Báo Đồng Nai điện tử
En

Quay clip về hành vi sai trái, tiêu cực đăng lên mạng xã hội: Cân nhắc để thực hiện đúng quy định

Phương Liễu
08:29, 11/10/2023

Thấy chuyện tiêu cực, sai trái, bất bình, nhiều người đã quay clip và đưa lên mạng xã hội (MXH). Tuy nhiên, cần cân nhắc trước khi đưa các clip này lên MXH để tránh vi phạm pháp luật.

Một số clip quay lén những hành vi tiêu cực, tha hóa, sai phạm được cộng đồng mạng tung lên mạng xã hội. Ảnh cắt từ các clip trên mạng xã hội
Một số clip quay lén những hành vi tiêu cực, tha hóa, sai phạm được cộng đồng mạng tung lên mạng xã hội. Ảnh cắt từ các clip trên mạng xã hội

* Vô tư đăng clip lên MXH

Thực tế, có khá nhiều vụ việc nhờ những clip này mà nhiều khuất tất được sáng tỏ, cơ quan chức năng vào cuộc điều tra và xử lý đúng người, đúng tội.

Lâu nay có không ít clip của người quay các hành vi tiêu cực rồi đưa lên MXH như: bạo hành trẻ em; bạo lực gia đình; bạo lực học đường; hành vi vi phạm an toàn giao thông… gây chú ý trong dư luận. Thực tế, có không ít clip đã giúp cơ quan chức năng lần ra manh mối, xác định hành vi hoặc tội phạm để tiến hành điều tra, xử lý  theo quy định.

Mới đây, vào ngày 29-9-2023, trên MXH xuất hiện clip dài 1 phút 23 giây ghi lại hình ảnh cô N.T.P., giáo viên Trường THPT Đa Phúc (H.Sóc Sơn, TP.Hà Nội) có hành vi túm cổ áo, kéo lê học sinh trước cửa lớp gây xôn xao cộng đồng mạng. Nguyên nhân của sự việc là do học sinh này mua bánh không đúng theo yêu cầu của cô chủ nhiệm. Từ clip này, ngành chức năng của TP.Hà Nội đã vào cuộc làm việc và cô P. đã bị tạm dừng công tác chủ nhiệm.

Tại Đồng Nai, tối 1-5, trên MXH xuất hiện clip quay cảnh người đàn ông vừa  đập phá đồ đạc, vừa hành hung một phụ nữ và một bé gái khiến họ bị thương tích. Từ clip này, Công an P.Long Bình Tân (TP.Biên Hòa) đã nhanh chóng xác minh được người đàn ông trong clip là ông L.A.Đ. (ngụ P.Long Bình Tân), từng nhiều lần hành hung vợ là bà N.T.Y. và 2 con. Ông Đ. đã bị Công an P.Long Bình Tân mời lên làm việc.

Tuy nhiên, thời gian qua, trên MXH cũng xuất hiện tràn ngập những clip mang đậm hành vi bạo lực (án mạng, đánh ghen); những vụ tai nạn giao thông thương tâm gây phản cảm, ám ảnh cho người xem; thậm chí cả những hành vi vi phạm giao thông như: đua xe, đánh võng, lạng lách…

Mới đây, MXH xôn xao clip người mẫu Ngọc Trinh thực hiện những động tác nguy hiểm như điều khiển mô tô phân khối lớn ngồi 2 chân sang một bên, thậm chí dang cả 2 tay khi xe chạy tốc độ cao tại một tuyến đường nằm trong khu đô thị mới Thủ Thiêm (TP.Thủ Đức, TP.HCM). Ngay sau khi xác minh, lực lượng công an đã mời Ngọc Trinh lên làm việc để làm rõ hành vi điều khiển xe mô tô phân khối lớn với động tác nguy hiểm.

Trước đó, tại Đồng Nai, ngày 3-6-2023, nhiều cư dân mạng cũng đã xem được clip dài 2 phút ghi lại hình ảnh một người đàn ông tưới xăng đốt một phòng trọ ở xã Phước Bình (H.Long Thành) do ghen tuông, khiến 7 người thương vong.

