Báo Đồng Nai điện tử
En

Những mô hình an toàn giao thông hiệu quả

08:08, 04/08/2014

Ngày 29-7, Ủy ban MTTQ  Việt Nam phối hợp cùng Ủy ban MTTQ tỉnh Đồng Nai đã tổ chức hội nghị trao đổi kinh nghiệm về công tác vận động toàn dân tham gia bảo đảm trật tự an toàn giao thông (ATGT) của 9 tỉnh, thành phía Nam.

Ngày 29-7, Ủy ban MTTQ  Việt Nam phối hợp cùng Ủy ban MTTQ tỉnh Đồng Nai đã tổ chức hội nghị trao đổi kinh nghiệm về công tác vận động toàn dân tham gia bảo đảm trật tự an toàn giao thông (ATGT) của 9 tỉnh, thành phía Nam.

Tại hội nghị, các mô hình đảm bảo ATGT từ khu dân cư, hộ gia đình được đánh giá mang lại hiệu quả thiết thực. Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam mong muốn các mô hình ATGT được các tỉnh, thành triển khai thực hiện có hiệu quả thời gian qua sẽ được nhân rộng để công tác bảo đảm trật tự ATGT của xã hội đạt hiệu quả hơn.

* CÁC MÔ HÌNH AN TOÀN GIAO THÔNG HIỆU QUẢ

Tại hội nghị, đại diện MTTQ các tỉnh: Đồng Nai, Đồng Tháp, Bình Dương, Bình Phước, Trà Vinh, Vĩnh Long, Hậu Giang và 2 thành phố: Hồ Chí Minh, Cần Thơ đã thẳng thắn trao đổi các kinh nghiệm tuyên truyền cũng như các giải pháp, các mô hình đảm bảo ATGT được MTTQ các cấp vận động nhân dân thực hiện.

Theo MTTQ tỉnh Đồng Nai, kinh phí tuyên truyền công tác đảm bảo ATGT ở Đồng Nai được cấp đến tận ấp. Từ năm 2013, kinh phí này được nâng lên 1 triệu đồng/ấp, khu phố. Hàng năm, Ban ATGT tỉnh còn cấp tài liệu (cuốn), tivi, đầu đĩa đến một số ấp, khu phố, giúp cho MTTQ cơ sở tổ chức các buổi tuyên truyền về ATGT đến tận khu dân cư.  Ban vận động Mặt trận các ấp, khu phố đã cấp phiếu ký cam kết gia đình và khu dân cư bảo đảm trật tự ATGT đến tận nơi thực hiện (toàn tỉnh có 58 ngàn lượt hộ gia đình/năm và trên 1 ngàn ấp/năm ký cam kết). Công tác tuyên truyền về ATGT được lồng ghép trong nội dung thực hiện phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư”. Đến nay, toàn tỉnh có 1.007/1.007 ấp, khu phố đăng ký giữ vững và xây dựng đạt danh hiệu văn hóa, trong đó có nội dung bảo đảm trật tự ATGT (hiện có 92% ấp, khu phố đạt danh hiệu văn hóa).

Đối với TP.Hồ Chí Minh, công tác vận động nhân dân thực hiện ATGT được nêu cụ thể trong chương trình “3 không, 3 có”, với nội dung trực tiếp và dễ hiểu. Cụ thể, chương trình “3 không” gồm: không lái xe khi đã uống rượu bia; không chạy xe quá tốc độ quy định, không lấn tuyến, vượt ẩu; không kinh doanh, mua bán lấn chiếm lòng lề đường; và “3 có”, gồm: có đội mũ bảo hiểm đúng quy chuẩn khi tham gia giao thông; có giấy phép lái xe đúng quy định; có ứng xử văn hóa khi tham gia giao thông. Mô hình vận động “3 không - 3 có” đã được người dân ủng hộ, đồng tình thực hiện.

Hàng năm, Ban thường trực MTTQ TP.Hồ Chí Minh và Ban ATGT cùng cấp còn tổ chức 2 đoàn giám sát công tác bảo đảm trật tự ATGT và trật tự đô thị tại một số đơn vị, địa phương, trong đó có cả lực lượng thanh tra giao thông, cảnh sát giao thông… Qua giám sát, MTTQ thấy được các bất cập để góp ý lãnh đạo các ban, ngành có biện pháp khắc phục.

TP.Cần Thơ đã có sự gắn kết rất chặt chẽ giữa MTTQ địa phương và Ban ATGT thành phố. Ủy ban MTTQ TP.Cần Thơ chỉ đạo thực hiện 5 nội dung của khu dân cư đăng ký phong trào “Toàn dân tham gia bảo đảm trật tự ATGT”. Các nội dung, gồm: toàn dân tham gia tuyên truyền, phổ biến pháp luật giao thông; xây dựng các mô hình “Tổ tự quản về ATGT”, “Đoạn đường tự quản”; không vi phạm công trình giao thông và không có tai nạn giao thông xảy ra ở khu dân cư; tổ chức hộ gia đình ký cam kết không vi phạm ATGT (đạt 100%).

