biến miền Nam thành thuộc địa kiểu mới và căn cứ quân sự của chúng. Dân tộc ta lại phải đương đầu với chủ nghĩa thực dân mới của đế quốc Mỹ. Trước tình hình đó với bản lĩnh chính trị vững vàng, tư duy độc lập tự chủ, sáng tạo Đảng đã tiến hành đồng thời 2 chiến lược cách mạng: cách mạng xã hội chủ nghĩa ở miền Bắc và cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân ở miền Nam.

Xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc trong điều kiện từ một nước nông nghiệp lạc hậu tiến thẳng lên chủ nghĩa xã hội bỏ qua giai đoạn phát triển tư bản chủ nghĩa. Đảng đã lãnh đạo nhân dân ta tập trung giải quyết tốt các mối quan hệ cơ bản: giữa tiến hành chiến tranh cách mạng với xây dựng chủ nghĩa xã hội; giữa hậu phương lớn với tiền tuyến lớn; giữa thực hiện mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội; giữa lợi ích dân tộc với thực hiện nghĩa vụ quốc tế… Công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội trên miền Bắc đã thu được những thành tựu quan trọng. Vừa sản xuất, vừa chiến đấu và chi viện sức người, sức của cho tiền tuyến, miền Bắc đã nhanh chóng khôi phục và phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, bảo đảm quốc phòng an ninh, đánh thắng 2 cuộc chiến tranh phá hoại của đế quốc Mỹ; xây dựng hậu phương vững mạnh, trở thành căn cứ địa cách mạng của cả nước, bảo đảm mọi mặt cho tiền tuyến đánh thắng; mở rộng quan hệ đối ngoại, tranh thủ sự đồng tình và ủng hộ của các nước trên thế giới; tạo điều kiện thuận lợi cho cuộc đấu tranh chống Mỹ cứu nước; tạo những cơ sở vật chất và những kinh nghiệm quý cho sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam sau này.

Ở miền Nam, Đảng đã lãnh đạo toàn dân nêu cao quyết tâm đánh Mỹ, bảo vệ nền độc lập dân tộc và thống nhất Tổ quốc. Đương đầu với một đế quốc hùng mạnh bậc nhất thế giới, Đảng chủ trương đánh lâu dài; kết hợp đấu tranh chính trị với đấu tranh vũ trang và hoạt động binh vận; tiến hành đấu tranh trên cả ba vùng (đồng bằng, thành thị và miền núi); kết hợp mặt trận quân sự, chính trị với mặt trận ngoại giao; phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc và sức mạnh thời đại, quyết tâm giải phóng miền Nam, bảo vệ miền Bắc xã hội chủ nghĩa. Đảng đã lãnh đạo nhân dân ta lần lượt đánh bại các chiến lược chiến tranh tàn bạo của đế quốc Mỹ, giành nhiều thắng lợi vẻ vang mà đỉnh cao là Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, kết thúc 30 năm chiến tranh giải phóng dân tộc, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất Tổ quốc.

Sau chiến tranh, đất nước gặp muôn vàn khó khăn. Đảng đã lãnh đạo nhân dân vừa ra sức khôi phục kinh tế vừa tiến hành 2 cuộc chiến tranh chống xâm lược biên giới phía Bắc và Tây Nam, bảo vệ độc lập chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ. Đảng đã tập trung lãnh đạo xây dựng cơ sở vật chất của chủ nghĩa xã hội, từng bước hình thành cơ cấu kinh tế mới trong cả nước, cải thiện đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân lao động. Tuy nhiên, trước yêu cầu và nhiệm vụ cách mạng trong thời kỳ mới, việc duy trì quá lâu cơ chế tập trung bao cấp đã bộc lộ những hạn chế, nhược điểm. Trong việc hoạch định và thực hiện đường lối cách mạng xã hội chủ nghĩa, có lúc, có nơi đã mắc sai lầm khuyết điểm chủ quan, duy ý chí. Đó cũng là một trong những nguyên nhân dẫn đến sự trì trệ, khủng hoảng kinh tế - xã hội trong những năm đầu cả nước đi lên xây dựng chủ nghĩa xã hội.

Trước những yêu cầu cấp bách của thời kỳ mới, Đảng ta đã tổng kết sáng kiến từ thực tiễn của nhân dân, tìm tòi, hoạch định đường lối đổi mới, thể hiện qua các mốc: Nghị quyết Hội nghị Trung ương lần thứ 6, khóa IV (8-1979) với tư tưởng làm cho sản xuất bung ra; Chỉ thị 100-CT/TW ngày 13-1-1981 của Ban Bí thư về khoán sản phẩm trong nông nghiệp; Quyết định 25/CP ngày 21-1-1981 của Chính phủ về đổi mới quản lý kinh tế quốc doanh; Đại hội V với việc xác định nông nghiệp là mặt trận hàng đầu; Nghị quyết Hội nghị Trung ương lần thứ 8, khóa V (6-1985) thừa nhận sản xuất hàng hóa và những quy luật của sản xuất hàng hóa; Kết luận của Bộ Chính trị (9-1986) về 3 quan điểm kinh tế trong tình hình mới...  Đại hội VI của Đảng (12-1986) đã đề ra đường lối đổi mới đồng bộ, toàn diện đất nước, trong đó lấy đổi mới về kinh tế là trọng tâm, từng bước đổi mới về chính trị đã mở ra bước ngoặt quan trọng trong sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội ở nước ta.