* Chú ý thực hiện đúng pháp luật

Việc quay và đăng những clip về các hành vi sai trái, tiêu cực, vụ án, vi phạm giao thông, tai nạn giao thông thương tâm… lên MXH đang nhận được những ý kiến trái chiều. Nhiều ý kiến cho rằng, người dân là tai mắt của các cơ quan chức năng, chuyện ghi lại bằng chứng sai phạm, tiêu cực phải khuyến khích trong xã hội để những việc xấu, người làm điều sai trái phải bị xử lý. Tuy nhiên, nhiều người lại cho rằng, cần cân nhắc khi đăng các clip này lên MXH, vì rất dễ xâm phạm đời tư của người khác hoặc gây ảnh hưởng tiêu cực đến người xem.

Nghị định 174/2013/NĐ-CP ngày 13-11-2013 của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bưu chính viễn thông và công nghệ thông tin và tần số vô tuyến điện, việc đưa thông tin, hình ảnh trái phép lên mạng máy tính, cung cấp, trao đổi, truyền đưa hoặc lưu trữ, sử dụng thông tin số nhằm đe dọa, quấy rối, xuyên tạc, vu khống, xúc phạm danh dự, nhân phẩm, uy tín của người khác có thể bị phạt tiền từ 10-20 triệu đồng.

Phân tích dưới góc độ pháp lý, luật sư Ngô Văn Định, Phó giám đốc Trung tâm Tư vấn pháp luật (Hội Luật gia tỉnh) cho biết, ranh giới giữa “công” hay “tội” của hành vi quay những sai phạm, tiêu cực của người khác rồi tung lên MXH là rất mong manh và đây cũng không được coi là hành vi tố cáo đúng luật. Chưa kể, Điều 32 Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định, cá nhân có quyền đối với hình ảnh của mình. Việc sử dụng hình ảnh của cá nhân phải được người đó đồng ý. Luật này cũng nghiêm cấm việc sử dụng hình ảnh của người khác, xâm phạm danh dự, nhân phẩm, uy tín của người có hình ảnh. Như vậy, việc tùy tiện đưa hình ảnh của người khác lên mạng là hành vi vi phạm pháp luật.

Theo Điều 19 Luật Tố cáo năm 2018, việc tố cáo sai trái, tiêu cực được thực hiện bằng đơn hoặc được trình bày, gửi kèm clip trực tiếp tại cơ quan, tổ chức có thẩm quyền mới được xem là tố cáo hợp pháp.

Cũng theo luật sư Ngô Văn Định, trong những vụ đánh nhau, đánh ghen…, việc một số cá nhân không can ngăn mà còn cổ vũ, kích động rồi quay clip tung lên mạng thể hiện sự vô cảm, thiếu trách nhiệm, gây ảnh hưởng xấu đến uy tín, danh dự của người khác. Thậm chí, đây có thể coi là hành vi cổ xúy, kích động bạo lực. Do đó, người phát tán hình ảnh, clip sử dụng hình ảnh trái phép, xâm phạm bí mật đời tư người khác và không phù hợp với thuần phong mỹ tục có thể bị phạt hành chính hoặc xử lý hình sự.

Trao đổi về vấn đề này, Phó giám đốc Sở TT-TT Giang Thị Thu Nga cho hay, Điều 8 và Điều 16 của Luật An ninh mạng, cũng như Điều 5 Nghị định số 72/2013/NĐ-CP ngày 15-7-2013 của Chính phủ về quản lý, cung cấp, sử dụng dịch vụ internet đã quy định rõ các hành vi bị nghiêm cấm trên không gian mạng, khi sử dụng internet, MXH.

“Hành vi quay clip đưa lên MXH nếu có mục đích kích động, gây rối trật tự công cộng, phá rối an ninh... đều là hành vi vi phạm pháp luật. Việc quay clip các hành vi tiêu cực, tha hóa, sai phạm đưa lên MXH đã được các cơ quan chức năng căn cứ để xử lý vi phạm, nhưng ở góc độ nào đó cũng ảnh hưởng tiêu cực đến cộng đồng như: gây bức xúc, phẫn nộ, ghê sợ... mặc dù người đưa lên MXH không có mục đích xấu. Do đó, quan điểm của cá nhân tôi không khuyến khích việc này” - bà Nga nói.

Theo bà Giang Thị Thu Nga, người dân cần cân nhắc khi đăng các clip quay các hành vi tiêu cực, tha hóa, sai phạm của người khác lên MXH. Tốt nhất cần cung cấp cho các cơ quan chức năng có thẩm quyền để giải quyết. Về phía ngành chức năng cũng cần có địa chỉ để tiếp nhận các clip phản ảnh các hành vi tiêu cực, vi phạm pháp luật bị phát hiện bởi cộng đồng mạng.

Phương Liễu

 

Tin xem nhiều