Báo Đồng Nai điện tử
En

Đừng để người bệnh có thẻ bảo hiểm y tế thiệt thòi

10:12, 16/12/2020

Đến nay đã 3 năm kể từ khi Thủ tướng Chính phủ giao dự toán chi khám chữa bệnh bảo hiểm y tế (BHYT) cho từng địa phương nhưng 2 ngành y tế và bảo hiểm xã hội (BHXH) vẫn chưa tìm được tiếng nói chung khi thực hiện quyết toán BHYT và bệnh nhân vẫn là người chịu thiệt thòi từ hệ lụy "căng thẳng" này.

Đến nay đã 3 năm kể từ khi Thủ tướng Chính phủ giao dự toán chi khám chữa bệnh bảo hiểm y tế (BHYT) cho từng địa phương nhưng 2 ngành y tế và bảo hiểm xã hội (BHXH) vẫn chưa tìm được tiếng nói chung khi thực hiện quyết toán BHYT và bệnh nhân vẫn là người chịu thiệt thòi từ hệ lụy “căng thẳng” này.

Một trong những nghịch lý hiện nay là các bệnh viện càng phát triển kỹ thuật cao càng dễ bị vượt dự toán quỹ bảo hiểm y tế được giao. Trong ảnh: Bác sĩ Bệnh viện Đa khoa Thống Nhất thực hiện kỹ thuật điều trị nhịp tim bằng sóng cao tần radio. Ảnh: H.Dung
Một trong những nghịch lý hiện nay là các bệnh viện càng phát triển kỹ thuật cao càng dễ bị vượt dự toán quỹ bảo hiểm y tế được giao. Trong ảnh: Bác sĩ Bệnh viện Đa khoa Thống Nhất thực hiện kỹ thuật điều trị nhịp tim bằng sóng cao tần radio. Ảnh: H.Dung

Đó là băn khoăn của nhiều bạn đọc (BĐ) khi đọc bài Lại lo vượt dự toán quỹ BHYT đăng trên Báo Đồng Nai số ra ngày 8-12.

* Nỗi lo chuyên môn bị tiền bạc chi phối

Nhiều ý kiến BĐ cho rằng, “căng thẳng” giữa ngành Y tế và BHXH liên quan đến việc xuất toán khoản tiền vượt dự toán quỹ BHYT được giao vào dịp cuối năm không phải là chuyện mới. Tuy nhiên, điều nhiều BĐ lo lắng là khi BHXH “siết” dự toán chi BHYT và “nhăm nhe” tuýt còi xuất toán thì các bệnh viện sẽ “siết” lại chi phí khám chữa bệnh, cấp thuốc cho người bệnh có thẻ BHYT.

Để giải quyết và hạn chế vượt dự toán BHYT của năm 2021, Giám đốc BHXH tỉnh Phạm Minh Thành cho hay, trong năm 2021, Chính phủ sẽ có phương thức giao dự toán BHYT mới. Tuy nhiên, việc này vẫn đang chờ các văn bản hướng dẫn cụ thể. Hy vọng, việc giao dự toán BHYT năm 2021 sẽ giải quyết được những “căng thẳng” trong quyết toán quỹ BHYT như hiện nay.

Tình trạng “giằng co” dự toán chi BHYT giữa 2 ngành đã khiến đội ngũ y, bác sĩ của một số bệnh viện trong tỉnh băn khoăn khi chuyên môn bị tiền bạc chi phối. Một bác sĩ phẫu thuật của một bệnh viện tuyến tỉnh tâm sự, trong các buổi họp giao ban, giám đốc bệnh viện yêu cầu bác sĩ phải tính toán khi triển khai kỹ thuật cao, phải căn cơ trong việc cấp thuốc cho bệnh nhân... khiến bác sĩ “chùn tay”. Bởi thực hiện kỹ thuật cao cho bệnh nhân rất tốn kém, có ca có chi phí lên đến đến vài chục, thậm chí cả trăm triệu đồng, rất dễ dẫn đến vượt chi quỹ BHYT.

Một số BĐ lo lắng, nếu ngành BHXH cứ “siết” dự toán chi thế này, bệnh viện không dám triển khai kỹ thuật mới, không muốn điều trị kỹ thuật cao cho người bệnh, hạn chế kê toa thuốc đắt tiền cho bệnh nhân, vì càng làm nhiều kỹ thuật, càng cho toa thuốc đắt tiền càng lo bị xuất toán. Như vậy sẽ rất khó nâng cao chất lượng chuyên môn, cũng như chất lượng điều trị của các bệnh viện. Và lúc đó, chính bệnh nhân có thẻ BHYT là người thiệt thòi nhất.