* ĐỂ CÁC MÔ HÌNH HIỆU QUẢ, BỀN VỮNG HƠN

Đại diện MTTQ các tỉnh, thành tham gia hội nghị đều cho rằng, công tác tuyên truyền, phố biến pháp luật giao thông đóng vai trò quan trọng trong việc nâng cao ý thức người tham gia giao thông, nhưng hiện nay vẫn còn tình trạng tuyên truyền không đến đúng đối tượng, tạo hiệu quả chưa cao.

MTTQ tỉnh Vĩnh Long đưa ra kinh nghiệm tuyên truyền, vận động đảm bảo ATGT áp dụng phù hợp với từng gia đình, từng đối tượng với hình thức hợp lý, hiệu quả hơn. Cơ quan MTTQ còn kết hợp với Ban ATGT địa phương đăng báo Đảng địa phương (phụ trương), nêu danh sách người vi phạm giao thông hàng tuần trên báo, để có cơ sở góp ý, phê bình các cá nhân ở khu dân cư vi phạm giao thông, qua đó góp phần thực hiện có hiệu quả công tác bảo đảm ATGT.

Bà Trương Thị Ngọc Ánh (ảnh), Phó chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam, cho biết: “Hiệu quả công tác phối hợp giữa MTTQ các cấp với Ban ATGT cùng cấp trong việc tuyên truyền pháp luật giao thông đến tận khu dân cư rất đáng ghi nhận. Ngoài việc người dân được nâng cao ý thức chấp hành pháp luật, còn có nhiều trường hợp người dân hiến đất làm đường giao thông nông thôn, góp phần đảm bảo ATGT ở cơ sở. Đây là nghĩa cử cao đẹp của người dân, nếu MTTQ cơ sở tuyên truyền, khơi gợi khéo léo thì người dân không những chấp hành mà còn tự nguyện đóng góp cho công tác bảo đảm ATGT. Sắp tới, MTTQ các cấp cần tổ chức nhiều cuộc trao đổi kinh nghiệm vận động nhân dân, xây dựng mô hình ATGT, nhân rộng hơn nữa các mô hình bảo đảm ATGT có hiệu quả, góp phần cùng cả nước kéo giảm tai nạn giao thông hơn nữa. Đó cũng là một trong những cách đem lại hạnh phúc cho nhân dân”.

Để tuyên truyền đúng đối tượng, MTTQ tỉnh Đồng Nai đã chi tiền “xăng xe” (kinh phí tuyên truyền ATGT ở ấp, khu phố) cho cán bộ cơ sở đi lại nhiều lần để gọi, mời cho bằng được đối tượng cần tuyên truyền, thuyết phục về việc chấp hành ATGT. Việc ký cam kết bảo đảm ATGT đến từng hộ gia đình tại các khu dân cư được MTTQ thực hiện đã tạo được hiệu quả nhất định. Nhưng cũng có ý kiến cho rằng, các bản ký cam kết này cần có hình thức phù hợp (hiện phổ biến là cỡ giấy A4), giấy to, đẹp, chữ to, ký xong dán nơi dễ thấy trong nhà, hoặc nơi người trong gia đình lấy xe đi ra đường là thấy ngay. Làm như vậy sẽ tạo hiệu quả cao hơn, vì lâu nay các bản cam kết ký xong sẽ được cất kỹ để cán bộ mặt trận kiểm tra sau đó (chu kỳ 1 năm), hoặc có khi người trong hộ để quên, mất.

Trong hoạt động giám sát của MTTQ TP.Hồ Chí Minh, có ý kiến cho rằng hoạt động này cần được thực hiện cụ thể ngay ở những nơi lực lượng thi hành công vụ đang làm nhiệm vụ. Như vậy, MTTQ có thể góp ý cụ thể hơn các trường hợp xử phạt chưa thuyết phục người vi phạm, thậm chí các hành vi tiêu cực của lực lượng thực thi công vụ. Như việc xử phạt người đi xe máy quẹo phải quên mở đèn xi-nhan cần được nhắc nhở một thời gian nhất định, sau thời gian nhắc nhở mà người lái xe vẫn vi phạm thì khi bị xử phạt họ sẽ không ấm ức. Làm như vậy sẽ tạo được tâm lý thoải mái chấp hành, góp phần nâng cao ý thức của người tham gia giao thông.

Thanh Toàn

 

 

 

Tin xem nhiều