Trước bối cảnh mô hình chủ nghĩa xã hội ở Liên Xô và Đông Âu sụp đổ, hệ thống xã hội chủ nghĩa thế giới tạm thời lâm vào thoái trào, Đại hội VII của Đảng (6-1991) khẳng định tiếp tục đổi mới đồng bộ, triệt để trên các lĩnh vực với những bước đi, cách làm phù hợp và giữ vững định hướng xã hội chủ nghĩa. Đại hội đã thông qua Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội, xác định những quan điểm và phương hướng phát triển đất nước, khẳng định chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh là nền tảng tư tưởng và kim chỉ nam cho hoạt động của Đảng.

Một tiết mục văn nghệ của Đoàn ca múa Đồng Nai chào mừng lễ kỷ niệm 85 năm Ngày thành lập Đảng cộng sản Việt Nam tại Trung tâm hội nghị và tổ chức sự kiện tỉnh sáng 2-2-2015.
Một tiết mục văn nghệ của Đoàn ca múa Đồng Nai chào mừng lễ kỷ niệm 85 năm Ngày thành lập Đảng cộng sản Việt Nam tại Trung tâm hội nghị và tổ chức sự kiện tỉnh sáng 2-2-2015. Ảnh: Công Nghĩa

Từ đó đến nay, tư duy lý luận của Đảng về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam, về phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, về xây dựng và phát triển nền văn hóa và con người Việt Nam... ngày càng sáng rõ hơn.

Dưới sự lãnh đạo của Đảng, qua gần 30 năm đổi mới, đất nước ta đã giành được những thắng lợi to lớn và có ý nghĩa lịch sử. Đất nước vượt qua khủng hoảng kinh tế - xã hội. Đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân được cải thiện rõ rệt, vượt qua ngưỡng nước nghèo chậm phát triển. Hệ thống chính trị và khối đại đoàn kết toàn dân tộc được củng cố và tăng cường. Chính trị, xã hội ổn định, an ninh, quốc phòng được giữ vững. Vai trò và vị thế của nước ta trên trường quốc tế ngày càng nâng cao.

Những thắng lợi mà cách mạng Việt Nam giành được trong suốt 85 năm qua kể từ khi có Đảng là minh chứng sinh động nhất về vai trò và năng lực lãnh đạo của Đảng đối với cách mạng Việt Nam. Tự hào với những thắng lợi đã đạt được, hướng tới tương lai tươi sáng, để làm tròn vai trò là người chèo lái con thuyền cách mạng Việt Nam, là nhân tố hàng đầu quyết định thắng lợi của cách mạng, Đảng phải không ngừng tự đổi mới, tự chỉnh đốn, tiếp tục nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu; đẩy mạnh toàn diện công cuộc đổi mới; xây dựng hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh; phát huy dân chủ và sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc; phát triển kinh tế nhanh, bền vững; nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân; giữ vững ổn định chính trị - xã hội; bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ; sớm đưa nước ta cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại.

Kỷ niệm 85 năm Ngày thành lập Đảng, toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta vô cùng tự hào vì đất nước ta có một Đảng Cộng sản kiên cường, trung thành với chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, đã lãnh đạo cách mạng Việt Nam đi từ thắng lợi này đến thắng lợi khác, làm nên những kỳ tích vĩ đại trong lịch sử dân tộc, đóng góp xứng đáng vào phong trào cộng sản và công nhân quốc tế, vì hòa bình và tiến bộ của nhân loại. Tự hào về Đảng quang vinh, về Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại, mỗi cán bộ, đảng viên và mỗi người dân Việt Nam càng thấy rõ hơn trách nhiệm của mình, nguyện đi theo Đảng, xây dựng Đảng ngày càng trong sạch, vững mạnh, tiếp tục lãnh đạo nhân dân ta đẩy mạnh sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và hội nhập quốc tế, thực hiện thắng lợi mục tiêu: Dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh, vững bước đi lên chủ nghĩa xã hội.

Thạc sĩ Phạm Xuân Hữu

Trường đại học Nguyễn Huệ - Bộ Quốc phòng

 

Tài liệu tham khảo

1. Đảng Cộng sản Việt Nam chặng đường qua hai thế kỷ, NXB CTQG, Hà Nội, 2006.

2. Hồ Chí Minh toàn tập, NXB CTQG, Hà Nội, 2011, tập 2.

3. Hồ Chí Minh toàn tập, NXB CTQG, Hà Nội, 2011, tập 7.

4. Tuyên ngôn của Đảng Cộng sản, NXB CTQG, Hà Nội, 2004.

Tin xem nhiều