* Người dân hiến kế

Vấn đề “giằng co” dự toán chi BHYT không chỉ là “chuyện buồn” của riêng Đồng Nai mà nhiều tỉnh, thành khác trong cả nước cũng ở tình trạng tương tự. Do đó, nhiều BĐ cho rằng, ngành BHXH và ngành y tế cũng đều là cơ quan nhà nước phục vụ vì quyền lợi của người dân, người bệnh nên cần tìm được tiếng nói chung để giải quyết những bất cập nêu trên.

Nhiều bệnh nhân có thẻ bảo hiểm y tế lo lắng nếu bệnh viện bị “siết” quỹ bảo hiểm y tế, bệnh viện sẽ hạn chế cho người bệnh thực hiện các kỹ thuật cận lâm sàng khi cần thiết. Trong ảnh: Một bệnh nhân có thẻ bảo hiểm y tế nhận thuốc tại Bệnh viện Đa khoa Đồng Nai
Nhiều bệnh nhân có thẻ bảo hiểm y tế lo lắng nếu bệnh viện bị “siết” quỹ bảo hiểm y tế, bệnh viện sẽ hạn chế cho người bệnh thực hiện các kỹ thuật cận lâm sàng khi cần thiết. Trong ảnh: Một bệnh nhân có thẻ bảo hiểm y tế nhận thuốc tại Bệnh viện Đa khoa Đồng Nai

BĐ Võ Hoàng Nguyên, một bác sĩ về hưu (ngụ P.Trung Dũng, TP.Biên Hòa) cho rằng, nguyên nhân xảy ra tình trạng BHXH xuất toán chi phí khám chữa bệnh BHYT là do hai bên chưa thống nhất được phác đồ điều trị vừa đúng quy định vừa phù hợp thực tế. Hiện nay, mâu thuẫn là do giám định viên căn cứ vào phác đồ điều trị theo quy trình, trong khi đối với một số bệnh, ngoài điều trị theo quy trình còn điều trị theo phác đồ kinh nghiệm nên làm phát sinh những khoản chi phí nằm ngoài phác đồ quy trình, dễ dẫn đến bị xuất toán quỹ BHYT.

Về vấn đề xây dựng phác đồ điều trị để làm cơ sở tính toán với quỹ BHYT, BĐ Võ Hoàng Nguyên “hiến kế”, các bệnh viện dựa vào hướng dẫn của Bộ Y tế, xây dựng phác đồ phù hợp. Trong phác đồ có quy định cụ thể từng loại bệnh kèm theo các chỉ định kỹ thuật lâm sàng, cận lâm sàng cần thiết sẽ hạn chế được tình trạng lạm dụng các kỹ thuật chẩn đoán. Sau đó, cơ quan BHXH sẽ cho ý kiến về phác đồ này. Nếu nhất trí thì ban hành phác đồ điều trị chuẩn, còn không thống nhất thì chỉnh sửa, bổ sung cho phù hợp thực tế để triển khai thực hiện. Lãnh đạo các bệnh viện phải có trách nhiệm giám sát, kiểm tra sự tuân thủ phác đồ chặt chẽ .

“Tuy nhiên, trong ngành y khác với những ngành khác, có nhiều vấn đề mà khi điều trị thực tế lại khác với lý thuyết. Do đó, BHXH cần linh động trong giám định chi BHYT, nếu thấy bệnh viện chi hợp lý thì không nên xuất toán, không nên áp dụng các quy định một cách máy móc gây khó cho cả đôi bên” - BĐ Võ Hoàng Nguyên kiến nghị.

Một số BĐ kiến nghị phải xử lý nghiêm các cơ sở y tế đã lạm dụng chỉ định xét nghiệm, cận lâm sàng quá mức cần thiết; sử dụng thuốc giá cao; chỉ định thuốc chưa đúng theo hướng dẫn của Bộ Y tế dẫn đến thâm hụt quỹ BHYT. Đồng thời, các bệnh viện cũng cần hướng đến giảm chi phí trong bộ máy, thiết bị trang bị, vật tư y tế để giảm đội dự toán thay vì “cắt giảm” kỹ thuật cao, “cắt giảm” thuốc chữa trị cho bệnh nhân. Có BĐ còn đề xuất, cần thuê một đơn vị giám định BHYT độc lập để đảm bảo tính khách quan cho các bệnh viện cũng như cơ quan BHXH khi thẩm định chi quỹ BHYT nhằm hạn chế những khó khăn, bất cập trong quyết toán quỹ BHYT như hiện nay.

Phương Liễu

Tin xem nhiều